Thằng con trai 46 tuổi của tôi hồ hởi
báo tin: “Nhà mình hôm nay có tin vui. Bố phải thông báo cho tất cả anh
chị em nội ngoại và bạn bè thân thiết biết để mọi người mừng cho bố. Có
lẽ bố phải mở tiệc chiêu đãi cả nhà để đánh dấu sự kiện này”. Nói đoạn,
nó mở bì thư, trịnh trọng đọc quyết định của Quận ủy Cầu Giấy v/v xóa
tên tôi khỏi danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) “do đã
vi phạm quy định chuyển sinh hoạt Đảng”.
Cựu Đại tá CA Nguyễn Đăng Quang và cụ Nguyễn Trọng Vĩnh |
Tôi
quyết định “thoái Đảng” (tức lẳng lặng bỏ Đảng, không chuyển sinh hoạt
Đảng) từ giữa năm 2003 ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày
3/2/2020 này, tôi đã “thoái Đảng” được suýt soát 17 năm. Còn trong thực
tế, xin tiết lộ điều “bí mật” sau đây:
Ngay
khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm “khai trừ
Đảng khỏi lòng tôi” rồi. Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức
chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ,
chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ. Mãi
sau này, khi chính thức “thoái Đảng”, tôi mới biết là đã có rất nhiều
đảng viên ĐCSVN cũng hành động giống tôi, nghĩa là âm thầm “khai trừ
Đảng trong lòng” khi còn tại chức, không đợi sau khi nghỉ hưu mới “thoái
Đảng”.
Công
bằng mà nói, lý tưởng cộng sản đã từng một thời là khao khát và ước
vọng của biết bao thế hệ trẻ. Trong thập kỷ 1960’s và 1970’s, lý tưởng
cộng sản đã thôi thúc hàng triệu thanh niên trai tráng, trong đó có tôi,
tự nguyện viết đơn xin đứng trong hàng ngũ ĐCSVN.
Hồi
tưởng lại, niềm tin vào lý tưởng cộng sản thật là trong sáng, nó đã
không chỉ lay động trái tim tôi, mà còn sưởi ấm tâm hồn tôi. Chẳng thế
mà Milovan Djilas (1911-1995) cố Chủ tịch Quốc Hội Liên bang Nam Tư, cố
Uỷ viên BCT Đảng Cộng sản Liên bang Nam Tư, đã để lại một câu bất hủ cho
hậu thế: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi
mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”.
Vì
thế, lòng tin vào lý tưởng cộng sản trong tôi phai nhạt dần, cho đến
đầu thập niên 1990’s thì nguội lạnh và lịm tắt hẳn. Tôi thực sự đã mất
hết lòng tin vào ĐCSVN, vào chủ thuyết Marx-Lenine, vào CNXH và CNCS, và
cả vào cái gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” nữa.
Tôi
“thoái Đảng” vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay
nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ
hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương,
mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của “một thời đáng quên”. Họ
lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với
bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng
viên cộng sản chọn cách này để “tạm biệt” Đảng, không một ai có thể biết
chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số
này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là “vẫn yêu Đảng”, nhưng
thực tế đa số họ đã “chán Đảng”, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh
hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ
liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến “sổ hưu”, tức kế
sinh nhai hàng ngày của họ.
Vậy
phong trào “thoái Đảng” do đâu mà có? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi
có thể khẳng định nó bắt đầu từ lòng tin (vào ĐCSVN) bị giảm sút, đến
chỗ hồ nghi sự lãnh đạo của Đảng, và cuối cùng là mất sạch lòng tin vào
Đảng. Thế là bệnh “chán Đảng”, như một hệ lụy tất yếu, nó xuất hiện
trong sâu thẳm tâm can rất nhiều đảng viên. Bệnh “chán Đảng” nhanh chóng
trở thành phong trào “thoái Đảng”. Căn bệnh này lây lan rất nhanh, song
nó không gây nguy hiểm cho đất nước và xã hội, nhưng lại rất nguy hiểm
cho đảng cầm quyền. Xét về khía cạnh luật pháp hay đạo đức, nó không vi
phạm điều khoản nào trong mọi văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nó
không thể bị quy kết là “có tội”. Lượng tích tụ lâu dần, từ ngày này qua
tháng khác, sẽ biến thành chất. Đây là một quy luật tất yếu, không một
ai có thể ngăn cản nổi.
***
Đến
đây có thể có người đặt câu hỏi: Do đâu mà tôi “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” một cách logic và biện chứng như vậy? Vâng, đơn giản từ chỗ
giảm sút niềm tin, tới chỗ mất hết lòng tin vào ĐCSVN, rồi sớm vướng
phải căn bệnh “chán Đảng” để cuối cùng đi đến quyết định “thoái Đảng”,
trong vòng có vài năm! Trước khi trả lời câu hỏi trên, xin khẳng định
ngay tôi chưa một lần bị kỷ luật về Đảng hoặc về chính quyền. Tôi quyết
định “thoái Đảng” giữa năm 2003 sau khi nghỉ hưu là do nhiều nguyên
nhân, nhưng trước hết là bởi 10 thực tế sau đây quyết định:
Một
là: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước toàn trị, xã hội ta là xã hội
chuyên chế, phi dân chủ. ĐCSVN đã độc đoán áp đặt vào Điều 4 Hiến
pháp:“ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều
luật này chứng tỏ Đảng đã vô lý và ngang ngược bắt toàn xã hội chấp nhận
ý chí của một thiểu số. Như vậy có phải là độc tài, phi dân chủ không?
Đã thế, Đảng lại không chịu trách nhiệm với bất cứ quyết định nào về mặt
pháp lý của mình. Không thể coi nhà nước ta là dân chủ được, chỉ có thể
nói đó là xã hội toàn trị, phi dân chủ mà thôi. Ngày nàò còn chưa loại
bỏ điều luật phi lý và phi pháp trên, ngày đó không thể nói là nhà nước
và thể chế có dân chủ được. Thử hỏi có chính đảng nào trên thế giới này
lại mặc định trong Hiến pháp nước mình sự độc quyền lãnh đạo Nhà nước và
xã hội như ở Việt Nam ta?
Hai
là: Trong bộ Luật Đất đai, một bộ luật thiết yếu đối với người dân Việt
Nam, thay cho hình thức “Đa sở hữu đất đai” như vốn có từ trước khi
ĐCSVN ra đời, Đảng đã vô lý áp đặt vào Điều 4 (lại Điều 4). bộ Luật này
như sau: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và
thống nhất quản lý”. Điều khoản tù mù và cực kỳ vô lý này là một tử
huyệt của thể chế nước ta, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu gây ra bất
ổn xã hội. Nói vậy vì nó trực tiếp mở rộng đường cho các phe nhóm lợi
ích “bán nước, hại dân” trong Đảng liên kết với 63 Bí thư Tỉnh ủy các
địa phương trên toàn quốc tha hồ cướp đất của dân, nhất là ở các vùng
thôn quê. Chừng nào Luật Đất đai còn duy trì điều khoản vô lý, phi tự
nhiên này, chừng đó sẽ còn xảy ra những vụ như Thủ Thiêm, Lộc Hưng
(Tp.HCM), Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), Đoàn Văn Vươn (Hải
Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Đặng Văn Hiến (Đắc Nông),v.v… Dù cho
đã cố áp dụng và tìm mọi cách để ngăn chặn, ĐCSVN cũng bất lực, không
thể chấm dứt tình trạng khiếu kiện ngút trời của dân oan khắp 3 miền đất
nước do họ bị giải tỏa và cưỡng chế đất đai bất hợp pháp và vô tội vạ.
Ba
là: Việt Nam không có Tam quyền phân lập nên không có Nhà nước pháp
quyền. Đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay đều áp dụng mô hình tam
quyền phân lập. Ba nhánh quyền lực, gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp
hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc nhau, kiểm soát và hạn chế quyền lực
của nhau nhằm thực thi nguyên tắc phân quyền giữa các thiết chế trên
trong một nhà nước pháp quyền. Không một ai hoặc một định chế nào, kể cả
Tổng thống hoặc chính đảng cầm quyền, có thể đứng trên 3 thiết chế này.
Trên và cao hơn họ chỉ có thể là Hiến pháp. Đây là một phát kiến của
nhân loại chứ không phải là sản phẩm của riêng giai cấp nào. Còn ở Việt
Nam, trên và cao hơn họ trong suốt 75 năm qua không phải là Hiến pháp,
mà duy nhất chỉ có ĐCSVN ngự trị. Nếu “rule of law” là pháp quyền và
“rule by law” là pháp trị (pháp quyền là sự cai trị của pháp luật, còn
pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật) thì mô hình nhà nước ta là mô
hình Nhà nước Đảng trị. Khác với đa số các quốc gia trên thế giới, ĐCSVN
quản lý và cai tri đất nước bằng luật lệ riêng của mình. Như vậy, rõ
ràng nước ta là Nhà nước Đảng trị. Ngày nào ta còn duy trì hệ thống pháp
luật lạc lõng này, ngày đó sẽ còn xảy ra nhiều bất công pháp lý cũng
như vô vàn vụ án oan sai tày đình.
(P/S:
Đơn cử, trong vụ Đồng Tâm mới đây nhất, lẽ ra VKSNDTC khi phát hiện
thấy BCA có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nửa đêm giữa thời bình, BCA
ngang nhiên điều động hàng ngàn CSCĐ xâm nhập bất hợp pháp cộng đồng dân
cư và nhà riêng công dân, nổ súng giết hại cụ ông Lê Đình Kình, 84 tuổi
đời, 58 tuổi đảng ngay tại nhà riêng, cướp và mang đi nhiều tài sản
cùng nhiều hồ sơ, tài liệu quý của gia đình, bắt mang đi gần 30 người
dân Đồng Tâm,v.v…) thì họ phải chủ động khởi tố vụ án hình sự để điều
tra, xác định nguyên nhân và động cơ việc giết hại cụ Kình và gián tiếp
làm 3 CSCĐ “hy sinh”, mà không phải “chờ lệnh” hay “được phép” của Bộ
Chính trị hoặc Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN! Nhận thấy có việc vi phạm
cực kỳ nghiêm trọng pháp luật VN, sáng 21/01/2020 vừa qua, 12 người
chúng tôi có “Đơn Tố giác” tội phạm và đã chuyển trực tiếp cho VKSND Tp.
Hà Nội và Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nội về vụ việc nói trên. Điều 146
Bộ luật TTHS 2015 quy định, trong phạm vi 03 ngày làm việc, chúng tôi
phải được báo cho biết kết quả thụ lý đơn tố giác nói trên của chúng
tôi. Nhưng đến nay đã quá thời hạn trên, nhưng chúng tôi chưa nhận được
hồi âm nào của 2 cơ quan tư pháp có trách nhiệm tiến hành công tác tố
tụng. Liệu tất cả có rơi vào im lặng?)
Bốn
là: Thực trạng tham nhũng ở nước ta rất khủng khiếp. Bản chất thể chế
chính trị của ta là sinh ra tham nhũng, ngược lại, bọn tham nhũng ra sức
bảo vệ cho cơ chế đã sinh ra chúng tồn tại. Đảng chỉ giỏi chống tham
nhũng trên giấy, và chỉ chống tham nhũng bằng các nghị quyết sáo rỗng.
Càng hô hào chống tham nhũng, thì tham nhũng càng lớn mạnh. Trong suốt
30 năm qua, ĐCSVN chỉ giỏi nói mồm, giỏi tuyên truyền, kêu gọi “toàn
Đảng, toàn dân” diệt trừ tham nhũng. Tưởng rằng tham nhũng sẽ sớm “toi
đời”, nhưng chẳng hiểu sao, cứ sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, tệ nạn này lại
càng sống khỏe. Từ chỗ chỉ là một vài con sâu đơn lẻ, chúng đã sớm trở
thành một bầy sâu, và nay đã lớn mạnh thành những tập đoàn sâu, chúng ăn
của dân “không chừa một thứ gì” thì hỏi làm sao không “chết cái đất
nước này”?. ĐCSVN ngày nay đang tha hóa, biến chất và suy thoái toàn
diện. Có thể khẳng định,100% các “con sâu cỡ bự” này đều là đảng viên
cao cấp của ĐCSVN. Người viết bài này xin nói thật điều sau đây: “ĐCSVN
sẽ khó tránh khỏi số phận sụp đổ như các ĐCS ở các nước XHCN Đông Âu và
Liên Xô trước đây. Lý do duy nhất là nó đã và đang dung dưỡng cả một bầy
sâu bọ tham nhũng trong lục phủ ngũ tạng của mình”! Vâng, câu “Sư tử
thân trung trùng thực sư tử nhục” là rất nhỡn tiền, bởi đây là quy luật
hoàn toàn tự nhiên và khách quan.
Năm
là: ĐCSVN đã cầm quyền 75 được năm nhưng chưa hề có một cơ chế kiểm
soát quyền lực nào thực sự hữu hiệu. Một trong các cơ chế kiểm soát
quyền lực là UBKT các cấp, nhưng đó chỉ là công cụ riêng của Đảng. Vừa
qua, UBKTTƯ đã làm được một số việc hợp với lòng dân, như đưa ra xét xử
một số vụ án, trong đó có 2 bị cáo nguyên là Bộ trưởng và UVTƯ Đảng: Một
bị tuyên chung thân, người kia bị tuyên 14 năm tù giam,v.v… Song các vụ
trên chắc chắn sẽ được kịp thời ngăn chặn một khi UBKTTƯ do Đại hội
Đảng bầu trực tiếp, chứ không phải do BCHTƯ (thực chất là do TBT, BCT)
chỉ định. Vì vậy, UBKTTƯ xưa nay chỉ được làm những vụ việc mà TBT và
BCT đã gật đầu. Nếu UBKTTƯ được Đại hội Đảng bầu ra, mà không phải do
TBT và BCT chỉ định, thì sẽ hoàn toàn khác. Các vụ lạm quyền, vi phạm
pháp luật trắng trợn như Thủ Thiêm, Mobiphone mua AVG, Bauxite Tây
Nguyên, Vinashine, Vinaline, Formosa, Gang thép Thái Nguyên, v.v… chắc
chắn sẽ không thể xẩy ra, hoặc nếu có xảy ra thì sẽ bị ngăn chặn sớm.
Sáu
là: Tệ nạn “mua quan, bán tước” và “chạy chức, chạy quyền” đã và đang
hoành hành trong các cơ quan công quyền nước ta trong suốt nửa thế kỷ
qua, làm hư hỏng biết bao cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước, hết
thế hệ này sang thế hệ khác. Có người hỏi tôi: “Thế ĐCSVN có biết hiện
tượng trên là rất nguy hại không?”. Tôi đáp: “Có, Đảng không chỉ biết mà
còn biết rất rõ, nhưng Đảng đã làm cố ngơ và che đậy những hiện tượng
này!” Mãi đến gần đây, ngày 23/9/2019, ĐCSVN mới ban hành một văn bản,
gọi là Quy định 205-QĐ/TƯ có tên là “Chống chạy chức, chạy quyền” nhằm
ngăn chặn tệ nạn trên, nhưng đã quá muộn, mọi sự đã đâu vào đấy cả rồi.
Người bán thì đã “mất tăm”, còn người mua thì sẽ phải giữ im lặng để tìm
cách “thu hồi vốn” và “kiếm chút lãi”. Chỉ dân lành ở giữa là nạn nhân
hứng chịu mọi hậu quả.
Bảy
là: Việt Nam còn hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chừng
nào trong Luật Báo chí của ta còn chưa cho phép tư nhân được quyền ra
báo riêng, chừng đó không thể nói là có tự do báo chí và tự do ngôn
luận. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu
tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Người dân
phải có quyền tự do biểu đạt chính kiến, tự do lập hội và biểu tình. Nhà
nước ta còn nợ người dân 2 bộ luật mà Hiến pháp1946 đã cam kết là luật
Biểu tình và Lập hội. Nếu quá bức xúc về vấn đề xã hội nào đó, người dân
buộc phải xuống đường biểu tình, sẽ bị cơ quan chức năng vu là “tụ tập
đông người” hoặc “gây rối trật tự công cộng” để có lý do trấn áp. Đảng
khất lần quá lâu, đến nay 3/4 thế kỷ đã trôi qua mà chưa đệ trình Quốc
Hội ban hành 2 bộ luật trên để người dân thực hiện quyền hiến định của
mình.
Tám
là: Có lẽ ai cũng biết Giáo dục và Y tế xưa nay là 2 lĩnh vực quan
trọng, rất thiết thân đến xã hội và mọi gia đình người dân, nhưng Đảng
đã tỏ ra ảo tưởng hão huyền. Ngay từ sau ĐH III (đầu thập kỷ 60’s), Đảng
đã khẳng định như đinh đóng cột: Giáo dục và Y tế thể hiện tính “Ưu
việt của CNXH là học sinh đi học, gia đình không phải trả tiền; và người
dân được chữa bệnh miễn phí!”. Ngày nay, trường học và bệnh viện chính
là 2 nơi người dân phải mất tiền nhiều nhất. Không chỉ vậy, 2 lĩnh vực
này đã và đang xuống cấp trầm trọng về cả chuyên môn lẫn đạo đức. Về
giáo dục, vụ án “Gian lận thi cử” xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và
Hòa Bình năm học 2018-2019 vừa qua là một ví dụ điển hình. Ngành y tế
cũng cũng vướng vào nhiều vụ án kinh hoàng không kém: Công ty dược VN
Pharma buôn lậu thuốc chữa ung thư giả, nhiều trẻ sơ sinh tử vong bất
thường tại một số Bệnh viện,v.v… Và mới đây nhất, lãnh đạo Khoa Vi sinh
(Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) đã gian dối lệnh cho nhân viên cắt đôi que
thử HIV và viêm gan B, làm chấn động dư luận Hà Nội và cả nước.
