Luật sư đại diện cho người dân Đồng
Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền Hà Nội cho rằng việc
công an thực hiện cưỡng chế và bắt dân vào nửa đêm khi không có việc
khẩn cấp là hành động vi phạm pháp luật.
Hình minh họa. Một đoạn đường bị chặn ở Đồng Tâm hôm 20/4/2017. |
Rạng
sáng ngày 9/1/2020, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tấn công
vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiến người dân Đồng
Tâm phải chống trả. Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo cho biết có 4
người chết, bao gồm ba công an và một người dân. Tất cả nạn nhân đều
chưa rõ danh tính.
Theo
thông tin từ Bộ Công an, đây là một vụ “chống người thi hành công vụ”,
hiện đã bắt giữ nhiều người gọi là “đối tượng chống đối”, khởi tố vụ án
và khởi tố bị can. Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự,
Công an TP. Hà Nội, cho VTV biết có một nhóm đối tượng chống đối gồm 30
người ở Đồng Tâm. VTV vào cùng ngày cho biết nhóm đối tượng chống đối đã
bị bắt giữ hết.
Thông báo của Bộ Công an phát ra hôm 9/1 viết:
“Từ
ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng
chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, thành
phố Hà Nội theo kế hoạch.
Trong
quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống
đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức
năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến
hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hi sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1
đối tượng bị thương.
Các
đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp
luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo
đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bảo vệ quyền lợi của người dân Đồng Tâm, vào cùng ngày nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Thực
tế tôi cũng không nghĩ là sự kiện nó đến mức này. Người dân thông báo
cho tôi rằng có sự kiện này. Tôi không biết nó diễn ra vào lúc nào. Tuy
nhiên tôi thấy nếu người dân quá khích như thế thì tôi cũng không đồng
tình. Xưa nay tôi vẫn khuyên can rằng không nên có những hành động quá
khích mà nên kiên trì đối thoại, có thể nó sẽ lâu, rất lâu nhưng đó mới
là con đường tháo gỡ tranh chấp chứ không phải bạo lực. Bởi vì bạo lực
người dân chỉ tay không thì không thể chống lại chính quyền được.
Nhưng
nếu như mà hành động thực hiện cưỡng chế, bắt người dân vào lúc nửa đêm
nếu không có việc gì khẩn cấp thì đương nhiên đó là hành động sai với
quy định của pháp luật. Người ta không thể bắt vào buổi đêm như thế
được. Rõ ràng là không đúng.”
Luật
sư Ngô Anh Tuấn cho biết ông không thể vào bên trong khu vực cư ngụ của
bà con Đồng Tâm vì bị cảnh sát cơ động chặn lại, yêu cầu phải có chỉ
đạo đồng ý từ giám đốc công an Hà Nội.
Vào
sáng ngày 9/1, một người dân Đồng Tâm giấu tên nói với Đài Á Châu Tự do
rằng bà đang phải lẩn trốn vì các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm
để bắt úp người:
“Mới
trốn ra được một lúc từ hơn 3 giờ sáng thì có tin là ở ngoài người ta
đi bộ vào rất đông. Chúng tôi không nghĩ là nó vào bắt úp dân như thế.
Dân cũng chỉ chuẩn bị là ngủ nghỉ lại một chỗ để tự bảo vệ nhau. Cuối
cùng là chúng nó về bắt úp dân thì bọn chị bị bất ngờ.
Họ
ném bộc phá, ném hơi cay, ném đủ thứ. Bây giờ đánh sập nhà ông Kình
rồi. Thế nên là nó bắt được người đi rồi. Trong nhà đấy lúc tối khoảng
độ hơn 20 người ở trong đấy nhưng bây giờ cháu nội của ông Kình đã bị
bắt mất, hai vợ chồng, hai đứa con. Thằng cháu nội bị bắn gãy tay thì nó
bắt được. Còn cái đứa dâu thì nó mới đẻ tầm 3,4 tháng thôi.
Lê
Đình Quang cũng bị bắt. Lê Đình Quang nhảy xuống định chạy nhưng bị chó
nghiệp vụ nó vồ, bị đánh, bị bắt rồi. Bây giờ bị bắt hơn 20 người trong
đấy có cả Quang.”
Ông
Lê Đình Kình được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm
trong vụ tranh chấp. Ông Lê Đình Quang là người đã trả lời phỏng vấn RFA
vào ngày 6/1 vừa qua, cáo buộc chính quyền Hà Nội điều vũ khí xua đuổi
tàu ngoài biển đến bao vây người dân Đồng Tâm.
Đồng
Tâm là một điểm nóng tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và
chính quyền nhiều năm qua xung quanh một mảnh đất rộng 59 ha ở Đồng
Sênh. Chính quyền cho rằng đây là đất quốc phòng trong khi người dân cho
rằng đây là đất canh tác.
Chính
quyền Hà Nội đã từng tìm cách cưỡng chế đất Đồng Sênh vào tháng 4 năm
2017 nhưng thất bại do gặp phải sự chống trả quyết liệt của người dân.
Người dân Đồng Tâm khi đó đã bắt giữ 38 công an và cán bộ làm con tin để
đòi đối thoại với chính quyền. Vụ việc chỉ lắng xuống sau khi Chủ tịch
UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với người
dân, hứa không truy tố những người đã phản đối cưỡng chế.
Sự
kiện ở Đồng Tâm bắt đầu nóng trở lại từ ngày 31/12/2019, khi bộ Quốc
phòng tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, sát với cánh Đồng
Sênh, phần đất ruộng mà người dân xã Đồng Tâm cho là mình có quyền sở
hữu.
Người
dân Đồng Tâm cho biết khi lực lượng chức năng xây dựng, họ chỉ ra xem
xét tình hình, nếu không lấn chiếm gì thì bà con sẵn sàng ủng hộ.
Người
dân cho biết bắt đầu từ ngày 6/1/2020 chính quyền tiến hành cắt mạng
internet vào làng, bao vây, không cho người bên ngoài vào khu vực thôn
Hoành, nơi cư ngụ người dân Đồng Tâm.
Đàn áp trước cưỡng chế
Trước
khi chính quyền tiến hành cưỡng chế Đồng Tâm, một loạt những nhà hoạt
động xã hội, facebookers đã bị an ninh mặc thường phục theo dõi chặt,
không thể ra khỏi nhà.
Bà
Nguyễn Thị Tâm, dân oan bị cưỡng chế đất ở Dương Nội, ngoại thành Hà
Nội, nói rằng bà bị an ninh theo dõi cả ngày, từ nhà cho đến nơi làm
việc. Theo bà Tâm, những thông tin một chiều từ phía chính quyền đưa ra
lúc này là chưa thể tin tưởng được:
“Đấy
những thông tin đấy thì tôi cũng chỉ biết qua báo chí của Đảng, không
biết chính xác là có đúng thật hay không. Bởi vì nhiều khi những cái tin
như thế thì cũng chưa thể tin được.
Tôi nghĩ là nếu chính quyền mà đúng thì cứ đàng hoàng mà làm ban ngày, việc gì phải làm ban đêm như thế. Đó là đánh úp dân.”
Anh
Trịnh Bá Phương, người nhận được tin sớm từ người dân Đông Tâm và đưa
tin lên Facebook đã bị an ninh bắt đi vào sáng cùng ngày. Anh Trịnh Bá
Tư, em trai của anh Trịnh Bá Phương cho biết anh Phương đã bị đánh đập
và bắt đi vào khoảng 6 giờ sáng và chỉ được thả vào 11:30 đêm cùng ngày.
Dân không phải là giặc
Ngay
sau khi vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra, nhà báo Nguyễn Đình Bổn đặt ra ba
câu hỏi cho Nhà cầm quyền Hà Nội về vụ việc này trên trang facebook cá
nhân:
“Tôi giả sử rằng tôi chấp nhận đất người dân Đồng Tâm đang sở hữu cần thu hồi vì thuộc chủ quyền quân đội, vậy thì:
-
Là một chính quyền, về nguyên tắc làm việc là công khai, minh bạch, có
cưỡng chế thì cũng đến đọc lệnh ngay giờ hành chánh đó mới là chính danh
(và tuân thủ luật pháp).
- Tại sao đánh úp dân vào đêm khuya với vũ trang hùng hậu? Hành vi mờ ám này phải giải thích ra sao? Dân đâu phải là giặc?
