Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của
Đảng Cộng sản Việt Nam có cái tên rất dài là “Về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ. Nó được ban hành vào tháng 10-2016.
Cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác tại một phiên tòa tại Hà Nội hôm 22/1/2018 |
Nghị
quyết này là cẩm nang của các đảng viên, được xem là cơ sở, căn cứ nền
tảng để dựa vào đó đảng viên thực hiện các hoạt động đặc thù như “phê
bình” và “tự phê bình”, chấn chỉnh nội bộ. Nhưng sau ba năm từ ngày ban
hành, xem ra nó cũng đi vào con đường giống hầu hết các chính sách khác
về chống tham nhũng của Việt Nam. Tức là không hiệu lực.
Nguyên
nhân thì cũng y chang các ”chính sách giấy”. Đó là do các giải pháp đề
ra trong đó đã không đụng chạm đến phần cốt lõi, nguyên lý nền tảng tạo
nên tham nhũng.
Các
nhóm nhiệm vụ và giải pháp được chia làm 4 phần gồm: Về công tác chính
trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; Về cơ chế, chính sách; Về kiểm
tra, giám sát, kỷ luật đảng và Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt
trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị. Mỗi phần có từ 5 đến 10 mục nhỏ
quy định chi tiết từng việc một.
“Nói một đằng làm một nẻo”
Phần
1 về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình dài nhất với
10 nhóm giải pháp nhỏ, được xếp đầu tiên trong 4 phần. Có lẽ do chính
trị tư tưởng được đánh giá là quan trọng nhất với đảng viên.
Quan
trọng nhất của quan trọng là nhóm 1 là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
nâng cao nhận thức trong toàn đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng
và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát
triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trên
nền tảng này, các giải pháp tiếp theo đều nhắm vào việc bồi dưỡng trình
độ lý luận chính trị qua việc dạy, học (bắt buộc hàng năm), khuyến
khích nghiên cứu, phát triển tư duy lý luận, đề ra mô hình dạy-học mới,
nắm diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên... để thấm nhuần quan điểm
và tư tưởng của đảng.
Nhưng,
đối mặt với cả một hệ thống các khuyết điểm trầm trọng của cán bộ đảng
viên mà chính Nghị quyết này đã nêu ở phần đầu, gồm: không dám nhận
khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, thấy đúng không
bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ lấy lòng
nhau hoặc vu khống bôi nhọ người khác; nói một đằng làm một nẻo, hứa
nhiều làm ít; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, ganh ghét, đố kỵ;
giả dối, hình thức, trục lợi; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân
chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy thành tích, chạy khen thưởng,
chạy danh hiệu; lợi dụng quyền lực cấu kết với doanh nghiệp hoặc đối
tượng khác để trục lợi; trực tiếp tham nhũng hoặc dung túng, tiếp tay
cho tham nhũng…. thì các giải pháp nêu ra lại rất mơ hồ và không trọng
tâm.
Đảng
Cộng sản Việt Nam yêu cầu “tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng
của đảng, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận
chính trị gắn với ứng dụng thực tế; chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng
của cán bộ, đảng viên để có chủ trương xử lý…”.
Nhưng,
thực tế nhiều năm qua, đặc biệt năm 2019 với biệt hiệu “lò cụ Trọng”,
những đảng viên gây ra tổn thất lớn nhất cho đất nước lại chính là những
quan chức cao cấp nhất. Năm 2019 mới liệt kê sơ đã có 70 cán bộ cao cấp
thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 4 Uỷ
viên Trung ương Đảng, 14 là nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, một cựu Phó
Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 cựu Bí
thư Tỉnh ủy, 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Tổng cộng
có hơn 100 tổ chức Đảng và xấp xỉ 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật
trong nửa đầu năm 2019. Trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do liên
quan đến tham nhũng, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018 (trích
báo cáo của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng công bố tại
phiên họp ngày 26/7/2019).
70
cán bộ cao cấp đứng đầu hẳn đã được bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận chính
trị cũng như thể hiện niềm tin chính trị nhiều, dày, kiên định và vững
chắc hơn hẳn những đảng viên mới hoặc không chức không quyền khác. Vậy
tại sao họ vẫn vi phạm kỷ luật đảng? Không những vi phạm kỷ luật mà còn
phạm tội nghiêm trọng một cách tinh vi, có hệ thống và lâu dài?
Như
thế, rõ ràng lý luận chính trị không phải là hành lang quyền lực bắt
buộc đảng viên tuân thủ kỷ luật đảng. Việc đảng đổ tiền của vào để tăng
dày đặc số lớp học, nghiên cứu, “mài sắc”… cho hàng triệu đảng viên chỉ
gây thêm tốn kém và lãng phí tiền của đất nước.
“Anh ơi anh đừng tham nhũng nữa nhé”
Trong
ba nhóm nhiệm vụ bắt buộc khác để bổ trợ cho các giải pháp tăng cường
lý luận chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 buộc cấp ủy, chính quyền và
người đứng đầu các cấp xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, khắc phục
tình trạng quan liêu; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể,
sâu sát cơ sở; Lập ra quy chế đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, đánh
giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả thực hiện cam kết giữ gìn phẩm
chất đảng viên và sự nêu gương của lãnh đạo, quản lý.
Dễ
thấy rằng ba nhóm nhiệm vụ này lại tiếp tục lờ mờ, cảm tính và chắc
chắn tiếp tục vô hiệu lực. Đó là vì tất cả chúng đều được xây dựng trên
nền tảng ý thức chủ quan của người thực hiện.
Giới
nghiên cứu dùng nhiều bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả của một chính
sách. Trong đó, bộ tiêu chí ROCCIPI được dùng nhiều do phân tích được
nhiều yếu tố tác động căn bản đến quy trình xây dựng một chính sách.
ROCCIPI là viết tắt từ chữ cái đầu của các chữ: Rule (luật lệ);
Oppoturnity (cơ hội); Capacity (năng lực); Communication (truyền thông,
thông đạt); Interest (lợi ích); Process (quy trình) và Ideology (ý thức
hệ). Chỉ khi đạt được cân bằng giữa các yếu tố này, một chính sách mới
có hiệu quả và thực thi.
Thử
dùng ROCCIPI để phân tích nhóm giải pháp nêu trên của Nghị quyết, dễ
thấy nhóm giải pháp này chỉ tập trung vào khâu cuối Ideology; tác động,
thay đổi ý thức chủ quan của người bị tác động. Nhưng đã là con người
thì mặc nhiên có sai lầm, có tâm lý che giấu sai lầm, có tâm lý thích
được khen ngợi, có tâm lý thích việc dễ và nhiều lợi ích, ghét việc khó.
Sống thoải mái theo ý thích cá nhân thì vui sướng hơn nhiều việc phải
nghiêm ngắn làm tấm gương cho ai. Lấy Ideology làm nền tảng xây dựng một
chủ trương, rõ ràng là bất khả.
Đó là nói về tâm lý cá nhân.
Đánh
giá về phong cách làm việc khoa học cũng mơ hồ không kém. Thế nào là
phong cách làm việc khoa học? Cả trăm năm nay những nhà nghiên cứu
phương pháp quản lý giỏi nhất thế giới đề ra phương pháp ISO (tổ chức
Tiêu chuẩn hóa quốc tế) rồi nâng cấp nó liên tục mà vẫn chưa thể hoàn
thiện 100%, vậy thì đảng lấy tiêu chí nào để đánh giá tính khoa học
trong phong cách làm việc? Sao không áp dụng luôn ISO vào cho nhanh
chóng và đỡ tốn kém?
Những
việc làm cụ thể như xây dựng quy trình phê bình và tự phê bình, cam
kết, nêu gương, cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự và chỉ đạo ở
những nơi có vấn đề phức tạp, hoàn thiện phong cách làm việc khoa học,
đừng quan liêu nữa… cũng đều không thể thực hiện.
Vì nó chỉ là một tập hợp các tiêu chí có tính ước ao mong muốn của người soạn thảo nghị quyết.
Mong
muốn thì rõ ràng là chủ quan: nếu tôi yêu anh, tôi sẽ gắng đáp ứng mong
muốn của anh cho anh vui lòng. Không yêu thì mặc xác. Không ai có nghĩa
vụ hoàn thành mong muốn của người khác cả, đảng viên thì cũng thế! Nhất
là họ lại luôn được đặt trước vô vàn cám dỗ để đi ngược lại mong muốn
của các vị thánh viết ra luật, ngồi trong tháp ngà, mơ màng ngắm từng
đám mây hồng trôi lững lờ ra cửa sổ. Và nếu đói, chỉ bấm nút thì Thạch
Sanh xuất hiện.
Nghị quyết là một bộ luật nội bộ của đảng, nếu không có tiêu chuẩn rõ ràng và cụ thể thì chỉ là nói suông.
Riêng
phần này, bộ phận soạn thảo kỷ luật Đảng nên học tập cái thước đo đơn
giản mà các phòng vé xe đò áp dụng với hành khách: trên 12 tuổi buộc
phải mua vé, dưới 12 tuổi thì không.
May ra tránh khỏi tình trạng các đảng viên “đầu đội chủ trương, vai mang nghị quyết” mà cứ nối nhau nườm nượp vào tù.
Vũ Ngọc Mai
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào