Phản ứng chừng mực của Trung Quốc về
việc Mỹ hạ sát chỉ huy hàng đầu của Iran, Qassem Soleimani, cho thấy Bắc
Kinh vẫn chưa sẵn sàng tham gia cùng Nga nắm giữ vai trò trực tiếp hơn
trong các cuộc xung đột thâm căn cố đế ở Trung Đông, theo Bloomberg.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif (phải) đến cùng người tương nhiệm của Trung Quốc, Vương Nghị, dự một buổi họp báo chung ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 5 tháng 12, 2016. |
Dù
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói rằng Trung Quốc “rất lo ngại” về
hành động của Mỹ và gọi đó là “không thể chấp nhận được,” song ông đã
không sử dụng những từ ngữ như “lên án” hoặc từ “tố cáo” như những người
tương nhiệm Iran và Nga, Javad Zarif và Sergei Lavrov. Thay vào đó, ông
nói với ông Zarif rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò xây dựng để giúp bảo
vệ an ninh khu vực và nói trong một cuộc điện đàm với ông Lavrov rằng
tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Những
bình luận này nhất quán với những nỗ lực trong quá khứ của Trung Quốc
tránh các cam kết trong một khu vực mà họ có thể đụng độ với Mỹ và các
đồng minh của Mỹ, Bloomberg nhận định. Cho đến nay, Bắc Kinh đã làm rất
ít để chống lại nỗ lực của Tổng thống Donald Trump tăng áp lực lên
Tehran, ngoài việc bênh vực thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ trích các
chế tài đơn phương của Mỹ.
Có
ít chỉ dấu cho thấy cái chết của ông Soleimani sẽ thúc đẩy Trung Quốc
chệch ra khỏi sự cân bằng của nước này trong quá khứ, đặc biệt là khi
Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại sơ
bộ với ông Trump trong tháng này. Trong khi Trung Quốc đã tăng cường hợp
tác quân sự với Nga và mở rộng quan hệ với Tehran, họ cũng phụ thuộc
vào đối thủ của Iran là Ả-rập Saudi như là nhà cung cấp dầu mỏ nước
ngoài hàng đầu của họ.
“Trung
Quốc đang vướng vào một tình huống khó xử là họ không muốn khiêu khích
chính quyền Trump, có quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc với
Nga trong khi cũng có lợi ích riêng ở Iran,” Thời Ân Hoằng, cố vấn cho
nội các của Trung Quốc và cũng là một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại
học Nhân dân ở Bắc Kinh, được Bloomberg dẫn lời cho biết. “Tôi đồ rằng
chính phủ Trung Quốc sẽ giữ giọng điệu hòa dịu, kêu gọi cả hai bên kiềm
chế và tránh leo thang căng thẳng.”
Ian
Bremmer, chủ tịch và người sáng lập Eurasia Group, nói với Bloomberg
Television hôm thứ Hai rằng Trung Quốc có mục tiêu khác với Nga ở Trung
Đông. “Người Nga thực sự muốn hỗn loạn. Người Trung Quốc muốn sự ổn
định,” ông Bremmer nói.
Không
rõ điều gì sẽ khiến Trung Quốc, nước có nền kinh tế và ngân sách quốc
phòng lớn thứ hai thế giới, đóng một vai trò quyết đoán hơn ở Trung
Đông. Tháng trước, Trung Quốc đã tiếp đón ông Zarif, Bộ trưởng Ngoại
giao Iran, đến thăm Bắc Kinh và tham gia các cuộc tập trận hải quân
chung với Iran và Nga ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman.
Li
Guofu, nhà ngoại giao tiền nhiệm của Trung Quốc tại Mỹ và là giám đốc
của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung
Quốc, cho biết các cường quốc nước ngoài có rất ít lựa chọn để ngăn cản
ông Trump đưa ra những quyết định “luật rừng” để rút khỏi thỏa thuận hạt
nhân Iran. “Trong trường hợp này, các quốc gia khác có thể làm rất ít
để có thể thay đổi hiện trạng,” ông Li nói với Bloomberg.
Đôi
khi ông Trump đã vài lần nói rằng ông muốn thấy ông Tập can dự ở Trung
Đông. Ông nói trong một dòng tweet vào tháng 6 rằng các nước như Trung
Quốc nên bắt đầu bảo vệ các chuyến hàng vận chuyển dầu của riêng họ qua
Vịnh Ba Tư. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần này bỏ qua một câu hỏi về
việc liệu nước này có xem xét vai trò an ninh lớn hơn ở Trung Đông hay
không.
(VOA)
Không có nhận xét nào