Với việc dùng biện pháp mạnh: áp thuế
lên toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, Donald Trump đã đạt được kết
quả to lớn hơn tất cả những tổng thống tiền nhiệm. Đặc biệt là Barack
Obama, vốn chưa bao giờ gặt hái được kết quả nào bằng thái độ hòa hoãn,
cố gắng thuyết phục Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) trong buổi lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng ngày 15/01/2020. |
Trang
nhất các báo Paris hôm nay 16/01/2020 đa số dành cho các vấn đề của
nước Pháp như cải cách hưu trí, bạo lực cảnh sát, số lượng các công ty
mới ra đời đạt mức kỷ lục, người dân lại có niềm tin vào truyền thông.
Về thời sự quốc tế, hai hồ sơ lớn được các báo chú ý là việc Mỹ và Trung
Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ; sự kiện chính phủ của thủ
tướng Nga Medvedev từ chức.
Báo chí Hoa Lục không còn hô hào « chiến đấu bằng mọi giá »
Theo
Le Figaro, đối với Bắc Kinh, thỏa thuận được ký hôm qua chỉ là « một
giai đoạn của một cuộc chiến dài hơi ». Về mặt tuyên truyền, thì Tập Cận
Bình tuyên bố đó là một bước tiến « cho Trung Quốc, cho Hoa Kỳ và cho
thế giới ».
Tuy
nhiên tờ báo ghi nhận, sự im lặng của truyền thông nhà nước ở Hoa lục
suốt một tháng qua, cho thấy có lẽ Bắc Kinh đã phải nhượng bộ khá nhiều.
Và câu hô hào của Tập Cận Bình vào mùa thu rồi - « chiến đấu bằng mọi
giá », cũng mất tăm !
Bắc
Kinh không đạt được hai yêu sách chính : hủy bỏ hẳn mức thuế quan đánh
vào toàn bộ hàng Trung Quốc, và ngưng trừng phạt Hoa Vi (Huawei). Rõ
ràng cuộc chiến chưa kết thúc, và đây chỉ là một bước lùi chiến lược.
Thỏa
thuận không hoàn hảo này, tuy vậy giúp Bắc Kinh có thì giờ nâng cao
chất lượng, giảm lệ thuộc vào công nghệ phương Tây, xây dựng các tập
đoàn vững mạnh hơn. Chính sách « Made in China 2025 » tuy không còn được
nhắc đến trong các bài diễn văn, nhưng vẫn được âm thầm tiến hành :
Trung Quốc vừa loan báo từ nay đến 2025 sẽ tự chủ được 70% thiết bị điện
tử, thay vì 30% như hiện nay.
Tạm gỡ cái gai trong chân Tập Cận Bình
Theo
Les Echos, cuộc hưu chiến này đã gỡ đi cái gai nhọn đâm vào chân Tập
Cận Bình, trấn an các nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung
Quốc, vào lúc nền kinh tế đang chậm lại.
Có
lẽ tổng thống Trump muốn có tấm ảnh chụp chung với Tập Cận Bình vào lúc
ký thỏa thuận, nhưng chủ tịch Trung Quốc không muốn dành cho ông niềm
vui đó. Michael Hirson, cơ quan tư vấn Eurasia Group nhận định : « Bực
tức vì bị Hoa Kỳ chỉ trích về tình hình Hồng Kông, Tân Cương, ông Tập
nghi ngại về tính bất nhất của tổng thống Mỹ, và biết rõ rằng đây chỉ là
hưu chiến chứ không phải ký hòa ước ». Nhà nghiên cứu Đinh Nhất Phàm
(Ding Yifan), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trực thuộc đại học Thanh
Hoa nói : « Ảnh của hai nguyên thủ ? Sẽ có khi nào gỡ bỏ hết các mức
thuế đánh thêm ».
Thế
nên Tập Cận Bình chỉ theo dõi buổi lễ từ Trung Nam Hải. Bắc Kinh có thể
thở phào khi hưu chiến. Trong năm 2019, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lẽ
ra phải tập trung cho việc tưng bừng mừng 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa, thì tình hình căng thẳng với Hoa Kỳ lại gây khó khăn
thêm một năm với nhiều rắc rối, từ các cuộc biểu tình liên miên ở Hồng
Kông cho đến tiết lộ tài liệu mật về việc bắt đi cải tạo cả triệu người
Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hay dịch hạch heo châu Phi. Cũng theo Đinh Nhất
Phàm : « Hai bên chỉ mới thỏa thuận về những gì dễ dàng nhất, đàm phán
giai đoạn 2 sẽ là một cuộc chiến mới ».
