Kinh tế Việt Nam có vẻ lại có thêm một năm với những kết quả “thần kỳ”. Điều này không chỉ thể hiện trong các dự báo của chính phủ.
Theo Bloomberg, giới quan sát kinh tế độc lập nhận thấy trong quý 3, tổng tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đã lên đến 7%. Điều này khiến cho các tổ chức dự báo nhìn nhận rằng tăng trưởng sẽ còn khả quan hơn nữa. Citigroup điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng từ 6,7% lên 6,9% cho cả năm, và các nhà phân tích thuộc Maybank Kim Eng Research khẳng định 7% tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn khả dĩ.
Hiển nhiên, họ cũng nhận thấy rằng nguồn gốc tăng trưởng này chủ yếu được hình thành trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang kèn cựa lẫn nhau qua căng thẳng ngoại thương giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc hay giữa Nhật Bản – Hàn Quốc, và Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn để tránh né những nghĩa vụ thuế quan mà các cuộc thương chiến dựng nên. Đặc biệt, các ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã tăng đến 7,31%, tỷ lệ cao nhất tính từ đầu năm ngoái, và sẽ là động lực cho sự phát triển của Việt Nam ít nhất đến nửa đầu năm 2020.
Chưa bàn đến các vấn đề chính trị – pháp lý xa xôi, hiện thực trên rõ ràng là một điều tốt cho người dân Việt Nam.
Hiểu đơn giản, nền kinh tế tăng trưởng đồng nghĩa với việc nguồn tiền lưu thông trong xã hội nhiều hơn, công ăn việc làm được tạo ra nhiều hơn, và từ đó túi tiền của người Việt Nam dày hơn chút đỉnh, giúp chúng ta có thể thụ hưởng một số thành quả ngắn hạn của việc phát triển kinh tế. Người Việt đang có thể ăn ngon hơn, sở hữu những loại hàng công nghệ đắt đỏ mới ra lò, thậm chí dư dả và sẵn sàng cho những khóa học, những chuyến chu du ở nước ngoài. Không có gì là lạ khi nhiều người (trong đó có thể có cả người viết) cho rằng tài giỏi và có năng lực kiếm tiền là đủ để khiến chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc, mạnh khỏe ở đất nước này.
Song cũng tại Việt Nam, liệu chúng ta có đang thật sự phát triển hay không?
Tôi đã tự hỏi câu hỏi này suốt 13 năm sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
13 năm, vấn nạn ngập chưa bao giờ được giải quyết; dù chúng tôi từng được hứa hẹn rằng chịu đựng những lô cốt dựng nên khắp thành phố đầu những năm 2000 sẽ giải quyết triệt để vấn nạn này.
13 năm, học phí tại các cơ sở đào tạo công lập mọi cấp độ đua nhau dùng giá “thị trường” với lý do bảo đảm chất lượng.
13 năm của những bản quy hoạch lộn xộn, của những khu đất mới mở ra chỉ để phân lô bán nền, của sự vắng bóng các mảng xanh cho không gian thành phố.
13 năm của sự đình trệ phát triển hệ thống giao thông công cộng.
13 năm của những tỉnh lộ đi ra các thành phố vệ tinh chưa bao giờ thoát khỏi hình bóng của những con đường làng.
13 năm, tôi cũng không biết liệu người dân ở đây có tính lại họ đang thật sự sử dụng được bao nhiêu mét vuông làm không gian sống, khi mà theo quy định hiện hành, con số tối thiểu làm không gian sống cho một cá nhân ở thành phố này chỉ là 16m2 (một căn phòng 4×4) tại các quận trung tâm, và chỉ 8m2 (4×2) ở các huyện và quận vùng ven. Người thuê nhà ở, đất ở cũng chỉ được quy định vỏn vẹn 5m2 (tức chỉ vừa hơn 2×2).
Năm 2018, tôi quyết định rời khỏi quận trung tâm tại thành phố để sinh sống một cách thanh bình hơn tại một vùng ngoại ô của tỉnh lân cận, song cũng nhanh chóng nhận ra rằng nó không làm cuộc sống của mình dễ thở hơn, khi các trở ngại hạ tầng khiến việc di chuyển vào nơi làm việc của mình như một cơn ác mộng không hơn không kém.
