Lời người dịch: Năm
2016, cuốn sách “The Nordic Theory of Everything: In Search of a
Better Life” của Anu Partanen được HarperCollins xuất bản, đã gây
lên một làn sóng tranh luận sôi nổi trong dư luận Mỹ. Một trong
những nhận xét đáng chú ý về cuốn sách mà tôi đọc được là
người nhận xét đặt câu hỏi: nếu Phần Lan ưu việt như vậy, tại
sao tác giả cuốn sách lại chọn sống ở Mỹ? Nay Anu Partanen đã
cùng chồng, con về sống và làm việc ở Phần Lan. Bài viết
dưới đây được Anu Partanen và Trevor Corson (chồng Anu) thực hiện
sau hơn 1 năm rời Mỹ về sống lại ở Phần Lan, đăng trên “The New
York Times”.
Hai
năm trước chúng tôi sống trong một khu phố dễ chịu ở Brooklyn. Chúng
tôi là những người làm chuyên môn giàu kinh nghiệm, có một cuộc sống
nhiều ưu đãi. Chúng tôi vừa mới sinh con đầu lòng. Chúng tôi là công
dân Hoa Kỳ và tương lai của chúng tôi như một gia đình có vẻ tươi sáng.
Nhưng chúng tôi cảm thấy vô cùng bất an và lo lắng.
Thu
nhập của chúng tôi bị hao hụt một cách đáng ngờ từ những hợp
đồng tạm thời vì các nhà tuyển dụng độc lập. Việc tiếp cận bảo
hiểm y tế là một mối lo lắng thường trực của chúng tôi, vì phải tranh
giành hết năm này đến năm khác trong các kế hoạch sử dụng lao động tư
nhân, các kế hoạch đòi hỏi quá đáng với những nhà báo tự do, và
các chương trình chăm sóc sức khỏe được gọi là Obamacare phức tạp
và đắt đỏ. Có một đứa trẻ, chúng tôi sớm phải đối mặt với chi phí
nhà trẻ quá lớn. Chưa kể đến các khoản đóng góp dành cho giáo
dục trong tương lai có thể khiến chúng tôi bất lực, cho dù nhà ở
trong một khu học chánh tốt hay học phí trường tư. Rồi sau đó có thể
học đại học. Nói cách khác, chúng tôi phải chịu đựng những điều hết
sức đau đầu đang hành hạ ngày càng nhiều người Mỹ[1], thậm chí cả
những người thuộc tầng lớp tương đối có đặc quyền.
Khi chúng tôi đang suy ngẫm về những điều này, Anu nhận được một việc làm ở quê nhà: Helsinki, Phần Lan.
Phần
Lan là một trong những quốc gia Bắc Âu mà chúng ta từng nghe một số
người Mỹ, trong đó có cả Tổng thống Trump, mô tả là không bền vững và
can thiệp quá mức “socialist nanny states” (nhà nước mà chính phủ
quan tâm và can thiệp quá mức vào quyền cá nhân - ND). Khi chúng
tôi cân nhắc việc định cư ở đó, chúng tôi đã thảo luận với gia đình
Trevor - anh ấy lớn lên ở Arlington, bang Virginia - và những người bạn
Mỹ của chúng tôi. Nhiều người trong số họ khuyến khích chúng tôi đi.
Ngay cả một nhà đầu tư mạo hiểm, mà chúng tôi biết ở Thung lũng Silicon,
nói nghe có vẻ đáng ghen tị: “Tôi sẽ chuyển đến Phần Lan ngay lập
tức”.
Thế là chúng tôi chuyển.
Chúng
tôi đã sống ở Phần Lan được hơn một năm. Cuộc sống của chúng tôi ở đây
khác với ở Hoa Kỳ rất lớn, song có lẽ không phải theo cách mà nhiều
người Mỹ có thể tưởng tượng được. Những gì chúng tôi trải qua là có
thêm tự do cá nhân và cuộc sống dễ quản lý hơn nhiều. Chắc chắn rằng
chúng tôi vẫn còn nhiều thách thức - nuôi dạy một đứa trẻ, giúp đỡ cha
mẹ già, ngược xuôi với những đòi hỏi của đời sống, sinh hoạt hàng
ngày và công việc.
