Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam hậu chiến và bài học về dân chủ: chủ nghĩa tư bản Miền Nam và chủ nghĩa xã hội Miền Bắc trong mắt TBT. Lê Duẩn sau ngày 30/4/1975

    Việt Nam là nước trải qua một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa dài nhất thế kỷ 20, kéo dài 30 năm, từ 1948 (khi bắt đầu tấn công tư tưởng và cấu trúc nền tư pháp độc lập để xây dựng tư pháp cộng sản chủ nghĩa) đến 1978 (khi lần cuối cùng xoá sổ lực lượng doanh nhân ở miền Nam). Từ năm 1976 đến 1978, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một cuộc “cải tạo tư sản” ở miền Nam, gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn về kinh tế và xã hội.
    Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev hội đàm với Tổng bí thư Lê Duẩn, 29 tháng 10 năm 1975. (Photo by: Sovfoto/UIG via Getty Images)

    Tuy nhiên, không phải đợi đến năm 1979 và nhất là đầu thập niên 1980, sau khi mọi đổ vỡ của việc xoá bỏ toàn bộ nền kinh tế tự do ở Miền Nam hiện ra, thì lãnh đạo ở Hà Nội mới bắt đầu nhận ra sai lầm. Họ nhận ra vấn đề ngay sau ngày 30/4/1975, khi thực tiễn Miền Nam đập vào mắt.

    Dưới đây, chúng ta nhìn lại những ưu việt của chủ nghĩa tự do ở Miền Nam trước 1975 đã tác động tới nhận thức của Tổng bí thư Lê Duẩn về kinh tế tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa như thế nào và phân tích xem tại sao ông không thể tiếp tục đi theo những nhận thức bước đầu đúng đắn của mình.

    Ưu việt của nền kinh tế tự do ở Miền Nam trong nhận thức của Lê Duẩn

    Lãnh đạo hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Liên Xô đã có cuộc hội đàm tại Moscow từ 27 đến 31/10/1975. Trong hội đàm này, Tổng bí thư Lê Duẩn đã thông báo cho Tổng bí thư Liên Xô nhiều vấn đề vĩ mô, như quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Khmer Đỏ (Đảng Cộng sản Campuchia hay “Communist Party of Kampuchia”), phương châm giải quyết tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa với Trung Quốc… và đặc biệt là vấn đề kinh tế hai miền Nam – Bắc sau khi đất nước thống nhất.

    Lê Duẩn nói với lãnh đạo Liên Xô về kinh tế tư bản chủ nghĩa miền Nam và kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc như sau và nhấn mạnh sẽ không “cải tạo kinh tế tư sản ở Miền Nam” mà duy trì nó:

    “Chúng tôi tin rằng khi đã thống nhất rồi thì Việt Nam sẽ tiến lên nhanh lắm vì điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi. Miền Nam Việt Nam trước mắt sẽ có 5 thành phần kinh tế: quốc doanh, hợp tác xã, công tư hợp doanh, tư sản dân tộc, tư doanh. Trong một thời gian nhất định phải giữ như vậy vì nó sẽ giúp phát triển nhanh kinh tế.”

    Ông nhấn mạnh không chỉ một lần mà lặp đi lặp lại với lãnh đạo Liên Xô nhiều rằng ông sẽ giữ lại kinh tế của tư sản dân tộc và tư doanh, tức là loại hình “quốc doanh”, “hợp tác xã” và “công tư hợp doanh” từ Miền Bắc sẽ chỉ là những nhân tố bổ sung vào kinh tế Miền Nam chứ không phải độc chiếm.

    Lý do là, như ông giải thích, “Tư sản dân tộc ở đây có mặt khác”, tức họ có “tính dân tộc”, chứ không chỉ có tính “giai cấp” (thuần tuý “bóc lột”), và do đó, “nếu làm đảo lộn cả thì tình hình sẽ khó khăn”.



    Ông cung cấp một loạt ví dụ so sánh:


    “Ví dụ giá vận tải ở miền Nam rẻ gấp 4 lần so với giá miền Bắc.”


    Về giá gạo, “1 đồng tiền mới Nam Việt Nam ăn 0,85 đồng miền Bắc. 1 kg gạo ở miền Nam giá 0,38 đồng, ở miền Bắc giá 0,45 đồng. Như vậy là ở miền Bắc đắt hơn.”


    Về ngư nghiệp, “cá ở miền Nam bình quân một năm đánh được 80 vạn tấn (do tư nhân đánh) còn ở miền Bắc, Quốc doanh đánh được 1 vạn tấn và Hợp tác xã đánh được 8 vạn tấn.” Như vậy, sản lượng Miền Nam gấp gần 10 lần Miền Bắc.


    Ở miền Nam có một số nhà máy công suất nhỏ, thiết bị của Tây Đức, Ý v.v… Ngành dệt có những nhà máy lớn, trang bị máy móc của Đài Loan, Nhật … Ngoài ra còn một số nhà máy chế biến, lắp ráp của Nhật như lắp ráp transistor, vô tuyến truyền hình, làm đồ da, dày [giày], dép. Hàng sản xuất ở đây đẹp như ở Pa-ri.


    Khi chúng tôi mới vào Sài Gòn, ở đó có 20 vạn mô tô, chạy khắp nơi. Nay thì nửa số người đó đã chuyển sang đi xe đạp vì không có xăng.

    Ông lý giải sự khác biệt về năng lực kinh tế của chủ nghĩa tư bản ở Miền Nam và chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc nói trên bằng yếu tố thể chế, mô hình, điều kiện tự nhiên và tinh thần.


    Tôi đã thăm hội chợ Quảng Châu. Hàng hóa ở miền Nam nhiều, tốt và rẻ hơn nhiều. Tôi hỏi tại sao lại rẻ. Ở đây công nhân ăn tại chỗ, xe đưa và đón tận nhà. Họ bắt làm dữ lắm, làm 8 giờ là đủ 8 giờ. Ở miền Bắc tuy nói 8 giờ nhưng thực tế chỉ làm có 4 giờ. Kinh tế của chúng tôi còn khó nên chúng tôi quyết định tạm giữ lại tư sản dân tộc để họ quản lý kinh tế.


    Ở miền Bắc bệnh quan liêu còn khá nhiều.


    Trước kia Sài Gòn được Pháp giúp, sau này do Mỹ giúp nên họ suy nghĩ theo kiểu châu Âu, áp dụng kinh nghiệm châu Âu.


    Trước đây miền Nam nhận nguyên liệu của Nhật, Mỹ, mỗi năm nhận tới 700 triệu đô la nguyên liệu của các nước, chủ yếu là cho Sài Gòn.


    Ở miền Nam cũng bắt đầu hợp tác hóa và cơ khí hóa, nhưng phải làm cách khác. Nông dân ở đây đa số là trung nông cho nên nếu năng suất trong hợp tác xã không cao thì họ không chịu vào đâu.


    Nông nghiệp [Miền Nam] thì có khả năng phát triển. Chúng tôi có thể khai hoang thêm hai triệu héc ta và nếu làm 2 vụ thì chúng tôi có thêm 4 triệu héc ta ruộng đất. Miền Nam không có bão, đồng bằng rộng. 30 năm nay không có cơn bão nào. Ở miền Bắc thì năm nào cũng có trên 10 trận bão.

    Brejnev không phản đối các quan điểm và nhận thức này của Lê Duẩn, dù các quan điểm này rõ ràng mang tính chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, trái ngược với lý thuyết của chủ nghĩa xã hội. Tổng bí thư Liên Xô nói:

    “Thông báo của đồng chí rất lý thú, làm cho chúng tôi hiểu hơn những vấn đề phức tạp của Việt Nam. Nhưng từ câu chuyện mà đồng chí đã nói có thể rút ra kết luận là đường lối, chính sách của Việt Nam đúng đắn. Còn việc thống nhất kinh tế thì phải làm dần vì giữa hai miền đã có nhiều năm cách biệt.”

    Với những nhận thức do thực tiễn đập thẳng vào mắt như trên, nếu Tổng bí thư Lê Duẩn vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương như ông đã thông báo với Liên Xô và được họ đồng ý, chắc hẳn nền kinh tế và cơ cấu xã hội Miền Nam sẽ không bị phá huỷ như ta thấy ngay sau đó, Việt Nam cũng không nhất thiết phải “làm lại từ con số 0” từ 1986. Nhưng, như chúng ta đã biết, lịch sử Việt Nam sau đó là những trang sử đau buồn về mặt xã hội, khi hàng trăm ngàn người phải chấp nhận hiểm nguy bỏ nước ra đi.

