Header Ads

  • Breaking News

    Kinh tế Việt Nam 2019 có thực sự ‘tỏa sáng’ như lời ông Nguyễn Phú Trọng?

    Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 30/12.
    Trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 30/12, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2019 đã cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong khi kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm. Ông nhấn mạnh rằng: “Ngân hàng Thế giới – World Bank đã nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam.”
    Tranh cãi về đánh giá kinh tế Việt Nam 2019

    Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chánh ngân hàng cho rằng nhận xét của ông Nguyễn Phú Trọng khá lý thú, tuy nhiên dựa theo con số thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2019 thì cũng không quá đáng. Ông giải thích:

    “Dĩ nhiên những nhận định như thế mang tính cách của một Chủ tịch nước. Nói chung tất cả những chỉ số kinh tế chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có sự phát triển khả quan. GDP Việt Nam năm 2019 tăng 7,02%, từ năm ngoái tới năm nay là 2 năm vượt ngưỡng 7%, đó là một dấu hiệu tốt. Bên cạnh đó thì lạm phát bị kiềm chế ở mức 2,76%, xuất siêu 9 tỷ cũng như nguồn kiều hối về đến Việt Nam là 16,7 tỷ đô la. Tất cả những chỉ số đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định. Đó là các con số của Cục Thống kê cũng như một số tổ chức nước ngoài chẳng hạn như World Bank. Dĩ nhiên những con số này chính xác như thế nào thì có lẽ chúng ta cần có sự nghiên cứu xem những chỉ số thế này có bên nào nào mang tính độc lập kiểm chứng lại hay không.”

    Cụ thể, báo trong nước trích lời Tổng Bí tư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về điểm sáng kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh kinh tế “tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, vượt kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân 2.800 USD/người. Năm 1996, quy mô GDP trên đầu người chỉ có 300 USD/người, giờ tăng lên gấp nhiều lần trong khi dân số gần 100 triệu người.”

    Nói về tính xác thực của những thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam, tờ Bloomberg vào ngày 30/12 có đăng tải bài viết cho rằng Việt Nam có vẻ tốt chỉ trên giấy tờ.

    Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế lâu năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương không đồng ý với tiêu đề bài viết vừa nêu:

    “Tôi nghĩ không hẳn như vậy, tôi nghĩ rằng có những tiến bộ và cải tiến thật sự trong đời sống người dân cũng như trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Tuy vậy phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn và đóng góp của đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn, nhưng không nên đánh giá đấy chỉ là những con số trên giấy.”
    Thuận - nghịch chồng chéo!

    Tác giả Shuli Ren trong bài phân tích đăng trên Bloomberg cho rằng Việt Nam có thể gặt hái thịnh vượng nhờ xuất khẩu và mối quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ thông qua một lực lượng lao động trẻ, bất động sản bùng nổ, ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thực tiễn này khiến nhiều người so sánh Việt Nam với Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ trước. Đặc biệt, trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam được đánh giá là một gia hưởng nhiều lợi ích nhất. Tuy nhiên, theo tác giả thì cần thêm một điểm khi bước sang thập kỷ 2020: sự thịnh vượng không lợi ích.

    Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, riêng về mặt đầu tư thì Việt Nam cũng có lợi thế do một số cơ sở nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc đã chuyển dịch cơ sở của họ sang Việt Nam nhưng con số chính xác thì ông không rõ. Tuy nhiên, dù thương chiến Mỹ - Trung đem lại nhiều mặt lợi, nhưng cũng có mặt hại. Ông nói rõ:

    “Mặt bất lợi là có những hàng hóa tuồn từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi từ Việt Nam xuất sang Mỹ. Những hàng này có thể cho là giả mạo nguồn gốc và có thể là rủi ro cho kinh tế Việ Nam nếu xem xem những mặt hàng đó là cách Trung Quốc tránh trừng phạt, tuồn vào Việt Nam và xem Việt Nam như trạm trung chuyển sang Mỹ. Thành ra có những rủi ro và những bất lợi khác. Chẳng hạn như hàng hóa nếu Trung Quốc không xuất đi Mỹ thì nước láng giềng ngay bên cạnh là Việt Nam có thể phải hứng những món hàng đó với giá rẻ chất lượng cao. Có thể làm cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh rất cao với hàng Trung Quốc.”

    Bên cạnh đó, tác giả Shuli Ren cũng chỉ ra tình hình chứng khoán tại Việt Nam trong năm qua cũng không khởi sắc.

    Theo tác giả Shuli Ren, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bị chi phối bởi các ngân hàng và chỉ có một nhà phát triển bất động sản là Vingroup JSC. Trong khi đó, dù kinh doanh bất động sản vẫn là nguồn thu chính của Vingroup nhưng tập đoàn này đã chuyển sang sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.

    Ngoài ra, vấn đề nợ xấu cũng đang là mối nguy hại với nền kinh tế Việt Nam.

    Fitch Ratings, một tổ chức xếp hạng tín dụng của Mỹ và là một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được công nhận trên toàn quốc được chỉ định bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, gần đây cảnh báo rằng một nửa các ngân hàng ở Việt Nam không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8%.

    Do đó, các ngân hàng cần tăng vốn để tránh nợ xấu trong tương lai nhưng việc tăng vốn các ngân hàng là rất khó, ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần. Nguyên nhân được nói là do chính phủ áp mức giới hạn 30% cho sở hữu nước ngoài.
    Lối ra nào?

    Để giải quyết tình trạng này cũng như kéo chứng khoán Việt Nam đi lên, tác giả Shuli Ren cho rằng đến lúc Việt Nam cần gỡ bỏ các chính sách bảo hộ và mở cửa kinh tế thực sự.

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng ý với ý kiến này, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải mở cửa nhiều hơn nữa:

    “Nền kinh tế Việt Nam cần tiến đến một giai đoạn, trạng thái một nền kinh tế thị trường thực thụ. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp có vốn nhà nước cần phải giảm thiểu để doanh nghiệp tư nhân có sân chơi cạnh tranh công bằng. Đây cũng đúng là chủ trương chính phủ. Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã tìm cách thoái vốn khỏi các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đã thành công trong một mức độ nào đó tư nhân hóa mà Việt Nam gọi là cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước để biến những doanh nghiệp đó trở thành doanh nghiệp tư nhân và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần tiếp tục con đường này để tiến đến nền kinh tế thị trường hoàn hảo hơn cho đúng với ý nghĩa của nó.”

    Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu Việt Nam muốn mở cửa và muốn cắt giảm bảo hộ thì trước hết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Vì nếu như các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam chưa có tiến bộ lớn thì lúc bấy giờ rất khó mở cửa và cắt giảm bảo hộ, khi đó hàng hóa Việt Nam khó có thể cạnh tranh. Ông giải thích:

    “Năm 2019, Việt Nam đã thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ CPTPP, trong đó hàng hóa các nước khác cũng bắt đầu cạnh tranh. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bị cạnh tranh rất mạnh đối với các sản phẩm nước ngoài như thịt bò Mỹ rẻ hơn rất nhiều so với thịt bò Việt Nam. Đấy cũng là một trong những thách thức mà sắp tới đây nền nông nghiệp Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.”

    Nhận định đúng thực chất phát triển, tỉnh táo trước những lời khen ‘có cánh’ để có những bước đi đúng đắn là điều cần thiết lúc này.
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào