Đất phía tây Đồng Sênh với diện tích
59 ha “nguồn gốc là 100% của dân;” và cách thức chính quyền Hà Nội bố
ráp làng Đồng Tâm rạng sáng 9 tháng Giêng là “hoàn toàn sai trái”, theo
nhận định của hai cựu tù nhân chính trị hiện sống tại Hoa Kỳ, là “Điếu
Cày” Nguyễn Văn Hải và tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
‘Tây Đồng Sênh là của người dân’
Ông Nguyễn Văn Hải nói rằng ‘có sự nhập nhèm’ của chính quyền đối với hai khu đất riêng biệt, Đông và Tây Đồng Sênh.
Theo
ông, khu đất diện tích 47,63 ha phía đông Đồng Sênh là khu đất người
dân Đồng Tâm không đòi vì đã có quyết định của Chính phủ thu hồi từ lâu
để xây dựng sân bay Miếu Môn. Ông Hải nói rằng người dân Đồng Tâm đã
“thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn” với mục đích sử dụng cho mục đích quốc
phòng đối với khu đất này.
Tuy
nhiên, khu đất phía tây Đồng Sênh với diện tích 59 ha “nguồn gốc là
100% của dân,” ông Hải nói và cho biết ông có nhận định như vậy dựa trên
video ông Kình nói về nguồn gốc khu đất này.
“Khu đất 59 ha chưa có bất kỳ quyết định thu hồi nào và cũng chưa được đền bù,” ông Hải phân tích.
Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ, một cựu tù nhân chính trị, hiện sống tại Virginia, Hoa
Kỳ, có nhận định tương tự ông Nguyễn Văn Hải, rằng diện tích đất 59 ha ở
phía tây Đồng Sênh “người dân Đồng Tâm có quyền sử dụng hợp pháp.”
Lý
do ông Vũ đưa ra là Nhà nước chưa có quyết định thu hồi mảnh đất 59 ha
đó cũng như chưa đền bù cho dân trong khi truy về nguồn gốc thì dân làng
Đồng Tâm thừa hưởng mảnh đất đó từ hợp tác xã.
“Mảnh
đất phía tây Đồng Sênh chưa có quyết định thu hồi, chưa được đền bù thì
đất đấy vẫn luôn thuộc về hợp tác xã Đồng Tâm,” ông nói. “Nếu hợp tác
xã không còn tồn tại thì nó thuộc về những người nông dân đã góp đất.”
Ông
Nguyễn Văn Hải nói đã “có sự nhập nhèm” của chính quyền để “biến hai
khu đất này làm một” và gọi đây là đất quốc phòng. “Việc này gây uất ức
cho người dân Đồng Tâm và sự uất ức này tích tụ từ lâu.”
Ông
Hải dẫn giải thêm: “Đối với khu đất 59 ha này chính quyền không trưng
ra được bản đồ và quyết định thu hồi đất thời điểm 1981 (thời điểm Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ra quyết định thu hồi đất để xây dựng
sân bay Miếu Môn).”
Và,
cơ sở để người dân Đồng Tâm có quyền sở hữu (tức là quyền sử dụng đất
theo luật pháp Việt Nam) là ở chỗ “người dân Đồng Tâm đã đóng thuế, canh
tác trên khu đất đó trong nhiều năm nay.”
Vẫn
theo nhận định của ông Hải, khi tranh chấp đất ở Đồng Tâm nóng lên hồi
năm 2017, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận rằng toàn bộ đất sân
bay Miếu Môn ‘là đất quốc phòng’ theo quy định của pháp luật, tức là
“không có phân biệt giữa hai khu đất phía đông và tây Đồng Sênh.”
Tiến
sĩ Hà Vũ đưa ra nhận định về khái niệm đất hợp tác xã và đất công: “Có
trường hợp chính quyền xã sử dụng quyền quản lý của mình để đưa đất của
hợp tác xã thành đất công. Khi đó, các xã viên cũ của hợp tác xã được xã
phân phối đất để canh tác và họ được xem như là đang canh tác trên đất
công chứ không phải đất đai của họ đã được chia từ cải cách ruộng đất.”
Ông
nói trường hợp xã Đồng Tâm “chính quyền xã đã giao đất cho các hộ nông
dân trong xã” và “trong sổ bộ có ghi hết… Các hộ nông dân có quyền sử
dụng đất theo cơ sở mà họ đã được giao.”
“Ủy
ban xã đã giao đất cho nông dân và họ đã canh tác trong nhiều năm thì
quyền sử dụng đất thuộc về nông dân. Nếu ủy ban xã muốn lấy lại quyền sử
dụng đất thì phải đền bù cho dân,” ông nói thêm.
Tuy
nhiên, trong bối cảnh cả người dân Đồng Tâm lẫn chính quyền đều cho
mình là đúng, ông Vũ cho rằng cách giải quyết là “tiến hành đo đạc lại
trên thực địa với sự tham gia của Ủy ban nhân dân Hà Nội, Thanh tra
Chính phủ và người dân Đồng Tâm” để xác định chính xác diện tích xây sân
bay Miếu Môn là bao nhiêu, có phải chỉ là 47,63 ha hay nhiều hơn số đó.
Khi đó thì mới minh định được bên nào đúng, bên nào sai.
Chính quyền ‘cướp đất’ và ‘hai phía đều sai’
Ông
Nguyễn Văn Hải, từng bị chính quyền Việt Nam kết án 12 năm tù về tội
‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, gọi chiến dịch bố ráp Đồng Tâm của nhà
cầm quyền Hà Nội là “giết người diệt khẩu.”
Còn
tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nhận định vụ tập kích vào rạng sáng ngày 9/1 là
“cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa chính quyền và người dân kể từ
khi cuộc nổi dậy chống tham nhũng của người dân Thái Bình,” đồng thời
“rõ ràng có cái sai của cả hai phía.”
Tiến
sĩ Hà Vũ nói mâu thuẫn giữa hai bên còn một cách giải quyết là “qua con
đường tòa án” thay vì phải dùng đến bạo lực. Nhưng chính quyền đã
“không hướng dẫn người dân khiếu kiện (quyết định hành chính hay kết
luận giải quyết khiếu nại tố cáo) và người dân cũng không biết để tiến
hành khởi kiện.”
Ông
Nguyễn Văn Hải nhận định hành động đột kích của chính quyền Hà Nội vào
làng Đồng Tâm giữa đêm khuya “vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về
các quyền dân sự và chính trị” vì theo đó “không ai bị tước đoạt mạng
sống một cách vô cớ mà phải thông qua tòa án.”
“Đây
là vụ kiện hành chính chứ không phải hình sự,” ông đặt vấn đề. “Chỉ là
người khiếu kiện thôi thì tại sao phải dùng công an, quân đội tấn công?”
Ông lập luận rằng hành động này của chính quyền Hà Nội “không phải là cưỡng chế đất tranh chấp”.
Lý
do: “Luật quy định không được cưỡng chế vào ban đêm. Vụ tranh chấp là ở
Đồng Sênh chứ không phải ở thôn Hoành, ở nhà ông Kình đâu mà đưa quân
vào.”
Cho
rằng “con đường tòa án” có thể là giải pháp, Tiến Sĩ Hà Vũ nói ông
“ngạc nhiên tại sao các luật sư không hướng dẫn người dân tiến hành khởi
kiện.”
“Người
dân Đồng Tâm và luật sư của họ đã tự tước đi một khả năng giải quyết
xung đột, dẫn đến việc người dân cho rằng mình bị ức chế và không còn
cách nào khác để giải quyết xung đột ngoài biện pháp vũ lực.” Vẫn lời
ông Hà Vũ.
Ông
gọi đó là “thái độ cực đoan” và đưa ra dẫn chứng là “ông Lê Đình Kình
tuyên bố sẵn sàng hy sinh tính mạng để chống lại chính quyền.”
“Chính
thái độ cực đoan đó đã khiến chính quyền phải dùng vũ lực để đối phó
thái độ sẵn sàng tử thủ của người dân Đồng Tâm,” ông phân tích.
‘Đấy không phải là kẻ thù mà là người dân’
Tuy
nhiên, luật sư này cho rằng ngay cả khi người dân Đồng Tâm tuyên bố
liều chết trước chính quyền thì ‘chính quyền cũng không được phép sử
dụng vũ lực’.
Ông
nói nếu trong trường hợp xây tường rào sân bay Miếu Môn mà dân làng
Đồng Tâm ra cản phá thì chính quyền có thể dùng các biện pháp hành chính
như ‘ngăn cản và xử phạt họ tội hủy hoại tài sản’.
