Tôi quyết định dành thời gian tìm xem
các clip trong vụ Đồng Tâm, vì cũng như hầu hết người đọc muốn truy tìm
sự thật, tôi không đặt toàn bộ niềm tin vào lời nói và căn cứ của một
bên vì nó khó khách quan.
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã, đã thiệt mạng trong cuộc 'tập kích, bố ráp' hôm 09/01/2020 của chính quyền và cảnh sát vào thôn Hoành và xã Đồng Tâm |
Tôi
tìm các clip phát trên YouTube do chính nhóm Đồng Thuận tự quay và đăng
lên. Người đăng chủ yếu là ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình.
Khoe vũ khí, tàng trữ thuốc nổ, dọa giết người
Trong
một clip, ông Lê Đình Kình được trông thấy ngồi cạnh một người đàn ông
lớn tuổi trong khung cảnh ở trong nhà. Đối chiếu với các clip khác,
được biết ông này tên là Bùi Viết Hiểu.
Ông
Hiểu nói: "Chúng tôi đã ngăn đường, chuẩn bị 200 lít xăng, 20 bình ga
mới toanh và nhiều thuốc nổ - vì chúng tôi ở gần xưởng sản xuất thuốc
nổ." Ông Kình ngồi cạnh lắng nghe và điểm vào những nụ cười rất rạng rỡ.
Trong
một clip khác, được cho là cuộc họp thường kỳ của nhân dân xã Đồng Tâm
ngày 22/12/2019, trên bàn chủ tọa là ông Lê Đình Công, ông Bùi Viết
Hiểu và ông Lê Đình Kình.
Đoạn
6 phút 14 giây, ông Lê Đình Công nói: "Nếu chúng cố tình vào xây trên
59 ha này thì bà con chúng ta quyết chiến, nhá, không bắt một thằng nào
hết, nhá, bà con nhất trí không? (tiếng vỗ tay và hoan hô). Không bắt
một thằng nào hết, nhá, tôi xin thề với bà con cả nước (có tiếng phụ nữ:
"chôn sống luôn"), nếu chúng động đến 59 ha của nhân dân Đồng Tâm chúng
tôi, chúng đưa càng nhiều quân về nhân dân Đồng Tâm càng thích. Chúng
tôi hứa không diệt từ 300 đến 500 thằng chúng tôi sẽ không nhìn thấy
đồng bào cả nước nữa (tiếng vỗ tay, hoan hô, tiếng phụ nữ kêu lên "Xin
thề"). Lần này chúng quyết giết tôi thì chúng cũng phải nổ tan xác. Đấy
là một cái quyết tâm của người Đồng Tâm chúng tôi."
Ngồi gần đó, ông Kình thường xuyên mỉm cười.
Sau
đó, ông Kình cầm micro nói: "Nếu kẻ nào cướp đất Đồng Sênh thì nhân dân
chúng ta phải quyết chiến đấu dù đầu rơi máu chảy vẫn sẵn sàng. Đất
Đồng Sênh theo văn bản số 0 ngày 4/6/2016 trị giá tương đương 1 tỷ đôla,
tương đương 23 nghìn tỷ lúc bây giờ, cộng với 60 triệu đôla để xây dựng
thành phố thông minh và giúp đỡ hộ nghèo."
Đất Đồng Sênh giá 39 triệu đồng/m2?
Tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin về giá trị của đất Đồng Sênh theo lời ông Kình. Nhưng tôi không thể tìm được văn bản này.
Theo
lời ông Kình, nó mang số 0. Điều này trái với tất cả quy định về văn
bản hành chính hay pháp luật luôn luôn phải đánh số bắt đầu từ 01.
Kết luận: Không thể có văn bản số 0 vì nó vô lý.
Không thể tìm ra văn bản thì tôi tìm tiếp giá trị đất.
Theo
ông Kình, đất Đồng Sênh vào năm 2016 trị giá 1 tỷ USD. Diện tích tranh
chấp này là 59 ha, căn cứ vào nhiều phát ngôn của chính ông Kình và ông
Công. Theo tỷ giá USD/VND của ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện tại, 01
USD tương đương hơn 23.000 VND, tôi tính gọn 23.000 VND. Tính ra giá trị
mỗi m2 đất Đồng Sênh là 38,9 triệu đồng.
