Ngày 10/12/2019, thế giới chứng kiến
một sự kiện hy hữu. Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, vốn được
ngưỡng mộ như biểu tượng cho tranh đấu bất bạo động, ra trước một tòa án
quốc tế để trả lời về các cáo buộc ''diệt chủng''.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ở La Haye, Hà Lan, ngày 10/12/2019. |
Aung
San Suu Kyi sẽ bảo vệ giới quân sự trước các cáo buộc quốc tế, hay sử
dụng cơ hội này để hóa giải hồ sơ Rohingya, xoay chuyển theo hướng có
lợi cho tiến trình dân chủ hóa và xây dựng quốc gia - dân tộc Miến Điện?
Theo
nhiều nhà quan sát, việc lãnh đạo chính phủ Miến Điện Aung San Suu Kyi,
khi đích thân đến trước Tòa Công Lý Quốc Tế (CIJ), ở La Haye, để trả
lời về vụ kiện của Gambia, đại diện cho 57 quốc gia thành viên Tổ Chức
Hợp Tác Hồi Giáo, cáo buộc chính quyền Miến Điện diệt chủng người thiểu
số Rohingya, đã tự đặt chính bà vào một tình thế hết sức chông chênh,
xét trên nhiều phương diện.
Ngây thơ, bất cẩn hay đứng về phía độc tài ?
Trả
lời AFP, nữ giáo sư luật quốc tế Cecily Rose, Đại học Leiden, khẳng
định đây là một hành động ''đầy bất cẩn'' và mạo hiểm, Aung San Suu Kyi
vốn ''không có bất cứ đào tạo về pháp lý nào'', và bà ''sẽ dễ dàng mất
phương hướng trước Tòa''. Một chuyên gia luật khác, ông David Mathieson,
nêu nhận định : Aung San Suu Kyi rất có khả năng sẽ tiếp tục thách thức
toàn thế giới, bảo vệ tập đoàn quân sự bằng mọi giá, và điều này sẽ chỉ
đưa cuộc khủng hoảng Rohingya dấn sâu hơn vào ngõ cụt. Thực tế cho
thấy, cho đến nay, rất nhiều người tại phương Tây cũng như trong thế
giới Hồi Giáo ngày càng trở nên thất vọng với con người từng được coi là
ngôi sao của cuộc chiến bất bạo động vì dân chủ.
Aung
San Suu Kyi có phải là một chính trị gia ngây thơ, hay một người chấp
nhận làm công cụ cho giới quân sự vẫn còn rất hùng mạnh tại Miến Điện?
Cho đến nay, trong công luận quốc tế có một ấn tượng phổ biến là giải
Nobel Hòa bình khăng khăng bảo vệ giới tướng lãnh, mà bà vốn thường có
các quan hệ nước đôi, phủ nhận toàn bộ các cáo buộc bạo lực nhắm vào
''Tamadaw'' (tức quân đội Miến Điện), theo một điều tra của Liên Hiệp
Quốc hồi 2018.
Bầu cử 2020 : Đông đảo dân Miến thù nghịch với người Rohingya
Le
Monde có bài phân tích của nhà báo Bruno Philip, nhấn mạnh đến một lý
do sâu xa hơn, ''trên thực tế, Aung San Suu Kyi quan tâm trước hết đến
hình ảnh của bà ở trong nước'', nơi bà vẫn được đông đảo dân chúng người
Miến, tộc người đa số tại Miến Điện, ngưỡng mộ. Mà đông đảo người Miến
lại có thái độ thù địch với cộng đồng thiểu số người Rohingya.
Theo
một quan điểm phổ biến tại Miến Điện, ''người Rohingya'' thực chất là
dân Bengali, nguồn gốc Bangladesh và mới chỉ di cư đông đảo sang Miến
Điện kể từ thời thực dân Anh. Những hành động đàn áp tàn khốc nhắm vào
cộng đồng dân cư này, khiến gần một triệu người phải chạy ra nước ngoài,
hàng chục nghìn người bị tàn sát, không phải là mối bận tâm của nhiều
người Miến Điện.
Đích
ngắm trước hết của chính trị gia Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn
Quốc Gia vì Dân Chủ cầm quyền hiện nay là giành được chiến thắng trong
cuộc bầu cử Quốc Hội mùa thu 2020, trong bối cảnh phe quân đội và các
thế lực Phật Giáo cực đoan, bài ngoại, chống Hồi Giáo, có ảnh hưởng lớn
trong dân chúng.
Nhìn
từ góc độ này, quyết định đầy mạo hiểm của Aung San Suu Kyi đến Tòa án
quốc tế có thể xem như là một chiến thuật hiệu quả nhằm tranh thủ sự ủng
hộ của cử tri, như nhận định của nhà báo Aung Zaw, tổng biên tập báo
mạng Irrawaddy, từng là cơ quan phát ngôn của đối lập lưu vong thời chế
độ độc tài quân sự. Theo tổng biên tập Irrawaddy, với chuyến đi La Haye
này, Aung San Suu Kyi đã nhận thêm được ''sự ủng hộ vô điều kiện'' của
đông đảo người dân Miến Điện.
''Người bảo đảm'' cho tiến trình Miến Điện chuyển hóa
Cùng
một hướng nhìn nhận nói trên, nhưng đi sâu hơn, trả lời La Croix, nhà
nghiên cứu lịch sử chính trị David Camroux (Học viện Chính Trị Paris,
thành viên hội đồng khoa học Quỹ Á - Âu ở Singapore) nhấn mạnh : Việc
Aung San Suu Kyi đi La Haye là ''lô-gíc''. Nhờ có bà, mà Miến Điện không
còn là một chế độ bị cộng đồng quốc tế xa lánh, bà là gương mặt chấp
nhận được của chế độ chính trị đặc biệt tại Miến Điện, nửa dân sự, nửa
độc tài quân sự, nơi quân đội vẫn tồn tại gần như là một Nhà nước trong
một Nhà nước, với việc nắm giữ ba bộ chủ chốt (Quốc Phòng, An Ninh và
Biên Phòng). Chính trong cương vị này mà chính trị gia 74 tuổi nói trên
có thể là ''người bảo đảm'' cho tiến trình quá độ đầy khó khăn của Miến
Điện sang một xã hội mở.
Nhà
chính trị học dự báo với nhiều lạc quan : Aung San Suu Kyi sẽ yêu cầu
cộng đồng quốc tế kiên nhẫn, sẽ thông báo với thế giới về tình trạng vô
cùng phức tạp hiện nay tại đất nước Miến Điện đa sắc tộc và tiến trình
xây dựng một quốc gia - dân tộc đang diễn ra. Và bên cạnh đó, lãnh đạo
chính phủ Miến Điện sẽ bảo đảm để người Rohingya có thể trở về nước, tuy
sẽ rất thận trọng không sử dụng tên gọi này, để không chọc giận sắc tộc
đa số người Miến.
(RFI)
Không có nhận xét nào