Cũng
trên Les Echos, ông Sébastien Jean, giám đốc CEPII ghi nhận hai phần ba
số thuế do Mỹ áp đặt vẫn giữ nguyên, các vấn đề chiều sâu như việc
Trung Quốc ồ ạt tài trợ cho kỹ nghệ vẫn tiếp tục. Sự cạnh tranh công
nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn lâu dài. Đây là thách thức to lớn cho
Bắc Kinh vì số tiền Trung Quốc bỏ ra để nhập khẩu chất bán dẫn còn
nhiều hơn nhập dầu lửa và khí đốt.
Ba chiến thắng của Donald Trump
Trong
bài xã luận, Les Echos lạc quan nhận định « Thương mại : Ba chiến thắng
của ông Trump ». Trung Quốc có lẽ là nước duy nhất mà hành động của
tổng thống Mỹ mang về được thắng lợi.
Theo
Les Echos, chính sách đối ngoại của ông Donald Trump về Trung Đông,
châu Âu và châu Mỹ là thảm họa ; ông tấn công ngay cả những đồng minh
thân cận nhất. Riêng đối với Trung Quốc, thỏa thuận hôm qua chưa có gì
tiến triển về mặt cơ cấu : Bắc Kinh tiếp tục tài trợ cho các công ty
quốc doanh và buộc các doanh nghiệp phương Tây phải chuyển giao công
nghệ. Tuy nhiên cuộc chiến chống Trung Quốc của Donald Trump có ít nhất
ba thắng lợi.
Trước
hết, ông buộc được Bắc Kinh phải nhượng bộ rất lớn, và ngay lập tức.
Việc cam kết mua 200 tỉ đô la hàng Mỹ cho thấy Trung Quốc đã rất lao đao
khi bị áp thuế. Một số người cáo buộc tổng thống Mỹ tính toán kiểu con
buôn, và có tầm nhìn ngắn hạn. Đúng thế, nhưng bằng cách đó, ông Trump
đã đạt được kết quả to lớn hơn tất cả những tổng thống tiền nhiệm. Đặc
biệt là Barack Obama, vốn chưa bao giờ gặt hái được gì với thái độ hòa
hoãn, cố gắng thuyết phục Bắc Kinh.
Trump
cũng buộc được Trung Quốc dành mọi ưu tiên cho Mỹ, gây thiệt hại cho
các nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Bắc Kinh sẽ mua đậu nành của các
nhà nông ở Iowa, và giảm nhập khẩu từ Úc, Brazil, Việt Nam. Đây có thể
là sự vi phạm quy định thương mại quốc tế, nhưng sẽ làm hài lòng cử tri ở
miền trung tây nước Mỹ, với « America First ».
Đây
cũng là chiến thắng về chính trị : còn 10 tháng nữa là đến bầu cử tổng
thống, thỏa thuận này là biểu tượng quan trọng. Tuần này Trung Quốc đã
nhìn nhận thặng dư thương mại với Hoa Kỳ bị giảm hơn 8%. Tuy không hoàn
chỉnh, nhưng thỏa ước vừa ký đã làm mờ nhòa đi vụ truất phế đang ầm ĩ.
Nếu điều này giúp Donald Trump tái đắc cử, thì một lần nữa chứng tỏ ông
có được sự nhạy cảm chính trị tuyệt vời.
Mặt trận chống Trung Quốc của Mỹ, châu Âu và Nhật
Le
Figaro cho biết thêm, vào lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc ký thỏa thuận hưu
chiến, Washington, Bruxelles và Tokyo cũng ký bản tuyên bố chung nhằm
tăng cường cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chống những gian
lận của Trung Quốc về tài trợ cho kỹ nghệ.
Loan
báo này được đưa ra sau hai năm thương lượng. Một sự hòa hợp hiếm hoi,
chứng tỏ một mặt trận chống Bắc Kinh đã được hình thành. Tuy châu Âu và
Nhật Bản có vẻ lùi về phía sau trong lúc ông Donald Trump sử dụng đến «
cơ bắp », nhưng đều chia sẻ nhận định về việc Trung Quốc không tuân thủ
các quy tắc quốc tế.
Ủy
viên châu Âu về thương mại Phil Hogan cho rằng đó là « biểu tượng cho
hợp tác chiến lược mang tính xây dựng. Có lẽ Hoa Kỳ đã ý thức được rằng
khi phối hợp với chúng tôi, họ sẽ tăng cường được sức mạnh khi đàm phán
với Trung Quốc ». Ông Donald Trump sẽ quay lại với chủ nghĩa đa phương
chăng ? Bộ ba trên đây mong rằng các nước khác sẽ theo chân.