“Chính
quyền cũng có thể cưỡng chế bắt tạm giam họ (những người phá hoại) để
vô hiệu hóa,” ông nói thêm. “Nhưng chính quyền không có quyền sử dụng vũ
lực nếu những người phá hoại không sử dụng vũ khí.”
Thông
cáo phát đi từ Bộ Công an cho biết trong quá trình xây dựng tường rào
sân bay Miếu Môn đã có những người dùng hung khí tấn công lực lượng xây
dựng. Sau đó, chính quyền đã huy động lực lượng hùng hậu tập kích vào
làng Đồng Tâm lúc giữa đêm.
Tuy
nhiên, ông Vũ cho rằng nếu những người cản phá “chỉ dùng vũ khí tự chế,
thô sơ để tấn công” thì chính quyền “cũng không được dùng vũ khí quân
dụng để chống trả trừ phi có sự đe dọa trực tiếp đến tính mạng.”
Ông
Nguyễn Văn Hải thì cho rằng chính quyền muốn giết ông Lê Đình Kình để
“diệt khẩu:” “Mục tiêu ban đầu của họ là tấn công vào những người trong
tổ Đồng Thuận, những người cốt lõi trong vụ Đồng Tâm, để giết người diệt
khẩu.”
“Cụ
Kình là quản lý nhiều đời ở khu vực đó vẫn giữ nhiều hồ sơ giấy tờ. Đó
là lý do họ đưa quân vào nhà cụ Kình, giết chết cụ Kình và cẩu luôn két
sắt của cụ.”
Trả
lời câu hỏi liệu chính quyền có quyền tập kích phủ đầu hay không nếu
đối tượng phản kháng có dấu hiệu có tổ chức, lên kế hoạch để sẵn sàng
chống trả lại, Tiến Sĩ Hà Vũ cho rằng “chưa đủ cơ sở.”
“Trong
trường hợp này vào ban đêm người dân đang ở trong nhà họ chứ không phải
là ở ngoài hiện trường nơi đang xây dựng tường rào mà gọi họ là đối
tượng gây rối (để tập kích),” ông nói.
Ông
cũng cho rằng hành động tích trữ vũ khí để “tử thủ” không thể được xem
là chủ động tấn công. “Họ chỉ dùng đến vũ khí khi cảm thấy bị tấn công
và tính mạng mình bị đe dọa phải đánh trả,” ông nói.
“Nếu
không có bằng chứng về người dân Đồng Tâm chủ động gây bạo lực thì công
an không có quyền nổ súng trước,” ông phân tích. “Cho đến giờ không có
bằng chứng cho thấy người dân Đồng Tâm sử dụng vũ khí đấy ra khu đất
tranh chấp để phá rối việc xây tường rào.”
Thay
vì dùng lực lượng sức mạnh tập kích nhà đối tượng, ông Vũ cho rằng có
thể giải quyết bằng cách xin lệnh bắt giữ và cơ quan chức năng “đợi đến
sáng đến nhà bắt giữ họ.” Khi đó, nếu họ tiến hành các hành vi bạo lực
thì cơ quan chức năng “có quyền vô hiệu hóa.”
Trả
lời câu hỏi liệu việc tập kích vào ban đêm có cần thiết để giảm tối
thiểu thương vong cho hai phía cũng như người dân vô tội trong làng hay
không, ông Vũ không đồng ý và cho rằng “phải tuân thủ quy định của pháp
luật.”
“Cho
dù khu vực đấy có đông dân đến đâu đi nữa thì vẫn có nhiều biện pháp
khác. Chẳng hạn như bắc loa kêu gọi những người không liên quan rời đi
khỏi nơi sắp xảy xung đột.” ông nói.
“Chính quyền phải kiên nhẫn. Đấy không phải là kẻ thù mà là người dân.”
Về
trường hợp tấn công ban ngày có thể dẫn đến khả năng ông Kình và gia
đình “tử thủ” gây thương vong cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, ông
Hà Vũ nói chính quyền có thể “bao vây, cắt điện nước” và “thuyết phục họ
từ bỏ sử dụng bạo lực.”
“Ông
Kình và gia đình ông sẽ không cam tâm để cho người thân của mình cùng
chết với mình. Họ phải đẩy phụ nữ và trẻ em ra hàng,” ông Vũ nói.
(VOA)
Không có nhận xét nào