Trong
đêm đen thăm thẳm, một video clip xuất hiện trên mạng tường trình vể
những gì đang diễn ra tại Đồng Tâm. Người ta không thấy bất cứ vật gì
ngoại trừ tiếng pháo đại nổ ầm ầm như đe dọa, tiếng người phụ nữ kêu gào
vì gia đình bà bị bao vây, mọi âm thanh ngắt ngứ như bị bịt không cho
ra tiếng tuy nhiên người xem vẫn biết rằng phía sau bức màn tối thẳm đó
là số phận của những người dân Đồng Tâm đang bị trùm lên đầu những chiếc
khăn đen đẩy họ ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để tước đi mảnh đất mà họ
đã được sinh ra và lớn lên. Lúc ấy là 4 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm
2020, chỉ còn hai tuần nữa là Tết Nguyên Đán, khi bất kể giàu nghèo ai
cũng mong ngày này đề xum họp gia đình, gặp mặt nhau chúc những điều tốt
lành nhất cho nhau.
Tết
năm nay người dân Đồng Tâm không còn nghe tiếng pháo dù lẻ loi nhỏ lẻ
trong ngôi làng mà họ gắn bó đến độ xem nhau như người nhà. Họ không còn
ăn Tết đúng nghĩa từ nhiều năm qua nhưng năm nay thực sự cái Tết đã
chia tay họ khi tiếng súng bắt đầu bắn chỉ thiên trong đêm 9 tháng 1.
Không còn ăn Tết, mùa xuân cũng ngoảnh mặt bỏ đi mặc cho trẻ con gào
khóc vì cha mẹ của chúng bị kéo lê lết trên con đường làng nay trông
giống như cảnh hoang tàn của chiến tranh giữa lòng Hà Nội.
Cách
mạng từng ngon ngọt với họ rằng rồi đây khi thành công mọi người sẽ có
đời sống tươm tất hơn, sẽ ăn ngon mặc đẹp, nhà cửa không còn lụp xụp tối
tăm, ai cũng có mảnh đất riêng đề canh tác bù lại những ngày tang
thương dưới bom đạn đế quốc Mỹ. Những mật ngọt ấy bây giờ trở thành
thuốc đắng, nuốt tới đâu người Đồng Tâm nghẹn ngào tới đấy. Họ nghẹn
ngào vì chính họ là những người anh hùng thật sự trong cuộc chiến tranh
chống Mỹ mà không ai dám mơ ngày chiến thắng. Những ông bố bà mẹ anh
hùng ấy đang thờ thẩn ngồi trước hiên nhà canh chừng cuộc tấn công của
chính những người từng là đồng chí của mình. Người dân Đồng Tâm mặc dù
đã nhận chân sự thật từ năm 2017 nhưng họ vẫn không dám tin, bởi con tim
cách mạng vẫn còn đập trong tim và họ cứ bám vào hoang tường rằng chính
quyền sẽ nhìn lại và sẽ giải tuyết thỏa đáng cho họ.
Ngày
15 tháng 04 năm 2017, chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố
Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, người dân xã Đồng Tâm đã
gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua việc bắt giữ 38 cảnh sát
cơ động và cán bộ làm con tin để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền
thành phố Hà Nội. Sau một thời gian ngắn con tin được thả và chính quyền
hứa sẽ không truy cứu trách nhiệm cũng như sẽ xem xét tình trạng đất
đai của bà con. Ba năm chờ đợi với kết quả của đêm hôm nay, Đồng Tâm sẽ
chính thức bị xóa sổ trên bản đồ dân oan của lịch sử Việt Nam đỏ.
Không
phải chỉ một Đồng Tâm mới không có mùa xuân trên mảnh đất hình chữ S,
năm ngoái cũng vào thời điểm như hôm nay người dân Vườn rau Lộc Hưng
cũng chịu số phận của những kẻ ăn nhờ ở đậu trên chính phần đất mà cha
ông họ đã đổ mồ hôi gây dựng từ năm 1954 khi từ Bắc vào Nam. Vườn rau
Lộc Hưng chính thức bị xóa sổ, nhà cửa bị đập tan nát, người dân tha
thẩn trên sân nhà của mình như những chú chó hoang khắc khoải nhớ căn
bếp nồng nàn hơi ấm gia đình.
Chưa
phải là hết, đó chỉ là hoàn cảnh tan nát của một bộ phận rất nhỏ tại TP
HCM, trong khi đó bên kia sông, nơi có tên gọi Thủ Thiêm hàng trăm gia
đình đã và đang sống tạm bợ trong những căn chòi không đáng gọi là chòi
từ gần 20 năm qua, Trước đó họ cũng có nhà có đất tuy lụp xụp nhỏ bé
nhưng họ phấn đấu gầy dựng hết đời này sang đời khác với hy vọng được
đổi đời, và họ đổi đời thật khi một ngày đẹp trời họ thức dậy với hàng
trăm người bao vây cùng đầy đủ phương tiện, máy móc, xe ủi đập phá nhà
cửa của họ cho mục đích được gọi là dự án Thủ Thiêm. Họ kêu gào, lăn
lộn, khóc lóc trong tuyệt vọng. Có người phát điên có người trở thành rồ
dại…những mảnh đời đau đớn ấy trôi theo những cái Tết nhạt nhẻo đúng ra
họ không đáng được tạo hóa chỉ định, chia phần.
Cay
đắng một điều tạo hóa không hề dự phần vào làm cho mùa xuân của họ tan
nát mà chính là những cán bộ chức sắc cao cấp như Lê Thanh Hải, Tất
Thành Cang, Nguyễn Văn Đua hay Lê Hoàng Quân cùng vài chục đồng chí khác
thay trời làm cho nhân dân trở thành nửa người nửa ma. Nửa người ấy cứ
mê sảng chờ được trả lại công lý, còn nửa ma kia cứ đến đêm tối là lang
thang trên mảnh đất khi xưa của mình tìm kiếm những vật dụng thân quen
mà những cái Tết năm nào họ trân trọng.
Người
dân Sài Gòn nói chung và dân Thủ Thiêm nói riêng không bao giờ quên
được bài hát định mệnh khi thành phố này thay chủ. Nhạc sĩ Xuân Hồng
trong ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh một lúc xuất thần đã
viết: “….Cờ sao đang tung bay cao qua hết rồi những năm thương đau. / Xa
ba mươi năm nay đã gặp nhau vui sao nước mắt lại trào.”
Nước
mắt trào ra từ những mùa xuân tan nát và hôm nay tan nát ấy trở lại
Đồng Tâm như một nhắc nhở cho người dân thấy rằng trên đất nước này
không ai chịu trách nhiệm cho những mùa xuân của nhân dân bị lấy cắp.
Tin
mới nhất từ báo chí lề đảng cho biết có 3 cảnh sát cơ động và một người
dân Đồng Tâm đã chết trong khi chạm trán. Máu đã đổ và màu máu đã thay
thế cho màu pháo tết nổ vang tô thắm cho lá cờ đỏ đầy căm phẫn của quần
chúng.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào