Header Ads

  • Breaking News

    Thế hệ trẻ đã thay đổi chính trị Đài Loan như thế nào


    Cuộc tổng tuyển cử Tổng thống và Lập pháp viện Đài Loan đã chính thức ngã ngũ với phần thằng thuộc về đảng Dân Tiến của đương kim tổng thống Thái Anh Văn, mà một lý do lớn là sự ủng hộ của giới trẻ dành cho bà.
      Thế hệ trẻ đã thay đổi chính trị Đài Loan như thế nào

    Chiến dịch tranh cử giữa hai đảng lớn nhất (Quốc Dân Đảng và Dân Tiến Đảng) đã được khởi động từ tháng 6/2019. Cuộc bầu cử này rất quan trọng để quyết định tương lai của Đài Loan cũng như thể hiện quan điểm của giới trẻ về mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Sau cuộc biểu tình phản đối của giới trẻ năm 2014 về quyết định của Tổng thống Mã Anh Cửu – người đứng đầu Quốc Dân Đảng (KMT) – về bản Hiệp định Dịch vụ Thương mại xuyên Eo biển (CSSTA) với Trung Quốc, giới trẻ lần đầu tiên lên tiếng thông qua phiếu bầu của họ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Thái Anh Văn của Dân Tiến Đảng (DPP) đã giành chiến thắng đa số với tỉ lệ 56.2% so với Eric Chu, đối thủ của bà. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Đài Loan, DPP, liên minh với đảng Sức Mạnh Mới, đã giành thắng lợi tuyệt đối ở Lập pháp viện khi chiếm lấy 68 trên tổng số 112 ghế, tăng 40 ghế so với cuộc bầu cử năm 2012.

    Giới trẻ Đài Loan đã lên tiếng cho tương lai của bản thân và của đất nước khi Trung Quốc đại lục từng bước ép sát Đài Loan với lời kêu gọi “trở về” theo mô hình “Nhất Quốc, Lưỡng Chế”, cũng như sau khi chứng kiến sự đàn áp dã man của cảnh sát đặc khu đối với sinh viên Hong Kong trong cuộc biểu tình phản đối Luật Dẫn Độ 2019.

    Giới trẻ Đài Loan trước năm 2014

    Năm 2020 này là vừa tròn 30 năm kể từ khi cuộc cách mạng Hoa Ly Ly Rừng của giới sinh viên Đài Loan.

    Tháng 3-1990, hàng ngàn thanh niên đã tham gia tọa kháng tại Quảng trường Tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, yêu cầu chính phủ phải thực hiện cải cách chính trị như đã hứa trước đó. Một bông hoa Ly Ly khổng lồ được đặt ở trung tâm của quảng trường, tương tự như bức tượng Nữ thần Dân chủ ở Thiên An Môn tại đại lục năm 1989. Phong trào biểu tình bất bạo động này được ca ngợi như một cột mốc lịch sử cho quá trình dân chủ hóa tại Đài Loan. [1]

    Nhiều chuyên gia Đài Loan cho rằng sẽ thật khó để có một phong trào sinh viên trong tương lai có sức ảnh hưởng như cuộc Cách mạng Ly Ly rừng. Dafydd Fell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan, trường Đông phương và Phi châu (SOAS), Đại học London, nhận xét rằng sau năm 2000, giới trẻ Đài Loan dần trở nên thờ ơ với chính trị. Thế hệ trẻ dần mất đi sự tự tin ở bản thân và niềm tin với các chính trị gia xứ Đài. [2]

    Shelly Rigger, chuyên gia Đài Loan tại Đại học Brown, chia sẻ quan điểm tương tự. Bà nói rằng thanh niên Đài Loan cảm thấy thất vọng với nền chính trị Đài Loan. Họ tin rằng cả hai đảng phái KMT và DPP đều bao che cho nhau và bỏ qua các vấn đề quan trọng trong xã hội. Bên cạnh đó, họ bất lực khi không thể sử dụng tiếng nói của bản thân để thay đổi tình hình chính trị hỗn loạn tại đảo quốc này. Bà Rigger tiếp tục chỉ ra rằng thế hệ trẻ ở Đài Loan đã được gắn nhãn là “dâu tây”. [3]