    “Cải tạo tư sản Miền Nam”

    Sử gia kinh tế Đặng Phong đã mô tả như sau trong “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới”, NXB Tri thức, 2009:

    “Chủ trương cải tạo triệt để đã được thông qua. Ngày 23/03/1978, chiến dịch bắt đầu: Bí mật, bất ngờ, cùng một lúc hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều bị khám xét.

    Cả máy móc lẫn hàng hóa và nguyên vật liệu đều bị tịch thu. Một bộ máy quản lý mới được Nhà nước cử về thay thế các chủ cũ điều hành sản xuất.

    Một số chủ bị bắt. Một số bỏ trốn ra nước ngoài.

    Các xí nghiệp công nghiệp tư nhân chuyển thành công tư hợp doanh. Những cơ sở sản xuất nhỏ của tư nhân được đưa vào tổ hợp sản xuất.

    Thương nghiệp bán buôn của tư nhân bị xóa bỏ triệt để. Thương nghiệp bán lẻ được cải tạo thành các tổ dịch vụ.

    Một số lớn thương nhân được đưa về các vùng kinh tế mới để khai hoang, tổ chức sản xuất. Chỉ những người buôn thúng bán bưng và những dịch vụ lặt vặt như chữa xe, cắt tóc thì còn tồn tại.

    Kết quả là kinh tế tư nhân bị phủ định, mà không thực hiện được mục đích phát triển sản xuất.

    Có thể nói, cuộc cải tạo tư sản công thương nghiệp ở miền Nam trong một chừng mực nào đó lại là đánh vào chính nền kinh tế quốc dân, đánh vào đời sống của nhân dân.” (Trang 25)

    Hậu quả là Miền Nam cuối thập niên 1970 đã tiếp bước Miền Bắc từ thập niên 1950, tan rã không chỉ về kinh tế và cả về cấu trúc xã hội. Tại sao?

    Định mệnh của cơ chế “kiểm soát tất cả”

    Công trình kể trên của sử gia kinh tế Đặng Phong là công trình kinh tế học. Khoa học chuyên ngành buộc phải tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt của nó, dễ làm chúng ta cảm thấy kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, tinh thần là những yếu tố không can hệ gì với nhau trên thực tế.

    Nền học thuật chỉ biết duy nhất một luận thuyết…

    Hệ thống chính trị trong đó một đảng vừa đóng vai trò là người xây dựng các quy tắc (lập pháp), vừa thi các quy tắc đó (hành pháp) và trừng phạt những ai vi phạm (tư pháp) chỉ có thể vận hành khi nó độc quyền một dòng tri thức duy nhất. Sau 1954, các “Sách giáo khoa” về “Chính trị Kinh tế học” của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã được dịch sang tiếng Việt, một thế hệ các nhà quản lý kinh tế theo mô hình Liên Xô được đào tạo ra. Bắt đầu đó, nó là loại sách duy nhất về kinh tế học được lưu hành ở Miền Bắc. Loại tư duy kinh tế học này, cùng với những người giảng dạy, học tập, nghiên cứu, vận hành và duy trì nó… tạo thành một bầu không khí tinh thần, một khung cảnh tri thức xác lập cái gọi là “chân lý”.

    Như vậy, các lãnh đạo chính trị đã tạo ra cái khung cảnh tri thức đó. Và đến lượt mình, họ bị chính cái khung cảnh tri thức đó chi phối. Như đã nói ở trên, Tổng bí thư Lê Duẩn đã nhìn thấy “thực tiễn” miền Nam “làm 8 giờ là đủ 8 giờ” còn “ở miền Bắc tuy nói 8 giờ nhưng thực tế chỉ làm có 4 giờ”, nhưng để có thể dùng những thực tiễn này để soi chiếu trở lại những lý luận trong sách vở của bối cảnh tri thức ở Miền Bắc, thì lại cần rất nhiều điều kiện. Vị tổng bí thư này đã thiếu điều gì để tiếp tục những tư duy của ông khi hội đàm với lãnh đạo Liên Xô vào tháng 11 năm 1975?

    Khi hai bên tranh luận, bên nào dùng đến bạo lực, cả bạo lực vật chất và bạo lực tinh thần, là bên đó đã bất lực về trí tuệ. Một luận điểm chỉ có thể bị đánh đổ bằng logic của một luận điểm khác, chứ không phải bị đánh đổ bằng bạo lực, bằng đấu tố, hay những “toà án của dư luận”. Để lựa chọn được cái đúng, nhà lãnh đạo cần có “khung cảnh tri thức mở” của một “xã hội mở”. Nghĩa là, lãnh đạo cần được sống trong một bầu không khí học thuật tự do, nơi các góc nhìn, luận điểm, nhận thức khác nhau cần được va chạm cùng nhau. Tuy vậy, khung cảnh tri thức mở này là lại cái không thể tồn tại trong cấu trúc xã hội “xã hội chủ nghĩa”. Hệ thống Lenin và Staline xây dựng là hệ thống giống như một bức tường mà mỗi viên gạch “kinh tế”, “tư tưởng”, “triết học”, “cơ cấu xã hội”, “tư pháp”, “văn học nghệ thuật”… tương tác với nhau chặt chẽ theo nguyên tắc cái này tồn tại dựa vào cái kia. Trong cấu trúc ấy, bản thân “tư tưởng” trở thành một vấn đề đạo đức và chính trị, khi mà “nghĩ khác” đồng nghĩa với “suy thoái đạo đức”.

    Những trao đổi nêu trên giữa ông Lê Duẩn và ông Brejnev diễn ra vào cuối tháng 10 năm 1975. Nhận thức và chủ trương của ông Lê Duẩn ở đây có một phần thống nhất với Nghị quyết số 247-NQ/TW, của Hội nghị lần thứ 24 của Đảng Cộng sản họp trước đó một tháng, 9/1975. Nghị quyết này phân biệt hai loại “tư sản” là tư sản dân tộc và tư sản mại bản, theo đúng lý thuyết sách vở. Chúng ta cần biết, tư sản mại bản có nghĩa những nhà kinh doanh mà hoạt động của họ cần đến quan hệ quốc tế. Họ hợp tác với doanh nhân nước ngoài. Trong ngôn ngữ kinh tế chính trị cộng sản chủ nghĩa, họ được dán nhãn là hợp tác với tư sản nước ngoài, tức thực dân đế quốc, để bóc lột nhân dân. Còn tư sản dân tộc được hiểu là những doanh nhân chỉ làm việc trong phạm vi quốc nội. Nghi quyết số 247-NQ/TW nói trên khẳng định điều mà Lê Duẩn nói với Brejnev sau đó một tháng: giữ lại tư sản dân tộc.

    Ngay trong cuộc hội đàm nói trên, Lê Duẩn cũng thông báo rõ là ông đã tổ chức đánh vào tư sản mại bản ở miền Nam rồi, và họ là tư sản người Hoa, có các mối quan hệ kinh tế với Hoa kiều ở nước ngoài (Đông Nam Á). Đối với họ, nghị quyết này khẳng định:

    “Quốc hữu hoá các cơ sở sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, ngân hàng, kinh doanh thương nghiệp và nhà cửa của tư sản mại bản. (Để lại cho họ và gia đình họ một phần nhà ở và phương tiện để sinh sống).” (Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975 Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới).

    Như vậy, ngay trong một nghị quyết khẳng định giữ lại tư sản dân tộc, chúng ta đã thấy dấu hiệu của tinh thần lệ thuộc vào sách vở lý thuyết. Có lẽ lý luận phân biệt tư sản dân tộc và tư sản mại bản như trên ngày nay không thể thuyết phục được phần đông người dân Việt Nam, bởi lẽ, nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh cần đến các nhà doanh nhân có khả năng hợp tác quốc tế.

