Header Ads

  • Breaking News

    Luật sư của Trịnh Xuân Thanh hy vọng Đức tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam sau phán quyết của tòa án Đức

    Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, vào ngày 28 tháng 1 ra thông cáo báo chí yêu cầu chính phủ Đức tiếp tục can thiệp với phía Việt Nam trả tự do cho thân chủ của bà.

    Hình minh họa. Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018
    Thông cáo báo chí được đưa ra ngay sau khi bà này nhận được Quyết Định của Tòa Án Tối Cao Đức, bác bỏ đơn kháng án của Nguyễn Hải Long, người trước đó đã bị tóa án Đức kết án 3 năm 10 tháng tù giam vì tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm 2017.

    Khi đó Bộ Ngoại Giao Đức cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trong lúc đang xin qui chế tị nạn tại Berlin. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Bộ Công an Việt Nam là không hề có chuyện bắt cóc ông Thanh từ Đức mà ông Thanh tự ý về đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng.

    Tòa Án Việt Nam hồi đầu năm 2018 đã xét xử và kết tội Trinh Xuân Thanh 2 án tù chung thân với cáo buộc “cố ý làm trái và tham ô tài sản’ khi làm chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công Ty Cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam- PVC, thuộc Tập đoàn Dầu Khí VN.

    Nay với yêu cầu can thiệp trả tự do cho thân chủ mà luật sư Schlagenhauf đưa ra với báo chí, hồ sơ Trịnh Xuân Thanh coi như được lần giở lại. Giải thích với đài Á Châu Tự Do từ văn phòng mình ở Đức, luật sư Petra Schlagenhauf giải thích:

    “Khi một quốc gia không xin dẫn độ và không đợi cho đến lúc thủ tục dẫn độ hoàn tất mà lại tiến hành bắt cóc người, và nếu quốc gia nơi người bị bắt cóc đến đã có phản đối ngay lập tức và đòi người như trường hợp Đức đã làm với Trịnh Xuân Thanh, thì nước bắt cóc mà trường hợp này là Việt Nam không thể tiếp tục quá trình pháp lý (kết án) đối với người bị bắt cóc. Đây là luật quốc tế”.

    Luật sư Schlagenhauf giải thích hơn về nội dung quyết định mà tòa án ở Đức mới đưa ra:

    “Tòa Án nước Đức phải quyết định xem Việt Nam giữ thân chủ của tôi như vậy có đúng luật quốc tế không. Và tòa đã diễn giải là không vì Việt Nam đã bắt cóc, còn phía chính phủ Đức đã ngay lập tức phản đối và đòi trả Trịnh Xuân Thanh. Vì vậy, theo luật quốc tế, Việt Nam không thể tiếp tục các thủ tục pháp lý với khách hàng của tôi được nữa. Do đó việc tiếp tục giam giữ Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam theo phía Đức diễn giải là hành vi trái pháp luật”.

    Tòa Tối Cao là cơ chế pháp lý cao nhất của Cộng Hòa Liên Bang Đức, nơi ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc mang về nước. Nếu Đức thành công với áp lực trả lại Trịnh Xuân Thanh thì ông Thanh sẽ được đưa trở lại Đức và được hưởng quy chế tỵ nạn đã được phía Đức cấp. Luật sư Schlagenhauf trình bày:

    “Ông ấy có quyền trở lại Đức vì từ tháng 12/2017 chính phủ Đức đã cấp quy chế tỵ nạn cho ông rồi. Lúc đó ông ấy đã bị bắt cóc. Ông ấy có quyền quay lại, nhận passport và ở lại Đức… nếu ông ấy ở Đức thì không ai ở Việt Nam có thể yêu cầu dẫn độ ông ấy về lại Việt Nam nữa. Một khi ông ấy quay lại Đức, ông ấy có thể ở lại Đức”

    Dưới cái nhìn của luật sư Sclagenhauf, vấn đề giữa Đức và Việt Nam lúc này không còn nằm ở phần pháp lý nữa vì nếu đúng theo luật thì Hà Nội đáng ra phải trả Trịnh Xuân Thanh lại Đức từ ngày đầu tiên.

    “Nhưng vấn đề nằm ở lãnh vực ngoại giao. Sau vụ việc, phía Đức đã đóng băng quan hệ với Việt Nam, thế nhưng giờ mối quan hệ hai nước đang dần quay lại vì những lợi ích kinh tế… Tuy nhiên trường hợp thân chủ của tôi hãy còn là vấn đề trong quan hệ song phương. Quan hệ song phương không chỉ có mặt pháp lý mà có cả mặt ngoại giao nữa”.

    Được hỏi bà hy vọng bao nhiêu cũng như phải chờ bao lâu đối với yêu cầu chính phủ Đức can thiệp trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Schlagenhauf trả lời :

    “Tôi phải đợi phía chính phủ Đức gây sức ép lên Việt Nam để giải quyết trường hợp khách hàng của tôi. Họ có tạo sức ép nhưng tôi chỉ có thể hy vọng là những sức ép này sẽ có kết quả.”

    Vẫn theo lời bà, Việt Nam sẽ không bao giờ thừa nhận việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Và nếu họ có thả khách hàng của bà ra thì cũng thả một cách im lặng, họ sẽ không bao giờ thừa nhận là họ làm sai. Chính phủ Việt Nam không muốn bị mất mặt trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, là khẳng định của luật sư Schlagenhauf.

    Từ Đức, luật sư, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ông đồng ý với luật sư Schlagenhauf:

    “Người ta biết rằng đứng đằng sau vụ bắt cóc này là ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Đảng ủy Công An Trung Ương. Ông ta là người trực tiếp lên kế hoạch cũng như chỉ huy vụ bắt cóc này. Nếu trao lại Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức thì đương nhiên ông (Thanh) sẽ khai ra và đương nhiên ông Tô Lâm là người số một rồi. Điều này sẽ đặt Đảng Cộng sản Việt Nam vào thế rất khó xử”

    “Việt Nam sẽ tìm cách thương lượng, thương thảo với phía Đức để trì hoãn cho đến khi Đại Hội Đảng kết thúc, cũng như ông Tô Lâm kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng Công an của mình. Sau đó họ tìm cách phân giải và trả ông Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức vào năm 2021 tới đây thôi”.

    Cũng từ nước Đức, người theo dõi và thông tin vụ việc Trinh Xuân Thanh từ những ngày đầu, blogger Bùi Thanh Hiếu, nói rằng không dễ buộc Việt Nam nhìn nhận làm sai, còn luật sư Đức mạnh miệng cãi là vì rõ ràng Hà Nội vi phạm pháp luật:

    “Bao giờ Việt Nam đứng ra nhận có bắt cóc thì lúc đấy mới nói chuyện thả Trịnh Xuân Thanh và giao trả về được. Khi vụ Trịnh Xuân Thanh dấy lên thời Chủ tịch nước là Trần Đại Quang thì ông ta chủ trương sau này một thời gian sẽ đàm phán để Đức trả Trịnh Xuân Thanh về. Nhưng cuối cùng ông chết đột ngột thì người lên làm Chủ tịch nước là ông Nguyễn Phú Trọng lại chủ mưu vụ bắt cóc Trinh Xuân Thanh”

    “Bây giờ mà để Nguyễn Phú Trọng đứng ra nhận là không có, ít nhất cũng phải chờ qua hết nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng thì người sau này sẽ tìm cách nào đấy trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Chắc chắn là họ sẽ phải thả Trịnh Xuân Thanh thôi”.

    Từ hồ sơ Trịnh Xuân Thanh được lật lại ở đây, người biện hộ cho ông ta là luật sư Schlagenhauf cho rằng không khéo vụ việc sẽ ít nhiều tác động đến Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam đang chờ được phê chuẩn:

    “Tôi có quan ngại (EVFTA được thông qua). Tuy nhiên có nhiều vấn đề còn tồn tại, bao gồm cả vấn đề nhân quyền và trường hợp khách hàng của tôi cũng là vấn đề nhân quyền”.

    EVFTA đã được EU và Việt Nam ký kết vào cuối tháng 6 năm ngoái. Theo dự kiến vào tháng 2 tới, Quốc hội Châu Âu sẽ nhóm họp và bỏ phiếu cho Hiệp định này. Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ đi vào hiệu lực khoảng 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau việc hoàn tất các thủ tục pháp lý.

    Luật sư Schlagenhauf cho rằng nếu Việt Nam vẫn kiên quyết không trả Trịnh Xuân Thanh về Đức theo yêu cầu của chính phủ Đức thì Việt Nam sẽ mãi mãi mang cái mác là “quốc gia bắt cóc”.

    Thanh Trúc

    (RFA)

    Không có nhận xét nào