Chín
là: ĐCSVN ngày nay không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa.
Đảng đã không coi trọng và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ
Đảng như con ngươi của mắt mình nữa! Từ sau Đại hội IV đến nay, nội bộ
Đảng đã rạn nứt và chia năm xẻ bảy, hình thành nhiều phe phái khác nhau.
Việc TBT Nguyễn Phú Trọng suýt bật khóc trước ống kính truyền hình của
VTV1 khi đọc diễn văn bế mạc HNTƯ lần thứ 6 (Khóa XI) vì không kỷ luật
nổi “đồng chí X” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đã nói lên khá đầy đủ tình
trạng chia rẽ trầm trọng trong Đảng hiện nay. Tóm lại, nội bộ ĐCSVN
đang hình thành các phe nhóm lợi ích khác nhau, các phe nhóm này chỉ lo
đấu đá, tranh đoạt lợi ích và quyền lực với nhau, bỏ mặc quyền lợi đất
nước và lợi ích dân tộc. Họ có thể chia rẽ và mâu thuẫn nhau trong nhiều
vấn đề, song có một vấn đề mà họ luôn thống nhất với nhau, đó là đặt
lợi ích của Đảng và giai cấp vô sản lên trên hết! Đây phải chăng là điềm
gở, rất gở báo hiệu một tương lai ảm đạm cho số phận ĐCSVN?
Mười
là: Về đối ngoại, ĐCSVN đã và đang lệ thuộc mọi mặt vào ĐCSTQ, nhất là
từ khi 2 đảng bí mật đi đêm với nhau để ký Mật ước Thành Đô (4/9/1990).
Kể từ đó, ĐCSVN đã lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ĐCSTQ. Lão tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên UVTƯ Đảng (1960-1976), là người rất am tường
về TQ vì đã có 13 năm liên tục (1974-1987) làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn
quyền VN tại TQ, vừa từ trần ngày 26/12/2019, hưởng thọ 104 tuổi, đã
vạch trần ĐCSVN hiện nay trở nên biến chất và hư hỏng, không còn xứng
đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng của
ĐCSVN mà cụ đề cập, xin được trích dẫn nguyên văn lời cụ như sau: ”Ba
là: ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào
ĐCSTQ. Sau khi ký kết Mật ước Thành Đô (9/1990) với ĐCSTQ, Ban lãnh đạo
ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ. ĐCSVN làm ngơ,
không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ
quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn TQ xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ
đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi TQ ngang ngược coi thường
luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái
phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
Việt Nam, Mới đây nhất, Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu
sách phi lý của TQ đòi VN phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt với Tập
đoàn dầu khí Tây Ban Nha tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”(Trích bài “Lão tướng NTV
lên tiếng về quyết định của Gs.TL). Còn gần đây nhất, kể từ đầu 7/2019
cho đến giữa 10/2019, TQ đã điều tầu thăm dò địa chấn HD.08 cùng hàng
chục tầu chiến vào bên trong thềm lục địa nước ta để khảo sát và quần
thảo ở bãi Tư Chính, ĐCSVN đã không hề ra tuyên bố lên án hoặc tố cáo
TQ. Không chỉ vậy, ĐCSVN tìm mọi cách ngăn cản các nỗ lực của giới nhân
sỹ trí thức và người dân đòi kiện TQ ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế
như Phippines đã làm năm 2016. Vậy xin hỏi, ĐCSVN có đặt lợi ích dân tộc
và quyền lợi quốc gia lên tối thượng không? Và như vậy có xứng đáng với
vai trò là người lãnh đạo Nhà nước và dẫn dắt xã hội nữa hay không?
***
Đôi
điều bộc bạch nói trên là rất thật của người viết bài này. Những đều
trên đã hằn sâu trong suy nghĩ và tâm tư của tôi mấy chục năm qua, ít ra
là từ sau năm 1990 đến nay, 30 năm trước khi tôi nhận quyết định xóa
tên nói trên. Xin cảm ơn quý độc giả đã kiên trì đọc những dòng tâm tình
gan ruột trên đây của tôi, mặc dù có đôi chút giông dài, mong được
lượng thứ!
Cựu Đại tá CA Nguyễn Đăng Quang
Hà Nội, ngày 3/2/2020.
(BaSam)
Không có nhận xét nào