Header Ads

  • Breaking News

    Thiện Tùng - Phật giáo Hòa Hảo


    ThiệnTùng: “Hòa Hảo” là hảo hòa, thích hòa, chuộng hòa – không muốn gây sự ?. Theo dương lịch, chỉ còn đúng 20 ngày nữa thôi, giáo hội Phật giáo Hòa Hảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Huỳnh Phú Sổ – người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo (15/1/1920- 15/1/2019). Vừa qua Nguyễn Quang Duy có viết 2 bài về đạo Hòa Hảo với tựa đề: “Huỳnh Phú Sổ: đạo, đời và đảng chính trị là một” và “Vì sao Huỳnh Phú Sổ bị ám hại”. Qua được đọc hai bài viết nầy, Tùng tôi chỉ muốn góp phần làm rõ hơn về sự ra đời và những bước thăng trầm của đạo giáo nầy. Không như Thiên chúa giáo hay Phật giáo dùng giáo lý thu phục con người, Hòa Hảo giáo cũng như Cao Đài giáo có một thời núp dưới đạo giáo làm chính trị – tu mà lận súng. Những gì tôi sắp viết ra trên cơ sở: có tiếp xúc trực tiếp, có nghe người cao tuổi kể lại và có trích dẫn một số đoạn ở Bách kha toàn thư mở (Wikipedia). Bài viết buộc phải hơi dài, vì nó có liên quan nhiều vấn đề mà, chắc chắn, có số người chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ. Ai nhắm đọc nổi thì đọc miễn phí.
    Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ

    Phật giáo Hòa Hảo là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm Kỷ Mão 1939, lấy pháp môn “Học Phật-Tu Nhân” làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia (tại gia cư sĩ). Tôn giáo này lấy Đạo Phật, kết hợp với những bài sấm kệ do chính Huỳnh Phú Sổ biên soạn làm nền tảng.


    Tổ Đình Phật giáo Hòa Hảo, xưa thuộc làng Hòa Hảo, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

    Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 15/1/1920, nhầm ngày 25/11 năm Kỷ Mùi tại làng Hoà Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Chỉ 20 ngày nữa là đúng 100 năm ngà sinh của ông ấy.

    I.- SỰ RA ĐỜI ĐẠO HÒA HẢO

    1/ Lập đạo

    Theo Wikipedia: Khi chưa đầy 18 tuổi, Huỳnh Phú Sổ tuyên bố mình là bậc “Sinh nhi tri”, biết được quá khứ, nhìn thấu tương lai, được thọ mệnh cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để Chấn hưng Phật giáo theo “Tứ ân”, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc. Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc Nam do ông kê toa nào là: nước lã, giấy vàng, lá xoài, lá ổi, bông trang, bông vạn thọ…Đồng thời qua đó, ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do ông soạn thảo. Vì vậy, chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin, theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng.

    Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (tức 4 tháng 7 năm 1939), khi chưa tròn 20 tuổi, Huỳnh Phú Sổ bắt đầu khai đạo. Nơi tổ chức lễ khai đạo chính là gia đình ông. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo nơi ông sinh ra để đặt tên cho tôn giáo của mình là Phật giáo Hòa Hảo. Sau đó, ông được các tín đồ tôn làm Thầy Tổ, và gọi ông bằng cái tên tôn kính là Đức Tôn Sư, Đức Thầy.

    Nghe các bô lão kể lại, ngày 21/9/1946, Đức Thầy Huỳnh giáo chủ cùng luật sư Mai Văn Dậu, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân và giáo sư Nguyễn Hoàng Bích (Nguyễn Bảo Toàn) tuyên bố thành lập “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng” viết tắt là đảng “Dân Xã”. Rõ ràng Huỳnh Phú Sổ mượn danh đạo thành lập Đảng phái để vừa chống Pháp, vừa cạnh tranh quyền lãnh đạo với các đảng phái đang chống Pháp khác – mượn danh đạo làm chính trị?

    Huỳnh Phú Sổ khi xuất hiện người ta gọi là “Thầy Tư Hoà Hảo”, dần về sau gọi là “Đức Huỳnh Giáo chủ”.

    Bửu Sơn Kỳ Hương là gì mà Huỳnh Phú Sổ lấy đó làm tư tưởng cho đạo Hòa Hảo? – Đó là chuyện dài dòng mà nhiều người chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ, tôi xin kể lại:

    – Vào thập niên 30, nhứt là những năm 1935-1940, ở Đồng bằng sông Cửu Long có nạn Dịch tả vào mùa nước lũ, do dân uống nước lũ thượng nguồn đổ về có độc mà không nấu sôi. Dịch tả lây lan rất nhanh, người mắc bịnh ói mữa chết không kip trối. Nơi dịch ta xuất hiện người ta đánh mỏ tre báo động, kêu cứu vang trời. Thảm cảnh nầy cứ lặp đi lặp lại vào mùa nước lũ.

    Tại vùng Bãi Thưa thuộc huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp nay) xuất hiện 2 thầy thuốc Bửu Sơn và Kỳ Hương, ngoài khuyên dân uống nước nấu sôi, 2 thầy còn cho thuốc chống Dịch tả có hiệu quả, từ giảm nhanh đến chấm dứt chết vì nạn dịch tả nầy.