    Quyền lực không được kiểm soát và cân bằng

    Sự độc quyền một dòng tri thức duy nhất về kinh tế xã hội chủ nghĩa, cũng như bản thân các chiến dịch “cải tạo tư sản” để thực thi luận thuyết kinh tế đó, chỉ có thể được duy trì và thực hiện trong bối cảnh một cấu trúc nhà nước mà cơ quan hành pháp có quyền lực tuyệt đối đối với người dân, còn tư pháp thì không tồn tại hoặc tồn tại nhưng vô nghĩa. Một năm rưỡi sau khi khởi động cuộc cải tạo tháng 3/1978, đến tháng 09/1979, Phó thủ tướng Phạm Hùng triệu tập các chủ tịch của 15 tỉnh Nam Bộ để truyền đạt một số ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị như sau:

    “Nhiều tỉnh đã tiến hành tập thể hóa theo kiểu mệnh lệnh, gò ép. Chẳng những thế, còn có tình hình ức hiếp, còng kẹp, tập trung học tập để gò ép vào tập đoàn. Các tập toàn không có nội dung. Những vì sợ phê bình làm chậm nên thành lập vội vã. Có nơi tình hình này rất nghiêm trọng. Đánh trói nông dân, bắt tập trung học tập cải tạo cho thông rồi mới cho về. Tình hình 15 tỉnh là như vậy, chắc các tỉnh khác cũng tương tự, cần phải có các biện pháp khắc phục. Trước hết cần phải khắc phục ngay tình hình cấm nông dân sản xuất nếu không chịu vào tập đoàn.” (Đặng Phong, sđd, trang 40)

    Như vây không phải các lãnh đạo ở Hà Nội không nhận ra sai lầm, nhưng họ chỉ nắm nguyên nhân ở bề mặt hiện tượng mà không hiểu bản chất vấn đề. Xác định nguyên nhân nào thì sẽ nghĩ ra giải pháp tương ứng. Ở đây ông Phạm Hùng giải thích nguyên nhân của những chính sách trên là do địa phương “sợ phê bình làm chậm”, tức là do nhiệt tình cách mạng mà ra, cho nên ông cũng giải quyết bằng biện pháp mà ông chính phê phán: “mệnh lệnh”.

    Cốt lõi của vấn đề ông Phạm Hùng nêu ra ở đây là bản chất của nền hành pháp cộng sản chủ nghĩa. Đó là nền hành pháp không vận hành bằng luật pháp mà vận hành bằng các nghị quyết Đảng và không bị tư pháp độc lập kiểm soát. Đó là nền hành pháp có thể “đánh trói nông dân”, “ức hiếp”, “còng kẹp”, “bắt tập trung học tập cải tạo” như ông Phạm Hùng nêu ra, mà không sợ bị tư pháp độc lập trừng phạt để tái lập công lý.

    Câu chuyện này bắt đầu từ thập niên 1940. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh xây dựng nền tư pháp độc lập, và bảo vệ quyền con người cá nhân vào năm 1946, sau đó ông xoá bỏ nền tư pháp độc lập ấy vào năm 1948. Đến cải cách ruộng đất, ông xây dựng nền tư pháp cộng sản chủ nghĩa mà thẩm phán là bần cố nông thất học, không được đào tạo về chuyên môn, và không phải chịu trách nhiệm gì với bản án mình tuyên ra. Sau 1954, ở miền Bắc, ông cũng đóng cửa Đại học Luật mà người Pháp xây dựng và xoá bỏ Bộ Tư pháp từ 1960. Sau 30/4/1975, ông Lê Duẩn cũng làm điều tương tự ở miền Nam. Đất nước không có luật sư và ngành tư pháp suốt hơn nửa thế kỷ, và chỉ được xây dựng lại từ thập niên 1990.

    Gắn liền với vấn đề tư pháp độc lập là vấn đề kiểm soát và cân bằng quyền lực. Ngày nay, ở những quốc gia có nền dân chủ trưởng thành, nơi các đảng cầm quyền được kiểm soát không chỉ bởi một hệ thống tư pháp độc lập mà còn bởi các đảng khác và truyền thông độc lập, tất cả những quyết sách lớn, ảnh hưởng đến toàn xã hội và tương lai của quốc gia, chẳng hạn như “cải tạo tư sản” ở Việt Nam cuối thập niên 1970, không bao giờ có thể được thông qua và thực thi một cách dễ dàng, bởi lẽ sẽ tất cả các thành phần xã hội, từ các đảng phái chính trị, các giai tầng xã hội, các trí thức độc lập, các nhà giáo dục và nghiên cứu ở đại học, các tổ chức nghiên cứu độc lập… sẽ được tham gia để thảo luận về quyết sách đó. Không ai bị loại trừ tiếng nói, chính sách sẽ được thảo luận kỹ lưỡng từ dưới lên. Tất cả những điều này đều hoàn toàn xa lạ với những người chỉ lớn lên, rèn luyện, trưởng thành và phát triển sự nghiệp chính trị trong bối cảnh hệ thống cộng sản chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô như ông Lê Duẩn và các cộng sự.

    Dân chủ, tư duy và số phận

    Cơ chế “kiểm soát tất cả” khiến trong toàn xã hội, việc thừa nhận những sở trường của chủ nghĩa tư bản và sở đoản của chủ nghĩa xã hội trở thành điều cấm kỵ. Trong cấu trúc toàn trị đó, có thể nhiều người nhìn thấy thực tại, nhưng chỉ có lãnh đạo tối cao mới có thể nói ra, như ta nhìn thấy những gì ông Lê Duẩn chia sẻ với ông Brejnev. Xã hội trở thành một đoàn người “đi đều bước” trong sương mù, mỗi người đều phải thận trọng trong tư tưởng trước những người xung quanh, còn người duy nhất có thể nói lên cái ánh sáng thực tại mà mình đã thấy chỉ có thể là người nắm quyền lực tuyệt đối, nhưng cũng nhanh chóng chìm vào chính đoàn người mà mình đã tổ chức, duy trì và vận hành.

    Chúng ta có thể nhìn thấy làn sương mù ấy trong tư duy của nhà lãnh đạo cộng sản Lê Duẩn trong cuộc hội đàm với Brejnev, khi ông một mặt tuy nhấn mạnh nhiều lần việc duy trì giới doanh nhân Miền Nam, nhưng mặt khác, vẫn không thể hiện một chủ nghĩa dân tộc coi quyền lợi quốc gia là tối thượng, mà tự thấy mình thuộc về một thế giới nơi “chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản có cuộc đấu tranh về chính trị và kinh tế”, đồng thời tự gắn mình vào ước mơ “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “gắn bó với các nước xã hội chủ nghĩa”. Ông muốn loại Mỹ không chỉ ra khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia mà còn cả Đông Nam Á, “đặt điều kiện cho việc cải thiện quan hệ” với Thái Lan và Phillipines “là đòi Mỹ phải rút khỏi các nước này”. Ông “muốn biến Việt Nam thành trung tâm của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á”, phấn khích với việc giúp cho Đảng Cộng sản Kampuchia (Khmer Đỏ) giành được chính quyền ở Campuchia. Tất cả những điều này cho thấy rằng, việc chia đôi thế giới thành hai phe, đồng thời xác định mình là người lính xung kích của phe này để đối đầu với phe kia, như thể hiện trong Hiến pháp 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khiến ông Lê Duẩn ở thập niên 1970 tiếp tục chỉ nhìn thấy một trật tự quốc tế trong tưởng tượng, không thể nhìn thấy những thay đổi lớn trên bản đồ thế giới, đặc biệt là sự thay đổi của Trung Quốc khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ năm 1972, không hiểu được bản chất vấn đề khi hai đồng chí là Đảng Cộng sản Kampuchia (Khmer Đỏ) và Đảng Cộng sản Trung Quốc đột nhiên quay sang tấn công mình, Hoa Kỳ từ chỗ muốn viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam sau 1975 lại chuyển sang cấm vận, đất nước chìm vào khủng hoảng.

    Trong bối cảnh tinh thần đóng kín, những hình dung của ông Lê Duẩn về trật tự thế giới bằng tư duy phân đôi địch / ta sau đó sẽ được viết thẳng vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IV, tháng 9/1976. Việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, từ các địa phương đến trung ương, háo hức đưa Miền Nam “tiến lên chủ nghĩa xã hội” là tất yếu. Tư duy của ông Lê Duẩn có thể được thực tiễn Miền Nam làm cho loé sáng trong một khoảnh khắc nhất định, nhưng bản thân thực tiễn không đủ để bất kỳ một lãnh tụ nào trong hoàn cảnh xã hội khép kín về tư duy có thể tiếp tục duy trì tia sáng le lói đó.

    K. Nguyễn, Đại học Oregon


    (usvietnam.uoregon.edu)

    Không có nhận xét nào