Bệnh dịch virus corona mới ngày càng
trở nên nguy hiểm, với số lượng người nhiễm và chết do virus tăng vọt
từng ngày. Hàng loạt quốc gia muốn nhanh chóng đưa kiều dân thoát khỏi
vùng tâm dịch, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc, một mặt cho biết ''sẵn
sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế'', mặt khác gây trở ngại cho việc sơ
tán ngoại kiều nhiều nước.
Chiếc Boeing 747-400 chở công dân Hàn Quốc từ Vũ Hán về đến Gimpo International Airport, Hàn Quốc, ngày 31/01/2020. |
Gần
10 ngày sau khi chính quyền Trung Quốc chính thức công bố dịch, ngày
22/01/2020, mới bắt đầu có những chuyến bay quốc tế đầu tiên đưa kiều
dân rời khỏi vùng tâm dịch ở Vũ Hán (Wuhan). Theo nhiều phương tiện
truyền thông, chính quyền Trung Quốc đã có nhiều biện pháp ngấm ngầm cản
trở các công dân châu Âu sơ tán về nước.
Theo
nhật báo Pháp Le Figaro, trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
tuyên bố Bắc Kinh ''sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế'' để đối phó
với khủng hoảng dịch bệnh, thì trong hậu trường, giới ngoại giao Trung
Quốc có thái độ cứng rắn với các đồng nhiệm châu Âu.
Hôm
thứ Hai, 27/01, trong cuộc họp với một số đại sứ châu Âu, đại diện của
chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ các kế hoạch di tản đang diễn ra. Vấp
phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền các nước, rốt cục Bắc Kinh đã
nhân nhượng bằng cách hứa hẹn không chống lại các kế hoạch sơ tán ngoại
kiều. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có động thái nhân nhượng bề mặt, chính
quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục có các thủ đoạn ''thọc gậy bánh xe'', gây
khó khăn cho việc hồi hương của kiều dân, theo một số nguồn tin ngoại
giao châu Âu.
''Thọc gậy bánh xe''
Hàng
loạt trở ngại được dựng nên, từ việc đặt ra các đòi hỏi phức tạp về
giấy tờ hành chính đối với những người muốn ra đi, cho đến việc các phi
cơ Đức hay Pháp bị gây khó dễ trong việc hạ cánh tại Vũ Hán. Đặc biệt là
việc vợ, chồng hay con cái của các ngoại kiều, mang quốc tịch Trung
Quốc, không được chính quyền Trung Quốc bảo đảm là được phép rời khỏi
lãnh thổ.
Kênh
truyền thông BFMTV của Pháp tổng hợp nhiều nguồn tin quốc tế, theo đó
chính quyền các nước Pháp, Đức, Úc, Anh và Ấn Độ đều gặp nhiều trở ngại
trong việc tổ chức các cuộc hồi hương của kiều dân. Trong lúc Hoa Kỳ và
Nhật Bản, hai đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đã sơ tán được
hàng trăm người, thì các nước châu Âu vẫn bị gây khó khăn.
Trung
Quốc bị tố cáo là đã gây áp lực buộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) trì
hoãn không ban bố ''tình trạng khẩn cấp toàn cầu''. Cuối cùng trước nguy
cơ dịch bệnh bùng phát vượt tầm kiểm soát, hôm qua 30/01, WHO đã tuyên
bố ''tình trạng khẩn cấp toàn cầu'', có nghĩa là khủng hoảng dịch virus
corona mới không còn là khủng hoảng nằm trong tầm kiểm soát của chính
quyền Trung Quốc, mà đã trở thành vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế phải
có nghĩa vụ chung tay ngăn chặn.
Sự thật phũ phàng và nỗi lo mất mặt
Theo
nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh không ủng hộ kiều dân các nước rời khỏi
Trung Quốc, bởi đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế
không tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Bắc Kinh, một thực
tế khiến chính quyền Tập Cận Bình thêm mất mặt trước công luận quốc tế.
Về mặt đối nội, việc sơ tán hàng nghìn ngoại kiều, và có thể cả nhiều
người Trung Quốc làm việc cho các công ty nước ngoài, ra khỏi vùng tâm
dịch ở tỉnh Hồ Bắc, nơi khoảng 60 triệu dân Trung Quốc đang sống trong
tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập, rõ ràng là một vấn đề nhạy cảm,
có thể gây những bất bình trong xã hội.
Dù
sao, chính quyền Bắc Kinh cũng dần dần từng bước phải chấp nhận đối
diện với những sự thật phũ phàng. Từ chỗ che giấu dịch, đến chỗ thừa
nhận dịch ; từ chỗ gây khó dễ cho việc sơ tán ngoại kiều, chần chừ trong
việc đưa khách du lịch Trung Quốc về nước, đến chỗ phải chấp nhận điều
ngược lại. Chính quyền Bắc Kinh không có cách nào khác là buộc phải dần
dần minh bạch tình trạng dịch bệnh, bởi càng che giấu, khủng hoảng càng
có nguy cơ trầm trọng hơn.
Lo nhất là ''các nước có hệ thống y tế bấp bênh''
Hồi
cuối tuần trước, trong lúc chính quyền Trung Quốc thông báo chỉ có
khoảng vài nghìn người nhiễm virus corona mới, và một chuyên gia của
chính quyền dự báo đỉnh dịch sẽ đến trong mươi ngày tới, thì một số nhà
khoa học Hồng Kông ước tính đã có khoảng 40.000 người nhiễm virus và nạn
dịch sẽ chỉ đạt đỉnh vào khoảng tháng Tư, tháng Năm tới. Điều đó có
nghĩa là dịch bệnh có nguy cơ sẽ lớn hơn gấp bội.
Thái
độ hai mặt, lẩn tránh sự thực, ỷ mạnh hiếp yếu của chính quyền Trung
Quốc gây lo ngại là sẽ góp phần làm dịch bệnh corona mới thêm nghiêm
trọng. Hôm 30/01/2020, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros
Ghebreyesus cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của WHO là ''virus lây lan ở
những nước có hệ thống y tế bấp bênh hơn nhiều'', chứ không phải với các
quốc gia phát triển có cơ hội nhanh chóng sơ tán kiều dân.
Cam
Bốt là một ví dụ tiêu biểu. Quốc gia đàn em của Trung Quốc tại Đông Nam
Á, để chiều lòng Bắc Kinh, đã khăng khăng khẳng định dịch bệnh virus
conora mới hoàn toàn không phải là điều đáng sợ. Hôm 30/01/2020, thủ
tướng Cam Bốt Hun Sen, trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh, đã đe dọa
đuổi các phóng viên và bất cứ ai đeo khẩu trang phòng dịch ra khỏi phòng
họp.
(RFI)
Không có nhận xét nào