Header Ads

  • Breaking News

    Đồng Tâm, Phạm Chí Dũng liệu có ‘gây khó’ cho EVFTA?

    Ngay trước thềm phiên họp mang tính quyết định về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) diễn ra vào ngày 21 tháng Giêng, có thể thấy rõ nỗ lực dàn xếp nhằm “trấn an” các nghị viên châu Âu của giới hữu trách Việt Nam trước những làn sóng chống lại việc thông qua hiệp định này vì những lo ngại về nhân quyền, quyền của người lao động tại Việt Nam.

    EVFTA được xem là hiệp định “tham vọng nhất” giữa châu Âu và Việt Nam.
    Việt Nam khẳng định “bảo vệ nhân quyền”

    “Tôi khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thứ gửi cho Chủ tịch Bernd Lange của Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viên châu Âu (EP) ngày 6 tháng Giêng mà VOA đọc được.

    Một tuần sau, ngày 13 tháng Giêng, Đại sứ Việt Nam tại Brussels – ông Vũ Anh Quang – lại có thư gửi ông Bernd Lange, tiếp tục khẳng định về chính sách “bảo vệ và cổ xúy cho tất cả các quyền tự do căn bản và nhân quyền” tại Việt Nam, đồng thời giải trình trường hợp bắt giữ nhà báo độc lập-blogger Phạm Chí Dũng.

    Theo giải trình này, nhà báo Phạm Chí Dũng bị “tạm giữ” vì đã “thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà không đăng ký theo luật pháp Việt Nam, sử dụng mạng xã hội để viết, xuyên tạc và truyền bá tin giả về các chính sách và luật pháp Việt Nam nhằm kích động và gây rối an ninh công cộng, gây hoang mang và lo lắng trong nhân dân và sự ổn định xã hội”.

    Trước khi bị bắt vào ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập được biết tiếng với những bài phân tích, bình luận về tình hình thời sự Việt Nam. Ông cũng là một blogger của VOA và nhiều cơ quan truyền thông khác trong nhiều năm qua.

    Trong lá thư mà VOA đọc được, Đại sứ Vũ Anh Quang, sau khi giải trình về trường hợp bắt ông Phạm Chí Dũng, tiếp tục dẫn chứng về “quyền tự do ngôn luận và báo chí” của Việt Nam trên giấy tờ, tức các quy định trong Hiến pháp và các bộ Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Tiếp cận Thông tin…, và trên thực tế thông qua thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), nói rằng “Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất về báo chí, thông tin truyền thông, mạng xã hội và cơ sở hạ tầng Internet”.

    Tiếp tục minh chứng cho luận điểm này, ông Quang đưa ra số liệu của năm 2019, cho biết Việt Nam hiện có “857 cơ quan báo chí, 1.510 trang báo điện tử và 18.000 nhà báo, hơn 64 triệu người dùng internet và 75 triệu tài khoản Facebook” và sự hiện diện của đại diện các hãng thông tấn lớn nhất trên thế giới như Reuters, AP, AFP, Kyodo…

    Thả tù nhân chính trị

    Một nguồn tin liên lạc trực tiếp với một số nghị viên châu Âu cho VOA biết nhóm đàm phán EP vừa có cuộc họp cuối cùng về EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa châu Âu và Việt Nam) trước khi diễn ra phiên họp mang tính quyết định trong vài ngày tới (21 tháng Giêng). Mục tiêu của cuộc họp là để thảo luận những lá thư trao đổi giữa Ủy ban của EP với giới hữu trách Việt Nam vừa qua.

    Cùng thời điểm, truyền thông Việt Nam cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng có chuyến “thăm và làm việc” tại EP từ ngày 13-16 tháng Giêng. Theo đó, quan chức này đã gặp những nhân vật quan trọng của EP, Chủ tịch Bernd Lange của INTA và 12 nghị sĩ thuộc các đảng chính trị chủ chốt trong EP.

    Tại cuộc họp, ông Sơn tiếp tục nhấn mạnh đến “ý nghĩa và tầm quan trọng của hai Hiệp định EVFTA-EVIPA trong thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế - thương mại giữa Việt Nam – EU” và hứa sẽ “thực thi đầy đủ” các cam kết của các hiệp định, theo tường thuật của VTV.

    Trong khi đó, nguồn tin của VOA bổ sung thêm rằng tại cuộc họp, việc thả một số tù nhân chính trị cũng đã được công bố nhưng không có danh sách cụ thể của các tù nhân.

    Xem xét sửa đổi Luật Hình sự

    “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin rằng đại diện của Việt Nam tuyên bố Bộ luật hình sự sẽ được xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi không có chi tiết, cũng như các cam kết bằng văn bản”, nguồn tin trên cho VOA biết.

    Bộ Luật Hình sự vốn là một trong những “rào cản” trong nỗ lực vận động thông qua EVFTA từ phía Việt Nam.

    Hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế trong thời gian qua liên tục gửi kiến nghị, kêu gọi EP hoãn thông qua hai hiệp định với Việt Nam, cáo buộc “Nhà nước Việt Nam dùng bộ luật hình sự khắc nghiệt để hình sự hóa việc chỉ trích chính quyền”, một kiến nghị hồi tháng 11 vừa qua nêu rõ.

    Các tổ chức quốc tế cho rằng hai hiệp định giữa EU và Việt Nam hoàn toàn “không đưa ra cam kết cụ thể nào về nhân quyền từ phía Việt Nam ngoài những điều sơ sài trong chương trình phát triển bền vững của EVFTA” và cũng “không đưa ra thời khóa biểu ràng buộc hay hình phạt nào nếu không tuân thủ” các cam kết.

    Các tổ chức này kêu gọi EP phải đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi bộ Luật Hình sự và thể hiện thiện chí cải thiện nhân quyền bằng cách thả hết các tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Việt Nam, chấm dứt sách nhiễu những người bất đồng chính kiến hay thực thi quyền tự do tôn giáo, công nhận các nghiệp đoàn lao động độc lập, thông báo công khai thời gian điều chỉnh Luật An ninh mạng theo tiêu chuẩn quốc tế và một số yêu cầu khác.

    Nhà báo độc lập - blogger Phạm Chí Dũng.
    Từ “bàn tay bẩn” đến nỗ lực “xoa dịu”

    Về phía Việt Nam, ngoài nỗ lực vận động trực tiếp, trên “mặt trận” truyền thông cũng liên tục xuất hiện những bài viết song song với mỗi động thái trong nước và quốc tế có thể gây bất lợi cho việc thông qua EVFTA/EVIPA.

    Đơn cử, ngay sau khi 48 tổ chức quốc tế và trong nước gửi kiến nghị lên các lãnh đạo EP hồi cuối tháng Chín kêu gọi hoãn thông qua hai hiệp định, báo Công an có ngay bài viết gọi các tổ chức này là “bàn tay bẩn” đang nỗ lực “chống phá, cản trở EVFTA” qua việc “đổi trắng thay đen”, “xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam”, trong khi trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam có bài viết nói rằng Việt Nam đang “từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động” theo tiêu chuẩn quốc tế.

    Mặt khác, theo nguồn tin cung cấp cho VOA, ngoài việc giải trình và “chịu trách nhiệm hoàn toàn” về vụ bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam còn cung cấp cho EP một danh sách 22 văn kiện cho thấy việc cải cách Bộ Luật Lao động sẽ được thông qua vào tháng 10 năm nay.

    Các nghị viên châu Âu và thành viên của Ủy ban Nhân quyền của EP (DROI) cũng sẽ được mời tham gia vào Đối thoại Nhân quyền nhằm giải tỏa những lo ngại của họ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, nguồn tin của VOA cho biết.

    Những động thái “xoa dịu” trên từ phía Việt Nam có vẻ như cũng làm cho các lãnh đạo châu Âu “nhẹ nhõm” phần nào, theo nhận định của nguồn tin VOA, mặc dù trên thực tế, sự kiện xảy ra ở Đồng Tâm gần đây đang chứng tỏ “tính thiếu khả tín của Việt Nam”.

    Đồng Tâm có “gây khó” cho EVFTA?

    Theo lịch trình, phiên họp tại INTA để bỏ phiếu cho các khuyến nghị về EVFTA sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng 21 tháng Giêng. Sau đó, nếu các khuyến nghị này tiếp tục được thông qua trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tháng Hai, thì EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực một tháng sau đó.

    Kể từ khi diễn ra vụ bố ráp tại Đồng Tâm khiến cho ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng – thiệt mạng cùng với 3 công an hôm 9 tháng Giêng, nhiều tổ chức xã hội và một số nghị viên châu Âu kêu gọi EP nên xem xét lại việc thông qua hiệp định này.

    Tiến sĩ Nguyễn Quang A – người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam – liên tục cảnh báo về hậu quả của vụ này lên “số phận” của hiệp định mà Hà Nội đã ra sức vận động gần chục năm qua.

    “Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm), Phúc (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), Trọng (Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng), nếu EU hoãn hay không thông qua EVFTA thì đó là CHIẾN CÔNG VANG DỘI CỦA CÁC VỊ!”, TS. Nguyễn Quang A viết trên trang Facebook cá nhân hôm 15 tháng Giêng.

    Hiện trên mạng xã hội cũng xuất hiện kêu gọi biểu tình trước Nghị viện châu Âu tại Bỉ vào ngày 21 tháng Giêng, đúng lúc diễn ra phiên họp mang tính chất quyết định tại INTA, để chống lại việc thông qua hiệp định này.

    EVFTA được xem là hiệp định “tham vọng nhất” giữa châu Âu và Việt Nam. Nếu các thủ tục hoàn tất và chính thức có hiệu lực, hiệp định ước tính sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Trong khi đó, GDP của EU sẽ hưởng lợi thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

    (VOA)

    Không có nhận xét nào