Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Sĩ Dũng - Điều kiện tiên quyết để phát triển vượt bậc

    Trên thế giới có bảy quốc gia và vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore và Việt Nam. Singapore và Việt Nam tuy về vị trí địa lý nằm ở Đông Nam Á, nhưng về nền tảng văn hóa là thuộc về Đông Bắc Á. Trong 7 nước nói trên, có 5 nước lựa chọn mô hình thể chế để phát triển kinh tế là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Singapore. Tất cả các nước này đều đã hóa rồng.

    Điều kiện tiên quyết để phát triển vượt bậc
    Nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình thể chế coi trọng vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế. Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp và tác động mạnh mẽ vào thị trường để hiện thực hóa chiến lược này. Đây là mô hình nhà nước dẫn dắt sự phát triển. (Để so sánh, nhà nước điều chỉnh là mô hình thể chế coi trọng vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế. Nhà nước tạo khuôn khổ thể chế để thị trường phân bổ nguồn lực, để tự do cạnh tranh bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế. Đây là mô hình thị trường dẫn dắt sự phát triển).

    Triều Tiên và Việt Nam là hai trường hợp ngoại lệ. Triều Tiên vẫn chưa chuyển đổi khỏi mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Việt Nam thì đã chuyển đổi khỏi mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung nhưng lại chưa có sự lựa chọn chắc chắn giữa mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước điều chỉnh. Giai đoạn đầu của quá trình đổi mới Việt Nam hành xử gần với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hơn. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu với thế giới, Việt Nam càng tiến gần hơn với mô hình nhà nước điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình nhà nước điều chỉnh chỉ đưa lại sự phát triển kinh tế vượt bậc cho các nước có nền tảng văn hóa Anh-Mỹ như Anh, Mỹ, Úc, Canada… Nó chưa đem lại sự phát triển như vậy cho bất kỳ một nước nào không có nền tảng văn hóa tương đồng.

    Với nền tảng văn hóa Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có lẽ là lựa chọn phù hợp hơn cho Việt Nam.

    Lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng cho được một đội ngũ công chức tài giỏi và chuyên nghiệp. Đây là đặc trưng đầu tiên và quan trọng nhất của nhà nước kiến tạo phát triển. Kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á là đáng được tham khảo.

    Đặc biệt thú vị là kinh nghiệm lựa chọn công chức của Đài loan. Ở Đài Loan, quyền khảo thí là một trong năm quyền lực nhà nước. Có lẽ, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới mà quyền lực nhà nước được chia thành năm nhánh: lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát và khảo thí (chứ không phải chỉ ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp như ở nhiều nước khác). Đây là mô hình nhà nước được xây dựng theo tư tưởng của Tôn Trung Sơn, người có ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào dân chủ ở phương Đông. (Thực ra, trong quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” của nước ta, tư tưởng của Tôn Trung Sơn cũng được thể hiện. Đó là tư tưởng tam dân: Dân tộc độc lập; Dân quyền tự do; Dân sinh hạnh phúc).

    Quyền khảo thí là một trong những quyền lực nhà nước được Tôn Trung Sơn hết sức coi trọng. Ông cho rằng chính sách, pháp luật chỉ thật sự đi vào cuộc sống nếu chúng được triển khai bởi một đội ngũ công chức tài giỏi, liêm chính. Chính vì vậy, sứ mệnh của quyền lực khảo thí là sát hạch và tuyển dụng những người tài giỏi nhất, liêm chính nhất cho nền công vụ của quốc gia.

    Cơ quan cao nhất của nhánh quyền lực khảo thí là Viện khảo thí. Các cơ quan trực thuộc Viện khảo thí là Bộ Khảo thí; Bộ nhân sự (Bộ lại); Ban giám sát quỹ hưu của công chức; Ủy ban bảo trợ và đào tạo công vụ. Trách nhiệm của Viện khảo thí ngoài việc sát hạnh, còn là tuyển dụng và điều hành đội ngũ công chức trong cả nước.

    Chính nhờ có quyền khảo thí vận hành trên thực tế mà đội ngũ công chức của Đài Loan rất có năng lực, đồng thời cũng rất liêm chính. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Đài Loan đã trở thành một trong những quốc gia phát triển và thịnh vượng nhất của châu Á.

    Cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển để xây dựng kinh tế. Như đã nói ở trên, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nhà nước kiến tạo phát triển là một đội ngũ công chức tinh hoa và độc lập. Chính nhờ khảo thí được coi trọng như một quyền lực nhà nước, nên Đài Loan đã có điều kiện để sát hạch và lựa chọn được những người tài giỏi nhất cho công vụ. Cũng chính nhờ tính độc lập của quyền khảo thí, nên đội ngũ công chức đã không bị phụ thuộc vào các ảnh hưởng của đảng phái, phe nhóm, của các quyền lực chính trị như lập pháp và hành pháp. Điều này làm cho chính sách pháp luật luôn luôn được thực thi khách quan, hiệu quả. Mà như vậy thì độ tin cậy của chính sách pháp luật cũng cao hơn. Một điểm rất đặc biệt của Đài Loan là các doanh nghiệp nhà nước vận hành rất hiệu quả. Có thể, cách thức tuyển chọn nhân sự và tính độc lập của đội ngũ này là sự giải thích cho hiện tượng nói trên.

    Ở Nhật Bản việc thi tuyển công chức cũng rất được coi trọng và mang tính cạnh tranh rất cao. Ví dụ, năm 2009 có 22.186 người tham gia thi tuyển công chức, thì chỉ có 1.494 (6,7%) người trúng tuyển. Trong số những người trúng tuyển này, chỉ có chưa đầy một nửa (660 người) được tuyển dụng.

    Trở lại với Việt Nam chúng ta, thách thức lớn nhất trong việc thúc đẩy mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở ta là tình trạng đội ngũ công chức khó có thể được coi là tinh hoa và chuyên nghiệp. Thêm vào đó sự thiếu hụt về liêm chính và phẩm hạnh cũng là một vấn đề rất lớn. Để có được một đội ngũ công chức như các nước Đông Bắc Á có lẽ chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước này trong việc thi tuyển để lựa chọn các công chức tài giỏi. Và xây dựng một thiết chế đảm nhận công việc này có vị thế độc lập và quyền năng như Viện khảo thí của Đài Loan có lẽ cũng cần được nghiên cứu, xem xét.

    Thực ra, truyền thống khoa bảng ở nước ta đã có tự ngàn xưa. Rất không may là sau nhiều biến động của lịch sử, truyền thống này đã bị đứt gãy. Vấn đề là chúng ta phải có ý thức khôi phục lại truyền thống này để chuyện thi tuyển công chức được tổ chức thực sự nghiêm minh và chất lượng. Suy cho cùng, thiếu một đội ngũ công chức tài giỏi, đất nước sẽ khó có thể phát triển một cách vượt bậc.
     
    Nguyễn Sĩ Dũng
     
    (Tia Sáng) 

    Không có nhận xét nào