Nhiều người sẽ bảo rằng, dân số cao, lượng người nhập cư đông đảo, phương tiện đi lại nhiều đương nhiên dẫn đến các hiện tượng như ùn tắc giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu các công trình công cộng, ô nhiễm môi trường, tăng giá bất động sản, v.v.
Nhưng quốc gia nào trên thế giới mà các đô thị lớn lại không thu hút một lượng dân cư lớn trên toàn quốc đổ về?
Tôi từng học tập và làm việc tại London trong hai năm, một trong những thành phố lớn nhất châu Âu với dân số hơn chín triệu người. Song chưa bao giờ tôi có cảm giác rằng London thật sự có chín triệu người. Người dân vẫn có thể thư thả hít thở bầu không khí trong lành của những công viên nhỏ xen lẫn trong các khu dân cư được quy hoạch bài bản, hệ thống giao thông công cộng với nhiều lựa chọn, và đương nhiên là sự thanh thản kỳ lạ tôi chưa từng có khi sống tại Việt Nam.
Hay trong thời gian ngắn công tác tại Đài Loan, một quốc gia có đường hướng lịch sử và xu thế phát triển rất giống với Việt Nam, tôi cũng nhận ra gần ba triệu người sinh sống tại thành phố 271 km vuông Đài Bắc có cuộc sống an nhàn và thanh thản hơn thành phố lớn nhất Việt Nam rất nhiều (trong khi thành phố Hồ Chí Minh có chín triệu người nhưng diện tích lại gấp Đài Bắc tới gần tám lần, với 2.100 km vuông).
Vậy khi mà các dịch vụ căn bản như y tế và giáo dục cho công dân bị tư hữu hóa, khi mà người dân gần như không hưởng lợi được gì từ quá trình tái đầu tư và các dự án hạ tầng công cộng, thành quả của hàng chục năm tăng trưởng hàng đầu thế giới của Việt Nam đã đi về đâu?
___
Khái niệm “tăng trưởng kinh tế” (economic growth) từ lâu đã được xem là câu trả lời cho tất cả các vấn đề xã hội, từ nghèo đói đến thất nghiệp. Khái niệm này dùng để chỉ việc gia tăng sản lượng của hàng hóa, dịch vụ, và thường được đo với chỉ số lừng danh GDP (Gross Domestic Product – Tổng Thu nhập Nội địa).
Mặt khác, “phát triển kinh tế” (economic development), dù không được ưa chuộng bằng, lại thể hiện chính xác hơn chất lượng cuộc sống và sức khỏe kinh tế của một quốc gia, với các chỉ số như chỉ số nguồn vốn nhân lực (human capital), chỉ số đào tạo, chỉ số hạ tầng, các vấn đề liên quan đến hòa nhập xã hội (social inclusion) hay an sinh xã hội. Chỉ số thường được áp dụng nhất để phản ánh các vấn đề trên là Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Indicators). Đây là lý do vì sao Giáo sư Amartya Sen, người nhận giải Nobel Kinh tế vào năm 1998, luôn nhắc nhở rằng “tăng trưởng kinh tế chỉ là một mặt của phát triển kinh tế mà thôi”.
Để hiểu một cách đơn giản hơn, có thể nhớ rằng GDP và tăng trưởng kinh tế chỉ ghi nhận lại tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ một quốc gia đó cho ra đời trong một năm nhất định. Tuy nhiên, GDP không thể cho ta biết các nguồn tài sản này được phân bổ như thế nào.
Ví dụ, khi tư nhân hóa khiến chi phí cho các dịch vụ y tế và giáo dục tăng cao, chúng đóng góp vào chỉ số dương của GDP trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nó lại không thể hiện được rằng việc tăng cao giá dịch vụ y tế và giáo dục đồng nghĩa với việc một lượng dân chúng sẽ không thể mua, hoặc gặp khó khăn về tài chính để có thể nhận được những dịch vụ cơ bản nói trên.
Hay trong trường hợp ngân sách công được chi ra một lượng lớn để xây dựng một con đường, lượng tiền này chắc chắn cũng sẽ tính toàn bộ vào công thức xác định GDP. Song các vấn đề khác như hiệu quả đầu tư, chất lượng xây dựng, tham nhũng, sự đầy đủ của các hạng mục (ví dụ như đường không có hệ thống thoát nước và rào chắn, biển cảnh báo… rất phổ biến tại Việt Nam) thì chắc chắn không thể được thể hiện trong cách tính cũng như kết quả tính GDP.
Ở góc nhìn kinh tế vĩ mô trong các ví dụ trên, chỉ số GDP ghi nhận rằng nền kinh tế quốc gia vẫn đang phát triển. Song những dạng tăng trưởng này gần như không mang lại bất kỳ lợi ích công cộng nào cho dân chúng của quốc gia đó – điều mà có lẽ không ít người dân Việt Nam đang cảm nhận thấy. Đấy là chưa kể đến các vấn đề môi trường mà chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá có thể mang lại.
Không khó để nhận thấy rằng một phần rất lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục dồn vào một tầng lớp nhỏ tư bản thân hữu có dây mơ rễ má với chính quyền. Và dù chúng tôi, những người dân bình thường hưởng lợi chút ít từ việc làm và lương bổng hằng tháng mà tăng trưởng kinh tế mang lại; điều này không hề bảo đảm rằng Việt Nam sẽ đạt đến trình độ, sự phát triển hạ tầng và chất lượng cuộc sống tương tự như nhiều quốc gia khác đã từng trải qua thời kỳ phát triển thần kỳ.
Tôi tin rằng nếu chúng ta không hành động ngay, đòi hỏi một chính quyền minh bạch hơn, một hệ thống dân chủ hợp lý hơn, một cơ chế phát triển kinh tế bền vững hơn… khi mà chiếc áo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP phai màu theo thời gian như mọi quốc gia khác đã từng, thứ chúng ta còn lại thậm chí cũng chỉ là những thành phố lộn xộn và ngột ngạt như chết mà thôi.
Tăng trưởng nhưng không phát triển: Khi GDP không làm nên tất cả |
Theo Bloomberg, giới quan sát kinh tế độc lập nhận thấy trong quý 3, tổng tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đã lên đến 7%. Điều này khiến cho các tổ chức dự báo nhìn nhận rằng tăng trưởng sẽ còn khả quan hơn nữa. Citigroup điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng từ 6,7% lên 6,9% cho cả năm, và các nhà phân tích thuộc Maybank Kim Eng Research khẳng định 7% tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn khả dĩ.
Hiển nhiên, họ cũng nhận thấy rằng nguồn gốc tăng trưởng này chủ yếu được hình thành trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang kèn cựa lẫn nhau qua căng thẳng ngoại thương giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc hay giữa Nhật Bản – Hàn Quốc, và Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn để tránh né những nghĩa vụ thuế quan mà các cuộc thương chiến dựng nên. Đặc biệt, các ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã tăng đến 7,31%, tỷ lệ cao nhất tính từ đầu năm ngoái, và sẽ là động lực cho sự phát triển của Việt Nam ít nhất đến nửa đầu năm 2020.
Chưa bàn đến các vấn đề chính trị – pháp lý xa xôi, hiện thực trên rõ ràng là một điều tốt cho người dân Việt Nam.
Hiểu đơn giản, nền kinh tế tăng trưởng đồng nghĩa với việc nguồn tiền lưu thông trong xã hội nhiều hơn, công ăn việc làm được tạo ra nhiều hơn, và từ đó túi tiền của người Việt Nam dày hơn chút đỉnh, giúp chúng ta có thể thụ hưởng một số thành quả ngắn hạn của việc phát triển kinh tế. Người Việt đang có thể ăn ngon hơn, sở hữu những loại hàng công nghệ đắt đỏ mới ra lò, thậm chí dư dả và sẵn sàng cho những khóa học, những chuyến chu du ở nước ngoài. Không có gì là lạ khi nhiều người (trong đó có thể có cả người viết) cho rằng tài giỏi và có năng lực kiếm tiền là đủ để khiến chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc, mạnh khỏe ở đất nước này.
Song cũng tại Việt Nam, liệu chúng ta có đang thật sự phát triển hay không?
Tôi đã tự hỏi câu hỏi này suốt 13 năm sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
13 năm, vấn nạn ngập chưa bao giờ được giải quyết; dù chúng tôi từng được hứa hẹn rằng chịu đựng những lô cốt dựng nên khắp thành phố đầu những năm 2000 sẽ giải quyết triệt để vấn nạn này.
13 năm, học phí tại các cơ sở đào tạo công lập mọi cấp độ đua nhau dùng giá “thị trường” với lý do bảo đảm chất lượng.
13 năm của những bản quy hoạch lộn xộn, của những khu đất mới mở ra chỉ để phân lô bán nền, của sự vắng bóng các mảng xanh cho không gian thành phố.
13 năm của sự đình trệ phát triển hệ thống giao thông công cộng.
13 năm của những tỉnh lộ đi ra các thành phố vệ tinh chưa bao giờ thoát khỏi hình bóng của những con đường làng.
13 năm, tôi cũng không biết liệu người dân ở đây có tính lại họ đang thật sự sử dụng được bao nhiêu mét vuông làm không gian sống, khi mà theo quy định hiện hành, con số tối thiểu làm không gian sống cho một cá nhân ở thành phố này chỉ là 16m2 (một căn phòng 4×4) tại các quận trung tâm, và chỉ 8m2 (4×2) ở các huyện và quận vùng ven. Người thuê nhà ở, đất ở cũng chỉ được quy định vỏn vẹn 5m2 (tức chỉ vừa hơn 2×2).
Năm 2018, tôi quyết định rời khỏi quận trung tâm tại thành phố để sinh sống một cách thanh bình hơn tại một vùng ngoại ô của tỉnh lân cận, song cũng nhanh chóng nhận ra rằng nó không làm cuộc sống của mình dễ thở hơn, khi các trở ngại hạ tầng khiến việc di chuyển vào nơi làm việc của mình như một cơn ác mộng không hơn không kém.
Nhiều người sẽ bảo rằng, dân số cao, lượng người nhập cư đông đảo, phương tiện đi lại nhiều đương nhiên dẫn đến các hiện tượng như ùn tắc giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu các công trình công cộng, ô nhiễm môi trường, tăng giá bất động sản, v.v.
Nhưng quốc gia nào trên thế giới mà các đô thị lớn lại không thu hút một lượng dân cư lớn trên toàn quốc đổ về?
Tôi từng học tập và làm việc tại London trong hai năm, một trong những thành phố lớn nhất châu Âu với dân số hơn chín triệu người. Song chưa bao giờ tôi có cảm giác rằng London thật sự có chín triệu người. Người dân vẫn có thể thư thả hít thở bầu không khí trong lành của những công viên nhỏ xen lẫn trong các khu dân cư được quy hoạch bài bản, hệ thống giao thông công cộng với nhiều lựa chọn, và đương nhiên là sự thanh thản kỳ lạ tôi chưa từng có khi sống tại Việt Nam.
Hay trong thời gian ngắn công tác tại Đài Loan, một quốc gia có đường hướng lịch sử và xu thế phát triển rất giống với Việt Nam, tôi cũng nhận ra gần ba triệu người sinh sống tại thành phố 271 km vuông Đài Bắc có cuộc sống an nhàn và thanh thản hơn thành phố lớn nhất Việt Nam rất nhiều (trong khi thành phố Hồ Chí Minh có chín triệu người nhưng diện tích lại gấp Đài Bắc tới gần tám lần, với 2.100 km vuông).
Vậy khi mà các dịch vụ căn bản như y tế và giáo dục cho công dân bị tư hữu hóa, khi mà người dân gần như không hưởng lợi được gì từ quá trình tái đầu tư và các dự án hạ tầng công cộng, thành quả của hàng chục năm tăng trưởng hàng đầu thế giới của Việt Nam đã đi về đâu?
___
Khái niệm “tăng trưởng kinh tế” (economic growth) từ lâu đã được xem là câu trả lời cho tất cả các vấn đề xã hội, từ nghèo đói đến thất nghiệp. Khái niệm này dùng để chỉ việc gia tăng sản lượng của hàng hóa, dịch vụ, và thường được đo với chỉ số lừng danh GDP (Gross Domestic Product – Tổng Thu nhập Nội địa).
Mặt khác, “phát triển kinh tế” (economic development), dù không được ưa chuộng bằng, lại thể hiện chính xác hơn chất lượng cuộc sống và sức khỏe kinh tế của một quốc gia, với các chỉ số như chỉ số nguồn vốn nhân lực (human capital), chỉ số đào tạo, chỉ số hạ tầng, các vấn đề liên quan đến hòa nhập xã hội (social inclusion) hay an sinh xã hội. Chỉ số thường được áp dụng nhất để phản ánh các vấn đề trên là Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Indicators). Đây là lý do vì sao Giáo sư Amartya Sen, người nhận giải Nobel Kinh tế vào năm 1998, luôn nhắc nhở rằng “tăng trưởng kinh tế chỉ là một mặt của phát triển kinh tế mà thôi”.
Để hiểu một cách đơn giản hơn, có thể nhớ rằng GDP và tăng trưởng kinh tế chỉ ghi nhận lại tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ một quốc gia đó cho ra đời trong một năm nhất định. Tuy nhiên, GDP không thể cho ta biết các nguồn tài sản này được phân bổ như thế nào.
Ví dụ, khi tư nhân hóa khiến chi phí cho các dịch vụ y tế và giáo dục tăng cao, chúng đóng góp vào chỉ số dương của GDP trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nó lại không thể hiện được rằng việc tăng cao giá dịch vụ y tế và giáo dục đồng nghĩa với việc một lượng dân chúng sẽ không thể mua, hoặc gặp khó khăn về tài chính để có thể nhận được những dịch vụ cơ bản nói trên.
Hay trong trường hợp ngân sách công được chi ra một lượng lớn để xây dựng một con đường, lượng tiền này chắc chắn cũng sẽ tính toàn bộ vào công thức xác định GDP. Song các vấn đề khác như hiệu quả đầu tư, chất lượng xây dựng, tham nhũng, sự đầy đủ của các hạng mục (ví dụ như đường không có hệ thống thoát nước và rào chắn, biển cảnh báo… rất phổ biến tại Việt Nam) thì chắc chắn không thể được thể hiện trong cách tính cũng như kết quả tính GDP.
Ở góc nhìn kinh tế vĩ mô trong các ví dụ trên, chỉ số GDP ghi nhận rằng nền kinh tế quốc gia vẫn đang phát triển. Song những dạng tăng trưởng này gần như không mang lại bất kỳ lợi ích công cộng nào cho dân chúng của quốc gia đó – điều mà có lẽ không ít người dân Việt Nam đang cảm nhận thấy. Đấy là chưa kể đến các vấn đề môi trường mà chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá có thể mang lại.
Không khó để nhận thấy rằng một phần rất lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục dồn vào một tầng lớp nhỏ tư bản thân hữu có dây mơ rễ má với chính quyền. Và dù chúng tôi, những người dân bình thường hưởng lợi chút ít từ việc làm và lương bổng hằng tháng mà tăng trưởng kinh tế mang lại; điều này không hề bảo đảm rằng Việt Nam sẽ đạt đến trình độ, sự phát triển hạ tầng và chất lượng cuộc sống tương tự như nhiều quốc gia khác đã từng trải qua thời kỳ phát triển thần kỳ.
Tôi tin rằng nếu chúng ta không hành động ngay, đòi hỏi một chính quyền minh bạch hơn, một hệ thống dân chủ hợp lý hơn, một cơ chế phát triển kinh tế bền vững hơn… khi mà chiếc áo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP phai màu theo thời gian như mọi quốc gia khác đã từng, thứ chúng ta còn lại thậm chí cũng chỉ là những thành phố lộn xộn và ngột ngạt như chết mà thôi.
Bùi Công Trực
Không có nhận xét nào