Giải tán chính phủ : Putin chuẩn bị cho hậu 2024
Nhìn
sang nước Nga, sự kiện thủ tướng Dimitri Medvedev loan báo chính phủ từ
chức được tất cả các báo Pháp hôm nay chú ý. Libération nhận xét «
Putin đảo lộn tất cả để chuẩn bị cho hồi sau ». Tương tự, Le Figaro cho
rằng « Putin chuẩn bị sân bãi cho hậu 2024 ».
Le
Figaro cho biết, thậm chí các bộ trưởng cũng không được báo trước. Sau
khi trao đổi với Vladimir Putin, ông Medvedev đưa ra thông báo bất ngờ
này. Là thủ tướng suốt 8 năm qua, ông bị thay thế bằng người lãnh đạo cơ
quan thuế vụ Nga, ông Mikhail Michoustine, 53 tuổi, một người không
được công chúng biết đến. Theo Tatiana Stanovaya, think tank R.Politik,
việc này chỉ mang tính kỹ thuật, « trong khi chờ đợi ông Putin chọn được
người kế nhiệm ».
Sự
kiện bất ngờ này thật ra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, xảy ra vài tiếng
đồng hồ sau khi tổng thống Nga đọc bài diễn văn thường niên trước 1.300
quan chức (dân biểu, thượng nghị sĩ, bộ trưởng, thẩm phán…). Ông Putin
loan báo chuyển giao một phần quyền lực tổng thống cho Hạ Viện. Douma sẽ
chịu trách nhiệm đề cử thủ tướng và nội các. Thủ tướng đương nhiệm
không thể phản đối : Hạ Viện hoàn toàn do phe ông Putin nắm giữ.
Ông
chủ điện Kremlin nhấn mạnh, tổng thống vẫn lãnh đạo quân đội, cơ quan
tình báo…Putin cũng nhẹ nhàng nhắc đến việc sửa đổi điều khoản cấm giữ
chức tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trong tương lai, tổng thống có
thể không được tại vị hơn hai nhiệm kỳ (tổng cộng 12 năm), trong khi ông
Putin đã làm tổng thống đến bốn nhiệm kỳ, từ 2000 đến 2008 và từ 2012
đến nay, nhờ « đổi vai » với Medvedev. Bên cạnh đó, Hiến pháp Nga sẽ
được đặt cao hơn luật quốc tế.
Libération
ghi nhận, buổi chiều hôm đó, trong lúc báo chí và các nhà quan sát lo
phân tích sự kiện này, Putin cho họp các bộ trưởng, cảm ơn sự phục vụ
của Medvedev, và thông báo bổ nhiệm vào một chức vụ được « đo ni đóng
giày » : phó chủ tịch Hội đồng an ninh liên bang Nga.
Giảm thiểu quyền hành người kế nhiệm để tránh rủi ro
Việc
chia bớt quyền hành tổng thống cho Quốc Hội, tòa án tối cao và các ủy
ban tạo ra sự thăng bằng mới về chính trị, nhưng cũng nhằm tránh chuyển
giao cho người kế nhiệm toàn bộ quyền lực mà Putin vẫn nắm trong 20 năm
trị vì. Khi phân phối lại quyền hành, ông muốn giảm thiểu rủi ro.
Sắp
tới tân thủ tướng Mikhail Michoustine sẽ lập nội các mới, còn tổng
thống Putin đã bắt đầu việc mua chuộc công luận, loan báo chi 10 đến 15
tỉ đô la cho các vấn đề xã hội – một động thái thường diễn ra trước bầu
cử. Có lẽ ông sẽ cho tổ chức bầu cử Quốc Hội hoặc cả bầu tổng thống,
trước thời hạn.
Putin
không cho biết về tương lai chính trị của ông sau nhiệm kỳ tổng thống
thứ tư, sẽ kết thúc vào năm 2024. Le Figaro ghi nhận theo nhiều nhà quan
sát, ông Putin mập mờ để nắm trọn những lá bài trong tay. Trên La
Croix, một nhà ngoại giao châu Âu tại Matxcơva mỉa mai : « Putin thực sự
là một chiếc hộp đen ».
Tổng
thống Nga vẫn chưa đưa ra lịch trình cải cách, nhưng theo La Croix, từ
nay mọi việc sẽ diễn tiến rất nhanh vì phía sau cái vỏ dân chủ, là việc
duy trì quyền lực trong tay Putin càng lâu càng tốt. Les Echos dẫn lời
nhà chính trị học Fyodor Krasheninnikov, sau một phần tư thế kỷ cầm
quyền « Putin vẫn phải nắm quyền lãnh đạo vì ông và bạn bè của ông ta sẽ
bị mất rất nhiều nếu mất đi quyền kiểm soát ».
Thụy My
(RFI)
Không có nhận xét nào