Tôi tìm giá đất hiện tại ở xã Đồng Tâm và tìm được các thông tin sau:
-
Một thông báo bán đất ở xóm 13, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức năm 2017, có
360 m2 trong đó 300 m2 đất ở (giá luôn luôn cao hơn đất vườn hoặc đất
ruộng), đã có sổ đỏ, bán 2 triệu đồng/m2.
- Các tin rao khác bán đất mặt đường ở huyện Mỹ Đức, giá cao nhất 21 triệu đồng/m2.
Đối
chiếu các thông tin trên, tôi vô cùng hoài nghi mức giá đất Đồng Sênh
mà ông Lê Đình Kình đưa ra. Mảnh đất theo ông Kình là đất nông nghiệp,
lại đang tranh chấp với Nhà nước (nên không ai dám mua) không thể có giá
cao gấp mấy chục lần giá đất ở trong khu dân cư được.
Tôi không rõ tại sao chính người dân trong clip và những người xem khác lại không lưu ý và nghi ngờ chi tiết này.
Ở
đoạn cuối clip, một người đàn ông đứng lên tuyên bố: "Nếu ai mặc áo bộ
đội vào xây (tường rào sân bay Miếu Môn) sẽ cho bỏ mạng tại chỗ, cho
chết hết... xin tuyên truyền rộng rãi thông tin này kẻo đến lúc đó vào
chúng tôi đập ngay lại bảo chúng tôi không thông báo."
Đối chiếu trong các clip nói trên, tóm tắt nội dung tôi tự rút ra như sau:
-
Giá đất Đồng Sênh theo ông Kình tuyên bố công khai vô cùng chênh lệch
so với thực tế. Con số này vô lý, còn nói nhẹ thì không có cơ sở.
-
Không thể có văn bản hành chính mang số 0 cả. Không hiểu tại sao hai
chi tiết này không được các nhóm ủng hộ Đồng Tâm kiểm chứng và tư vấn
trở lại.
-
Nhóm Đồng Thuận đã công khai chuẩn bị các vũ khí như chất nổ, bom xăng,
bình ga trong khu dân cư và đe dọa làm nổ tám trạm biến thế trong toàn
xã. Họ cũng đe dọa giết người công khai. Nếu nó xảy ra, nhiều gia đình
khác sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng. Điều này, trong pháp luật
của bất cứ nước nào cũng chính là hành vi khủng bố. Xử lý một nhóm khủng
bố thì nước nào cũng luôn luôn trấn áp dứt khoát, nếu không sẽ gây hại
cho nhiều người vô tội.
Tôi
cũng xem lại tất cả các clip của phía Nhà nước Việt Nam phát trên Đài
truyền hình quốc gia hay các trang mạng Tin đối chứng…, nhưng không dẫn
lại bất cứ nội dung nào vì lý do không muốn dựa trên các thông tin do
phía Nhà nước Việt Nam đưa ra.
Ông Lê Đình Kình: 'Đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của mình'
Clip
mang tên Đồng Tâm media, phát trên facebook ông Lê Đình Công thì ghi
lại cảnh ông Công cùng vài phụ nữ khác vừa live stream đi lại tự do
trong cuộc họp xã Đồng Tâm, liên tục chửi bới, chửi thề và đòi những
người trong chính quyền xã "nghỉ hết đi để dân bầu người khác", vì đấy
là quyền dân chủ của dân.
Đỉnh
điểm khi bị những công an mời đi xuống và ổn định trật tự, ông Công
luôn miệng chửi họ là "con chó", "đồ chó" và thách thức "Tao không đi
xuống đấy!". Đây là hành vi gây rối trật tự công cộng và chống đối người
thi hành công vụ.
Rất
ngạc nhiên là những cán bộ xã không ai dám tỏ ra động thái mạnh mẽ nào
với nhóm ông Công mà vẫn im lặng để họ chửi bới và đi lại náo loạn trong
cuộc họp, ngay cả khi bị dí sát camera vào mặt.
Ở một không gian khác, tôi chắc chắn ngay lập tức ông Công và nhóm người này đã bị khống chế.
Đừng bao giờ kích động bạo lực
Tôi
không bao giờ đồng tình với bạo lực. Trong trường hợp này, càng xem
những lời lẽ hung tợn của ông Công, ông Hiểu và ông Kình cùng vài thành
viên khác của nhóm Đồng thuận, tôi rùng mình vì sự hung hăng của họ.
Thế nhưng, hỡi ơi, ngay cạnh đó là một nỗi thương xót sâu xa.
