Vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng
Tâm, Hà Nội đã dẫn đến chết người hôm nay, 09/01/2020, với tổng cộng 4
người thiệt mạng, gồm 3 công an và 1 người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên, có
những thông tin trái ngược nhau về vụ việc.
Theo
thông báo của bộ Công An, sáng nay, khi « một số đơn vị của bộ Quốc
Phòng phối hợp với lực lượng chức năng » đang xây dựng tường rào bảo vệ
sân bay Miếu Môn, Hà Nội, thì đã bị « một số đối tượng có hành vi chống
đối », tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng....Hậu quả là có ba
công an « hy sinh », và một « đối tượng chống đối » chết, nhưng bộ Công
An không nói rõ ba công an này đã thiệt mạng như thế nào.
Bản
thông cáo của bộ Công An cho biết các đơn vị chức năng đã khống chế và
bắt giữ « các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án,
khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật ». Tuy
nhiên, thông cáo không nói rõ vì sao những người này chống đối việc xây
dựng tường rào sân bay Miếu Môn.
Bạo
động do tranh chấp đất đai thường xuyên xảy ra ở Việt Nam, nhưng đây là
lần đầu tiên từ nhiều năm qua, có công an bị chết trong một vụ tranh
chấp như vậy. Một điểm đáng chú ý khác, đó là lần này chính quyền đã
thông tin về vụ việc nhanh chóng một cách bất thường.
Vấn
đề là theo các thông tin và hình ảnh do người dân Đồng Tâm phổ biến
trên mạng Facebook, thì vụ việc xảy ra không giống như thông cáo của bộ
Công An. Cụ thể, vào lúc 4 giờ sáng, lực lượng cảnh sát cơ động khoảng
1000 người đã đến thôn Hoành,xã Đồng Tâm, chặn các ngõ vào và bao vây
nhà những người có vai trò chủ chốt trong vụ tranh chấp đất đai, ném hơi
cay, lựu đạn cao su vào, rồi đánh đập nhiều người, kể cả người già và
trẻ em. Người dân đã đáp trả bằng gạch đá, bom xăng.
Tuy nhiên, hiện giờ không thể phối kiểm thông tin của cả hai bên, vì chưa thể liên lạc trực tiếp với người dân Đồng Tâm.
Theo
hãng tin AFP, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch kêu gọi tiến
hành điều tra để “biết tường tận chuyện gì đã xảy ra” và để cho các nhà
quan sát không thiên vị ( phóng viên, nhà ngoại giao và quan chức Liên
Hiệp Quốc ) được tiếp cận hiện trường một cách không giới hạn.
(RFI)
Không có nhận xét nào