Header Ads

  • Breaking News

    5 đại dịch từng khiến cổ nhân Trung Hoa khiếp sợ: Chưa đầy 2 tháng, 1 triệu người chết


    Sức lây lan kinh hoàng cùng mức độ nguy hiểm của những đại dịch này đã khiến chúng từng trở thành nỗi ám ảnh với các triều đại phong kiến Trung Hoa xưa.
      5 đại dịch từng khiến cổ nhân Trung Hoa khiếp sợ: Chưa đầy 2 tháng, 1 triệu người chết

    Tại Trung Hoa vào thời cổ đại, khi mà cách gọi "bệnh truyền nhiễm" còn chưa xuất hiện, nền y học nước này từ sớm đã đặt tên cho nhóm bệnh dễ lây lan này bằng một chữ "dịch".

    Và trên thực tế, Trung Hoa phong kiến đã phải từng trải qua không ít đại dịch. Trong số đó, 5 dịch bệnh dưới đây được cho là gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cả.

    Thương hàn – Bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất vào thời cổ đại

    Theo "Chu lễ - Thiên quan", thương hàn thời xưa còn được gọi là "Tật y" hay "Tiêu thủ tật".

    Dựa trên quan điểm của các danh y thời nhà Thanh, bệnh thương hàn thường bùng phát vào mùa xuân, khi nhiệt độ không ổn định, lúc nóng lúc lạnh, khiến người ta dễ mắc chứng nhức đầu, phát sốt.

    Đây chính là những khái niệm đầu tiên về chứng thương hàn theo y học cổ đại. Cũng bởi vậy mà vào thời bấy giờ, phạm vi định nghĩa của căn bệnh này vẫn rất rộng.

    Vào thời Đông Hán, sử liệu Trung Hoa từng ghi nhận trường hợp một dòng họ có 200 nhân khẩu, tuy nhiên không tới 10 năm (tính từ năm 196) đã tử vong hai phần ba, trong đó 70% lý do thiệt mạng đều đến từ chứng thương hàn.

    "Tam Quốc chí – Ngụy thư" phần "Võ Đế kỷ" cũng ghi lại một lần đại quân Tào Ngụy từng khổ sở vì dịch bệnh này.

    Theo đó vào năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208), Tào Tháo tiến hành nam chinh và tham chiến trong trận Xích Bích.

    Tuy nhiên tới tháng 12 năm ấy, quân Tào đột nhiên gặp phải bệnh dịch, binh sĩ thiệt mạng nhiều vô số kể. Trên thực tế, đó đó là chứng thương hàn thường bùng phát vào thời kỳ đông xuân.

    Căn bệnh này thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với cổ nhân Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ 13.

    "Kim sử - Ai Tông bản kỷ thượng" có viết: Vào năm 1232, Biện Kinh xảy ra đại dịch, chỉ trong vòng 50 ngày, người chết đã lên tới hơn 90 vạn.

    Biện Kinh thời bấy giờ chính là thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng, đại dịch thương hàn đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người ở thành trì ấy vào thời điểm bấy giờ.

    Sốt rét – căn bệnh truyền nhiễm hung hiểm nhất thời cổ đại

    Vào thời xưa, bệnh sốt rét còn được biết tới với tên gọi "chướng khí". Đây được xem là một dịch bệnh vô cùng đáng sợ trong mắt cổ nhân.

    Trước thời nhà Tần, căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở phương nam. Theo ghi chép của Chu Lễ, dịch bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa thu, bởi phía nam vào khoảng thời gian này thường có nhiều điều kiện phù hợp để muỗi sinh sôi và phát triển.

    Vào thời cổ đại, khu vực các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên vốn là địa bàn dịch sốt rét hoành hành. Cũng bởi vậy mà quân lính của các triều đại khi tiến hành nam chinh đã từng không ít lần khổ sở vì đại dịch ấy.

    Năm xưa, Thừa tướng Thục quốc là Gia Cát Lượng cũng bởi vì e ngại dịch bệnh sốt rét nên đã từng tạm hoãn kế hoạch nam chinh của mình.

    Không chỉ vậy, theo ghi chép của "Tư trị thông giám", vào năm 756 dưới thời nhà Đường, Đường triều phái tướng quân dẫn 7 vạn quân đánh trận ở khu vực biên giới Vân Nam ngày nay. Kết quả là binh lính gặp phải nạn sốt rét, chín phần mười đều chết bệnh.