- Nếu đã không minh bạch, không chính danh thì nhân danh cái gì để lấy đất hay bắt nhốt người dân?”
Nhà hoạt động Đinh Thảo chia sẻ về thông tin có ba cán bộ chết trong sự kiện này rằng:
“Ai
có chồng, con, anh, em,... đang tham gia đàn áp người dân Đồng Tâm thì
xin hãy gọi, bảo bỏ súng xuống, về nhà đi, sắp Tết rồi.
Không làm cảnh sát nữa thì về làm công nhân, làm nông dân, đi kinh doanh,... kiếm sống.
Xin
đừng bất chấp mạng mình, chối bỏ lương tâm để làm công cụ cho cá nhân
hay thế lực nào. Xin hãy dừng tay, các anh có quyền từ chối làm điều
trái pháp luật, vô nhân tính, vô đạo đức.
Các anh có quyền, vì các anh là con người!”
Giải pháp nào cho Đồng Tâm?
Luật
sư Hà Huy Sơn, người không phải là luật sư đại diện cho người dân Đông
Tâm, nói với RFA về giải pháp giải quyết vấn đề Đồng Tâm tốt nhất hiện
nay là hai bên phải cùng dừng lại:
“Theo
tôi hai bên cần phải cùng dừng lại. Về mặt chính quyền thì cấp Trung
ương phải đánh giá lại về vấn đề đất đai ở Đồng Tâm. Bởi vì, nếu không
có lí do gì tại sao đa số người dân lại phản đối chính sách của chính
quyền thành phố Hà Nội. Cần phải tìm ra nguyên nhân ở đâu. Cần phải xem
xét cho đến tận cùng gốc rễ.
Thứ
hai, chính quyền đang tổ chức lực lượng để xây bức tường ranh giới sân
bay Miếu Môn. Theo tôi, đó cũng chưa phải dự án cấp thiết thì nên dừng
lại để tuyên truyền, thuyết phục người dân hoặc bằng một biện pháp pháp
luật. Tức là giải quyết bằng toà án thì sau đó hãy tiến hành để giảm
căng thẳng giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm.”
Bà Nguyễn Thị Tâm nhận định rằng vụ việc này cần phải có một cuộc đối thoại giữa các bên:
“Vụ
việc này phải có một buổi ngồi lại đối thoại giữa người dân và đại diện
Bộ Quốc phòng cũng như chính quyền huyện Mỹ Đức. Phải ngồi đối thoại
với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bên nào đưa ra được bằng
chứng có chứng cứ pháp lý để chứng minh thì đương nhiên lẽ phải phải
thuộc về bên đó.”
Trong
một diễn biến liên quan, ngay trong chiều ngày 9/1, các tổ chức Xã hội
dân sự Việt Nam cùng kí tên trong bản “Tuyên bố Đồng Tâm 9/1/2020, với
năm yêu cầu được đặt ra cho nhà cầm quyền Hà Nội:
1. Chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang, dùng bạo lực dưới mọi hình thức.
2.
Phải đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, không được ngăn cản
người dân, báo chí đến đưa tin, giúp đỡ người dân Đồng Tâm.
3.
Phải giải quyết vụ việc công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp
luật dân sự. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai.
4. Phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.
5.
Phải khởi tố, trừng trị những kẻ ra lệnh cho lực lượng vũ trang đi đàn
áp dân, những kẻ đồng lõa với các nhóm lợi ích trong tranh chấp dân sự.
Vào
năm 2017, sau vụ cưỡng chế bất thành ở Đồng Tâm, Công an Hà Nội đã ra
quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh
“bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Không có người dân Đồng Tâm nào bị bắt sau đó.
Những
người dân Đồng Tâm từ đó đến nay vẫn khẳng định họ muốn đối thoại với
chính quyền, đồng thời thề kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình
dù có phải đổ máu.
Hôm
9/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi
chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ
cưỡng chế đổ máu ở Đồng Tâm, đồng thời cho quan sát viên và các nhà báo
quốc tế được tiếp cận Đồng Tâm. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ xem
xét yêu cầu cho các nhà báo quốc tế đến Đồng Tâm.
(RFA)
Không có nhận xét nào