    Thuật ngữ này ám chỉ những người sinh từ năm 1980 trở đi. Họ được ví như những trái dâu xinh đẹp vì được hưởng một cuộc sống đủ đầy và tiếp xúc với công nghệ dễ dàng. Họ là những người trẻ có sức sáng tạo cao và đạt được những bứt phá trong xã hội. Tuy nhiên, họ là những thanh niên dễ tổn thương, thay công việc và người yêu như thay áo, không chịu được sức ép, và trở nên hư hỏng trong cuộc sống được chiều chuộng và nhung lụa. Họ trở nên ích kỷ và chỉ lo cho bản thân. Ngoài việc thích đi mua sắm, xài điện thoại sang, ước mơ công việc lương cao, công việc nhẹ nhàng và nhà cao cửa rộng, họ không cảm thấy là cần thiết phải lên tiếng cho những bất công của xã hội.

    Tình hình Đài Loan

    Trong những năm trở lại đây, tình hình Đài Loan ngày càng trở nên bế tắc. Bất bình đẳng về kinh tế, tham nhũng, đấu đá nội bộ giữa các đảng phái chính trị và mối nguy cơ địa-chính trị từ Trung Quốc ngày càng gây nhiều áp lực cho quốc gia này.

    Đơn cử, giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của thanh niên xứ Đài là 12.9%, đạt mức kỷ lục ở mức 14% vào tháng 8/2014. Bất bình đẳng còn được thấy rất rõ ràng qua thị trường bất động sản khi giá cả ngày càng tăng một cách “chóng mặt”. Tại Đài Bắc, tỷ lệ giá nhà so với thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm đạt 15,7% trong năm 2014. Vì thế, để mua được nhà tại thủ đô hay các thành phố lớn của Đài Loan, giới trẻ phải ăn uống tiết kiệm nhất, chi tiêu hạn chế nhất trong vòng 15 năm liên tục để có thể mua được một căn hộ nhỏ.

    Bên cạnh đó, Tập Cận Bình ngày càng ép sát Đài Loan với lời tuyên bố một cách dọa dẫm rằng, “nếu Đài Loan chấp nhận trở về với Trung Quốc, xứ Đài sẽ được hưởng một nền hòa bình lâu dài và có một hệ thống chính trị riêng dưới mô hình “Nhất Quốc, Lưỡng Chế” – tương tự Hong Kong và Macau. Tập liên tục nhấn mạnh rằng sự khác nhau về thể chế sẽ không gây ra bất cứ trở ngại nào cho việc thống nhất trở về với đất mẹ và ngăn chặn chủ nghĩa ly khai. Bên cạnh đó, hiệp định CSSTA được KMT đưa ra như là một dấu hiệu báo trước rằng ngày trở về của Đài Loan sẽ không còn xa nữa.

    Giới trẻ bắt đầu lên tiếng

    Giới trẻ “Dâu Tây” đã thực sự bùng nổ vào tháng 3/2014 khi một nhóm các nhà hoạt động trẻ tuổi đã xông vào và chiếm giữ Lập pháp viện trong 23 ngày.

    Cuộc Cách mạng này ngày càng lan rộng và dồn về Đài Bắc khi giới trẻ tham gia để lên tiếng cho sự thất vọng của họ về tình hình kinh tế thảm hại và chính sách giáo dục khắc nghiệt. Phong trào này được gọi là cuộc Cách mạng Hoa Hướng Dương. Điểm chính của phong trào là sự phản đối hiệp định CSSTA. Đối với họ, bản ký kết này mang những nguy cơ kinh tế và an ninh tiềm ẩn khi Mã Anh Cửu cố hàn gắn mối quan hệ chính trị và kinh tế với đại lục.

    Bên cạnh đó, các thanh niên xứ Đài lập luận rằng CSSTA chỉ đem lợi ích về cho các tập đoàn kinh tế và giết dần các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi quyết định chiếm đóng Lập pháp viện, những người trẻ muốn gửi một thông điệp rằng nền kinh tế Đài Loan ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của KMT. Họ lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng các thỏa thuận này như một biện pháp để ép buộc Đài Loan “trở về”, bởi khi đã phụ thuộc về kinh tế thì mục tiêu chính trị sẽ không còn là bất khả.

    Thế hệ trẻ chỉ biết đến một Đài Loan với những giá trị dân chủ. Họ không như cha mẹ mình phải sống dưới chế độ độc tài. Giờ đây, họ muốn đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn về tính công bằng và hiệu quả của thể chế chính trị. Tuy vậy, nhà nước Đài Loan, theo họ, vẫn là một nền dân chủ non trẻ, vẫn đang cố gắng khắc phục những vấn đề về tham nhũng, sự bất công, và đấu tranh nội bộ giữa các phe phái chính trị. Vì vậy, khi họ nhìn thấy những vấn đề từ thể chế dân chủ này, chẳng hạn như sự mờ ám trong việc thông qua dự luật CSSTA, giới trẻ tự xem bản thân là những người bảo vệ giá trị dân chủ của Đài Loan, biện minh cho việc phản đối chính phủ và lên tiếng chỉ trích Mã Anh Cửu và KMT.

    Phong trào Hoa Hướng Dương đã góp phần làm nên chiến thắng của Thái Anh Văn và đảng DPP của bà trong cuộc bầu cử năm 2016, khi đã làm tan rã liên minh của KMT với các đảng phái nhỏ hơn và hoãn lại việc thông qua Hiệp định CSSTA với Bắc Kinh.

    Vào ngày 20/5/2016, trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Thái Anh Văn đã liên tục nhấn mạnh vào hàng loạt các vấn đề trong nước, và thậm chí chia sẻ trực tiếp với giới trẻ – người đã đóng góp một phần không nhỏ cho chiến thắng của bà. Bà Thái tuyên bố bà sẽ giúp thay đổi tình trạng hiện tại thông qua một mô hình phát triển kinh tế mới dựa trên giá trị công bằng và tính hiệu quả.

    Liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc, bà Thái đã không nói những điều mà Bắc Kinh muốn. Rõ ràng, nếu Bắc Kinh trừng phạt Đài Loan thông qua các chính sách kinh tế khắc nghiệt thì điều đó sẽ làm phá sản kế hoạch của Thái An Văn trong việc giữ lời hứa với giới trẻ trong diễn văn nhậm chức.

    Phong trào Hoa Hướng Dương đã thành công trong việc khuyến khích giới trẻ tham gia vào các chương trình nghị sự quốc gia nhưng chính quyền của bà Thái còn gặp phải nhiều rào cản phải vượt qua để có thể đạt được các mục tiêu của giới trẻ xứ Đài yêu cầu.


    Tài liệu tham khảo:

    [1] Cole, Michael J. 2014. “Civic Activism and Protests in Taiwan: Why Size Doesn’t (Always) Matter.’ Draft paper in Conference on Social Movements in Taiwan SOAS Centre of Taiwan Studies. 16-18 June 2014.

    [2] Fell, Dafydd. 2012. Government and Politics in Taiwan. New York: Routledge. p.190.

    [3] Rigger, Shelley. 2001. “Strawberry Jam: National Identity, Cross-Strait Relations and Taiwan’s Youth.” Is There a Greater China Identity: p.115.

    Anh Khoa 

    Nguồn : Luật Khoa

    Không có nhận xét nào