Iran sẽ đáp trả Mỹ như thế nào sau vụ ám sát Soleimani? |
Qasem
Soleimani, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách
mạng Hồi giáo Iran, từng là một trong những nhân vật nhiều ảnh
hưởng và uy tín nhất ở Iran, và là kẻ thù truyền kiếp của
Hoa Kỳ. Ông chỉ huy chiến dịch của Iran nhằm trang bị và huấn
luyện cho các nhóm dân quân người Shia ở Iraq – các nhóm chịu
trách nhiệm cho cái chết của khoảng 600 lính Mỹ từ năm 2003
đến năm 2011 – và trở thành nhân vật đại diện cho ảnh hưởng
chính trị của Iran ở Iraq suốt từ đó về sau, trong đó nổi bật
nhất là các nỗ lực chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng
ISIS. Ông đứng sau chính sách của Iran nhằm trang bị vũ khí và hỗ
trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bao gồm việc triển khai
khoảng 50.000 chiến binh người Shia đến nước này. Ông cũng là đầu
mối cho mối quan hệ giữa Iran với lực lượng Hezbollah ở Lebanon,
giúp viện trợ tên lửa và rocket cho nhóm vũ trang này nhằm đe
dọa Israel. Ông thậm chí còn đứng sau chiến lược hỗ trợ của
Iran dành cho phiến quân Houthi ở Yemen. Vì tất cả những lý do
này và các lý do khác, Soleimani là một người hùng được tôn kính
ở Iran và trong khắp khu vực.
Nói
ngắn gọn, Mỹ đã chọn nước cờ cực kì có nguy cơ gây leo thang
căng thẳng bằng cách ám sát một trong những người quan trọng
và quyền lực nhất ở Trung Đông.
Chính
quyền của Tổng thống Donald Trump lập luận rằng Soleimani là
một kẻ khủng bố và rằng việc ám sát ông ta chỉ là một hành
động mang tính phòng thủ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công sắp
xảy đến. Cả hai luận điểm này đều có thể đúng hoặc sai, song
nước Mỹ có thể đã không phải ám sát vị tướng này nếu không
vì chính sách thiếu thận trọng mà chính quyền này đã theo đuổi kể
từ khi nhận nhiệm sở (vào năm 2016). Hồi tháng 5/2018, Trump rời
bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và tiến hành chính sách trừng
phạt kinh tế nhằm gây “áp lực tối đa” lên Iran. Trong vòng một năm,
Iran đáp trả dè dặt nhằm cô lập Mỹ trên mặt trận ngoại giao
và giành nhượng bộ kinh tế từ các thành viên khác của thỏa
thuận hạt nhân.
Song
cách tiếp cận dè dặt đã không đạt được gì. Đến tháng 5/2019,
Tehran quyết định vi phạm thỏa thuận và leo thang căng thẳng
trên khắp khu vực. Đầu tiên là các cuộc tấn công bằng mìn vào
các tàu vận tải biển quốc tế vào tháng 5 và 6. Sau đó Iran bắn
rơi một máy bay không người lái của Mỹ, gần như châm ngòi một
cuộc xung đột mở giữa hai nước. Đến tháng 9, các tên lửa của
Iran bắn vào cơ sở dầu mỏ ở Abqaiq của Saudi Arabia – nơi thường
được xem là hạ tầng dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Các
nhóm phiến quân người Shia bắt đầu bắn rocket vào các căn cứ
của Mỹ ở Iraq, cuối cùng dẫn đến cái chết của một nhà thầu
quân sự Mỹ vào tuần trước. Các cuộc không kích đáp trả của
Mỹ sau đó đưa chúng ta đến với vụ ám sát tướng Soleimani.
Câu
hỏi quan trọng nhất bây giờ là Iran sẽ làm gì. Hành động của
Iran trong những tháng vừa qua và trong lịch sử cho thấy họ sẽ
không vội vàng đáp trả. Thay vào đó, họ sẽ cẩn thận và kiên
nhẫn lựa chọn một cách tiếp cận họ cho là hiệu quả, và khả
năng cao sẽ tránh một cuộc chiến tranh tổng lực với Mỹ. Dù vậy,
chuỗi sự kiện của những ngày qua cho thấy rủi ro tính toán
sai là cực kì cao. Soleimani rõ ràng đã không hề tin rằng Hoa
Kỳ sẽ leo thang nhanh chóng như vậy, nếu không ông ta sẽ không chủ
quan mạo hiểu đến thế (vị trí nơi ông bị ám sát nằm rất gần
các lực lượng Mỹ ở Iraq). Về phần mình, Trump đã luôn tỏ rõ
không muốn tiến hành một cuộc chiến mới ở Trung Đông – nhưng giờ
đây tình hình lại cheo leo như vách đá.
