Header Ads

  • Breaking News

    Ông Bush và ông Obama "nhắm mắt làm ngơ" trước ông Soleimani, tại sao ông Trump quyết ra đòn?


    Tướng Iran Soleimani đã nằm trong tầm ngắm của tình báo Mỹ trong nhiều năm qua, tuy nhiên chỉ có ông Trump mới đưa ra quyết định ám sát nhân vật cấp cao này của Iran.
     Ông Bush và ông Obama "nhắm mắt làm ngơ" trước ông Soleimani, tại sao ông Trump quyết ra đòn?

    Vụ tấn công bất ngờ

    Vào ngày 3/1, Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad và khiến thiếu tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng. Đây là động thái gây mâu thuẫn lớn nhất của Mỹ đối với Iran trong những năm đầu thế kỉ 21.

    Nhiều năm qua, ông Soleimani được coi là một trong những nhân vật quân sự quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn nhất Iran, đóng vai trò then chốt trong việc định hình chính sách đối ngoại của Iran và chính trị ở Trung Đông thời hiện đại.

    Vụ sát hại tướng Soleimani được cho là sẽ thổi bùng mâu thuẫn giữa Mỹ-Iran và khiến nguy cơ trả đũa từ Tehran tăng cao. Ngay sau khi tướng Soleimani thiệt mạng, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ "trả thù gay gắt" trong khi cựu quan chức quân sự Iran Mohsen Rezaee thề sẽ "khiến nước Mỹ phải trả giá đắt".

    Lầu Năm Góc tuyên bố lí do sát hại tướng Soleimani là do ông chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm binh sĩ Mỹ tại Iraq và khu vực lân cận. Ngoài ra, Mỹ cho rằng mạng lưới tình báo của ông Soleimani đã hỗ trợ các "nhóm khủng bố" như Hezbollah, Hamas chiếm Dải Gaza, tấn công binh sĩ Mỹ ở Iraq.

    Bên cạnh đó, việc ông Soleimani góp phần tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã giúp ông Bashar Assad giành lại được quyền kiểm soát tại Syria, đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Mỹ.


    Tuy nhiên, theo Business Insider, dù nhận thức rõ vai trò của ông Soleimani, các đời tổng thống tiền nhiệm như George W. Bush hay Barack Obama đều không quyết định ra tay ám sát ông Soleimani hoặc bất kì nhân vật nào của lực lượng tinh nhuệ Quds.

    Nghị sĩ Đảng Dân chủ Elissa Slotkin, một nhà phân tích của CIA và là quan chức của Lầu Năm Góc về vấn đề Trung Đông dưới thời ông Bush và Obama, đã lí giải một số vấn đề về việc tại sao cả hai chính phủ tiền nhiệm đều không tìm cách tấn công ông Soleimani.

    Trong Twitter cá nhân, bà Slotkin cho biết bà đã "tham gia vào vô số các cuộc thảo luận về vấn đề liên quan tới các nhóm vũ trang của ông Qassem Soleimani ở khắp khu vực". Bà cho rằng "những hoạt động quân sự tinh vi và phức tạp của ông Soleimani đã khiến Trung Đông trở nên bất ổn hơn".

    Tuy vậy, chính quyền ông Bush và ông Obama đều quyết định rằng "không đáng" để ám sát ông Soleimani.

    Cái giá quá đắt

    Bà Slotkin nói: "Điều khiến cả tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa do dự là việc liệu có đáng để ám sát ông Soleimani hay không nếu biết chắc chắn sẽ bị trả đũa, chưa kể tới việc Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc mâu thuẫn mới ở Trung Đông".

    "Cả hai chính quyền tiền nhiệm đều cho rằng cái giá phải trả là quá đắt," bà Slotkin cho hay.

    Nghị sĩ này cho biết thêm rằng Iran có thể sẽ nhằm vào binh sĩ Mỹ, các nhà ngoại giao, các lực lượng đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

    Tướng Stanley McChrystal, người từng là chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm Chung dưới thời ông Bush, trả lời trong một bài viết trên trang Foreign Policy hồi năm 2009 về lí do tại sao ông quyết định không tấn công đoàn xe của ông Soleimani trong một buổi đêm ở Iraq năm 2007.

    Ông McChrystal cho biết mặc dù "có nhiều lí do" để ám sát ông Soleimani, nhưng ông đã không ra lệnh tấn công nhằm tránh một cuộc đụng độ và những rủi ro chính trị theo sau.

    "Tôi tin rằng sự kiềm chế là một trong những điểm mạnh của hệ thống chính trị Mỹ," ông nói.

    Chính sách hướng về Iran của Mỹ dưới thời ông Obama đã dẫn tới thảo thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2015. Khi kí kết thỏa thuận này, Mỹ đương nhiên sẽ không thể sát hại một tướng lĩnh của Iran trong bối cảnh quan hệ hai nước được cải thiện.

    Tuy nhiên, ông Trump lại là người thường xuyên chỉ trích chính sách Iran của ông Obama và đã có quyết định khác biệt nhằm vào Iran. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và thổi bùng căng thẳng hai nước bằng nhiều cách khác nhau.

    Một số chuyên gia cho rằng có thể ông Trump và chính quyền Mỹ hiện tại có cái nhìn khác về những rủi ro mà cuộc tấn công nhằm vào Iran mang lại.


    Tất Đạt 

    Nguồn: Soha VN

    Không có nhận xét nào