Header Ads

  • Breaking News

    Tôn Quang Phiệt - Việc học buổi giao thời khi Tây sang


    Đây là đoạn mở đầu hồi ký chưa xuất bản của Tôn Quang Phiệt, một nhân vật trí thức, một nhà cách mạng và nhà giáo dục được nhiều người biết đến ở Huế và miền Trung Việt Nam trong những năm 1930-1940. Qua đoạn hồi ký này, chúng ta sẽ thấy việc học ở nước ta trong những năm đầu thời thuộc địa, khi nền giáo dục Nho học còn tồn tại song song với sự ra đời việc dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.
    Việc học buổi giao thời khi Tây sang

    Tôi sinh năm Canh Tý (1900) trong một gia đình nhà nho ông là địa chủ khá giầu, nhưng cha tôi là con út nên gia tài chỉ được đâu hơn một mẫu ruộng. Bà tôi đã bán gần hết khi mẹ tôi về. Mẹ tôi cũng con nhà địa chủ bậc trung và lại rất tiết kiệm cần cù nên về sau khi cải cách ruộng đất trở nên địa chủ với 3 mẫu 7 sào ruộng.

    Theo bia của ông tôi là Tôn Đức Tiến hiệu Lỗ Xuyên thì họ Tôn trước từ Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) dời đến Võ Liệt đã 10 đời (huyện Thanh Chuơng, tỉnh Nghệ An). Ông tôi giỏi chữ Hán đỗ đến ba khoa Tú tài, không đỗ được cử nhân vì chữ viết hay sai lầm. Đến khoa sau hết ông tôi đỗ Tú tài dưới con tức là bác tôi, từ đó mới không đi thi nữa. Học trò ông tôi nghe nói đến bốn năm trăm người, có người đậu Tiến sĩ như ông Phan Sỹ Thục xã Võ Liệt và Nguyễn Tài Tuyển xã Đại Đồng. Sau Phan Sỹ Thục có đi sứ Trung, về hưu với hàm Tuần phủ nên người ta gọi là cụ Tuần, con đầu là Phan Sỹ Ngọc (làm tri phủ bị cách) tức bố vợ đầu của tôi. Còn Cử nhân Tú tài thì nhiều.

    Ông tôi có 5 người con trai, bốn người trước đều đậu cử nhân và có đi làm quan: người đầu là Tri phủ, người thứ hai là Huấn đạo, người thứ ba là Viên ngoại, người thứ tư đã quyền Tri huyện. Ông tôi đã 75 tuổi mới mua bà tôi về làm tỳ thiếp. Bà tôi chết chồng lúc mới 25 tuổi, lấy ông tôi sinh được hai trai, chỉ cha tôi sống đến 59 tuổi thôi. Cha tôi 5 tuổi thì ông tôi mất, bà tôi đang còn trẻ mà không biết chữ. Số ruộng ông tôi để cho cha tôi ghi trong chúc thư đã thấy sửa chữa bớt xén đi. Việc này lúc tôi lớn (25 tuổi) cha tôi mới nói riêng với tôi.

    Ông tôi sống vào thời Tây lấy Nam kỳ nên rất là căm giận muốn được đi đánh nhưng không có cách gì. Cho nên trong gia phổ có viết: “Tôi có một điều muốn chưa thỏa, hai điều giận chưa yên”. Theo cha tôi hai điều giận đó tức: một là không có phương tiện đi đánh Pháp ở Nam kỳ, hai là không có người con nào đỗ được ở thi Hội cả, mặc dầu các bác tôi học rất giỏi. Ông tôi giàu có, làm việc rất tợn, dầu con đã đi làm quan mà vẫn đi nhổ mạ, làm vườn và làm công vặt suốt ngày, về sau tên tuổi ông tôi được chép trong sách Đại Nam nhân vật liệt truyện (?) cho là một người ẩn sĩ.

    Cha tôi sinh vào năm Tân Tỵ (1870) học chữ Hán cũng khá và đậu Tú tài vào năm Canh Tý (1900) là năm đẻ ra tôi và cũng là năm cụ Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên. Mẹ tôi con nhà địa chủ, cha mẹ tôi lấy nhau nhất định một bên nhìn vào của, một bên nhìn vào gia thế, người ta tin rằng: “Con vua thì lại làm vua, con nhà sãi chùa lại quét lá đa”. Ở trong họ lúc đầu cha tôi vào hạng lép vế. Sinh sau đẻ muộn, gia tài đã bị bớt xén. Bà tôi lại vào hạng thị tỳ không được như người vợ chính thức đường hoàng. Cha tôi lại là học trò nghèo mà chậm có con trai, nên trong họ xem nhẹ. Năm Canh Tý đẻ được tôi lại đậu Tú tài, nên địa vị trong họ, trong làng tăng lên nhiều.

    Cha tôi làm nghề dạy học. Lúc đầu thì anh Hàn tôi (con bác Phủ tôi) nuôi cho con học; sau họ tôi có làm một nhà trường cho cha tôi dạy học, về sau đi ngồi nơi ở bên sông Xuân Trường, Nguyệt Bổng. Tôi đã đi với cha tôi ở làng Nguyệt Bổng hai lần, lúc 8 tuổi và lúc 14 tuổi.

    Nhà tôi sống cũng đạm bạc: hàng ngày chỉ có cơm rau, dưa cà, thịt cá rất ít. Chỉ khi nào có giỗ, Tết hoặc có phần làng, phần xã của cha tôi thì mới được xôi thịt ăn kha khá mà thôi. Năm nào mất mùa thì thiếu ăn, phải ăn độn khoai ngô vào. Làm nghề dậy học cha tôi kiếm được cơm ăn, áo mặc rồi mỗi năm mồng năm, ngày Tết, học trò góp cho một ít tiền. Nhưng không phải năm nào cũng đi ở nhà người ta. Có khi ở nhà dạy học, thì mỗi năm học trò Tết được một, hai quan tiền là nhiều, ước chừng mua được một vài yến gạo thế thôi. Cha tôi cũng như các văn thân khác lúc bấy giờ ở miền tôi lại hay đánh tổ tôm, uống rượu, hút thuốc phiện cho nên có làm được ít tiền thì cũng bỏ vào các chỗ ấy thôi chứ không phải để ăn tiêu trong nhà. Phần trong nhà do mẹ tôi lo cả.

    Bà tôi tuy nghèo, nhưng tính rộng rãi, hay giúp đỡ người nghèo. Mẹ tôi rất cần kiệm, rất lao động, khi trẻ thì làm hàng xáo, nuôi lợn, dệt vải, coi tá điền gặt lúa, lúc già cũng làm vườn trồng trầu, trồng rau, đi chợ. Mẹ tôi làm việc không ai theo kịp trong nhà, làm con dâu bà rất là khổ sở phải cố gắng làm quá sức. Ngoài ra người đến làm thuê trong nhà khó mà được bà ấy bằng lòng. Cha mẹ tôi sinh được năm anh em, tôi là con thứ hai, nhưng là con trai trưởng. Đến năm 1929 lúc tôi ở nhà lao Vinh thì cha tôi mất. Mẹ tôi trong cải cách ruộng đất bị qui là địa chủ, sống được 82 tuổi, mất năm 1957.

    Tôi đi học chữ Hán

    Tôi bắt đầu đi học lúc 6 tuổi và học quyển Tam tự kinh, sách của Trung Quốc, mỗi câu ba chữ tóm tắt các hiểu biết của người ta và lịch sử Trung Quốc… là một quyển sách kinh điển mà mọi trẻ con lúc bắt đầu đều dùng. Học mà ít hiểu lắm vì có những ý kiến rất cao xa. Tôi chỉ nhớ là tôi không muốn học bị cha tôi trói vào cột nhà đánh và bà tôi cho một cái bao mới chịu đi học.

    Học xong quyển Tam tự kinh cha tôi cho học Đường thi lại cũng không hiểu nghĩa gì cả, chỉ đọc như vẹt mà thôi. Hễ có khách đến nhà chơi là cha tôi bắt ra đọc Đường Thi cho khách nghe. Tôi rất lấy làm thẹn nhưng vẫn phải đọc. Học Đường thi ít lâu thì học sách Hán tức là sử Trung Quốc chép đoạn Hán Cao Tổ đánh nhau với Hạng Vũ nhà Sở. Tôi rất thích truyện đánh nhau. Kế đó tôi học các sách Mạnh Tử, Kinh thư, Kinh lễ. Còn các sách Tứ thư Ngũ kinh khác thì chỉ đọc lên nghe chung với các bạn học chứ tôi không học thuộc lòng.