    Lao phổi – Đại dịch có sức lây lan kinh hoàng nhất thời cổ đại

    Bệnh lao phổi còn có tên cổ là "truyền thi", "độn thi", "phong thi", "trầm thi"…

    Danh y Hoa Đà trong cuốn "Hoa thị trung tàng kinh" từng đưa ra lời bàn về chứng bệnh này. Ông cho rằng, lao phổi là căn bệnh sở hữu sức lây lan hết sức khủng khiếp.

    Để minh chứng cho nhận định của mình, Hoa Đà còn khẳng định: Chứng bệnh này dễ lây tới mức người tới thăm bệnh nhân lúc họ ốm yếu hay đi viếng lúc họ đã qua đời cũng vẫn có thể dễ dàng bị lây nhiễm.

    Cổ nhân cho rằng, "thủ phạm" gây ra chứng bệnh về đường hô hấp ấy là một loại "trùng". Họ thường gọi tác nhân này là "lao trùng" hay "sái trùng".

    Theo nhận định của Thời báo Phượng Hoàng (Ifeng – Trung Quốc), đây thực chất chính là những phát hiện đầu tiên về trực khuẩn lao thường được nhắc tới trong y học hiện đại.

    Bệnh phong – Chứng bệnh khiến người mắc dù khỏi cũng không thể lập gia đình

    Căn bệnh này vào thời xưa còn được biết tới với nhiều cách gọi khác như "bệnh thiên hình", "lệ phong"… Đây bị xem là một bệnh truyền nhiễm ác tính từng gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa.

    Cũng bởi vậy mà cổ nhân từng liệt những người mắc bệnh phong vào danh sách những đối tượng tuyệt đối không nên thành thân.

    Cụ thể, theo "Đại đới lễ ký" ghi lại, từ thời nhà Hán đã lưu truyền quan niệm "ngũ bất thú" về 5 kiểu người tuyệt đối không nên lấy làm vợ hoặc chồng.

    Trong số đó có đề cập tới quan niệm không thành thân với những người mắc "bệnh hiểm nghèo", và bệnh phong đương nhiên cũng không phải ngoại lệ.

    Trung Hoa xưa cũng từng ghi nhận không ít giai thoại về các nhân vật nổi danh tài hoa cũng phải từ bỏ mạng sống vì bệnh phong quái ác.

    Trong số này nổi tiếng hơn cả phải kể tới học trò của Khổng Tử là Nhiễm Canh và thi nhân thời Đường tên Lư Chiếu Lân.

    Đậu mùa – Bệnh truyền nhiễm được cổ nhân phòng ngừa sớm nhất

    Đậu mùa còn có tên cổ là "lỗ sang", "thiên hoa", "thiên đậu"…

    Bằng chứng về căn bệnh này được các nhà khảo cổ học hiện đại phát hiện trên xác ướp Ai Cập có niên đại 3000 năm. Hầu hết các suy đoán đều cho rằng căn bệnh này không bắt nguồn từ Trung Quốc mà lây lan từ Ai Cập hoặc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 4.

    Mặc dù không phải chịu ảnh hưởng nặng nề như châu Âu, nhưng bệnh đậu mùa cũng trở thành đại dịch khiến cổ nhân Trung Hoa khiếp sợ. Thậm chí tới thời nhà Thanh, căn bệnh này vẫn bị xem là một nỗi ám ảnh.

    Giai cấp thống trị của vương triều Mãn Thanh còn đặt ra quy định: Một khi dịch đậu mùa bùng phát, ổ dịch sẽ lập tức bị phong tỏa, người bệnh không được phép ra khỏi nhà, người nằm trong vùng dịch nhưng chưa phát bệnh cũng sẽ bị đưa tới những nơi xa xôi nhằm tiến hành cách ly.

    Một trong những vị vua nổi tiếng của vương triều này là Khang Hi đế cũng từng khổ sở vì dịch bệnh này khi mắc phải đậu mùa vào năm lên hai.

    Mặc dù may mắn được chữa khỏi, thế nhưng di chứng của căn bệnh này vẫn lưu lại trên mặt ông, biệt danh "Hoàng đế mặt rỗ" của Khang Hi cũng từ đó mà ra.

    Dù vậy, đậu mùa vẫn được xem là một trong những dịch bệnh mà cổ nhân Trung Hoa tìm ra cách phòng ngừa.

    Trên thực tế, phương pháp chống bệnh đậu mùa đầu tiên tại nước này đã được tìm thấy vào cuối thế kỷ 10 và được thực hiện rộng rãi vào thế kỷ 16 dưới thời nhà Minh.

    *Theo quan điểm của báo Phượng Hoàng (Ifeng – Trung Quốc)


    Trần Quỳnh

    Theo Trí Thức Trẻ

    Không có nhận xét nào