Đó là câu hỏi đầy hoang mang của
nhiều người buột thốt lên sau sự việc Đồng Tâm. Họ không thể tưởng tượng
được. Có lẽ ngay chính người dân Đồng Tâm cũng chỉ dám tin khả năng đó
là 50% thôi. Nhưng, sự thật vẫn luôn là sự thật cho dù ta có chối bỏ
không muốn tin.
Tại sao chính quyền lại hành xử như vậy?! |
Cách
đây chục năm, tôi biết chính quyền này có lỗi từ hệ thống và bộ máy có
rất nhiều vấn đề. Nhưng, tôi vẫn nghĩ nó có thể sửa được. Tôi hiểu nó
sai từ hệ thống nhưng trong hệ thống đó vẫn còn có số ít những con người
hẳn không đến nỗi nào và còn đó hệ thống báo chí, cơ quan tư pháp, hành
pháp...thì chắc cũng còn có pháp luật và công lý.
Vâng,
tôi của mười năm trước. Những bài viết của tôi trên các blog lúc đó
mang nhiều tâm huyết đóng góp cho chính phủ. Nhưng, sau đó, hết boxit
Tây Nguyên đến vụ việc của anh dân oan Đoàn Văn Vươn, Hiến pháp 2013,
biển Đông cho đến rất nhiều sự việc khác, với bao góp ý từ các nhân sĩ
trí thức trong và ngoài nước, có cả những người trong đảng lên tiếng
phản biện, đóng góp...tôi thấy đảng, chính quyền luôn có động thái vứt ý
kiến đóng góp vào sọt rác. Và sau đó, tiến thêm một bước, đảng và chính
quyền coi những người đóng góp ý kiến phản biện, lên tiếng chỉ trích
những cái sai của chính quyền là thành phần thoái hóa biến chất, thế lực
thù địch, kẻ thù của đảng, chính quyền và nhân dân!
Cùng
đó, thực tế những năm tháng giúp đỡ bà con dân oan, tôi mới trực tiếp
chứng kiến được rằng chính quyền không bao giờ đứng về phía người dân.
Có
nhiều vụ việc về đất đai, người dân có đầy đủ giấy tờ chứng minh, kể cả
có những trường hợp tòa án đã tuyên dân thắng, nhưng chính quyền vẫn ỳ
ra và không thể giải quyết. Họ luôn bênh đồng chí của nhau và những kẻ
có tiền.
Có
những trường hợp người dân không hề phản kháng bạo động nhưng chính
quyền vẫn đang đêm đem ngàn quân vào ném lựu đạn cay, đánh bắt nhiều
người khi họ ngủ giữ đất.
Trong
tất cả các trường hợp, chính quyền đều cố gắng tập trung lực lượng và
thủ đoạn để bắt và kết án cho bằng được người mà họ cho là đứng đầu nhóm
người khiếu kiện. Không có bằng chứng phạm tội vẫn bắt chỉ vì những
người đó là những người có hiểu biết về pháp luật tương đối khá hơn
những người còn lại trong đoàn người khiếu kiện. Khép họ vào một tội bất
kỳ, nhưng nhiều nhất và dễ nhất, tiện lợi nhất cho chính quyền nên được
chính quyền sử dụng nhiều nhất là, khép những người dân thấp cổ bé học
kêu gào kêu oan kia vào tội gây rối hoặc "lợi dụng quyền tự do dân
chủ.." (có đâu mà lợi dụng?!) Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Văn
Thông...là những người dân mất đất từ Bắc chí Nam, những người mà chính
quyền cho rằng là người đứng đầu của một nhóm người, đã bắt và bỏ tù họ.
Tôi không thể kể hết được tên họ.
Những
câu chuyện đằng sau mỗi một vụ việc dân oan đều là những câu chuyện đau
đớn mà khi nghe người ta sẽ trố mắt lên không dám tin nó là sự thật.
Những câu chuyện người dân vì oan ức cùng quẫn đến mức phải tự thiêu.
Những câu chuyện về người hoạt động xã hội ôn hòa bị đánh đập vô cớ, bị
cướp bóc tài sản, bị kết án, bị tống xuất ra nước ngoài như một cuộc mặc
cả.. Nhiều và đau lắm. Mất mát của dân là không thể đong đo. Cái có thể
định lượng và đong đo là tiền vào túi quan chức.
Trong
nhiều năm ròng, tôi và bạn bè-những người giúp dân oan luôn bị chỉ
trích chửi bới từ cộng đồng vì cộng đồng đã bị chính quyền thông qua báo
chí và dư luận viên tuyên truyền lừa mị rằng những kẻ phải xa quê, bỏ
việc lặn lội hàng ngàn km, phải ăn ngủ lăn lóc vỉa hè để kêu oan, để bám
víu vào cái niềm tin mong manh vào chính phủ kia là những kẻ gây rối,
là thế lực thù địch và những kẻ giúp dân oan là phản động! Thay vì giúp
họ thì chính quyền đã đối xử với họ như vậy đấy.
Niềm
tin của bà con dân oan liên tục bị phủ nhận, từ chối và thậm chí chà
đạp như vậy đấy. Niềm tin của công dân Nguyễn Thị Bích Ngà vào chính
quyền đã bị chính quyền phỉ nhổ như vậy đấy. Niềm tin của nhân dân vào
chính quyền đã bị xúc phạm như vậy đấy khi chính quyền không tôn trọng
sự thật.
Nói
nào ngay, bảo chính quyền không đối thoại cũng oan cho chính quyền. Có.
Có đối thoại. Họ bảo người đi kiện về địa phương đối thoại với chính kẻ
bị kiện, mà kẻ bị kiện lại đang đương chức cao, có quyền bắt nhốt dân
hoặc điều lực lượng công an, an ninh gây rối cho dân. Dân không chịu cái
điều bất hợp lý ấy thì chính quyền bảo là tại dân không chịu chứ không
phải chính quyền không muốn đối thoại. Họ cho báo chí tuyên truyên nhóm
người dân nào không đồng thuận với quyết định của họ là thành phần gây
rối và kích động.
Nhóm
nào chịu đối thoại thì kẻ bị kiện luôn biết cách kết hợp với cấp trên
để cuộc đối thoại chỉ là một phía. Người dân hoàn toàn không được giải
quyết gì vì kết quả vẫn y cũ. Lại vác đít đi khiếu kiện tiếp, lại gặp
chây ỳ từ các cấp, lại bức xúc, lại biểu tình hoặc lên tiếng mạnh hơn
thì lập tức dính bẫy: gây rối, thế lưc thù địch.. Rất ít người dám bênh
vực họ. Các cơ quan báo chí thì mũ ni che tai với nỗi khổ của nhân dân
nhưng lại gào rất to theo chỉ đạo của chính quyền khi vu khống nhân dân.
Tôi
có thể kể ra hàng trăm cái ví dụ điển hình bi hài khó tin như thế trong
cách hành xử của chính quyền với dân. Đấy, sự thật mà tôi không muốn
tin nó là đúng như vậy đấy. Và tôi có thể chứng minh cho tất cả những
điều mà tôi phát ngôn.
Một
chính quyền chính đáng, biết vì dân thì không việc gì phải sợ phản
biện, chỉ trích và câm lặng trước những đóng góp của dân. Chỉ có chính
quyền độc tài và vì lợi ích nhóm mới có thể hành xử với dân theo cái
cách mà chúng ta đang thấy. Xin hãy đừng ngạc nhiên nữa bởi bản chất nó
là như vậy. Sự thật không thể chối cãi.
Quay
về việc Đồng Tâm, tôi không cổ xúy bạo lực và tôn trọng tuân thủ nguyên
tắc bất bạo động trong đấu tranh. Nhưng, người dân luôn là người yếu
thế so với chính quyền, kể cả khi trong trường hợp người dân có trang bị
bom xăng hay súng đạn để tự vệ thì cái số lượng và tương quan ấy kẻ
mạnh vẫn thuộc về chính quyền. Thì, một chính quyền chính đáng và hiểu
biết phải là một chính quyền biết vị trí mình là kẻ mạnh, không việc gì
phải dùng vũ lực với dân. Vấn đề ở đây là nếu không dùng vũ lực thì
chính quyền không có đủ căn cứ pháp lý hợp lệ để thắng dân nên bắt buộc
phải trấn áp. Trong mọi trường hợp: trấn áp. Thậm chí, bạn có thể thấy
cả cái việc trấn áp ấy trên đường phố, khi họ bắt hàng rong.
Họ
có biết việc trấn áp gây ra hậu quả nghiêm trọng về gãy đổ niềm tin và
tâm lý xã hội không? Họ biết. Chắc chắn biết. Bất kỳ một người biết làm
chính trị nào cũng hiểu rằng: khi chính quyền dùng đến biện pháp đàn áp
bằng vũ lực với người dân để cưỡng bức người dân tuân thủ quyết định của
mình thì chính quyền đó đã không còn là chính quyền của dân nữa, nó là
chính quyền của nhóm lợi ích và sẽ gây ra những tác động rất nặng nề.
Bất ổn xã hội chắc chắn sẽ diễn ra ngày càng cao. Nhưng họ vẫn hành xử
như vậy vì không có cách khác.
Đồng
thời, chính quyền vẫn tự tin họ đủ súng để tiếp tục trấn áp nếu người
dân phản kháng. Họ có sợ dân phát hiện ra sự thật họ đang coi dân như
những công cụ không? Họ không sợ. Vì họ tự tin họ nắm báo chí truyền
thông trong tay để có thể kiểm soát việc che đậy. Có mạng xã hội rồi khó
che đậy hơn thì họ ra luật ngăn chặn bài viết sự thật. Bỏ tù người dám
viết. Trả tiền cho những kẻ bán ngòi bút cho họ để dẫn dắt định hướng dư
luận theo hướng ngu dân. Mọi việc có vẻ luôn trong tầm kiểm soát. Nên,
chính quyền đã, đang và sẽ tiếp tục hành xử như vậy và ngày càng bạo
liệt hơn. Vậy đó. Không có gì lạ đâu.
Nguyễn Thị Bích Ngà
(FB Nguyễn Thị Bích Ngà)
Không có nhận xét nào