Tập đoàn Tín dụng Xuất khẩu của Thụy
Điển (SEK) vừa đề nghị cho phía Việt Nam vay 1 tỷ đô la để xây dựng sân
bay Long Thành, với điều kiện 30% thiết bị và công nghệ sử dụng là của
Thụy Điển, theo trang tin Scandasia.
Thiết kế sân bay quốc tế Long Thành |
Theo
VnEconomy, tại Hội thảo Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành diễn
ra hồi tuần trước, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư
của Việt Nam cho biết Việt Nam đang xem xét đề nghị này. Ông Thắng cho
biết dự án sân bay Long Thành cần một khoản đầu tư lớn và những hỗ trợ
tài chính từ các nước khác, bao gồm cả những đối tác phát triển của Việt
Nam như Thụy Điển là vô cùng quan trọng.
Theo thông tin từ hội thảo, SEK đề nghị một khoản vay cho Việt Nam với mức lãi suất là 4,2% một năm.
Theo
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam là bà Ann Mawe, nhân chuyến thăm Thụy
Điển của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 vừa qua, hai
Thủ tướng đã trao đổi về khoản vay để đầu tư cho cảng hàng không quốc tế
Long Thành và ngành quản lý không lưu của Việt Nam.
Dự
án cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội Việt Nam thông qua
chủ trương đầu tư vào năm 2015 với định hướng xây dựng sân bay này thành
một sân bay tầm cỡ quốc tế với công suất 100 triệu hành khách/ năm và 5
triệu tấn hàng hóa/ năm. Tổng vốn đầu tư là 16 tỷ đô la. Giai đoạn 1
của dự án được dự kiến triển khai vào năm 2020 và hoàn thành vào năm
2025 với tổng mức đầu tư là khoảng 5 tỷ đô la
Dự
án sân bay Long Thành trước đó đã gặp phải một số những chỉ trích từ
các chuyên gia trong và ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng trong khi
sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh có thể mở rộng và nâng cấp,
Việt Nam không cần thiết phải đầu tư quá nhiều tiền vào một sân bay mới
ở quá xa thành phố như sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai. Các chuyên
gia cũng cho rằng vốn đầu tư cho sân bay là quá cao và lo ngại sẽ có
những đội vốn giống như một số các dự án hạ tầng cơ sở khác ở Việt Nam.
(RFA)
Không có nhận xét nào