Những
người nông dân này mới ngây thơ và đáng thương làm sao. Quá ngây thơ,
hiểu biết về pháp luật quá nông cạn, tầm nhìn quá hẹp nên mới có thể lên
mạng xã hội khoe việc tàng trữ vũ khí và đe dọa giết người công khai.
Mà vẫn tin chắc phía chính quyền nước sẽ sợ mình, chân lý thuộc về mình.
Họ
cũng vô cùng ảo tưởng khi tin rằng một nhóm vài chục nông dân, trang bị
tận những "20 cái bình ga mới toanh" lại có thể đối đầu với lực lượng
vũ trang của cả một quốc gia.
Cuối cùng, hậu quả đau thương đã xảy ra.
Sau
sự việc, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công viết trên trang mạng
xã hội của mình một câu tục ngữ Việt Nam thâm thúy: "Không giận người
đốt nhà, chỉ hận kẻ huýt gió". Nghe mà xót xa, thấm thía tận tim gan.
Thời này không thể dùng bạo lực. Người dân lại càng không thể thách thức dùng bạo lực với chính quyền.
Dân
Việt Nam, mới được yên tiếng súng và máu đổ vài mươi năm, đến tận giờ
vẫn ngày ngày rao tin đi tìm xương cốt của người thân chết trong cuộc
chiến, càng không ưa gì bạo lực.
Những nông dân nhóm Đồng Thuận đã phải trả giá đắt cho sự kém hiểu biết nói chung của mình.
Bốn người trong gia đình ông Kình hiện 'vẫn chưa có tin tức gì', bà Dư Thị Thành nói
Nhưng
dùng bạo lực để đối chọi bạo lực, phía Nhà nước Việt Nam mất mát còn
hơn thế, đồng thời hứng một làn sóng phản đối dữ dội trong cả trong nước
lẫn ngoài nước.
Tóm lại, trong cuộc đối đầu bất thần này, tất cả đều thua.
Không
thể dùng bạo lực. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng thể chế dân
sự, không thể có cách nào khác. Xung đột phải được giải quyết thông qua
tòa án và các hình thức thương lượng ngoài tòa án với chứng kiến của bên
thứ ba.
Không
thể lý lẽ tòa án cũng là một bộ phận của Nhà nước Việt Nam nên "chẳng
tin được thằng nào con nào" vì như thế thì vị trí của bạn không thể là ở
trên đất nước này nữa.
Hôm
nay đã là 25 Tết. Cuối cùng, vụ Đồng Tâm đã kết thúc nhanh gọn một cách
hết sức bất ngờ. Thực chất, tất cả đều đã thua theo cái cách thê thảm
nhất, thất bại nhất nhưng chắc chắn từ nay về sau sẽ chẳng còn ai tranh
chấp đất Đồng Sênh nữa.
Rồi
sau Tết, một phiên tòa với các tội danh dự kiến là chống người thi hành
công vụ, tàng trữ trái phép vũ khí và chất nổ, đe dọa giết người… sẽ
diễn ra. Song chẳng thể nói gì vì những bằng chứng chủ chốt nhất cho đến
giờ này vẫn chưa thể xác định.
Nhưng
trời ơi, tôi ước gì nhóm Đồng Thuận đã có những cố vấn am hiểu thực tế
và khôn khéo hơn để đồng hành với họ trong cuộc tranh chấp này.
Tôi
ước gì phía chính quyền Việt Nam đã thật sự đặt mình vào vị trí của
những người nông dân để hiểu thấu tâm lý của họ, để kiên trì đối thoại
bên cạnh việc cương quyết khước từ hoặc xóa bỏ những ý đồ bạo lực từ
trong trứng nước.
Ước
gì có những nhà ngoại giao thật sự không bị chi phối bởi các định kiến
cực đoan của bất cứ bên nào, để mở ra một biện pháp hòa hoãn nhất cho
các bên.
Hãy
lôi kéo các thiết chế có sẵn trong nước như Quốc Hội, tổ chức xã hội
dân sự, báo chí, các cơ quan ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi
chính phủ bảo vệ con người và luật pháp vào cuộc để gây áp lực và giám
sát… nhưng hãy chắc chắn không có bom xăng, bình ga và đe dọa giết
người. Vì cuối cùng, đau đớn, thua thiệt nhất, mất mát nhất cũng chỉ là
người dân mà thôi.
Lê Văn Bảy
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP Hồ Chí Minh
* Bài thể hiện quan điểm cá nhân và cách hành văn của tác giả.
(BBC)
Không có nhận xét nào