Biển Đông đang trở thành lò thuốc
súng. Theo nhiều nhà quan sát, trong năm 2020, vùng biển này là một
trong những điểm nóng nhất hành tinh, nguy cơ bùng phát xung đột vũ
trang là nhãn tiền, đặc biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, giữa Bắc Kinh
và một số quốc gia khu vực. Vì sao nguy cơ xung đột gia tăng, và làm thế
nào để giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh? Đó là câu hỏi ngày càng ám ảnh
giới chuyên gia.
Chiến hạm tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG 54) của Mỹ tuần tra Biển Đông ngày 06/03/2016. Navy |
Theo
kết quả cuộc điều tra thường niên, công bố cuối tháng 12/2019, về những
nguy cơ hàng đầu đối với nước Mỹ trong năm mới của Hội Đồng Quan Hệ Đối
Ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations), một viện tư vấn về chính
trị quốc tế có tiếng tại Mỹ, thì Biển Đông được xếp hạng khu vực thứ hai
trên thế giới, mà ''đụng độ vũ trang'' có nguy cơ dễ dàng bùng nổ nhất,
sau khu vực Trung Đông (với nguy cơ xung đột giữa Iran với Hoa Kỳ hoặc
các đồng minh của Washington). Trong một bài viết trên trang mạng The
National Interest, ngày 28/12/2019, chuyên gia về lịch sử hải quân
Robert Farley thậm chí cảnh báo Biển Đông là một trong năm địa điểm trên
thế giới có thể khiến Thế chiến Thứ Ba bùng phát trong năm 2020 đầy
căng thẳng này.
Tại sao lại là Biển Đông ?
Bài
''Trung Quốc gần hoàn tất chương trình (quân sự hóa) "nguy hiểm" tại
Biển Đông'', đăng tải ngày 02/01/2019, trên trang web hàng đầu nước Úc
news.com.au, nhấn mạnh đến cuộc chạy đua vũ trang gia tăng tại Biển
Đông, giữa một bên là Trung Quốc, bên kia là các quốc gia láng giềng
đang bị Bắc Kinh đẩy vào chân tường, buộc phải tăng chi phí quốc phòng.
Khoảng
15 năm trở lại đây, chi phí quân sự tại khu vực tăng gấp đôi, chủ yếu
để chuẩn bị cho ''một cuộc chiến tranh quy ước với cường độ cao''. Theo
ghi nhận của một cựu chuyên gia tình báo Úc, tiến sĩ Mark Baily, sau gần
20 năm lấn dần từng bước một, Trung Quốc đã xây dựng, củng cố cơ sở
quân sự trên các đảo nhân tạo, và dần dần bình thường hóa việc kiểm soát
trên thực tế gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Cựu chuyên gia tình báo Úc
so sánh tình hình hiện nay tại Biển Đông với thập niên 1930, khi đế
quốc Nhật bành trướng quân sự, trước khi dùng vũ lực đánh bật các đối
thủ, để độc chiếm vùng biển chiến lược này. Đây là lần thứ hai trong
lịch sử, một cường quốc có tham vọng nguy hiểm như vậy.
Ba đề xuất của học giả Trung Quốc
Trong
bối cảnh nguy cơ xung đột nhãn tiền, trang mạng The Diplomat ngày đầu
năm mới, đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Trung Quốc,
mang tựa đề ''Ba chìa khóa để Hải Quân Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại
hòa bình''. Giáo sư Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược
Biển thuộc Viện Nghiên Cứu Đại Dương ở Bắc Kinh, thừa nhận nguy cơ
''xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ'' tại Biển Đông, trong bối cảnh cả Hoa
Kỳ và Trung Quốc đều sẵn sàng chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất.
Tác
giả đề xuất ba việc cần làm để giảm nguy cơ xung đột vũ trang. Đề xuất
thứ nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc cần đạt được đồng thuận về việc chia sẻ
quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo tác giả, tương quan lực
lượng tại vùng biển này đang từ từ nghiêng về phía Bắc Kinh, với các
đầu tư hiện đại hóa quân sự từ hàng chục năm nay, cho dù xét về sức mạnh
tuyệt đối, hiện tại cũng như thời gian tới, Trung Quốc không thể nào
sánh ngang nước Mỹ. Tuy nhiên, xét về lâu dài, Trung Quốc sẽ có sức mạnh
quân sự áp đảo tại các vùng ven bờ, cụ thể là ở Biển Đông và biển Hoa
Đông, và đây là điều mà tác giả khuyến cáo Washington nên chấp nhận như
một thực tế. Như vậy, hai bên cần dàn xếp để duy trì đối thoại chiến
lược về khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, tạo
thế cân bằng lực lượng tại khu vực này. Và đây chính là khuôn khổ bảo
đảm an ninh chung.
Đề
xuất thứ hai mà tác giả khuyến cáo là hai đại cường cần nỗ lực triển
khai thiết lập các quy tắc an ninh trên biển, nhằm duy trì ổn định tại
khu vực. Tác giả nhấn mạnh Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
là một nền tảng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập trật tự và an
ninh. Theo học giả Trung Quốc, do cả Bắc Kinh và Washington đều không đủ
sức mạnh để đơn phương áp đặt trật tự, các quy tắc này phụ thuộc vào sự
nhất trí của cả hai bên. Về vấn đề này, có hai bước cần tiến hành. Thứ
nhất là xác lập các quy tắc để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa Hải Quân
và Không Quân hai nước tại vùng biển này. Và thứ hai là xác định các quy
tắc chung cho các hoạt động quân sự nhằm tránh mọi xu hướng leo thang
nguy hiểm.
Khuyến cáo Mỹ ''trung lập'' liệu có khả thi ?
Hai
đề xuất nói trên của học giả Trung Quốc gián tiếp thừa nhận sự hiện
diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Đề xuất thứ ba, và cũng là điểm đặc
biệt đáng chú ý trong bài viết của học giả Trung Quốc là việc khuyến cáo
Hoa Kỳ nên có lập trường ''trung lập'' về các yêu sách chủ quyền của
Trung Quốc tại Biển Đông. Tác giả cảnh báo mọi can thiệp của Hoa Kỳ,
đứng về phía một hoặc các bên tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, có thể
dẫn đến ''các phản ứng dữ dội'' từ phía Trung Quốc. Lợi ích mà nước Mỹ
thu được khi làm như vậy sẽ nhỏ hơn rất nhiều các thiệt hại, và thậm chí
các can thiệp đó có thể dẫn đến đối thoại với Trung Quốc bị cắt đứt,
trật tự do Mỹ tạo lập tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ''sụp đổ hoàn
toàn''.
Có
thể nói đề xuất thứ ba này liên quan đến nguy cơ trực tiếp và chủ yếu
dẫn đến bùng nổ xung đột vũ trang tại Biển Đông, khi Hoa Kỳ đứng về phía
một quốc gia ven bờ không chấp nhận sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong
bảng xếp hạng các quốc gia có nguy cơ đụng độ vũ trang với Bắc Kinh của
Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ, Việt Nam xếp cuối theo trật tự abc.
Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội đang nằm ở tuyến đầu trong thế trận quốc
tế đang dần dần hình thành, chống lại đà bành trướng Trung Quốc. Trong
nửa cuối năm vừa qua, tuần duyên Việt Nam phải đối đầu liên tục trong
bốn tháng với tuần duyên Trung Quốc, xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế,
quấy nhiễu giàn khoan.
Nhà
phân tích quân sự Derek Grossman, trung tâm tư vấn chiến lược Rand,
chuyên về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, phát biểu với báo Úc, ghi
nhận Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạng lưới hợp tác quốc phòng với
nhiều nước ASEAN, cùng Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - ba quốc gia trong Bộ Tứ
đi đầu trong việc duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ''rộng mở và tự
do'', dựa trên luật pháp quốc tế. Washington cũng ủng hộ nỗ lực bảo vệ
quyền chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, và chính thức bước đầu hỗ trợ Hà
Nội về hải quân.
Xét
trong bối cảnh như vậy, liệu khuyến cáo của học giả Trung Quốc, để
Washington từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc
Kinh lấn át, có thể nào là khả thi?
(RFI)
Không có nhận xét nào