Nước
Mỹ sẽ phải ít nhất chuẩn bị cho việc bước vào xung đột với
các nhóm dân phân người Shia ở Iraq vốn sẽ nhắm vào các lực lượng
vũ trang, giới ngoại giao, và dân thường Mỹ. Iraq là nơi cuộc
không kích của Mỹ diễn ra và do đó là nơi hợp lý nhất để Iran
đáp trả tức thời. Hơn nữa, các nhóm dân quân cũng đã tăng
cường hoạt động trong 6 tháng vừa qua. Họ là một trong những
lực lượng ủy nhiệm có thể phản ứng mạnh mẽ nhất của Iran,
và đặc biệt có động cơ đáp trả khi mà Abu Mahdi al-Muhandis,
một trong các lãnh đạo cấp cao của họ, đã bị giết cùng với
Soleimani trong cuộc không kích.
Liệu
sự hiện diện của Mỹ ở Iraq có khả thi nữa hay không sẽ tiếp tục
là một câu hỏi mở. Tình hình an ninh, vốn đã trở nên phức tạp,
không phải là vấn đề duy nhất. Vụ ám sát là một sự xâm phạm
nghiêm trọng chủ quyền của Iraq – được tiến hành đơn phương mà
không hề được chính quyền Iraq chấp thuận – sẽ khiến các quan
chức Iraq gặp áp lực chính trị lớn buộc phải yêu cầu các lực
lượng Mỹ rút đi. Nhiều người Iraq chẳng hề yêu mến gì cả Mỹ
lẫn Iran. Họ chỉ muốn lấy lại quyền kiểm soát đất nước và lo sợ
bị kẹp giữa một cuộc đối đầu Mỹ – Iran. Tình hình hiện tại
có thể trở thành một kịch bản tồi tệ nhất đối với những người
dân Iraq này.
Song
một cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ giữa tình thế căng thẳng này
có thể đưa đến nguy hiểm thật sự. Nhiệm vụ chống ISIS vẫn
còn đó, và nếu Mỹ bị buộc phải rời khỏi Iraq, nỗ lực này
có thể bị tổn thất nghiêm trọng. ISIS vẫn còn hiện diện ngầm
và có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn do Mỹ rút quân hoặc do
xung đột Mỹ – Iran để cải thiện vị thế của mình ở Iraq.
Hệ
lụy của vụ ám sát không chỉ gói gọn ở Iraq. Hezbollah ở
Lebanon, bên có quan hệ mật thiết với Iran và khả năng cao sẽ
đáp trả lại theo yêu cầu của Iran, có thể tấn công các mục
tiêu Mỹ ở Lebanon. Kể cả khi Iran quyết định tránh gia tăng căng
thẳng quy mô lớn ở Lebanon, các nhánh của Hezbollah vẫn phủ đầy
ở Trung Đông và có thể tấn công Mỹ ở bất kì nơi nào trong khu
vực. Hoặc Hezbollah có thể lựa chọn phóng tên lửa vào lãnh
thổ Israel, mặc dù cách đáp trả này không khả dĩ lắm.
Hezbollah muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel
vốn sẽ tàn phá Lebanon; hơn nữa chính quyền Trump cũng đã công
khai nhận trách nhiệm cho vụ ám sát tướng Soleimani, làm tăng
khả năng một cuộc tấn công đáp trả sẽ chỉ nhắm trực tiếp vào
Mỹ.
Iran
có thể tiến hành tấn công tên lửa nhắm vào các căn cứ Mỹ ở
Saudi Arabia và UAE, hoặc các hạ tầng dầu mỏ quanh vùng Vịnh.
Sự chính xác của cuộc không kích do Iran tiến hành nhắm vào cơ
sở dầu Abqaiq hồi tháng 9 đã khiến Mỹ và cả thế giới bất
ngờ, mặc dù Iran cố gắng giữ cho cuộc tấn công chỉ mang tính
biểu tượng và hạn chế. Trong tình hình hiện tại, Iran có thể
lựa chọn hành động quyết liệt hơn, với tính toán rằng họ đã
thành công lớn trong các cuộc tấn công bằng tên lửa trong 6 tháng
qua trong khi vẫn không bị trả đũa.
Chúng
ta cũng có thể dự đoán Iran sẽ nhanh chóng tăng tốc chương
trình hạt nhân của họ. Kể từ khi chính quyền Trump rời bỏ
thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, Iran đã tương đối dè
dặt trong việc đáp trả thông qua chương trình hạt nhân. Sau một năm
theo đuổi thỏa thuận, đến tháng 5/2019, Iran bắt đầu từ từ vi phạm
thỏa thuận cứ mỗi 60 ngày. Đợt 60 ngày tiếp theo sẽ kết thúc
vào tuần tới, và thật khó để tưởng tượng Iran sẽ dè dặt trong
bối cảnh cái chết của tướng Soleimani. Ít nhất, Iran sẽ tái
làm giàu uranium đến mức 19,75%, một bước nhảy lớn để có được
uranium ở mức có thể chế tạo vũ khí. Họ gần đây đã đe họa sẽ
đi xa hơn bằng cách rời khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí
hạt nhân (NPT) hoặc trục xuất các thanh sát viên. Đây sẽ là các
bước đi cực kì nguy hiểm, và cho đến tuần trước đa số các nhà
quan sát đều tin rằng Tehran sẽ không làm vậy. Giờ thì họ
chắc sẽ phải nghĩ lại.
Có
lẽ nước đi táo bạo nhất của Iran sẽ là tiến hành một cuộc
tấn công khủng bố trên đất Mỹ hoặc ám sát một quan chức cấp
cao của Mỹ ngang tầm với Soleimani. Việc này sẽ khó khăn hơn cho
Iran so với việc tiến hành một cuộc tấn công vào các lợi ích
và công dân của Mỹ ở hải ngoại, nhưng nó vẫn có thể được Iran
xem là một sự trả đũa phù hợp và tương xứng. Lần cuối cùng Iran
được cho là tiến hành một cuộc tấn công vào nước Mỹ là hồi
năm 2011, khi các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ
chặn đứng âm mưu ám sát đại sứ Saudi ở Washington bằng cách
làm nổ tung một nhà hàng. Trong vụ đó, kế hoạch sớm bị bại lộ
và dễ dàng bị ngăn chặn vì hoạt động tình báo kém cỏi của
Iran. Sự việc này cho thấy Iran kém thực lực hơn khi ở ngoài
khu vực Trung Đông, một luận điểm càng được thấy rõ qua các âm
mưu đánh bom thất bại của họ ở Đan Mạch và Pháp trong năm qua.
Vì thế nếu Iran tìm cách tấn công bên trong nước Mỹ, họ sẽ
phải cần đến may mắn.
Nếu
chính quyền Trump thông minh, họ sẽ làm mọi điều có thể để gia
cố các hạ tầng của Mỹ và bảo vệ người Mỹ trong khi chấp nhận
những đòn đáp trả chắc chắn sẽ tới. Họ cũng nên liên lạc với
Iran thông qua các đối tác có quan hệ tốt với nước này, chẳng hạn
như Oman, nhằm tìm cách xuống thang căng thẳng trong khi vẫn ngầm
đề ra các lằn ranh đỏ nhất định nhằm ngăn Iran tính toán sai.
Cuối cùng, Trump hoàn toàn có thể tuyên bố chiến thắng và khoe
khoang rằng ông giành được thế thượng phong trước Iran bằng cách
giết Soleimani, chứ không tiếp tục leo thang quân sự. Song thái độ
kiềm chế này có vẻ trái ngược với tính cách của ông Trump.
Và kể cả khi ông thể hiện một sự kiềm chế trái ngược với
tính cách của mình trong vài tuần tới, mong muốn phục thù của
Iran, và động lực chính trị mà mong muốn này đang bắt đầu tạo
ra, có thể sẽ đưa Mỹ và Iran tiến vào một cuộc xung đột lớn
./.
Ilan Goldenberg
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
*
Ilan Goldenberg là Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại
Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới. Ông từng là trưởng nhóm về vấn đề
Iran thuộc Văn phòng Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách
Chính sách.
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào