Thập niên 2010 đủ dài để các học giả
phương Tây đánh giá toàn diện hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy. Dù muốn dù
không, quốc gia hơn tỉ dân này sẽ tiếp tục mang một tầm ảnh hưởng lớn
trong 10 năm tới.
Thập niên 2010 đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc - Ảnh: REUTERS |
Vào
khoảng năm 2010, Trung Quốc bắt đầu thay đổi cái nhìn của thế giới về
họ theo một cách rất khác. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, phương
Tây nhìn quốc gia này như... một đứa trẻ còn hôi sữa.
Cú sập tài chính đã thay đổi mọi thứ.
Trước
đó người ta cứ đinh ninh không sớm thì muộn kinh tế Trung Quốc sẽ vỡ
tan nát. Nhưng điều đó đã không (hoặc chưa) xảy ra, thay vào đó khủng
hoảng lại nổ ra ở phương Tây, gây nên biết bao hậu quả đối với sự ổn
định và cả lòng tự tôn của khối này.
Suốt
10 năm qua, Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là động lực chính của
tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm 2014, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính
kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Mỹ tính theo sức mua tương đương - trở
thành lớn nhất thế giới.
Mặc
dù tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức 6,2% hiện tại, họ vẫn
là một trong những nền kinh tế tăng nhanh nhất thế giới. So với năm
2010, nền kinh tế Trung Quốc ngày nay đã phình to ra gấp đôi.
Đây là câu chuyện về một hiện tượng lột xác kinh tế gây kinh ngạc nhất trong lịch sử nhân loại.
Có
lẽ vì thế không có gì là lạ khi phương Tây cảm thấy khó chấp nhận điều
đó, biểu hiện qua đủ cung bậc cảm xúc họ thể hiện, từ chối bỏ, lên án
cho đến tán dương, thán phục...; tất nhiên gam màu tiêu cực vẫn là chủ
đạo.
Sự
trỗi dậy của Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiện sinh ở Mỹ
và châu Âu, dự báo sẽ kéo dài cho đến hết thế kỷ này. Phương Tây đang
trong quá trình bị thay thế toàn diện, và đến một lúc nào đó họ không
thể kháng cự lại nữa.
Hiện
tượng "Trung Quốc vươn lên" nằm trong số những biến động tầm cỡ thế
giới vốn rất hiếm trong lịch sử. Mãi đến thập niên vừa qua, phương Tây
mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của nó.
Câu
chuyện vẫn chưa dừng lại. Cách đây 5 năm thôi, không nói 10 năm làm gì,
Trung Quốc vẫn bị coi thường là một công xưởng sản xuất giá rẻ. Phương
Tây tin rằng quốc gia này chỉ biết bắt chước chứ không thể nào với tới
tầm cỡ phát minh và năng lực của họ.
Nhưng
Trung Quốc đã chứng minh điều ngược lại. Thâm Quyến trở thành đối thủ
đáng gờm của Thung lũng Silicon - trong khi Huawei, Tencent và Alibaba
bắt đầu đứng ngang đẳng cấp với Microsoft, Google, Facebook và Amazon ở
một số lĩnh vực và tự tin vươn ra cạnh tranh tầm toàn cầu.
Làm
hàng nhái đã xưa rồi, các công ty Trung Quốc bây giờ tung ra hàng loạt
phát minh tầm cỡ. Họ chiếm đến đến gần một nửa số bằng sáng chế của thế
giới trong năm 2019. Chắc không cần phải ngạc nhiên nữa.
Trong
hơn 40 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ khá êm đềm. Bình yên chỉ
kết thúc từ ngày ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Tuy
nhiên, thái độ căng thẳng của ông dành cho Bắc Kinh không mang tính cá
nhân hay bất ngờ, đó là tâm trạng chung của 2 chính đảng lớn nhất của
Mỹ.
Người
Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa đối với vị thế thống trị toàn cầu của
họ. Nỗi sợ này càng lớn hơn khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng sức ảnh
hưởng trên trường quốc tế, tiêu biểu là sáng kiến Vành đai, con đường và
sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
Thái
độ miễn cưỡng của Mỹ trong việc chống đỡ hệ thống quốc tế do chính nước
này dựng lên - qua cách Tổng thống Trump xem nhẹ Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO) và NATO - đánh dấu sự rút lui của cường quốc này.
Một
cách rõ ràng, cuộc chiến thương mại ông Trump phát động với Trung Quốc
vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Cuộc chiến công nghệ cũng vậy:
Huawei sẽ chiến thắng với hạ tầng 5G trên phần lớn thế giới, mà có thể
bao gồm cả châu Âu.
Quan
hệ Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục xấu đi và bắt đầu trông giống một cuộc
chiến tranh lạnh mới. Thập niên tiếp theo sẽ tiếp tục chứng kiến sự
phân rã của hệ thống quốc tế với phương Tây là hạt nhân, cùng với sự lớn
mạnh hơn của các định chế thân Trung Quốc.
Đây là một quá trình không cân bằng, khó dự đoán và sẽ có lúc căng thẳng nhưng cuối cùng không ai có thể ngăn được nó.
Martin Jacques
*
Martin Jacques, 74 tuổi, là một học giả, nhà báo, nhà bình luận chính
trị người Anh. Ông là tác giả cuốn sách "Khi Trung Quốc thống trị thế
giới". Bài viết thể hiện quan điểm của ông.
(Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào