Đúng vào lúc Trung Quốc và Mỹ đạt hưu
chiến thương mại giữa tháng 1/2020, bệnh dịch virus corona mới bùng
phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, có nguy cơ lan rộng. Dịch bệnh hoành hành
tại nền kinh tế thứ hai thế giới tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu?
Giới kinh tế gia ghi nhận dầu mỏ và du lịch là 2 nạn nhân đầu tiên. Các
thị trường nín thở chờ đợi phiên chứng khoán Trung Quốc mở cửa lại.
Người dân Hồng Kông đeo khẩu trang phòng nhiễm virus corona đi lễ chùa đầu năm, ngày 26/01/2020. REUTERS/Tyrone Siu |
Dường
như không khí bình yên tương đối trên các thị trường tài chính toàn
cầu, mới trở lại sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm ngưng
cuộc chiến về thuế, nay đột ngột tan vỡ với dịch bệnh virus corona. 132
ca tử vong, 6.000 người nhiễm virus, tính đến hôm nay, 29/01/2020. Con
số không ngừng tăng lên gây lo ngại. Chỉ số VIX (Volatility Index) đột
ngột tăng 25% chỉ trong vòng một ngày, hôm thứ Hai 27/01. Chỉ số VIX còn
gọi là ''chỉ số của nỗi sợ'', thường được dùng để đánh giá cảm nhận về
lo ngại của giới đầu tư trước các rủi ro thị trường.
Lo
ngại về ảnh hưởng của bệnh dịch đến nền kinh tế, vốn được coi là một
đầu tầu tăng trưởng của kinh tế thế giới, khiến chứng khoán tại một số
nơi sụt giảm mạnh, tiêu biểu là chỉ số Dow Jones, sụt 1,57% hôm thứ Hai,
27/01, mức lùi chưa từng có kể từ tháng 10/2019. Chỉ số Nikkei Tokyo
sụt 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ 5 tháng nay.
Nguy cơ tiêu thụ nội địa Trung Quốc giảm mạnh
Theo
giới quan sát, cho dù hiện tại còn quá sớm để đánh giá về các hệ quả
của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng tiêu
thụ nội địa Trung Quốc sụt giảm là điều gây lo ngại lớn nhất. Hiện tại,
Trung Quốc là đầu máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng một
phần ba tăng trưởng GDP thế giới hàng năm. Và tiêu thụ trong nước chiếm
khoảng 57% tổng sản phẩm quốc nội. Mà, dịch bệnh rơi đúng vào Tết
nguyên đán là dịp người Trung Quốc mua sắm và đi lại nhiều hơn bình
thường. Theo ước tính của văn phòng Standard&Poor’s, cứ 10% tiêu thụ
sụt giảm trong các lĩnh vực giải trí, giao thông hay du lịch, có thể
khiến Trung Quốc mất 1,2% GDP tăng trưởng.
Để
mường tượng trước tác động với kinh tế toàn cầu của dịch virus corona
mới, nhật báo Le Monde so sánh với dịch viêm phổi cấp (SARS) năm 2002 -
2003. Vào thời điểm này, tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm hơn 9%
trong quý hai năm 2003, nhưng nhanh chóng tăng vọt lên 10% vào nửa sau
của năm 2003. Câu hỏi liệu kinh tế Trung Quốc có phục hồi nhanh chóng
sau đợt dịch này hiện còn để ngỏ chưa có lời đáp. Có một điều mà ông
Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng của công ty bảo hiểm Pháp Coface,
lưu ý là trọng lượng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đã tăng hơn gấp
đôi so với thời điểm xảy ra dịch SARS (khoảng 1/5 GDP toàn cầu so với
8,7% năm 2003).
Ảnh hưởng đến du lịch, thiệt hại nhất là hàng xa xỉ
Với
việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và
nước ngoài, kể từ ngày Chủ Nhật 28/01/2020, tác động đến các nền kinh tế
phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc là rất rõ ràng. Trước hết là các
nước láng giềng châu Á, như Thái Lan (10,5 triệu du khách năm 2018),
Nhật Bản (8,4 triệu), Hàn Quốc (5 triệu), Việt Nam (5 triệu), Singapore
(3,4 triệu), Malaysia (2,9 triệu)… không kể Hồng Kông (49 triệu). Chi
phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng
130 tỉ đô la. Theo văn phòng Oxford Economics các quốc gia nói trên có
các giải pháp thay thế để giảm nhẹ mức độ tác động của việc mất luồng du
khách từ Trung Quốc. Ngoại trừ kinh tế Hồng Kông, vốn bị suy yếu từ
nhiều tháng nay với phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Hoa
lục, và đòi hỏi cải cách dân chủ. Tăng trưởng Hồng Kông sẽ tiếp tục sụt
giảm trong quý này.
Khách
du lịch Trung Quốc chi hàng năm khoảng 4 tỉ euro tại Pháp. Hiệp hội
Acav, tập hợp hơn 50 công ty lữ hành, phục vụ khoảng 150.000 khách Trung
Quốc hàng năm tại Pháp và châu Âu, cho biết đã mất khoảng 1/3 doanh
thu, và buộc phải đặt các nhân viên trong tình trạng ''thất nghiệp kỹ
thuật''. Tuy nhiên, theo báo Le Parisien, trước mắt việc du khách Trung
Quốc đến Pháp ít đi không tác động thực sự lớn, bởi đây không phải là
mùa du lịch cao điểm của khách Trung Quốc (100 nghìn khách/tháng trong
mùa đông, so với 300 nghìn/tháng vào mùa hè, theo chủ tịch của
Entreprises du Voyage).
Hiệp
hội Liên minh các ngành nghề du lịch Pháp Umih cũng có cùng quan điểm
là hiện tại còn sớm để báo động về tình hình này, tuy nhiên, nếu bệnh
dịch kéo dài, tác động kinh tế sẽ là quan trọng, trước hết là đối với
ngành khách sạn và kinh doanh đồ xa xỉ. Riêng đối với lĩnh vực hàng xa
xỉ, tác động của việc mất khách Trung Quốc là rõ ràng nhất. Theo ngân
hàng UBS, khách hàng Trung Quốc mua đến 1/3 đồ xa xỉ toàn cầu hàng năm
hiện nay, so với chỉ 10% hồi xảy ra dịch SARS 2003.
Dầu mỏ sụt giá mạnh
Dầu
mỏ là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nhất của dịch virus
corona mới. Giá dầu trên thị trường thế giới hôm 27/01 xuống đến mức
thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2019. Kể từ khi dịch virus corona có thể
lây từ người sang người được chính thức công bố, ngày 22/01/2020, giá
dầu trung bình giảm từ 65 đô la/baril xuống còn 59 đô la, tức mất gần
10%, chỉ trong vào 8 ngày.
Ảnh
hưởng của kinh tế Trung Quốc là rõ ràng. Trung Quốc là quốc gia tiêu
thụ dầu mỏ số một thế giới, thế mà giờ đây tại nhiều thành phố, giao
thông đình trệ, hàng trăm máy bay không được phép cất cánh. Nhà phân
tích Neil Wilson của Market.com nhận xét: ''Giới đầu tư lo ngại tăng
trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại cùng với ngành du lịch toàn cầu. Đây
là hai lĩnh vực tiêu thụ dầu mỏ chính''. Tiêu thụ Trung Quốc chiếm gần
một phần tư nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Dù sao, bất chấp tiêu thụ Trung
Quốc sụt giảm, lượng dầu mỏ tiêu thụ toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng
trong những năm vừa qua, phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác, do nhu cầu
năng lượng thế giới không ngừng gia tăng (và trong khi các loại hình
năng lượng tái tạo tăng chưa đủ mạnh để thay thế).
Phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch tại Trung Quốc
Ảnh
hưởng về dài hạn đến nền kinh tế thế giới của dịch bệnh do virus corona
mới xuất phát từ Trung Quốc là câu hỏi còn để ngỏ. Điều này phụ thuộc
rất nhiều vào mức độ phát triển của dịch bệnh, vào khả năng kiểm soát
dịch tại Trung Quốc.
Trong
không khí bất trắc bao trùm, trước nạn dịch đang trong giai đoạn bùng
phát, minh bạch là yếu tố quyết định giúp cho việc kiểm soát dịch, gây
dựng niềm tin. Sau một giai đoạn bị lên án là che giấu dịch, phản ứng
của chính quyền Bắc Kinh được một số chuyên gia đánh giá là theo chiều
hướng tích cực. Theo ông Philippe Guibert, tổ chức International SOS,
chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý rủi ro về y tế và an ninh, thì
trong trường hợp bệnh dịch này, chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra minh
bạch hơn, chia sẻ thông tin nhanh hơn, có các biện pháp quyết liệt hơn.
Về phần mình, các thị trường tài chính toàn cầu dường như cũng tỏ ra
thận trọng. Chứng khoán nhiều nơi đã tăng nhẹ trở lại hôm nay, 29/01.
Trong
một bài trả lời phỏng vấn mạng Atlantico.fr hôm 28/01, một chuyên gia
về kinh tế Trung Quốc, ông Mathieu Mucherie, kinh tế gia trưởng của BNP
Paribas Cardif, nhấn mạnh là mọi con mắt đang đổ dồn chờ đợi chứng khoán
Trung Quốc hoạt động trở lại. Phiên khai mạc rất có thể sẽ vào ngày thứ
Hai tuần tới 03/02, do chính quyền Bắc Kinh quyết định kéo dài dịp nghỉ
Tết nguyên đán thêm ba ngày, để có thời gian khống chế dịch.
(RFI)
Không có nhận xét nào