Doanh nhân Trần Quốc Quân: "Điều làm tôi bất ngờ là Công đoàn Đoàn kết thắng tuyệt đối trong kỳ bầu cử đân chủ ở Ba Lan hồi 1989" |
'Tôi, lý tưởng cộng sản và biến cố Đông Âu'
Những
biến cố lịch sử ở Đông Âu thời thập niên 1980, 1990 khiến doanh nhân
Trần Quốc Quân, người tự nhận mình từng là một 'đảng viên trung kiên',
trở nên 'lung lay về mặt tư tưởng', và rồi 'quay sang ủng hộ dân
chủ'.
Ngày
đầu đặt chân tới Ba Lan, năm 1988, "tôi rất nhiệt huyết với lý tưởng
cộng sản", doanh nhân hiện là đồng chủ sở hữu một trung tâm thương
mại lớn của người Việt ở ngoại ô Warsaw nói với BBC News Tiếng Việt.
Tự
nhận mình là người may mắn khi được chứng kiến nhiều biến cố lịch sử
Đông Âu, ông nói quá trình chuyển đổi thể chế ở Ba Lan năm 1989 và cuộc
chính biến ở Liên Xô tháng 8/1991 đã làm thay đổi hoàn toàn nhân sinh
quan và lý tưởng của ông.
'Người dân Ba Lan muốn thay đổi'
"Năm
1988 là năm cả hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào một cuộc khủng
hoảng sâu sắc, toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội," ông Trần Quốc
Quân nhớ lại.
Ba Lan, quốc gia vốn đã bị đặt vào tình trạng chiến tranh kể từ 13/12/1981, khi đó kinh tế suy sụp, lạm phát phi mã.
Trước đó nhiều năm, nước này đã phải đối diện với các làn sóng bãi công, đấu tranh đòi dân chủ mạnh mẽ.
"Chỉ
một năm sau, Ba Lan chuyển đổi. Sau khủng hoảng kéo dài hàng chục năm,
chính quyền của đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan đã phải chấp nhận
tiến hành cuộc bầu cử quốc hội dân chủ đầu tiên."
Tháng
2/1989, Hội nghị Bàn tròn lịch sử giữa chính quyền cộng sản Ba Lan,
khi đó do đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan nắm quyền, với phe đối lập
là Công đoàn Đoàn kết bắt đầu diễn ra tại Warsaw.
Mục
tiêu của Hội nghị là nhằm đối thoại tìm cách chuyển đổi một cách bất
bạo lực từ chế độ cộng sản sang thể chế dân chủ ở nước này.
Tháng
4/1989, các bên tham gia Hội nghị Bàn tròn đồng ý tổ chức bầu cử tự do
đối với 35% số ghế ở Hạ viện và 100 ghế ở Thượng viện.
"Điều
làm tôi rất bất ngờ là Công đoàn Đoàn kết thắng tuyệt đối, giành được
tất cả các ghế phải bầu lại ở quốc hội dân chủ," doanh nhân Trần Quốc
Quân nhớ lại.
"Hạ nghị viện bầu lại, chính quyền nhân dân không được một phiếu nào."
"Tại Thượng nghị viện, 100 ghế bầu lại, chính quyền xã hội chủ nghĩa không được một phiếu nào."
"Chính quyền nhân dân chỉ giữ lại được số ghế ở Hạ viện theo thỏa thuận tại Hội nghị Bàn tròn."
"Điều
đó làm tôi phải suy nghĩ. Tại sao nhân dân Ba Lan lại muốn thay đổi,
tại sao họ lại bỏ phiếu cho phe đối lập là Công đoàn Đoàn kết?"
Công đoàn Đoàn kết của ông Lech Walesa giành thắng lợi tuyệt đối trogn kỳ bầu cử dân chủ đầu tiên ở Ba Lan hồi 1989 |
Đảo chính ở Liên Xô
Sau kỳ bầu cử dân chủ, Ba Lan đã có những thay đổi mãnh liệt.
"Nhân
dân hồ hởi. Căng thẳng xã hội gần như không còn nữa. Chợ mọc ra khắp
nơi, hoàn toàn ngược lại lúc tôi lần đầu đặt chân tới Ba Lan," ông Trần
Quốc Quân nói. "Các quầy hàng trống rỗng nay đầy ắp hàng hóa. Chỉ cần
có tiền là có thể mua được bất kỳ thứ gì."
"Chứng kiến xã hội Ba Lan bắt đầu thay đổi, tôi bắt đầu lung lay về tư tưởng, quan điểm."
"Tuy
nhiên, cú hích khiến tôi quay sang ủng hộ dân chủ chính là cuộc đảo
chính của Ủy ban Tình trạng Khẩn cấp Liên Xô, lật đổ Tổng thống Mikhail
Gorbachev."
Đánh
giá ông Gorbachev là một người cấp tiến tuy vẫn là cộng sản, ông Trần
Quốc Quân cho rằng nhà lãnh đạo Liên Xô này đã đóng vai trò to lớn góp
phần tạo nên thành công của quá trình chuyển đổi thể chế ở Ba Lan.
Quá trình đó "chưa chắc đã thành công" nếu Moscow quyết định can thiệp, ông Quân nhận xét.
Chứng
kiến Ba Lan đang có những chuyển biến tích cực về cả kinh tế lẫn chính
trị, xã hội, ông Trần Quốc Quân nói ông cảm thấy "đau xót" về những gì
xảy ra tại Moscow vào thời gian vài ngày trong tháng 8/1991.
"Tôi
thấy đau xót cho tiến trình cải tổ của Liên Xô nay bị phái bảo thủ bẻ
gãy, người mà tôi rất kính trọng và đặt nhiều hy vọng, một người cấp
tiến nhưng vẫn là cộng sản, bị lật đổ."
Sự
kiện đảo chính 19/8/1991 bị dập tắt nhanh chóng sau ba ngày, nhưng đã
trở thành điểm bắt đầu cho tiến trình sụp đổ của Liên bang Xô-viết.
Đời sống chính trị của cộng đồng người Việt ở Ba Lan
Tuy
nhiên, sự chuyển đổi thể chế và những thay đổi chính trị của Ba Lan từ
30 năm qua dường như không tác động nhiều tới cộng đồng người Việt
tại đây, theo doanh nhân Trần Quốc Quân.
Người Việt ở Warsaw: Từ Chợ SVĐ đến Trung tâm Wolka
"Có
lẽ cũng giống như các cộng đồng người Việt tại các nước xã hội chủ
nghĩa ở Đông Âu cũ và Liên Xô cũ, người ta ra đi để học, mà không học
nữa thì kiếm tiền."
"Người
ta quan tâm đến kiếm tiền nhiều hơn. Các thay đổi về mặt tư tưởng,
quan điểm trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan là không mạnh. Họ không
quan tâm đến chính trị lắm."
"Bởi
vậy, các tổ chức hay các cuộc vận động chính trị trong cộng đồng ở
đây là không có. Những phong trào dân chủ, cởi mở, ở Ba Lan này không
nhận được sự hưởng ứng."
Nói
về những người từng nhiệt huyết với lý tưởng cộng sản như bản thân
mình, ông Trần Quốc Quân nhận xét các biến động chính trị, xã hội ở
Đông Âu 30 năm qua chỉ tạo ảnh hưởng khiến họ "thay đổi về quan điểm",
tuy nhiên, "trách nhiệm đối với sự thay đổi dân chủ, chính trị trong
nước [Việt Nam] thì không nhiều".
*
Cuộc chuyện trò với doanh nhân Trần Quốc Quân thuộc loạt chương
trình 'Người Việt tại Ba Lan và 30 năm chuyển đổi thể chế', do BBC News
Tiếng Việt thực hiện trong tháng 10/2019.
(BBC)
Không có nhận xét nào