    – Sau khi thất thủ ở địa bàn tỉnh Gò Công, tàn quân Nghĩa quân Trương Công Định rút quân về tỉnh Châu Đốc, lập cứ ở làng Ba Chúc. Khi biết được, Pháp xua quân bao vây tấn công, giết chết nhiều Nghĩa quân chôn 3 hầm. Từ đó người ta gọi làng Ba Chúc hay “Làng Hầm”.

    Không biết do đâu, vì sao mà 2 thầy Bửu Sơn, Kỳ Hương lại đến định cư tại làng Ba Chúc và thành lập đạo “Tứ ân Hiếu nghĩa”, lấy “Tứ ân” làm giáo lý thuyết giáo – Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Huỳnh Phú Sổ lấy Tứ ân nầy làm nền tảng tư tưởng cho việc khai đạo Hòa Hảo. Vô hình trung, đạo Tứ ân Hiếu nghĩa được xem là tiền thân của Phật giáo Hòa Hảo, Bởi vậy, dầu ở chung địa bàn mà họ không hề tỵ hiềm nhau.

    Về mặt tổ chức, dường như đạo Tứ ân Hiếu nghĩa không muốn mở rông diện, chỉ trong và ven xã Ba Chúc. Họ gọi Xã đạo trưởng là Trò, Ấp đạo trưởng là Gánh, làm việc không ăn lương. Tôi có chứng kiến, lễ hội đạo nầy chẳng khác Việt Minh làm lễ Truy điệu chiến sĩ trận vong – chiêu hồn tử sĩ. Khi tôi đến đây thấy lạ hỏi ra mới biết: Trong đạo nầy có ông tên Đèn, tên Đường, tín đồ kiên kỵ, cái đèn dầu gọi là cái dầu, gọi đường là đàng hoặc nẽo, nếu là đường ăn thì gọi ngọt chảy, ngọt táng, ngọt cát / Khi 2 thầy qua đời, không biết vì sao mà từ làm việc không ăn lương tín đồ đạo nầy lại không ăn thịt con lươn.

    Như đã nói, tuy 2 đạo khác nhau, nhưng đạo Tứ ân Hiếu nghĩa như là tiền thân (nơi sinh ra) đạo Hòa Hảo. Được hay mất lòng với đạo Tứ ân Hiếu nghĩa có tác động mạnh đến đạo Hòa Hảo.

    Thời đệ nhứt Việt nam Cộng hòa, ông Diệm cho người đến tịch thu Khánh thờ của Tứ ân Hiếu nghĩa đưa về Sài Gòn, gây phẫn nộ cả cả 2 đạo theo thuyết “Tứ ân”. Thời đệ nhị VNCH, khi ông Thiệu và ông Kỳ định ra tranh cử chức Tổng thống, ông Thiệu đến thăm 12.000 tín đồ đạo Tứ ân Hiếu nghĩa ở xã Ba Chúc – đúng hơn là ông đến lấy lòng để kiếm phiếu. Tôi nghe kể lại: ông Thiệu bảo đạo nầy cử người đến Sài Gòn nhận lại Khánh thờ. Đại diện phía đạo nầy nói: “Lấy của chúng tôi phải mang trả lại cho chúng tôi. Bằng không, chúng tôi cũng chẳng cần nó, vì đã có khánh thờ mới rồi”. Sau ông Thiệu, ông Kỳ đi trực thăng đến đây, khi về trực thăng bị trục trặc gì đó phải đáp xuống cánh đồng ở tỉnh Long an để sửa chữa. Thế rồi, không biết vì sao, ông Kỳ không ra tranh cử. Đến ngày bầu cử Tổng thống chỉ mỗi ông Thiệu độc diễn.

    2/ Ngoài Hòa Hảo, Ở Nam bộ đã có 3 phái khác đang chống Pháp

    – Phái Việt Minh: Phái nầy thờ Mác-Lê, do Trần văn Giàu lãnh đạo, được xem là phái chính danh, vì nó chính thức là đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ trách Nam bộ, gọi là “Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ”. Chính phủ VNDCCH ra đời sau khi VN được trao trả độc lập, đã được một số nước trên thế giới và đa số nhân dân VN thừa nhận – là Chính phủ chính danh.

    Sau khi thất thủ ở Sài Gòn, ngày 23/9/1945, phái nầy lui ra bưng biền tiếp tục cuộc cuộc kháng chiến Giải phòng đất nước. Có bài hát: “Mùa Thu rồi ngày 23 ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến..”. Họ là phái mạnh nhứt: ngoài được đa số dân chúng ủng hộ, còn được Quân đội Nhựt giao 12.000 súng các loại cho “Thanh niên Tiền Phong” trước khi đầu hàng Đồng Minh tại Sài Gòn (theo Trần văn Giàu kể lại) (1).

