Nếu ai đó muốn tái sử dụng công thức
sản sinh ra Hồng Kong hiện đại, họ chỉ cần nhìn sang láng giềng gần
trong khu vực Biển Đông.
Tại sao Đài Bắc khó trở thành trung tâm tài chính của châu Á? |
Đài
Loan, cũng giống như Hồng Kông trước khi được trao trả cho Trung Quốc
vào năm 1997, có lợi thế là một nơi theo văn hóa Trung Hoa nhưng không
bị Trung Quốc cai trị. Các mối liên kết thương mại với đại lục cũng đã
có từ lâu đời như ở Hồng Kông, với chiều sâu gần như tương tự. Trung
Quốc và Hồng Kông cộng lại chiếm gần một phần ba kim ngạch thương mại
của Đài Loan.
Đài
Loan cũng là một nhà đầu tư lớn trên thế giới và đặc biệt là ở Trung
Quốc. Đài Loan là nền kinh tế chủ nợ lớn thứ năm thế giới, với tổng tài
sản ròng ở nước ngoài ở mức 1,28 ngàn tỷ đôla Mỹ tới cuối năm 2018. Một
số các công ty lớn nhất của hòn đảo, bao gồm công ty lắp ráp iPhone
Foxconn Technology Group, công ty đồ ăn vặt Want Want China Holdings
Ltd, và công ty sản xuất giày thể thao Pou Chen Corp (sản xuất giày cho
Nike, Adidas, Reebok, vv.. – ND) phụ thuộc rất nhiều vào liên kết với
các cơ sở sản xuất của Trung Quốc. Đa phần chuỗi cung ứng công nghiệp
hiện đại của Trung Quốc được tạo dựng bằng nguồn vốn và chuyên môn từ
Đài Loan.
Thêm
vào đó, Đài Loan ngày càng được người Hồng Kong xem là nơi trú ẩn nếu
muốn rời khỏi thành phố đầy lo âu và biến động của mình, một thành phố
Berlin hiện đại nếu so với những o ép tự do kiểu Tây Berlin thời Chiến
tranh Lạnh mà họ đang phải trải qua. Số lượng người Hồng Kông xin giấy
phép cư trú ở Đài Loan tăng 28% so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng
đầu năm 2019.
So
với “rừng đô thị” đầy cao ốc của Hồng Kông, Đài Loan ít cao ốc hơn và
“sống chậm” hơn, với cảnh người dân địa phương đạp xe đạp hoặc xe máy
công nghệ dọc theo các đại lộ đầy cây xanh. Trong khi người Hồng Kông
chỉ có thể mơ đến dân chủ, người Đài Loan đã tổ chức bầu cử tự do trong
một thế hệ qua. Hồi tháng 5/2019, hòn đảo này là nơi đầu tiên ở Châu Á
hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Đài Loan hiện tại là nơi tốt nhất thế
giới cho các chuyên gia nước ngoài sinh sống, theo một cuộc thăm dò gần
đây.
Đài
Bắc “là một thành phố tuyệt vời,” theo Peter Kurz, giám đốc chiến lược
công ty Quantum International Corp. và là cựu trưởng nhóm phân tích
chứng khoán của Citigroup ở Đài Bắc. “Cái gì cũng rẻ ở Đài Loan. Cái gì
cũng đắt đỏ ở Hồng Kông, và người ta đang tuần hành khắp nơi ở đó.”
Mặc
dù vậy, Đài Bắc vẫn là một nơi “hẻo lánh” trên phương diện tài chính.
Không có một người địa phương nào tôi phỏng vấn nghĩ rằng họ có thể thu
hút được dù chỉ một phần nhỏ số lượng doanh nghiệp ở Hồng Kông. Thị
trường chứng khoán Đài Loan có vốn hóa thị trường nhỏ hơn cả các thị
trường ở Hàn Quốc và Úc, và thấp hơn rất nhiều so với Hồng Kông, Nhật và
Trung Quốc. Trao đổi ngoại tệ giữa Tân Đài tệ và đô la Mỹ chỉ chiếm
khoảng 0,9% thị trường ngoại tệ thế giới, khiến nó chỉ có tầm quan trọng
ngang đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ hay đồng rand của Nam Phi.
Khối lượng trao đổi giữa đôla Mỹ và đồng Tân Đài tệ Đài Loan rất nhỏ.
Đa
phần những bất lợi đó là vì sự mạnh tay của chính quyền. Tuy rằng Đài
Loan có tỉ lệ tỷ phú đô la thuộc dạng cao nhất thế giới, nhưng các nhà
quản lý tài sản thường đến Hồng Kông để ký hợp đồng hơn là phải đối diện
với những rào cản pháp lý để có thể làm hồ sơ giấy tờ tại địa phương,
theo Seraphim Ma, giám đốc điều hành của công ty luật Baker &
McKenzie
“Chúng
tôi vẫn có nhiều luật lệ khắt khe”, bà nói. “Chúng tôi bị quản lý chặt
chẽ về các sản phẩm tài chính và bảo hiểm. Nếu chúng ta muốn tạo nên một
trung tâm tài chính khu vực thì chúng ta phải hạn chế điều này.”
Trong
khi hệ thống thông luật ở Hồng Kông và Singapore cho phép sáng tạo
thoải mái trừ khi bị cấm trên giấy trắng mực đen, các công ty Đài Loan
trước hết phải xin phép chính quyền chấp thuận các sản phẩm tài chính
mới theo hệ thống dân luật ở đây, theo Kurz. Chính quyền tiếp theo sẽ
lấy ý kiến từ các nhóm đại diện cho ngành trước khi chấp thuận. Điều này
làm cho sự sáng tạo bị đình trệ bởi vì nó “giống như một công ty buộc
phải xin phép đối thủ.”
Điều này không phải là không liên quan đến tình trạng chính trị đặc biệt của Đài Loan.
Dưới
chính sách “Một Trung Quốc” được ủng hộ bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc và
Quốc Dân đảng từng thống lĩnh ở Đài Loan, cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều
tuyên bố thẩm quyền của mình đối với toàn bộ lãnh thổ Đài Loan và Trung
Quốc đại lục. Bởi vì sự hư cấu pháp lý này cũng như việc Trung Quốc ngày
càng có nhiều quyền lực địa chính trị, Đài Loan giờ chỉ có quan hệ
ngoại giao với 15 nước nhỏ, và con số này ngày càng giảm. Đài Loan cũng
không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc hay phần lớn các tổ chức đa
phương. Cùng với Triều Tiên và Cuba, Đài Loan là một trong số ít các nền
kinh tế không phải là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vì thế,
nếu Đài Loan phải trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ, thì họ sẽ
không có ai trợ giúp.
Cách
chính quyền Đài Loan phòng ngừa điều này là tạo dựng một “tấm đệm” về
vốn có quy mô đáng kể. Vị thế nền kinh tế chủ nợ lớn thứ năm thế giới
được củng cố bằng nguồn dự trữ ngoại tệ đứng thứ sáu thế giới. Đây là lý
do chính đáng khiến ngành ngân hàng Đài Loan có quy mô tương đối nhỏ,
và trong việc phục vụ ngành công nghiệp Đài Loan, nó tương tự như hệ
thống ngân hàng tẻ nhạt của Frankfurt chứ không phải là thị trường vốn
sôi động như của London. Tốc độ di chuyển nhanh chóng của nguồn vốn đầu
tư tài chính đi kèm nợ nước ngoài cao vừa là các đặc điểm quan trọng của
một trung tâm tài chính quốc tế, vừa có thể dẫn tới mối đe dọa diễn ra
khủng hoảng cán cân thanh toán.
Việc
trở thành một trung tâm tài chính lớn sẽ làm suy yếu nền tảng tài sản
nước ngoài của Đài Loan, theo Hung-Ju Chen, giáo sư kinh tế tại Đại học
Quốc gia Đài Loan. Nó cũng dẫn tới một sự thay đổi về văn hóa mà nhiều
người Đài Loan không muốn, bằng việc đem nhiều nhân lực lương cao tới
một xã hội Đài Loan giờ thậm chí còn công bằng hơn cả một Trung Quốc
cộng sản trên danh nghĩa: “Đa phần người Đài Loan đều bất bình với sự
bất bình đẳng thu nhập.”