    Học ở nhà với cha tôi tại nhà trường do họ tôi lập ra để cha tôi dạy con cháu trong họ và các học trò ở gần, trong hai năm thì tôi đi theo cha tôi ở nhà ông Đồ Nghi làng Nguyệt Bổng cách sông, về sau con đầu ông này lấy chị tôi làm vợ. Con ông Đồ Nghi ba người học, người con út lớp tuổi với tôi. Do anh này học tối không được thông minh nên cha tôi buộc tôi học theo nó mà không được học hơn, bài và câu đối cũng học chung một đầu đề với nhau. Đại để, lúc đó tuổi tác chưa bị hạn chế, mấy tuổi cũng vẫn đi học, đi thi được nên không ai vội cả. Tôi hiểu rằng vì cha tôi và tôi ăn cơm nhà chủ nên phải làm cho nhà chủ vui lòng, nên không thể để tôi học hơn con nhà chủ được.

    Độ khoảng 14, 15 tuổi thì tôi biết làm bài người lớn. Nhưng sách vở chưa học được bao nhiêu, mỗi khi cha tôi ra đầu đề hoặc văn hoặc luận thì tôi phải hỏi cha tôi ở sách vở nào và phải xem bài các người học trò lớn rồi mới làm được. Nếu không biết xuất xứ của đầu đề, không hiểu nghĩa đầu đề thì không làm được bài.

    Năm 14 tuổi, tôi đi hạch công sưu lần đầu tiên tức là kỳ hạch để ai mà đỗ thì khỏi phải nộp sưu mà về trong làng cũng có địa vị ở đình trung nữa. Người ta cho tôi là người nhỏ nhất, nên rất quí tôi, nhất là các người lính khố xanh làm nhiệm vụ canh gác. Sự thực tôi chưa làm được bài hạch đâu. Người anh con bác Quyền tôi là anh Hai Dơn, làm thay cho tôi, tôi chỉ có công viết mà thôi. Bài thi có một bài văn, một bài luận chữ Hán và một bài luận Quốc ngữ. Học sinh đưa chiếu đi ngồi, đưa cơm đi ăn buổi trưa. Năm ấy đi hạch ở quán Thôn Ngũ cách nhà tôi độ một cây số. Thế mà sáng hôm đó bà tôi dậy nấu cơm rất sớm cho tôi ăn. Lần này tôi bị hỏng và các lần khác hạch sưu tôi cũng không khi nào đậu cả. Chỉ có hạch tứ quí thì bao giờ tôi cũng đậu cả. Hạch tứ quí tức là hạch cuối mùa, mỗi năm 4 mùa thì hạch 4 lần do quan Huấn đạo chủ trì. Trong các cuộc thi này, học trò cả huyện họp lại thi với nhau, đầu đề cũng như hạch thi, hạch sưu. Lúc đó người ta chưa phê điểm, mà cứ phê ưu, bình, thứ, liệt.

    Bị liệt là hỏng, được thứ trở lên là đậu, còn được bình trở lên là nổi. Các học sinh được bình trở lên được triệu tập xuống tỉnh để quan đốc học khảo hạch lại, xem ai được đầu. Người được đầu thì gọi là đầu xứ, người đầu một huyện thì gọi là đầu huyện. Ví dụ như cụ Phan Bội Châu đã đỗ đầu xứ ba lần ở Nghệ. Tôi nghe nói các bác tôi trước cũng rất muốn được đỗ đầu xứ, nhưng có một lần được nổi thì nghe tin Hoàng Phan Thái cũng nổi nên lại không đi phúc hạch, vì biết đi thi cũng không giành nổi với đầu xứ Thái. Lúc tôi lớn lên đi hạch đi thi thì người ta đã phê điểm rồi, chứ không phê ưu, bình, thứ, liệt nữa. Tôi cũng được nổi một lần được 15 điểm, nhưng lúc đó không hiểu vì một trở ngại gì mà không có phúc hạch.

    Năm 15 tuổi tôi có đi hạch thi ở Vinh. Hạch thi tức là kỳ hạch tuyển học sinh đi thi Hương. Lần hạch đầu gọi là hạch chính, lần thi thứ hai gọi là hạch tục, tục hạch dành cho những người khi hạch đi vắng và những người chưa đến 18 tuổi gọi là “vị cập cách”. Sự thực mỗi người cứ khai hai tên để kỳ này hỏng có kỳ khác, cách gian lận vẫn là phổ biến, mọi người đều biết, nhưng cũng cho là việc thường thôi. Cách thi cử thì không công bằng gì cả. Nếu là con quan thì dễ đỗ hơn con dân, vì có “cung khai tam đại”. Mỗi học sinh khai ra đời cha, đời ông, đời cố của mình. Nếu trong 3 đời mà là nông dân cả không có chức tước gì thì nếu hỏng là chịu thôi. Nếu có ông đỗ đạt hay làm quan to thì dễ đỗ hơn, mà nếu có hỏng đi sau cũng có thể vớt được. Lúc chấm bài học trò thì có rọc phách (phần đề tên) đi. Nhưng chấm xong dán phách lại thì quan trường xem lại lần nữa để vớt những người con cái “nhà thi lễ”. Như trường hợp Phan Sỹ Bàng ở làng tôi chẳng hạn. Bàng đi hạch thi chỉ được 7 điểm (10 điểm mới đậu) và nhờ cha là cử nhân đã làm Tri phủ, ông là tiến sĩ đã làm Tuần vũ, nên Bàng đã được vớt và được đi thi rồi đậu Cử nhân ở Nghệ, đậu Phó bảng ở Huế.

    Hơn 10 năm tôi chỉ học chữ Hán với cha tôi. Tôi đã tập làm câu đối thơ, câu đối phú đoạn một rồi đến văn sách và luận chữ Hán, luận chữ Quốc ngữ. Về sau thi Hương có thêm các món từ Hán nữa như tư, sớ và các văn kiện hành chính khác, nhất là đã phải thi luận Quốc ngữ và dịch chữ Pháp nữa. Trước kia món chữ Pháp chỉ ai tình nguyện thì mới thi nay đã bắt buộc phải có mấy bài chữ Pháp. Vì thế cha tôi phải cho tôi xuống Vinh học trường Đốc học mà quan Đốc là Nguyễn Khắc Niêm dạy chữ Hán và trợ giáo là thầy Nguyễn Mậu dạy chữ Pháp.

    Học trường tỉnh

    Trường Đốc học Vinh chính là để dạy Tôn sinh (thuộc họ nhà vua), ấm sinh (con cái quan từ một bậc nào thì được thi vào ấm sinh thi tương đối dễ) và học sinh (học trò giỏi có tiếng đều được thi, tỉnh Nghệ An được 10 học sinh, đặt ra đâu từ năm 1915 hay 1916). Còn các học trò khác thì chỉ một số thôi. Lúc vào học các thầy cũng chú trọng dạy cho các tôn, ấm, học sinh, còn người khác thì học được đến đâu thì học. Tôi cũng vào hạng học sinh nhỏ tuổi trong trường Đốc. Có người đã đậu cử nhân, tú tài mà vẫn học. Thường thường tôn sinh là hạng học dốt nhất, rồi đến ấm sinh, còn học sinh là hạng học giỏi chỉ không phải là con quan. Trong số học trò có người đã là đầu xứ hoặc đầu huyện. Nói chung thì ở đây đã tập trung nhiều người học giỏi trong tỉnh.

    Lúc đầu ông Đốc học Nguyễn Khắc Niêm từ chối mãi không chịu nhận tôi vào học, nhưng vì cha tôi thỉnh thách mãi và cũng đưa lễ đến khá hậu (gồm rượu, chè tàu, đường) và lại có người bà con tôi là học sinh nói giúp, nên tôi được vào học. Chỉ thầy Trợ Mậu thấy tôi nhỏ và học các bài tiếng Tây thuộc nên có để ý dạy bảo tôi nhiều. Còn ông Đốc Niêm thì lúc đầu không để ý gì đến tôi cả. Bài tôi làm thì ông cũng chấm, nhưng không bao giờ hỏi han gì đến tôi. Lúc đó tôi lấy tên là Tôn Quang Tịch để thêm tuổi vào cho có thể đi thi được, tuổi đi thi là 18.

    Một việc làm cho ông Đốc để ý đến tôi, là ngày tiểu thí (hạch thử) trước khoa thi Mậu Ngọ, trường đốc mở cuộc thi thử xem học trò ai đỗ ai hỏng. Mấy lâu nay làm bài ở trường tôi đã để ý là ông Đốc hay nói về hình luật, vì lúc đó chính phủ mới ra Tân luật ở Bắc kỳ và ở Trung kỳ người ta cũng muốn áp dụng. Do đó tôi để ý học thuộc đoạn sử ta nói về luật. Trong lúc ra bài, quả nhiên tôi trúng tủ làm bài văn khá hay. Ông Đốc đọc xong nghi là ai đó gà cho tôi, đến lúc làm bài sớ tôi nộp bài sớm, ông Đốc bắt tôi đọc lại các bài đã làm, tôi đọc lại rất là suôn chảy, từ đó tôi mới có tiếng là học giỏi. Kỳ hạch thử ấy tôi đã làm sai mất bài toán, nhưng vẫn cứ đậu trong số 16 người đậu vì chữ Hán tôi nổi được 16 điểm. Do lần hạch thử này tôi được ông Đốc coi trọng và khen ngợi trước mọi người. Cũng vì thế mà lúc hạch thi để đi thi Hương khoa Mậu Ngọ, mặc dầu tôi đã làm sai toán, ông Đốc vẫn cố tìm quyển của tôi mà lấy cho đậu để được đi thi Hương, đối với tôi là khoa đầu tiên mà cũng là khoa thi cuối cùng. Năm ấy tôi 18 tuổi, ở trong trường thi những người ít tuổi như thế chỉ độ vài ba người thôi.

    Tôi đi thi Hương

    Trường thi Nghệ An ở bên đường số 1 giữa Vinh – Bến Thủy, chỗ mà sau này Pháp mở nhà máy đỗ tàu hỏa và lập sân bay. Trường thi 4 bên có tường cao, 4 bên có 8 cửa đề là giáp, ất, tả, hữu, giáp 1, giáp 2, ất 1, ất 2…, ở giữa là nhà các quan trường ở, 4 bên nhà quan trường gọi là thập đạo. Trường chia ra 8 vi, vi này cách vi khác bằng một hàng rào bằng tre. Trước ngày vào trường thi tên các thí sinh được yết trước các cửa, tên ở cửa nào thì vào cửa ấy theo thứ tự đã yết trên bảng. Trong trường chỉ là đất trống, mỗi thí sinh phải mang đủ lều chõng để vào tự dựng lấy lều mà ở suốt ngày. Lều gồm mấy cọc tre vót nhọn, mấy chiếc tơi lá, đóng cọc xuống uốn cong cột lại với nhau rồi lợp tơi lá lên, thế là vào trong ngồi che mưa nắng. Độ 5, 6 giờ sáng thì xướng danh gọi học trò vào, học trò vào yên đâu đấy rồi thì có đầu bài treo lên, mọi người lấy về lều làm cho đến tối độ 5, 6 giờ gì đó.

    Trước kia chỉ thi 3 trường thôi, nếu quyển đủ điểm là đậu tú tài, nếu quyển nổi thì thi thêm một trường nữa để đỗ cử nhân. Nhưng đến khoa Mậu Ngọ thì thay đổi: mỗi người đều phải thi bốn trường cả. Kỳ đệ nhất: văn, sớ, từ, cả thảy 4 bài. Kỳ đệ nhị: các câu hỏi về địa lý, lịch sử và hai bài toán (Quốc ngữ). Kỳ đệ tam: một bài chữ Pháp dịch ra Quốc ngữ, một bài Quốc ngữ dịch ra chữ Pháp. Kỳ đệ tứ: luận chữ Hán, luận Quốc ngữ, luận chữ Pháp mỗi thứ một bài.

    Người nào cũng phải đóng sẵn bốn quyển nộp trước cho trường Đốc học. Rồi mỗi lần vào trường người ta phát quyển cho từ cửa trường, mỗi người mang một cái ống tre để bỏ quyển cho khỏi dơ bẩn. Trong quyển người ta có đóng một số dấu son vào để phòng gian. Làm bài một lúc khoảng 8, 9 giờ bài đã viết được một ít rồi thì lại thập đạo xin một dấu vào chỗ giữa chừng gọi là dấu nhật trung (giữa ngày). Khi nộp quyển rồi người ta đóng thêm một dấu sau dòng cuối nữa. Các cách như thế đều là để phòng làm gian. Nhưng sự thực cái gian là tự các quan trường mà ra khá nhiều. Ví dụ như ở trường Nghệ An, câu chuyện Tú Khôi con cụ Hiệp Cao (Cao Xuân Dục) chẳng hạn. Khoa thi nào đó, Tú Khôi nguyện thí Pháp tự mà lại nhờ người làm bài. Tên Phó Sứ Nghệ được người tố giác đã đến trường bắt quả tang. Chính khoa Mậu Ngọ (1918) con cụ Hiệp Cao cũng có Cao Xuân Thụ đi thi, Thụ học lực chưa có gì, vì cụ Cao gửi gắm cho các quan trường nên đã đỗ cử nhân. Tuy thế vẫn có một phần dành cho người học giỏi trong dân gian. Chỉ thỉnh thoảng mới có một ít chuyện con các quan lớn dốt mà đỗ mà thôi. Cũng do đó cho nên lúc bấy giờ người ta hay tin vào số mệnh. Đối với thi cử người ta có câu: “Nhất duyên, nhì phận, tam phong thổ, tứ tích nên công, ngũ độc thư”. Thì ra cái chuyện học hành (độc thư) chỉ đứng vào hạng thứ năm.

    Khoa Mậu Ngọ tôi được đi thi Hương, nói về Hán học tôi chỉ là đàn em thôi, có thể viết đủ quyển với sự giúp đỡ ít nhiều của bạn về sách vở, điển tích. Nhưng về chữ Tây, chữ Quốc ngữ thì tôi là hạng trội trong trường, giỏi hơn nhiều người khác. Kỳ thi bắt đầu vào ngày 1 tháng 4 âm lịch đến ngày 1 tháng 5 âm lịch là xong. Tôi vô đến tràng tư là tràng cuối hết. Năm ấy Thanh và Nghệ thi chung (Thanh Nghệ hợp thí) nhưng số học sinh vẫn để riêng: tỉnh nào theo tỉnh ấy. Người ta thuật lại rằng, vì học trò Nghệ giỏi hơn học trò Thanh nên trước kia hai tỉnh thi chung với nhau rồi Nghệ giành mất cả. Thanh chỉ đỗ được 5 người thôi. Vì thế về sau Thanh thi riêng, Nghệ riêng. Nói là Nghệ nhưng sự thực có cả Hà Tĩnh vào nữa.

    Tôi đi thi khoa này, gia đình và làng xóm đều hy vọng, tưởng thế nào cũng đậu vì gia đình đã nhiều người đậu, vì tôi học có tiếng thông minh, vì khoa ấy đã thi chữ Tây, Quốc ngữ là các món sở trường của tôi. Thế mà đến hôm treo bảng, thì từ sáng một người làng là ông Bát Hưng làm lính lệ phục vụ kỳ thi cho biết: “Tôn Quang Tịch hỏng”. Khoa ấy tôi có người bà con gọi tôi là chú tức là Tôn Gia Khoáng chân học sinh được đậu Tú tài. Cùng tổng với tôi là Phạm Đức Hoàn đậu Cử nhân. Hoàn đã vào cùng vi với tôi hai lần: trường nhất và trường tư, có giúp tôi về chữ Hán ở trường nhất, đến trường tư thì tôi làm chữ Pháp cho Hoàn, Hoàn làm bài luận chữ Hán cho tôi. Bài luận chữ Hán đầu đề là “Ái nhân tri nhân” chữ ở sách Luận ngữ. Câu này nghĩa cũng lắt léo, nên trường làm sai nhiều, Hoàn và tôi cũng sai nghĩa cả. Như vậy vẫn có người làm sai nghĩa mà vẫn đậu như thường.

    Thế là tôi hỏng thi. Lúc đó tuy buồn nhưng chúng tôi bọn ít tuổi với nhau như Trịnh Bá Đào chẳng hạn lại tự phụ mà nói khoác với nhau: “Đến khoa sau chúng ta đậu nhất cử” nghĩa là đậu thẳng Cử nhân, chứ không đậu qua Tú tài. Lời nói của chúng tôi đã không thực hiện được vì cách ít tháng nữa, nhà nước đã ra chỉ thị nói từ rày bỏ thi Hương.

    Bà tôi, mẹ tôi rất buồn, bà tôi thì phát ốm, nhất là ít hôm nữa những người đậu về làng tổ chức rước xách tiệc tùng om sòm cả lên. Riêng về tôi thì nay đã thiên về việc đi học chữ Tây nhiều hơn rồi, học chữ Tây chắc chắn hơn, học giỏi là đậu chứ không bấp bênh như chữ Hán. Tuy vậy tôi vẫn đi thi Khóa sinh, đậu thượng hạng và đi thi học sinh hai lần, và lần sau chỉ đậu hai người mà có tôi. Nhưng thi Hương đã bỏ, trường đốc cũng không có lý do tồn tại nữa. Gia đình tôi thì rất bằng lòng về việc tôi đậu học sinh, vì đậu học sinh thì có ngôi thứ trong làng, vì học sinh là người sau Tú tài (kế Tú tài chi hậu). Cha tôi nói rằng: “Được lên nữa thì hay, nếu không thì như thế cũng tạm được. Ví như anh đi câu, không được con cá to mà con tép nhỏ cũng đủ an ủi rồi”. Cha tôi nói thế thôi, tôi thì có chí lớn hơn như thế.

    Nói tóm lại đời đi học chữ Hán của tôi đến hơn 10 năm. Thời gian dài là học ở nhà với cha, nhưng tôi càng lớn lên thì cha tôi dạy càng nhác. Nói là dạy hơn 10 năm, sự thực lúc 6 tuổi đến 14, 15 tuổi thì chỉ sáng học độ một tiếng đồng hồ là nghỉ, trưa viết tập làm bài ít nhiều, chiều học vài giờ nữa, mà học thì cứ học cũng chả có giờ giấc gì.

    Lúc đó tôi chưa biết coi đồng hồ như thế nào. Lúc cha tôi ngồi nơi thì sự học của tôi bị kìm hãm theo con nhà chủ. Đến lúc 16, 17 tuổi thì học ở nhà, cả bắt đầu học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp nữa. Đây là lúc học mệt nhất, mỗi ngày 2 buổi đi học chữ Pháp ở huyện; về nhà lại học chữ Hán sao cho thuộc lòng cả hai thứ chữ mà lúc đó là phải học thuộc lòng. Đi thì đi giữa trời, nón không có đội, do đó tôi đã bị cảm bệnh mất mấy tháng tốn bao nhiêu tiền mới khỏi chết được. Mà ốm như thế thì gia đình cũng cho là vì sao, chứ không biết là vì bị đi nắng đầu không. Năm tôi 17 tuổi thì cha tôi thôi dạy học nên mới cho đi học trường Quốc học tại Vinh, cả học chữ Hán với ông Đốc học Nguyễn Khắc Niêm và chữ Pháp với ông trợ giáo Nguyễn Mậu.

    Lúc là học sinh, thì trong làng, trong huyện, tôi được tiếng là học trò giỏi. Nhưng tôi tự xét thì sách vở rất ít, chữ nghĩa không có bao nhiêu, mỗi khi có đầu đề làm bài thì nhiều lúc bối rối không hiểu điển tích ở đâu. Học sinh đương thời, đại để cũng như thế cả. Về sau tuy tôi đi học chữ Pháp nhưng vẫn thích chữ Hán nên có tìm kiếm sách xem thêm thành ra biết được hơn trước nhiều. Kể ra đối với chữ Hán, tôi đi học để có căn bản, về sau khi đã thôi học chữ Hán, tôi mới biết thích chữ Hán mà học hỏi thêm nhiều.

    Nguồn: Tạp chí Xưa Nay, 435, 2013

    (nhatbook.com)

    Không có nhận xét nào