    – Phái Bình Xuyên, phái nầy hoạt động ở vùng Đông Bắc Sài Gòn (thuộc Đông Nam bộ), họ gồm những người giang hồ tập hơp lại, mộ thêm binh chống Pháp, về sau được xem như những anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc bên Tàu ngày xưa, do 8 người nổi tiếng chỉ huy: Dương văn Dương, Huỳnh văn Trọng, Huỳnh văn Trí, Dương văn Hà, Võ văn Môn, Lê văn Viễn, Thái Hoàng Minh, Nguễn văn Hiểu.

    Bình Xuyên là tên một ấp thuộc làng Chánh Hưng, huyện Nhà Bè, Sài Gòn. Năm năm 1945, một đơn vị vũ trang đầu tiên của phái giang hồ Sài Gòn ra đời ở ấp nầy nên lấy 2 chữ Bình Xuyên đặt tên cho nó.

    Mượn danh Đồng Minh, Anh giúp Pháp loại Nhựt tái chiếm lại Nam bộ, Sài Gòn là điển công phá đầu tiên. Ngày 23/9/1945, lực lượng Việt Minh (VNDCCH) do Trần văn Giàu lãnh đạo thất thủ, ra bưng biền tiến hành cuộc kháng chiến. Khi ấy, nhiều người “giang hồ hảo hán” tự đứng ra thành lập lực lượng vũ trang chống Pháp. Có cái ngộ là: người lập lực lượng vũ trang lấy tên làng xóm của mình đặt tên như Bộ đội Tân Quy, Nhà Bè, Tân thuận, Thủ Thiêm chẳng hạn. Khi Dương Văn Dương làm thủ lĩnh các nhóm giang hồ ở cả Nam Bộ, Ông vận động và thống nhất các lực lượng quân sự nầy lại để chống Pháp, lấy tên là “Bình Xuyên”. Từ đó, Bộ đội Bình Xuyên trở thành tên gọi của tổ chức chính trị-quân sự tồn tại ở khu vực Nam bộ trong kháng chiến từ 1945-1960.

    Bộ đội Bình Xuyên là lực lượng quân sự mạnh nhất ở vùng Đông Nam Bộ thời bấy giờ. Sau khi đặc phái viên trung ương Nguyễn Bình vào tổ chức hợp nhứt quân đội các giáo phái vào Bộ đội Việt Minh (Vệ quốc đoàn). Nguyễn Bình làm Khu Bộ trưởng và chỉ định Dương Văn Dương làm Khu bộ phó Khu 7 (2).

    Sau khi Dương Văn Dương tử trận vào năm 1946, lực lượng Bình Xuyên chia làm 2 bộ phận. Một bộ phận chống Pháp do Dương Văn Hà (tức Năm Hà, em cùng cha khác mẹ của Dương Văn Dương) chỉ huy, được tổ chức lại và biên chế chính quy, nhập vào Vệ quốc đoàn. Một bộ phận khác do Lê Văn Viễn chỉ huy, năm 1948, ly khai Vệ quốc đoàn, liên minh với lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Cao Đài vừa chống Pháp vừa đối nghịch với Việt Minh.

    Nễ trọng công đức của ông Dương, Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ quyết định lấy con kinh lớn ở trung tâm Đồng Tháp Mười, cũng là hậu cứ Cách mạng Khu 8 đặt tên “Kinh Dương văn Dương” – tới nay vẫn còn giữ nguyên tên gọi ấy.

    – Giáo phái Cao Đài, theo Wikipedia: Đạo Cao Đài là một tôn giáo “độc thần” được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX (năm 1926). Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ “một nơi cao”, nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế đang ngự trị. Cao Đài vốn có danh xưng đầy đủ là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Để tỏ lòng tôn kính, một số tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là Đạo Trời.

    Cao Đài là một tôn giáo theo kiểu mới, dung hợp nhiều yếu tố từ các tôn giáo lớn, gồm cả Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Thần Đạo và cả một số tôn giáo đa thần thời cổ đại, thể hiện qua “Ngũ Chi Đại Đạo”.

    Thậm chí tôn giáo này còn thờ phụng một số nhà chính trị, nhà văn cận đại mà họ gọi là “Tam thánh đứng đầu Bạch Vân Động”, bao gồm Tôn Dật Tiên, Victor HugoNguyễn Bỉnh Khiêm (tìm xem Tam Thánh ký hòa ước).

    Theo thông tin và truyền giáo Cao Đài hải ngoại, tổng số tín đồ trong ngoài nước VN khoảng 5 triệu. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ VN dẫn thống kê của các tổ chức Cao Đài, năm 2010, Cao Đài có khoảng hơn 2,4 triệu tín đồ. Còn theo Thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam năm 2009 thì số người tự xem mình là tín đồ Cao Đài tại Việt Nam là 807.915 người.

    Những môn đồ đầu tiên của Cao Đài là các giáo sĩ: Ngô Minh Chiêu, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, và Phạm Công Tắc.

    Cao Đài Tây Ninh gồm các giáo sĩ: Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài SangPhạm Công Tắc. Do các thành viên ban đầu mang họ Cao và họ Phạm, nên còn được gọi là nhóm Cao – Phạm.

    Cao Đài có 12 tông đồ, tức 12 chi phái, Ngô văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả (Giáo tông).

    Để có tư cách chính thức với chính quyền thực dân, ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong đạo. Đến ngày 19 tháng 11 năm 1926 , các tín đồ Cao Đài đã tổ chức Đại lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén, còn gọi là Thiền Lâm Tự, Tây Ninh, có đại diện Pháp và Cộng hòa Tự trị Nam kỳ đến dự.

    Sau hiệp định Genève1954, Việt Minh và lực lượng vũ trang các giáo phái theo Việt Minh tập kết ra Bắc, trong đó có người em kết nghĩa với Huỳnh Phú Sổ là Huỳnh Hữu Trí, ông nầy được tín đồ Hòa Hảo ngưỡng mộ gọi là “Sư thúc”.

    Năm 1966 là phải?, ông Trí về Nam, với tên thường dùng Mười Trí, chỉ biết ông là cấp tá. Khi về Khu Trung Nam bộ (khu 8), ông được phân công làm công tác “Hòa Hảo vận”, xưng danh “Sư thúc Huỳnh Hữu Trí”.

    Quân đội thuộc Đảng Dân Xã của Hòa Hảo đã bị xóa như đã nói, ở toàn cõi Nam VN chỉ còn Việt Nam Cộng hòa và Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam đang kính chống nhau về mọi mặt. VNCH chiếm gần như hầu hết thị xã, thị trấn, thị tứ, còn MTDTGP làm chủ nhiều vùng rộng lớn ờ nông thôn và rừng núi. Vì vậy, Sư thúc Huỳnh Hữu Trí không dễ dàng tiếp cận tín đồ Hòa Hảo. Chỉ về đêm, ông có thể vào được các xã ven biên giới Campuchia như Vĩnh Xương, Tân An (huyệnTân Châu); Khánh Bình, Khánh An (huyện Tân Phú). Lúc đầu tín đồ Hòa Hảo nễ trọng ông, dần về sau họ xem thường, thích nghe hệ thống loa rao giảng hơn nghe ông nói. Có lẽ họ biết ông là người của Việt Cộng phái vào – coi như bị vô hiệu hóa.

    II.- THỜI KỲ 1945 – 1955

    1/ Hòa Hảo xung đột với Việt Minh

    Theo Wikipedia; Tây Nam Bộ là nơi phát tích của giáo phái Hòa Hảo, với đa số tín đồ là những người dân hiền hòa, yêu nước. Nhằm thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân, “Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ”, mới thành lập sau Cách mạng tháng Tám, đã mời người sáng lập giáo phái Hòa Hảo là Huỳnh Phú Sổ giữ chức ủy viên đặc biệt của Ủy ban. Tuy nhiên, Việt Minh cho rằng một số lãnh đạo Hòa Hảo có nhiều tham vọng về quyền hành, đã lợi dụng danh nghĩa của giáo phái Hòa Hỏa đòi giao những tỉnh có đông tín đồ Hòa Hảo như Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc cho họ quản lý. Khi yêu sách này không được đáp ứng, họ 2 lần tổ chức biểu tình tuần hành, kéo vào thị xã Long Xuyên (cuối tháng 8-1945) và thị xã Châu Đốc (đầu tháng 9-1945) định gây bạo loạn cướp chính quyền. Lực lượng vũ trang cách mạng được huy động đến kịp thời giải tán.Theo Archimedes L.A Patti, Hòa Hảo chống lại chủ trương của Việt Minh, muốn đàm phán với Đồng Minh nên tổ chức biểu tình đòi vũ trang quần chúng chống lại việc quân Anh, Pháp đổ bộ vào Nam Kỳ .

    Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Việt Minh cho Quốc gia Tự vệ Cuộc bao vây trụ sở Phật giáo Hòa Hảo ở số 8 đường Sohier, Sài Gòn để bắt Huỳnh Phú Sổ nhưng ông trốn thoát. Sau cuộc biểu tình tại Cần Thơ, Hòa Hảo bị Việt Minh bắt bớ, đàn áp . Hòa Hảo cho rằng trong năm 1945 khoảng 10.000 tín đồ và cán bộ của họ bị Việt Minh sát hại .

    Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân, ngày 6 tháng 2 năm 1946, tại Chợ Mới (Long Xuyên), Nguyễn Hữu Xuyến, Trung đoàn trưởng Khu 8 của Việt Minh, đã ký với Trần Văn Soái (Năm Lửa), thủ lĩnh một nhóm Hòa Hảo Dân Xã, một thỏa ước nhằm gác bỏ mọi hiềm khích và hiểu lầm cũ, cùng nhau đoàn kết chống thực dân Pháp. Thỏa ước này gồm 3 điều khoản:

    1/ Hai bên cam kết không chống lại nhau.

    2/ Khi một bên bị Pháp tấn công thì bên kia ứng cứu.

    3/ Hai bên phối hợp tổ chức đánh Pháp.

    Ngày 14/11/1946, Huỳnh Phú Sổ tham gia Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ với chức vụ ủy viên đặc biệt. Lực lượng vũ trang Hòa Hảo tham gia vào Vệ quốc đoàn do Nguyễn Bình chỉ huy nhưng không chấp nhận các chính trị viên do cấp trên gửi xuống. Tuy nhận lời tham gia Ủy ban Hành chánh Kháng chiến, Huỳnh Phú Sổ vẫn ngầm hoạt động chống lại chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Ngày 20/4/1946, Hòa Hảo cùng một số tổ chức khác tại miền Nam thành lập “Mặt trận Quốc gia liên hiệp” để tự tổ chức chống Pháp tại miền Nam Việt Nam. Mặt trận bầu Huỳnh Phú Sổ (dùng bí danh) làm Chủ tịch. Mặt trận này có lập trường chống lại chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt trận quyết định ủng hộ chính phủ Cộng hòa tự trị Nam Kỳ để từ đó tiến tới thành lập một chính quyền thống nhất Việt Nam. Nguyễn Hòa Hiệp, Tư lệnh Đệ tam sư đoàn ra thông cáo kêu gọi lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ hãy ngưng chiến: “Chính phủ Pháp đã bằng lòng để cho chúng ta có quân đội và chính phủ riêng. Hai dân tộc Pháp và Nam Kỳ sẽ sống bình đẳng. Vậy các chiến sĩ đang chiến đấu, hãy ngừng chiến ngay”.

    Ngày 17 tháng 2 năm 1947, đại diện của Huỳnh Phú Sổ là Nguyễn Bảo Toàn cùng với lãnh đạo các đảng quốc gia khác như: Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội), Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng) thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp với mục đích hậu thuẫn Bảo Đại đàm phán với Pháp thành lập Quốc gia Việt Nam. Theo kế hoạch của các đảng phái quốc gia tại miền Nam Việt Nam, Hòa Hảo cùng các đảng phái, tôn giáo khác sẽ dùng lực lượng vũ trang của mình từ Đông Nam Bộ (khu 7) về Tây Nam Bộ (khu 8, khu 9) lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ địa, nắm lấy các nguồn tiếp liệu lương thực và kiểm soát các đường giao thông giữa chiến khu 7 (nơi Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ đặt căn cứ), và hai chiến khu 8, 9 để cô lập Nguyễn Bình ở chiến khu 7, vô hiệu hóa lực lượng bộ đội Việt Minh trong hai chiến khu 8 và 9, làm bàn đạp tiến tới vị thế chủ lực lãnh đạo ở vùng Nam Bộ.

    Từ tháng 3-1947, nhóm Trần Văn Soái không tham gia kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo nữa, mà cùng một tiểu đoàn Lê dương Pháp mở cuộc càn quét lớn vào 5 làng ở vùng Tân Châu (Châu Đốc). Đại đội 65 Vệ quốc đoàn cùng dân quân du kích địa phương đánh trả quyết liệt, buộc lực lượng của Năm Lửa và quân Pháp phải rút lui. Cuối tháng 3 đầu tháng 4-1947 ở Tịnh Biên, Tri Tôn (Châu Đốc), lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Cao Đài Tây Ninh liên tục đánh phá vùng Việt Minh kiểm soát, tàn sát thường dân, đốt phá xóm làng, truy lùng cán bộ Việt Minh và quần chúng cốt cán của Việt Minh.

    Đầu tháng 4/1947, các đơn vị vũ trang của Cao Đài, Hòa Hảo, Đại Việt, Bình Xuyên di chuyển về Đồng Tháp Mười lập căn cứ. Trên đường hành quân, các đơn vị quân sự này bị chi đội 18 và chi đội 12 Vệ quốc đoàn phục kích ngăn chặn. Họ còn bị phi cơ Pháp bắn phá. Chỉ có một số đơn vị Hòa Hảo và Đại Việt đến nơi nhờ thông thuộc địa bàn. Các đơn vị Cao Đài và Bình Xuyên bị kẹt lại khu 7. Theo Việt Minh, những người cầm đầu Dân xã Hòa Hảo phát động một cuộc thanh trừng ở Tây Nam Bộ vào ngày 6/4/1947. Những người dân không ủng hộ Dân xã Hòa Hảo đều bị xem là kẻ thù, bị giết, buộc đá vào cổ thả trôi sông. Dân chúng vô cùng phẫn uất trước hành động dã man của Dân xã Hòa Hảo. Ngoài việc giết hại dân thường, quân Dân xã Hòa Hảo còn tổ chức các hành động càn quét chống Việt Minh ở các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ.

    Ngày 16 tháng 4 năm 1947 Huỳnh Phú Sổ đột ngột mất tích khi đến Tân Phú, Đồng Tháp Mười để hòa giải xung đột giữa Việt Minh và Phật giáo Hòa Hảo. Các tài liệu của phương Tây và Việt Nam Cộng hòa cho rằng Việt Minh thủ tiêu ông nầy.

    Sau khi Huỳnh Phú Sổ mất tích, quan hệ Hòa Hảo – Việt Minh hoàn toàn đổ vỡ. Chi đội 2 Lưu động Vệ quốc đoàn do Trần Văn Soái chỉ huy ly khai khỏi Vệ quốc đoàn. Những người chống Việt Minh trong đạo Hòa Hảo hợp tác với Pháp và được Pháp hỗ trợ trang bị và cung cấp tiền bạc. Phật giáo Hòa Hảo lập ra nhiều đơn vị vũ trang mới ngoài những đơn vị vũ trang khác thành lập từ năm 1944, chiếm cứ một số vùng ở Tây Nam Bộ. Lực lượng vũ trang Hòa Hảo chia thành 4 nhóm kiểm soát các khu vực khác nhau tại miền Tây Nam Bộ. Các nhóm này gồm:


    Nhóm Trần Văn Soái (Năm Lửa), đóng tại Cái Vồn (VĩnhLong)

    2.. Nhóm Lâm Thành Nguyên (Hai Ngoán), đóng tại Cái Dầu (Châu Đốc).


    Nhóm Lê Quang Vinh (Ba Cụt), đóng tại Thốt Nốt (Long Xuyên).

    4.Nhóm Nguyễn Giác Ngộ, đóng tại Chợ Mới (Long Xuyên).

    Năm 1947, các lực lượng Việt Minh vừa tổ chức tuyên truyền vũ trang, vừa mở một trận đánh lớn tại Kinh 13. Chỉ huy quân sự của Dân xã Hòa Hảo tuyên truyền: “Súng Việt Minh bắn không nổ!”, xua tín đồ tràn vào trận địa của Việt Minh. Lực lượng vũ trang của Việt Minh một mặt giải thích cho các tín đồ hiểu, mặt khác đánh quân của Dân xã Hòa Hảo, diệt nhiều lính, thu nhiều súng, có 1 Bazoka. Ở khu vực giữa Phú An – Phú Lâm (Tân Châu), Đại đội 65 đánh bật lực lượng của Dân xã ra khỏi vùng này. Việt Minh mở rộng công tác vũ trang tuyên truyền về hướng Thoại Sơn, tiếp tục tiến công ở Ba Thê, đánh lính Lê dương đi tàu sắt đổ bộ lên Mốp Văn và Núi Sập, diệt trên 200 lính.

    Ngày 18/5/1947, Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Đại tá Cluzet, tư lệnh quân đội Pháp tại miền Tây Nam Bộ ký kết Hiệp ước liên quân tại Cần Thơ. Phật giáo Hòa Hảo và lực lượng quân sự của họ được Pháp và Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ công nhận. Pháp cho phép Hòa Hảo kiểm soát một vùng rộng lớn ở Miền Tây Nam bộ, đặt Tổng hành dinh tại Cái Vồn, Cần thơ. Hòa Hảo được sử dụng quân đội riêng do sĩ quan Hòa Hảo chỉ huy để bảo vệ tín đồ, được cử đại diện trong các hội đồng hành chính, được phát triển lực lượng võ trang và mang phù hiệu riêng của Phật giáo Hòa Hảo. Quân lực Hòa Hảo hoạt động một mình, nhưng có thể yêu cầu quân đội Pháp yểm trợ khi cần thiết. Ngược lại Phật giáo Hòa Hảo cam kết tôn trọng luật pháp của Pháp, từ chối mọi cộng tác với Việt Minh, và trục xuất mọi cơ quan, nhân sự, hoạt động của Việt Minh ra khỏi các khu vực Hòa Hảo, phối hợp hành quân với quân đội Pháp chống lại Việt Minh, hợp tác với bộ tư lệnh Pháp và Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Trần Văn Soái được Bộ tư lệnh Pháp phong thiếu tướng, các sĩ quan Hòa Hảo khác cũng được phong cấp.

    2/ Các giáo phái với đệ nhứt VNCH (1955-1963)

    Với Bình Xuyên:

    Tháng 7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đưa danh sách ứng cử viên để bầu cử thành lập chính phủ trung ương, Lê Văn Viễn đòi được tham chính và đưa ra yêu sách lập chính phủ mới. Lực lượng Bình Xuyên cùng với quân đội Cao ĐàiHòa Hảo, do Hòa Hảo chủ xướng, còn lập “Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia” và gửi tối hậu thư buộc chính phủ ông Diệm phải có danh sách ứng cử viên mới trước ngày 26 tháng 3 năm 1955. Nội các Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên Bình Xuyên mở cuộc tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Sang tháng 4 năm 1955 thì quân Bình Xuyên còn tấn công thành Cộng Hòa. Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài GònChợ Lớn và rút về Rừng Sác.

    Sau cuộc “Trưng cầu Dân ý” truất phế vua Bảo Đại, tháng 9/1955, Tổng thốngNgô Đình Diệm phái Đại táDương Văn Minh mở Chiến dịch Hoàng Diệu để truy nã Bình Xuyên tại khu vực Rừng Sác. Lê Văn Viễn đào tẩu sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp, Một lực lượng Bình Xuyên ly khai khác do Võ Văn Môn (tức Bảy Môn) chỉ huy đào thoát về miền Đông Nam Bộ, lập căn cứ tồn tại độc lập mãi đến năm 1960 thì tham gia vào Quân Giải phóng thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Vậy là danh hiệu Bình Xuyên bị xóa đầu năm 1960, nhưng người Bình Xuyên hòa cùng với cộng đồng dân tộc qua con đường MTDTGPMN.

    Với Cao Đài:

    Chính phủ Ngô Đình Diệm chiêu dụ tướng Trinh Minh Thế dẫn lực lượng vũ trang Cao Đài ra Sài Gòn liên quân. Khi ông Thế dẫn cả tiểu đoàn quân ra, họ bảo diễu binh để tạo thanh thế. Khi diễu binh, họ cho người núp bắn chết Trinh Minh Thế. Như rắn mất đầu, cả tiểu đoàn bị quân đội VNCH xông vào tước vũ khí, cảnh cáo rồi đuổi họ về quê.

    Với Hòa Hảo:

    Sau khi thành lập năm 1956, Chính phủ VNCH mở những cuộc hành quân như “Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng” rồi “Chiến dịch Nguyễn Huệ” để bình định các giáo phái hầu thống nhất quân lực. Các lãnh tụ Hòa Hảo như tướng Trần Văn Soái (biệt danh Năm Lửa) rút về cố thủ ĐồngTháp; tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt) thì đem quân về chống giữ ở Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá. Khi bị truy nã Trần Văn Soái ra hàng, còn Lê Quang Vinh thì bị bắt, sau đem xử tử ông tại Cần Thơ theo luật 10/59.

    Quá phẩn uất, tàn quân của ba giáo phái nầy vào Đồng Tháp Mười thành lập liên minh “Cao Hòa Bình” (Cao Đàì, Hòa Hảo, Bình Xuyên). Họ chiêu quân chờ ngày chống lại VNCH. Sau Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc Giải phòng Miền Nam ra đời, họ gia nhập Quân Giải phóng – hòa nhập và tan biến mất luôn danh hiệu.

    Năm 1964, sau khi Đệ Nhất Cộng hòa bị lật đổ, đạo Hòa Hảo có sự củng cố lại về tổ chức, xây dựng mở mang các cơ sở tôn giáo, văn hóa, xã hội. Hệ thống Ban trị sự được kiện toàn từ cấp trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Đảng “Việt Nam Dân chủ Xã hội” cũng dược củng cố để hộ trợ cho đạo. Trong khi đó, cơ quan lãnh đạo Hòa Hảo lại phân đôi thành 2 Ban trị sự trung ương: phái cũ do Lương Trọng Tường, phái mới do Huỳnh Văn Nhiệm đứng đầu.

    Đến năm 1972, Lê Quang Liêm tách ra khỏi phái cũ của Lương Trọng Tường, thành lập Ban trị sự trung ương riêng. Vậy là lúc bấy giờ, đạo Hòa Hảo có tới 3 Ban trị sự cấp trung ương cùng tồn tại cho đến thống nhất đất nước.

    Dù phân hóa, Phật giáo Hòa Hảo vẫn tiếp tục phát triển vào thời Đệ Nhị Việt nam Cộng hòa. Tính đến khi VNCH sụp đổ, đạo Hòa Hảo thành lập được 1 Viện Đại học Hòa Hảo năm ở Long Xuyên, 6 trường trung học phổ thông, một viện đại học và hai bệnh viện. Tất cả những cơ sở này sau đó đều bị chính quyền mới trưng dụng rồi quốc hữu hóa, trong đó có Tổ đình (đình thở Tổ) tại thị xã Long Xuyên, giao cho Sở Văn hóa, Thông tin An Giang quản lý và sử dụng cho đến nay.

    Đến giờ chót, Hòa Hảo lại phạm một sai lần không đáng có: Chiều tối ngày 30/4/1975, quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn thị xă Long Xuyên. Sáng 1/5, lãnh đao tỉnh An Giang cho lực lượng kiểm tra Tổ đình – đình thờ Tổ của giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tại thị xã Long Xuyên. Người quản lý Tổ đình, trước khi hướng dẫn kiểm tra, anh nói riêng với trưởng đoàn kiểm tra: “Tôi khoanh tay đi trước, hễ ngón tay trỏ tôi mổ xuống vùng đất nào, các ông hãy đào lên thì sẽ biết những gì dưới đó”. Làm theo lời người hướng dẫn, đào lên 3,4 chỗ gì đó gặp những thùng to chứa đầy súng đạn, súng xếp cẩn thận có trét mỡ bò. Tổ kiểm tra cho đem những hiện vật ấy lên để quanh lỗ đào, gọi phóng viên quay phim Dân Hùng quay toàn cảnh làm tang chứng rồi mời bà Huỳnh thị Kim Biên, cô ruột Huỳnh Phú Sổ đến chứng kiến, và quy tội: “Súng chôn còn trét mỡ bò, chứng tỏ là có âm mưu lâu dài”…. Trước sự thật hiển nhiên, bà Biên không hề nói hay chối cãi. Những người lãnh đạo 3 giáo phái Hòa Hảo đâu chẳng thấy xuất hiện, chẳng biết có ai gợi ý không, sau đó Bà Biên tuyên bố 4 điểm:

    – Có gì nói, cấm bạo động.

    – Từ nay Phật giáo Hòa Hảo tu tại gia như lời Giáo chủ.

    – Dẹp hết hệ thống loa giảng kinh sám.

    – Dẹp hết những cỗng chào trên đường có hình giáo chủ bên trên.

    Thế là ý định tái lập lực lương vũ trang Phật giáo Hòa Hảo được dập tắt từ đây. (Phóng viên Dân Hùng kể cho tôi nghe toàn bộ sự việc và cho tôi xem hình bà Biên và tang vật vụ nầy hôm 3/5/1975 khi anh về Mỹ Tho).

    Vậ là lực lượng vũ trang 3 giáo phái nầy bị xóa phiên hiệu trong cuộc nội chiến giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và đệ nhứt Việt Nam Cộng hòa vào những năm 1960-1964. Phần lớn tàn quân của họ nhập vào Quân Giải phóng Miền Nam thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam – Lực lượng vũ trang Hòa Hảo ra đi sau chót (1964).

    Cao Đài và Hòa Hảo là Đạo giáo, khi lực lượng vũ trang của họ bị xóa vẫn còn Đạo, còn Bình Xuyên là Phái chỉ có lực lượng vũ trang, khi bị xóa phiên hiệu là trắng tay?. Mặc dầu vậy, Bình Xuyên tuy bị xóa tên, nhưng tác giả Nguyên Hùng viết và được nhà xuất bản Công an VN xuất bản truyện dài với tựa hấp dẫn, rất ăn khách “Người Bình Xuyên”. Sách mô tả: Bình Xuyên cả một thời cuốn theo chiều gió, sự yên hùng, hảo hớn của họ tưởng đã qua đi, nào ngờ nó sống lại và đi vào lịch sử. Người đời ví họ như những anh hùng Lương Sơn Bạc bên Tàu thuở xa xưa. Dầu xuất thân từ những người giang hồ, nhưng họ trung trực, chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa chống xâm lược và chống áp bức bất công khiến cho người đời ngưỡng mộ.

    Sao 30/4/1975, Phật giáo Hoà Hảo cũng như Cao Đài dường như bị cấm tụ tập hành đạo, mãi đến 1999 mới được hành đạo tập trung.

    Từ năm 1999, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo được phép tổ chức Lễ Khai sáng Phật giáo Hoà Hảo và lễ sinh nhựt Đức Huỳnh Giáo chủ hằng năm.

    Được biết, đến nay, Phật giáo Hòa Hảo có 397 Ban Trị sự cơ sở ở 17 tỉnh, thành với số lượng tính đồ khoảng 7 triệu người, kể cả trong và ngoài nước.

    KẾT


    Như một nguyên tắc “Mỗi quốc gia chỉ được lập một quân đội . Một quốc gia mà 2 quân đội là có nguy cơ nội chiến, hà huống, ở Nam bộ lúc bấy giờ có đến 5 quân đội, loạn sứ quân, máu không đổ mới là lạ?.


    Chính phủ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” hay “Việt Nam Cộng hòa” chủ trương hợp nhứt lực lượng vũ trang là việc cần phải làm? Còn hợp nhứt bằng cách nào, đó là chuyện khác. Thượng sách là chân thành hòa giải, hạ sách là dùng bạo lực. Hợp nhứt lực lượng vũ trang phải trên cơ sở tự nguyện gom về với quân đội của chính quyền hợp pháp hiện hữu. Chỉ được dùng sức mạnh bạo lực đối với chỉ lực lượng vũ trang nào “cứng đầu”?.


    Tu chân chính chỉ dùng giáo lý thuyết phục bá tánh?. Tu mà lận súng, đòi cầm quyền là không thể chất nhận? .

    Chú Thích:

    (1) – Sau 1945, ông Trần văn Giàu bị nghi ngờ thân Nhựt và bị cách chức, bị câu lưu ở miền Bắc suốt hơn 20 năm về vụ ông tùy tiện tổ chức “Thanh niên Tiền phong”. Sau 30/4/1975, ông Giàu được về Nam. Ngồi không làm gì, Ông viết Hồi ký (có cho tôi xem bản thảo) có đoạn đại ý: “ Trước khi đầu hàng Đồng Minh, Nhựt muốn giao súng đạn cho bất kỳ lực lương nào miễn không phải Việt Minh hay “Dân quân Tự vệ Cuộc” do Nguyễn văn Trấn chỉ huy . Để có số súng làm vốn, ông Giàu tổ chức Thanh niên Tiền phong, cờ vàng sao đỏ. Qua đó nhận được 12.000 súng doNhựt giao và lặn mò được một số súng khác nơi chiếc tàu chìm ở gần Biên Hòa. Số súng ấy là nguồn vốn đáng kể khi thúc thủ ra bưng biền… Có công không được nhắc đến mà còn bị trừng!” – ông Giàu than.

    (2) Nam bộ chia làm 3 miền: Miền Đông Nam bộ còn gọi là Khu 7, thủ phủ là Sàigòn (Đông đô) / Miền Trung Nam bộ còn gọi là Khu 8, thủ phủ là Mỹ Tho (Trung đô) / Miền Tây Nam bộ còn gọi là Khu 9, thủ phủ là Cần Thơ (Tây đô). -/-

    (quanvan.net)

    Không có nhận xét nào