“Hết sức chú ý công tác nhân sự. Đây
là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không
cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình,
chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta
không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”. (Ông Trần Quốc Vượng – Thường trực
Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam).
Cho
đến lúc này, đây là câu nói mà cá nhân tôi đánh giá là nhận định chính
xác và trực diện nhất về hiện thực xã hội Việt Nam và các vấn đề nội tại
của bộ máy tổ chức đảng cầm quyền hiện hữu, từ một cá nhân có vị trí
cao trong đảng.
Trong năm 2019 và đầu năm 2020, có hai câu nói chất lượng từng được nghe, xin chia sẻ:
Câu
thứ nhất là của một cây bút chất lượng, am tường chính trị: “Ở Việt Nam
đến lúc này không có một cá nhân độc tài (như họ Tập, họ Kim). Chí ít
vẫn còn có những mầm mống dân chủ và cải cách có thể phát triển và trên
thực tế là có. Nhưng quá trình thay đổi nhận thức để dẫn đến thay đổi
hành vi của một cá nhân, một xã hội chưa bao giờ là nhanh cả…”
Câu
thứ hai là của một cán bộ cũng siêu am tường chuyện “thâm cung”, từng
về hưu sớm đi làm kinh tế tư nhân: “Trong mã gene người Việt, sự khuất
phục và khuất nhục luôn mang tính tạm thời. Sẽ có những trở lực phi tiến
bộ song nó không thể ngăn được xu thế thời đại và bánh xe lịch sử.
Không có cuộc gieo nhân ác nào mà không sinh ra quả ác và những hành vi
cướp đoạt xưa nay chính là đang vay mượn một cuộc “trả quả” trong tương
lai.”
Nguyên
lý “có áp bức, có đấu tranh” và cặp phạm trù “Nhân-Quả” mà Karl Marx
truyền bá từ Đức, qua Liên Xô, xuống Trung Quốc và vào Việt Nam đến nay
vẫn y nguyên trong các giáo trình đại cương.
Ông
Trần Quốc Vượng nhận ra và phát ngôn như vậy thì hẳn các đồng chí đồng
cấp với ông ấy trong Bộ Chính trị cũng có thể nhận ra. Chí ít cũng không
hão huyền về “các thế lực thù địch” mơ hồ nào đó mang tính chất dự án
an ninh.
Cần
nhắc lại một chút về vụ PMU18 vào giữa những năm 2000. Khi ấy, công tác
nhân sự như thế nào mà những cán bộ cao cấp có vị trí cấp cao trong
đảng bộ đã nhúng chàm? Đại án kinh tế khi ấy rất to; song nó quá bé nếu
so sánh với những đại án mấy năm qua đảng đã “đốt lò”. Vậy sợ dây kinh
nghiệm đã được “rút” kiểu gì để tham nhũng “tiến hoá” ở mức cao hơn
nhiều và thiệt hại cho quốc gia, dân tộc cũng ở mức kinh khủng hơn
nhiều?
Có
lần được dịp ngồi với một đại quan nhân, câu nói tôi nhớ nhất về chế độ
liên quan đến thứ mà ai cũng phải đối mặt: “Ô nhiễm chính là nguyên
nhân có thể chấm dứt chế độ!” Nếu đó không phải là câu được nghe thì đó
sẽ là câu tôi chọn nói thẳng với đại quan nhân trong buổi gặp ấy. Đơn
giản là không thể vá víu quyền lực bằng bạo lực đối với những người
không sợ chết, khi họ mang tâm lý “đằng nào cũng chết!”.
Cũng
như không hề dễ dàng “tế cờ” một cá nhân như Đặng Văn Hiến (vụ nổ súng
Đak Nông); nếu những người có thẩm quyền nhận đủ thông tin về việc nhân
dân không chỉ ở Tây Nguyên đang nhìn vào một bản án, để chọn cách hành
xử nếu bị cướp đất bằng văn bản kèm bạo lực.
Đầu
năm sau là Đại hội XIII của đảng tiên phong theo điều 4 Hiến pháp! Nhìn
vào một nhận thức về nhân sự đảng của Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng
sản Việt Nam thấy đã có sự khác biệt khi sự lựa chọn “làm tốt” hoặc “ta
tự lật đổ ta” đã là một tín hiệu tốt. Song người viết lại rất bình thản
khi câu chuyện sắp tới của hệ thống chính trị sẽ ra sao.
WTO
và World Bank thành lập năm 1944 (trước khi dập tắt chủ nghĩa phát xít)
để vận hành thế giới theo bàn cờ của ai và Việt Nam gia nhập vì điều
gì? Sự tiến hoá mang tính rành buộc chính trị của CPTPP hay EVFTA với
quốc gia này có ý nghĩa ra sao? Đó là những câu hỏi mà tôi tin là ở cấp
cao có thể nhận ra song trở lực của những tháng năm luôn nghĩ mình có
thể “đạp trên xác thù” hay sự ràng buộc từ láng giềng phương Bắc lại
luôn kéo về hướng ngược lại.
Nhân
sự đảng thấy gì thì thường dân khó biết. Song người viết cũng biết một
điều là lịch sử thế giới chứng kiến các chế độ chính trị lớn nhỏ, lâu
mau đều không bất biến cai trị ở bất kỳ đâu. Ở đâu có nhân dân đồng tâm
thì ở đấy chế độ thịnh trị, và ngược lại.
Năm
sau là Đại hội. Cũng là thời điểm EU phê duyệt EVFTA. Tính từ năm sau,
đảng cầm quyền thêm 10 năm nữa là tròn trăm năm. Cũng tính từ năm sau,
nhà nước hiện hữu thêm 25 năm nữa là tròn trăm năm. Cứ lật lại sử Việt
mà chia trung bình các triều đại tồn tại trước đó là bao nhiêu năm sẽ có
thêm suy nghĩ về cách hành xử hôm nay.
Lâu hơn, hoặc mau hơn trước quy luật chưa bao giờ phụ thuộc vào ý chí cá nhân/nhóm cá nhân/tổ chức quyền lực nào cả!
Các nhân sự cao cấp đang bận bịu chuẩn bị Đại hội XIII có khi nào lắng lại để suy nghĩ như vậy không nhỉ?
Mai Quốc Ấn
(FB Mai Quốc Ấn)
Không có nhận xét nào