Đó
là một sự đối nghịch so với các thủ phủ tài chính châu Á, nơi các lao
động có chuyên môn coi mức thuế thấp và người giúp việc sống tại nhà với
mức lương khoảng 5.000 đôla Hồng Kông ($640 đôla Mỹ) một tháng là các
lợi ích đặc biệt cho cuộc sống tiện nghi. Mặc dù mức lương và điều kiện
cho người giúp việc cũng không hẳn là khá hơn nhiều ở Đài Loan, các hộ
gia đình phải chứng minh rằng họ có nhu cầu cấp bách cần sự giúp đỡ
trước khi họ được cấp phép thuê người giúp việc. Vì thế, người giúp việc
ở Đài Loan hiếm hơn nhiều so với ở Singapore và Hồng Kông.
Mức
thuế cũng cao hơn ở Đài Loan, với thuế thu nhập cận biên lũy tiến lên
đến mức 40% cho thu nhập cao hơn 4,53 triệu Đài tệ (148.500 đôla Mỹ).
Chính phủ Đài Loan đã cố gắng đuổi theo các đối thủ có mức thuế thấp
hơn. Các biện pháp bao gồm chính sách cho phép người nước ngoài chỉ sống
ở Đài Loan dưới sáu tháng mỗi năm được tính mức thuế chung là 18%, và
một visa lao động mới có hiệu lực từ năm ngoái cho phép các cư dân
thường trú được trả thuế cho chỉ một nửa phần thu nhập trên 3 triệu Đài
tệ. Dù vậy, hai lổ hỗng này chưa được khai thác rộng rãi.
Vấn
đề của Đài Loan là những thay đổi mà họ cần làm để biến vai trò của
mình từ Thung lũng Silicon hiện tại của châu Á thành Phố Wall của châu Á
sẽ là quá lớn khiến người địa phương không hề mong muốn. Điều này càng
rõ rệt hơn khi mà ảnh hưởng ngày càng lu mờ của Quốc Dân Đảng, vốn ủng
hộ liên kết gần gũi hơn với đại lục, đã đem đến một làn sóng tư tưởng
độc lập.
Dưới
thời chính phủ Dân Tiến Đảng của Tổng thống Thái Anh Văn, Đài Loan hiện
đang thúc đẩy đầu tư vào Nam Á, Đông Nam Á, và châu Úc thay vì vào
người hàng xóm lớn bên kia eo biển.
Giá trị đầu tư từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục đã sụt giảm.
Đầu
tư trực tiếp của Đài Loan sang Trung Quốc đại lục đạt đỉnh 10 năm về
trước, và được dự báo trong năm nay sẽ xuống mức thấp nhất kể từ khi
Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Giảm bớt
sự phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ mang tính biểu tượng. Việc trở
thành một quốc gia chính thức độc lập là một quan điểm bên lề ở Hồng
Kong, nhưng ở Đài Loan đó là chính sách chính thức của Đảng Dân Tiến,
cho dù đó là một chính sách mà các lãnh đạo đảng đã nói giảm nói tránh
trong nhiều thập niên vì họ không muốn làm Bắc Kinh tức giận.
Nếu
Đài Loan thay Hồng Kông làm “ngân hàng” của Trung Quốc thì họ chắc chắn
sẽ phải lo rằng Bắc Kinh có thể muốn can thiệp vào chính trị Đài Loan
một cách quyết liệt hơn. Sau những sự kiện xảy ra năm nay ở Hồng Kông,
nơi mà người dân biểu tình để đòi những quyền lợi mà người Đài Loan đã
có từ lâu, sự đánh đổi đó ngày càng ít hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Nguồn: David Fickling, “Taipei’s Too Cool to Be China’s Banker”, Bloomberg, 04/12/2019.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào