Header Ads

  • Breaking News

    Vụ Đồng Tâm: Các bên đều 'vượt quá giới hạn' về bạo lực?

    Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội 'chưa làm tròn' vai trò trong sự việc ở Đồng Tâm diễn ra hôm 09/01/2020, một cựu Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam từng là thành viên của đoàn Đại biểu Thành phố Hà Nội khóa XII, nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Tư.

    Mô hình giải quyết xung đột về đất đai hiện nay ở Việt Nam như trong vụ Đồng Tâm là 'không ổn', theo cựu Đại biểu Quốc hội, TS. Phạm Thị Loan
    Các bên trong vụ tranh chấp, xung đột đều 'vượt quá giới hạn' khi sử dụng bạo lực dẫn đến kết cục 'đáng tiếc' và cứ tiếp tục mô hình ứng xử với tranh chấp, xung đột đất đai như vậy sẽ làm hình ảnh của Việt Nam trở nên 'méo mó', vẫn theo vị cựu Đại biểu Quốc hội này.

    "Chuyện ở Đồng Tâm là một câu chuyện rất là đau lòng, mà lẽ ra sẽ phải có một cách giải quyết khác, để cho không xảy ra việc đau lòng như vậy, cho cả hai bên, kể cả dân, kể cả chính quyền, công an," Tiến sỹ Phạm Thị Loan nói với BBC hôm 15/01/2020 từ Việt Nam.

    "Tôi thực sự là buồn, tại sao lại để xảy ra như thế thì là một người dân, cũng như là một người có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân thì thực sự là rất là buồn và rất là đau lòng với cách giải quyết như vậy."

    Trước câu hỏi có vấn đề gì, hay câu hỏi nào đặt ra về mặt pháp lý, pháp luật hoặc công lý trong sự kiện Đồng Tâm xảy ra mới đây hay không, bà Phạm Thị Loan nói:

    "Tôi không đi sâu, theo dõi sâu, nhưng mà về cơ bản tôi nghĩ rằng nếu nó là vấn đề gì về pháp lý, pháp luật, thì cũng phải có cách giải quyết cho nó ôn hòa, ổn thỏa.

    "Còn như với cách như vừa rồi, nó dẫn đến rất nhiều chuyện bức xúc về sau. Thực ra nếu có căn cứ về pháp lý đầy đủ, thì các phía phải tâm phục, khẩu phục.

    "Tôi nghĩ là nó có cái gì đó chưa ổn về mặt pháp lý, tôi nghĩ là có cái gì đó chưa được rõ ràng, chưa được minh bạch, chưa được ổn về pháp lý, cho nên nó dẫn đến câu chuyện như vậy."

    Vượt quá giới hạn?

    Khi được hỏi, liệu trong toàn bộ sự việc diễn ra hôm 09/1, có ai, hay phía nào đã vượt quá giới hạn khi sử dụng bạo lực hay không, nữ cựu Đại Biểu Quốc hội của Việt Nam nói:

    "Tôi thấy là cả hai phía đều vượt quá, bởi vì cái thứ nhất là việc đưa hàng nghìn quân vào nhà dân, vào khu vực dân cư trong thời gian 4 giờ sáng như thế, nếu mà cách giải quyết như thế là không ổn.

    "Cái thứ hai là đối với phía dân, mà lại có những việc mà sử dụng những hình thức chống đỡ theo cách đó, thì thực ra là cũng không hay.

    "Cho nên việc này, theo cách nhìn của tôi thì cả hai phía đã đi quá giới hạn, dẫn đến kết cục rất là đau buồn như vậy."

    Trước câu hỏi, liệu người dân còn có lựa chọn nào khác nữa hay không, bà Phạm Thị Loan nói:

    "Đi sâu vào chi tiết thì tôi không đi vào, nhưng nếu nó ôn hòa hơn thì sẽ tốt cho cả hai bên, còn tất nhiên là người ta (người dân) bị đặt vào tình huống, có thể người ta bức bách, đường cùng, người ta phải đưa cả thân mạng để người ta đánh đổi, thì cách đấy cũng là một cách quá giới hạn."

    "Cách đấy là một cách quá giới hạn cho cả hai phía. Nếu mà nó ôn hòa hơn, hoặc là cách đối đáp nhẹ nhàng hơn, hoặc là cũng kiên quyết, nhưng mà phải có một cách gì đấy đỡ gây ra chuyện hai bên đối xử với nhau như vậy."