Nhưng
ở Phần Lan, chúng tôi nghiễm nhiên được hưởng chế độ chăm sóc sức
khỏe dành cho toàn dân do người đóng thuế chi trả, với chất lượng
tương đương của Hoa Kỳ (bất chấp những tuyên bố sai lệch mà bạn nghe
thấy ngược lại), mà không cần hàng đống giấy tờ khó hiểu hoặc tranh
cãi với các hóa đơn quá mức. Con của chúng tôi được nhận vào một
nhà trẻ công cộng tuyệt vời, chuyên nghiệp và đa sắc tộc với các
hoạt động phong phú và chuyên nghiệp khiến chúng tôi phải ngạc nhiên.
Chi phí thế nào? Khoảng 300 USD một tháng - mức tối đa với nhà trẻ
công, bởi vì ở Phần Lan, tất cả các gia đình được trợ cấp chi phí
giữ trẻ.
Và
nếu chúng tôi ở đây, con gái của chúng tôi sẽ được vào học ở một
trong những hệ thống giáo dục cơ sở tốt nhất thế giới mà phụ huynh
không phải trả tiền, cho dù nơi chúng tôi ở là một vùng ngoại ô.
Giáo dục đại học cũng sẽ được miễn học phí. Nếu chúng tôi có một đứa
con khác, chúng tôi sẽ nghiễm nhiên được nghỉ phép có lương dành cho
bố mẹ và trong gần một năm bố mẹ có thể thay nhau nghỉ. Kỳ nghỉ được
trả lương hàng năm ở đây gồm bốn, năm hoặc thậm chí sáu tuần cũng
được quy định.
So
với cuộc sống của chúng tôi ở Hoa Kỳ, điều đó thật tuyệt vời. Tuy
nhiên, với nhiều người ở Mỹ, hệ thống Phần Lan vẫn có thể gợi lên những
ấn tượng về sự hỗn loạn và chủ nghĩa độc đoán. Song, người dân Phần
Lan có mức độ hài lòng cuộc sống cực kỳ cao. Tổ chức Hợp tác và Phát
triển Kinh tế xếp hạng họ cao nhất thế giới[2], theo sau là người Na Uy,
Đan Mạch, Thụy Sĩ và Iceland. Năm nay, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới[3]
cũng cho thấy Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất trên trái đất, năm
thứ hai liên tiếp.
Nhưng
chắc chắn, nhiều người ở Hoa Kỳ sẽ kết luận, người dân và doanh nghiệp
Phần Lan phải trả giá đắt cho việc bị mất các quyền tự do, cơ hội và
sự giàu có. Đúng, Phần Lan phải đối mặt với những thách thức kinh tế
của riêng mình, và người Phần Lan là những người kêu ca có tiếng mỗi
khi gặp điều sai trái. Nhưng với hệ thống hiện tại của mình, Phần Lan
đã trở thành một trong những xã hội giàu có nhất thế giới, và giống như
các quốc gia Bắc Âu khác, đây là nơi có nhiều công ty toàn cầu cực kỳ
thành công.
Thật
vậy, một báo cáo gần đây[4] của chủ tịch chiến lược thị trường và đầu
tư của JP Morgan Asset Management đã đưa ra một kết luận đáng ngạc
nhiên: Khu vực Bắc Âu không chỉ “thân thiện với doanh nghiệp như Mỹ” mà
còn tốt hơn về các chỉ số thị trường tự do quan trọng, như bảo vệ tài
sản tư nhân nhiều hơn, sự kiểm soát của chính phủ ít tác động hơn đến
cạnh tranh và cởi mở hơn đối với thị trường và dòng vốn. Theo Ngân
hàng Thế giới[5], việc kinh doanh ở Đan Mạch và Na Uy thực sự dễ dàng
hơn so với ở Hoa Kỳ.
Phần
Lan cũng có mức linh động kinh tế cao qua các thế hệ. Một báo cáo của
Ngân hàng Thế giới[6] năm 2018 cho biết rằng trẻ em Phần Lan có cơ hội
thoát khỏi vị thế kinh tế của cha mẹ và tự mình thành công nhiều hơn
so với trẻ em ở Hoa Kỳ.
Cuối
cùng, và có lẽ gây sốc nhất, nhóm theo dõi tự do phi đảng phái Freedom
House đã quả quyết[7] rằng người dân Phần Lan thực sự được hưởng mức
độ tự do cá nhân và chính trị cao hơn, và các quyền chính trị được bảo
đảm hơn so với công dân Hoa Kỳ.
Phải
làm gì với những điều này? Trước tiên, các chính trị gia ở Hoa Kỳ nên
cân nhắc về việc gọi các nước Bắc Âu “những người chủ nghĩa xã
hội”. Từ vị trí của chúng tôi, thuật ngữ này dường như thịnh hành ở
phía bên kia Đại Tây Dương hơn ở đây.
Ở
Mỹ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Đại diện Alexandria
Ocasio-Cortez thường bị coi là những người cấp tiến nguy hiểm. Ở Phần
Lan, nhiều ý tưởng chính sách của họ có vẻ bình thường - và cụ thể
không phải là người xã hội chủ nghĩa.
Khi
ông Sanders ra tranh cử tổng thống năm 2016, điều ngạc nhiên với những
người bạn Phần Lan của chúng tôi là Hoa Kỳ, một đất nước có rất nhiều
doanh nghiệp tư bản giàu có và thành công, đã không thiết lập một chương
trình chăm sóc sức khỏe công phổ thông và tiếp cận học phí đại học
miễn phí. Những chương trình như vậy có xu hướng được người Bắc Âu xem
là những điều cơ bản, cần thiết đối với bất kỳ quốc gia nào thân
thiện với kinh doanh để cạnh tranh trong thế kỷ 21.
Kỳ
lạ hơn nữa là ở Phần Lan, bạn không thực sự thấy loại phong trào xã hội
chủ nghĩa đang trở nên phổ biến ở một số nhóm tiến bộ hơn của cánh
tả ở Mỹ, đặc biệt là xung quanh các mục tiêu như cắt giảm thị trường
tự do và thậm chí quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất. Điều mỉa mai
là nếu bạn bảo vệ chủ nghĩa xã hội như thế ở Phần Lan, bạn sẽ có được
vài người tham gia.
Như
vậy, điều gì có thể giải thích việc này – có phải chủ nghĩa xã hội
trên thực tế dường như phổ biến ở Hoa Kỳ tư bản hơn ở Phần Lan được cho
là xã hội chủ nghĩa không?
Một
cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã từng được cố gắng một lần ở Phần
Lan. Nhưng đó là hơn một trăm năm trước. Phần Lan đang trong quá trình
công nghiệp hóa khi đế chế Nga sụp đổ và Phần Lan giành được độc lập.
Công nhân thành thị và nông thôn Phần Lan cũng như các tá điền, chán
ngấy với điều kiện làm việc khốn khổ của mình, đã nổi dậy. Phản ứng từ
các nhà tư bản Phần Lan, các điền chủ bảo thủ và các thành viên của
tầng lớp trung lưu và thượng lưu là nhanh chóng và bạo lực. Nội chiến
nổ ra và hệ quả hàng loạt người chết. Sau nhiều tháng chiến đấu, các
nhà tư bản và phe bảo thủ đã đè bẹp cuộc nổi dậy xã hội chủ nghĩa. Hơn
35.000 người thiệt mạng. Bị thiệt hại và nghèo nàn, người Phần Lan
đã dành nhiều thập kỷ để cố gắng phục hồi và xây dựng lại.
Vậy
điều gì đã trở thành chủ nghĩa xã hội ở Phần Lan sau đó? Theo một nhà
sử học chính trị nổi tiếng người Phần Lan, Pauli Kettunen ở Đại học
Helsinki, sau cuộc nội chiến, các ông chủ Phần Lan đã ủng hộ ý tưởng
“một nông dân tự do độc lập và ý chí cá nhân của ông ta để làm việc” và
sử dụng thành công ý tưởng chủ nghĩa cá nhân anh hùng này để làm suy
yếu các nghiệp đoàn lao động. Mặc dù các nhà xã hội chủ nghĩa trở
lại đóng một vai trò trong chính trị Phần Lan, trong nửa đầu thế kỷ 20,
Phần Lan đã ngăn cản chủ nghĩa xã hội trở thành một lực lượng cách mạng
- và làm theo cách có vẻ hết sức Mỹ.
Phần
Lan rơi vào một cuộc xung đột đẫm máu khác, với chi phí lớn, khi chiến
đấu chống Liên Xô Cộng sản láng giềng trong Thế chiến II. Sau chiến
tranh, các công đoàn đã có được sức mạnh, mang lại thiện cảm xã hội chủ
nghĩa khi đất nước bước vào kỷ nguyên công nghiệp hóa và quốc tế hơn.
Đây là khi lịch sử Phần Lan có một bước ngoặt bất ngờ.
Giới
chủ Phần Lan đã rất khó khăn để nhận ra các mối đe dọa chủ nghĩa xã
hội tiếp tục đặt ra cho chủ nghĩa tư bản. Họ cũng thấy mình chịu áp lực
ngày càng tăng từ các chính trị gia đại diện cho nhu cầu của người lao
động. Muốn tránh xung đột thêm, và để bảo vệ tài sản tư nhân và các
ngành công nghiệp mới của họ, các nhà tư bản Phần Lan đã thay đổi chiến
thuật. Thay vì bóc lột người lao động và cố gắng níu giữ họ, sau Thế
chiến II, các nhà tư bản Phần Lan đã hợp tác với chính phủ để vạch ra
các chiến lược dài hạn và thảo luận về các kế hoạch này với các công
đoàn để lôi kéo người lao động.
Đáng
ngạc nhiên hơn, các nhà tư bản Phần Lan cũng nhận ra rằng họ sẽ có lợi
ích lâu dài khi chấp nhận tăng thuế lũy tiến. Các khoản thuế sẽ giúp
chính phủ chi trả cho các chương trình mới để đảm bảo cho người lao
động khỏe mạnh và làm việc hiệu quả - và điều này sẽ xây dựng một thị
trường lao động tốt hơn. Các chương trình này đã trở thành dịch vụ đóng
thuế phổ thông của Phần Lan ngày nay, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo
dục công, cha mẹ được trả lương khi sinh con, bảo hiểm thất nghiệp và
những thứ tương tự.
Nếu
những động thái này của các nhà tư bản Phần Lan nghe có vẻ khó tưởng
tượng, đó là vì người dân ở Hoa Kỳ đã đặt ra một huyền thoại rằng các
chương trình phổ thông như thế này của chính phủ không thể song hành
với các doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mạnh
mẽ. Như để củng cố sự bất khả thi của những sự đồng hành như vậy, mùa
thu năm ngoái, chính quyền Trump đã công bố một báo cáo[8] đặc biệt cho
rằng chủ nghĩa xã hội Bắc Âu đã ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống của
người Bắc Âu.
Tuy
nhiên, một nghiên cứu[9] năm 2006 của các nhà nghiên cứu Phần Lan,
Markus Jantti, Juho Saari và Juhana Vartiainen đã chứng minh điều ngược
lại. Đầu tiên, trong suốt thế kỷ 20 - và cả cho đến ngày nay - Phần Lan
vẫn là một quốc gia và một nền kinh tế gắn kết với thị trường, doanh
nghiệp tư nhân và chủ nghĩa tư bản.
Thậm
chí các học giả này còn chứng minh rằng sự tăng trưởng và năng động
của các nhà tư bản Phần Lan đã được giúp đỡ với cam kết của
nhà nước để cung cấp các dịch vụ công hào phóng nhằm đem lại
các phúc lợi cơ bản cho con người. Các dịch vụ này đã ngăn ngừa
và hạn chế các rủi ro và sự trục trặc gây ra bởi sự đổi mới tư
bản.
Với
nền tảng ổn định cho sự tăng trưởng và đổ vỡ của Phần Lan, nền kinh
tế thị trường tự do nhỏ bé nhưng năng động này đã vượt xa trọng lượng
của nó. Một số doanh nghiệp đáng chú ý nhất của đất nước gồm có hãng
điện thoại di động lớn nhất thế giới, một trong những hãng sản xuất
thang máy lớn nhất thế giới và hai trong số các công ty game di động
thành công nhất thế giới. Đến Phần Lan hôm nay sẽ thấy điều rõ ràng
là chất lượng cuộc sống được nhiều người biết đến đang diễn ra trong một
nền kinh tế nhộn nhịp của các trung tâm mua sắm cao cấp, xe hơi ưa
chuộng và các công ty tư nhân cạnh tranh quốc tế.
Các
nước Bắc Âu khác đã thực hiện hình thức chủ nghĩa tư bản này thậm chí
lâu dài hơn Phần Lan và với nhiều thành công hơn. Ngay từ những năm
1930, theo Pauli Kettunen, các ông chủ trên khắp khu vực Bắc Âu đã chứng
kiến thảm họa của cuộc Đại khủng hoảng. Đối với họ bài học rõ ràng
là: thỏa hiệp và theo đuổi cách tiếp cận của Bắc Âu đối với chủ nghĩa tư
bản là sự lựa chọn thông minh.
Các
nước Bắc Âu có sự khác biệt nhau, và tất cả các nước đều có sai
lầm, khuyết điểm, lịch sử độc đáo và những bất đồng dân sự. Các tranh
chấp giữa các công đoàn lớn mạnh và giới chủ giúp giữ cho hệ thống
cân bằng. Thường thì nó trở nên xáo trộn: chỉ trong tuần này, thủ tướng
Phần Lan đã từ chức trong một cuộc tranh cãi về lao động.
Nhưng
nói chung, phần lớn giới chủ của các nước Bắc Âu đã đi đến một công
thức đơn giản: chủ nghĩa tư bản hoạt động tốt hơn nếu người lao động
được trả lương xứng đáng và được hỗ trợ bởi các dịch vụ công có chất
lượng cao, có trách nhiệm, cho phép mọi người sống khỏe mạnh, cuộc sống
xứng đáng và tận hưởng cơ hội bình đẳng thực sự cho bản thân và con
cái họ. Với chúng tôi, điều đó có nghĩa là được tăng thêm các quyền tự
do cá nhân và quyền chính trị của mình – chứ không phải là cái khác.
Rõ
ràng điều này đòi hỏi các nhà tư bản và các tập đoàn phải trả lương
công bằng và nhiều thuế hơn so với các nhà tư bản và các tập đoàn Mỹ
hiện đang làm. Công dân Bắc Âu thường phải trả nhiều thuế hơn. Điều này
nghe có vẻ khó lọt tai ở Mỹ, nơi các nhà lãnh đạo kinh doanh và các
nhà kinh tế luôn cảnh báo rằng tăng thuế sẽ làm chậm tăng trưởng và giảm
khuyến khích đầu tư.
Tuy
nhiên, đây là điều buồn cười: Trong hơn 50 năm qua, nếu bạn đầu tư vào
một lô cổ phiếu của Bắc Âu, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận thực tế hàng năm
cao hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ trong cùng nửa thế kỷ, theo dữ
liệu chứng khoán toàn cầu[10] được Credit Suisse công bố.
Các
nhà tư bản Bắc Âu không ngớ ngẩn. Họ biết rằng họ vẫn sẽ kiếm được
lợi nhuận tài chính rất hời ngay cả sau khi trả thuế. Họ giữ đủ lợi
nhuận để sống xa hoa, nắm giữ ảnh hưởng và có được địa vị xã hội. Có vài
chục tỷ phú ở Bắc Âu. Công dân Bắc Âu cũng không ngờ nghệch. Nếu bạn
là thành viên của tầng lớp trung lưu lớn mạnh ở Phần Lan, bạn thường
nhận được một thỏa thuận tổng thể tốt hơn cho các khoản thuế và chi tiêu
cá nhân, cũng như kết quả chất lượng cao hơn so với các đối tác Mỹ - và
ít rắc rối hơn.
Tại
sao giới giàu có ở các nước Bắc Âu chấp nhận điều này? Một số nhà tư
bản Bắc Âu thực sự tin vào sự bình đẳng về cơ hội và nhận ra giá trị
của một xã hội đầu tư vào tất cả mọi người. Nhưng có một lý do phổ biến
hơn nữa: đóng thuế là một cách thuận tiện để các nhà tư bản thuê người
lao động ngoài, giữ cho họ được khỏe mạnh và được đào tạo.
Trong
khi các công ty ở Hoa Kỳ đương đầu thực hiện các chương trình y tế
và tìm kiếm những người lao động được đào tạo đầy đủ, xã hội Bắc Âu
yêu cầu chính phủ của họ cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho mọi
công dân. Điều này giúp các doanh nghiệp được giải phóng để tập trung
vào những gì họ làm tốt nhất: kinh doanh. Nó cũng thuận tiện cho những
người khác. Tất cả người dân Phần Lan, bao gồm lao động chân tay, người
nhập cư hợp pháp, nhà quản lý có mức lương cao và gia đình khá
giả, được hưởng lợi rất nhiều từ cùng một hệ thống chăm sóc sức khỏe
phổ thông của Phần Lan và các trường công lập đẳng cấp thế giới.
Có
một bài học lớn ở đây: Khi các nhà tư bản nhận thức chính phủ là đồng
minh hậu cần chứ không phải là kẻ thù tư tưởng và khi mọi công dân đều
có phần trong các cơ sở công lập chất lượng cao, thì điều ngạc nhiên
là chính phủ có thể hoàn thành công việc tốt như thế nào.
Cuối
cùng, khi chúng ta ấn định sai rằng các quốc gia Bắc Âu là chủ nghĩa
xã hội, chúng ta không nhận ra điều thực sự của khu vực Bắc Âu là:
một phòng thí nghiệm nơi các nhà tư bản đầu tư vào sự ổn định lâu dài và
hưng thịnh của con người trong khi duy trì lợi nhuận tốt.
Các
nhà tư bản ở Hoa Kỳ đã đi một con đường khác. Họ đã cắt giảm thuế,
chính phủ suy yếu, xé nát các công đoàn và tư nhân hóa các dịch vụ
thiết yếu trong việc theo đuổi lợi nhuận vượt mức. Tất cả những điều này
khiến người lao động dễ bị tổn thương trước sự xâu xé năng nổ của
chủ nghĩa tư bản. Ngay cả những người Mỹ có vị trí tốt hiện đang phải
vật lộn dưới áp lực suy nhược, và một bộ phận lớn người dân miền Tây
hoang dã đầy nguy hiểm, nơi nghèo đói, vô gia cư, y tế phá sản, nghiện
ngập và giam cầm có thể chỉ là một chút xui xẻo. Người Mỹ được bảo rằng
đây là tự do và đó là cách sống anh hùng nhất. Đấy cũng là thông điệp
người Phần Lan được chỉ bảo cách đây một thế kỷ.
Nhưng
có phải cách tiếp cận này là cách hiệu quả nhất hoặc thậm chí là có
lợi nhất cho các nhà tư bản ở Mỹ làm kinh doanh không? Không có gì ngạc
nhiên khi sự phẫn nộ và sợ hãi đã trở nên lan tràn ở Hoa Kỳ, và Tổng
thống Trump đã được bầu dựa trên lời hứa sẽ khiến đồng hồ chạy ngược
với toàn cầu hóa. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi người lao động
Mỹ đang đấu tranh lại; số lượng công nhân tham gia các cuộc đình công
năm ngoái tại Hoa Kỳ là cao nhất[11] kể từ những năm 1980, và cuộc đình
công của General General Motors năm nay[12], kéo dài nhất trong gần 50
năm của công ty. Cũng không ai ngạc nhiên rằng một nửa thế hệ người Mỹ
đang trưởng thành, từ 18 đến 29 tuổi, có một cái nhìn tích cực về chủ
nghĩa xã hội, theo cuộc thăm dò của Gallup[13].
Triển
vọng về một tương lai đầy những người xã hội chủ nghĩa dường như cuối
cùng cũng nhận được sự chú ý của một số nhà lãnh đạo kinh doanh ở Mỹ.
Trong nhiều năm, nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer đã cảnh báo “các
triệu phú” của ông rằng, những người giúp đỡ họ đang đến với chúng
tôi. Warren Buffett đã kêu gọi thuế cao hơn đối với người giàu[14], và
năm nay, tỷ phú quỹ đầu cơ Ray Dalio thừa nhận rằng[15] “chủ nghĩa tư
bản về cơ bản không hoạt động đối với đa số người dân.”
Peter
Georgescu, chủ tịch danh dự của Young & Rubicam, có lẽ đã nói điều
đó một cách ngắn gọn nhất: Ông thấy chủ nghĩa tư bản “tự tử từ
từ.”[16] Những tháng gần đây, những lo ngại như vậy đã lan rộng khắp
các cơ sở tư bản. Tờ Financial Times đã làm rung chuyển độc giả thân
thiết với tờ báo của họ bằng một loạt bài đáng chú ý[17], thừa
nhận rằng “chủ nghĩa tư bản đã thực sự trở thành trò gian lận”[18] và
“nó rất cần được thiết lập lại”[19], để khôi phục thị trường tự do
thực sự và mang lại cơ hội thực sự. Các đầu tàu về tài chính và công
nghiệp ở Hoa Kỳ cũng làm rung chuyển thế giới tài chính, với tuyên bố
chung từ Hội nghị bàn tròn kinh doanh rằng giờ đây họ sẽ không chỉ ưu
tiên lợi nhuận mà còn cả nhân viên, khách hàng, cổ đông và cộng
đồng.”[20] Họ đang gọi đây là “chủ nghĩa tư bản cổ đông.”
Nếu
những người khổng lồ trong ngành này nghiêm túc trong việc tìm kiếm một
cách tiếp cận bền vững hơn, thì không cần phải phát minh lại bánh xe.
Họ có thể chỉ cần tham khảo các đối tác Bắc Âu của họ. Nếu làm như vậy,
họ có thể nhận ra rằng thành công của chủ nghĩa tư bản Bắc Âu không phải
do các doanh nghiệp làm nhiều hơn để giúp đỡ cộng đồng. Trái lại,
theo một cách nào đó: các nhà tư bản Bắc Âu làm ít hơn. Những gì các
doanh nghiệp Bắc Âu làm là tập trung vào kinh doanh - bao gồm các cuộc
đàm phán thiện chí với các công đoàn của họ - trong khi để công dân bỏ
phiếu cho các chính trị gia sử dụng chính phủ để cung cấp một bộ dịch vụ
công phổ thông thiết thực.
Trên
thực tế, điều này có thể gần với những gì mà phần lớn người dân Mỹ
thực sự muốn, ít nhất là theo một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu
Pew công bố năm nay[21]. Những người được hỏi cho rằng chính phủ Mỹ nên
chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục, ví dụ, để cải thiện
chất lượng cuộc sống cho các thế hệ tương lai.
Nhưng
cuộc thăm dò cũng tiết lộ rằng người Mỹ cảm thấy bi quan sâu sắc về
tương lai của quốc gia và sợ rằng xung đột chính trị tồi tệ hơn đang
đến. Một số nhà phân tích và sử gia quân sự đồng ý và đánh cược rằng
rất dễ nổ ra một cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ.
Lúc
này có thể là một thời điểm thích hợp để các nhà tư bản Mỹ dừng lại
và tự hỏi loại tính toán lợi ích chi phí dài hạn nào có ý nghĩa nhất.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tập trung vào trò chơi dài có thể làm điều
tồi tệ hơn nhiều so với bắt đầu một chuyến đi thực tế đến Phần Lan.
Ở
Helsinki, gia đình chúng tôi đang đối mặt với mùa đông Bắc Âu thứ hai
của mình với cái tối đáng sợ mà nó mang lại. Bạn bè Phần Lan của
chúng tôi tiếp tục hỏi làm thế nào chúng tôi trải qua lần đầu tiên và
liệu chúng tôi có thể vượt qua lần khác. Câu trả lời của chúng tôi
luôn giống nhau. Khi chúng tôi đưa cô con gái 2 tuổi của mình trên xe
đẩy trẻ con qua những con đường đóng băng, ảm đạm đến nhà trẻ tuyệt
vời, giá cả phải chăng hay đến trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em thân
thiện, chuyên nghiệp và hoàn toàn miễn phí, trước khi đi làm trong một
nền kinh tế sáng tạo, nơi đại đa số mọi người có chất lượng cuộc sống
khấm khá, mùa đông không quan trọng một chút nào. Nó thực sự có thể làm
cho bạn hạnh phúc.
Lê Lam (dịch từ tiếng Anh)
Nguồn: Finland Is a Capitalist Paradise, New York Times 7-12-19 : https://www.nytimes.com/2019/12/07/opinion/sunday/finland-socialism-capitalism.html?action=click&module=Opinion&pgtype=Homepage
-----------------------
*
Anu Partanen là tác giả của “Lý thuyết Bắc Âu về mọi thứ: Tìm kiếm một
cuộc sống tốt đẹp hơn” (The Nordic Theory of Everything: In Search of a
Better Life, HarperCollins, 2016) và là nhà tư vấn cao cấp tại Văn
phòng Tây Bắc Âu, một công ty tư vấn có trụ sở tại Helsinki.
*
Trevor Corson (chồng Anu Partanen) là tác giả của hai cuốn sách và gần
đây nhất đã dạy các nghiên cứu và viết về Mỹ tại Đại học Columbia.
[9]
https://www.wider.unu.edu/publication/growth-and-equity-finland
(Viet-Studies)
Không có nhận xét nào