    'Thảm cảnh, thương tâm'

    Về cái chết của ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, một trong những người thiệt mạng được biết cho đến nay trong cuộc bố ráp, tập kích của công an và chính quyền hôm 09/1 ở xã Đồng Tâm, cũng như có thể bình luận gì về những lời nhận tội được nhà nước công bố của các nghi can bị chính quyền bắt giữ liên quan sự việc, nữ cựu Đại biểu bình luận:

    "Cái chết của ông Lê Đình Kình, theo như trên mạng xã hội đưa tin, thì rất là thương tâm, môt cụ già 84 tuổi mà rơi vào thảm cảnh như thế, thực sự tôi thấy rất là thương tâm, tôi cũng đã xem video mà người ta đưa trên mạng, tôi không thể tưởng tượng được nó lại xảy ra như vây.

    "Và việc mà bây giờ hai bên nói, thì cái đó thực ra là một người dân, tôi cũng phải lắng nghe, nhưng mà tôi chưa thực sự tin bên nào cả, tôi chưa thực sự tin hoàn toàn, bởi vì những thông tin đưa ra còn rất là mập mờ.

    "Còn đối với phía người dân, thì bây giờ người ta đang rơi vào một cảnh ngộ như vậy, kể cả những lời người ta thú nhận hay những lời người ta giải bày, thì cái thực sự là ở chỗ nào, cái mấu chốt, bản chất ở đâu, cái đấy còn phải có rất nhiều điểm cần phải soi sáng.

    "Còn nếu cứ theo như truyền thông đưa ra mà để nói rằng hiện nay dân thú nhận như thế này, rồi tất cả đổ hết cho ông Kình thì tôi không tâm phục, khẩu phục. Còn những cái mà thông tin đưa ra chính thống, tôi cũng không tâm phục, khẩu phục. Đấy là ý kiển riêng của tôi như vậy."

    Các bên đều 'vượt quá giới hạn' về bạo lực?
    Vai trò Quốc hội?

    Trước câu hỏi về vai trò của Quốc hội Việt Nam, của các đoàn Đại biểu Quốc hội có liên quan trong vụ việc này, liệu đã được thực hiện đầy đủ và tích cực chưa, hay cần được làm như thế nào, bà Phạm Thị Loan đáp:

    "Đối với vai trò của Quốc hội, tôi thấy chưa mạnh và chưa làm tròn được vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ cho người dân và cũng như là giám sát những hoạt động của chính quyền. Tôi thấy chưa đủ mạnh và chưa tròn vai trong việc này."

    Về ý kiến cho rằng cần mở ra một cuộc điều tra độc lập với việc lập một ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội về vụ việc, bà Loan bình luận:

    "Theo tôi thì điều tra cứ điều tra thôi, nhưng trong tình huống này thì khó lắm, có điều tra thì nó cũng phải theo một đường lối nào đấy, mà đã theo đường lối, thì nhiều khi cũng khó để mà có thể quy kết được và khó để mà đi theo chính kiến của lẽ phải. Khó lắm!"

    Về mô hình giải quyết xung đột và tranh chấp đất đai nói chung ở Việt Nam, mà vụ việc ở xã Đồng Tâm là một trường hợp, và về việc liệu mô hình này có cần thay đổi, cải thiện gì hay không, cựu Đại biểu Quốc hội nói:

    "Mô hình giải quyết này, tôi thấy cũng không ổn. Mô hình giải quyết nếu như theo luật đất đai giải quyết rành mạch, rõ ràng, rồi vai trò để giải quyết các vấn đề trong xã hội rành mạch, thì phải giải quyết bằng cách khác."

    Hình ảnh méo mó?

    "Ví dụ như phải giải quyết bằng cách đưa ra tòa án chẳng hạn như thế, nó có thể giải quyết bằng tòa hoặc là bằng hình thức khác.

    "Còn cách giải quyết bằng áp đặt của chính quyền đưa ra thì kể cả Quốc hội, hay kể cả chính quyền hay kể cả Thanh tra, thì rồi kết cục cũng như vậy thôi."

    Khi được hỏi hình ảnh của Việt Nam, nhà nước và chính quyền Việt Nam, trước con mắt quốc tế có thể ra sao nếu như vẫn duy trì mô hình giải quyết 'đáng tiếc' và 'đáng buồn' như vừa nói, bà Phạm Thị Loan đưa ra thêm bình luận:

    "Nếu cứ tiếp tục như thế thì người dân người ta sẽ mất lòng tin và nếu tiếp tục như thế, thì dẫn đến sự lo sợ của tất cả mọi người dân.

    "Nếu như mà người ta rơi vào những hoàn cảnh như thế, thì người ta cũng không dám đấu tranh và người ta cũng không dám đi tới cùng.

    "Cho nên dẫn đến những bức xúc cho người dân và dẫn đến những sự phẫn nộ của người dân, mà thực ra là sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội.

    "Còn tất nhiên, nếu mà cứ cư xử như cách như thế, thì hình ảnh của đất nước cũng sẽ bị méo mó đi thôi," cựu Đại Biểu Quốc Hội, Tiến sỹ Phạm Thị Loan nói với BBC.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào