Tôi chỉ biết đến Tiến sĩ Phạm Chí
Dũng sau khi anh bị bắt lần đầu vào ngày 17/7/2012. 6 tháng sau, công an
Tp HCM kết thúc điều tra, trả tự do cho anh mà chẳng có một lời giải
thích nào. Tôi tò mò tìm hiểu và ngày càng rất thú vị về con người này.
Lần đầu tôi gặp anh và nhiều nhân sĩ trí thức Sài Gòn tại nhà chị Dương
Thị Tân vào ngày 14/8/2013. Tôi vào là để đi dự phiên tòa phúc thẩm cháu
Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra ở Tân An (Long An) 2
ngày sau đó.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng |
Từ bỏ hoan lộ
Phạm
Chí Dũng sinh ra trong một gia đình có công với chế độ. Bản thân anh,
trước khi bị bắt lần đầu cũng làm việc tại các cơ quan Đảng như Ban Tôn
giáo, Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM. Anh cũng từng làm thư ký
cho ông Trương Tấn Sang khi ông này làm Bí thư Thành ủy.
Ngày
5 tháng 12 năm 2013, Phạm Chí Dũng ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam vì
cho rằng đảng này không đại diện và phục vụ cho quyền lợi cho nhân dân.
Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời anh. Anh chính thức ly
khai với ĐCSVN, đi vào con đường dân chủ.
Tuy
vậy, sự thay đổi không thể là đột ngột mà nó là một quá trình. Có lẽ,
anh đã nung nấu và hành động từ nhiều năm trước, có thể ở tuổi trên dưới
40. Việc năm 2012, anh bị bắt để điều tra về hành vi biên soạn tài liệu
chống nhà nước, nhằm lật đổ chính quyền đã nói lên điều đó.
Đây
là một điều rất đáng quý ở Phạm Chí Dũng. Với học vị tiến sĩ và tài
năng, với vị trí công tác của mình, với lý lịch gia đình và với tuổi còn
khá trẻ nhưng vào đảng từ rất sớm (khi ra khỏi tổ chức này thì anh đã
có 20 năm tuổi đảng), anh có thể có nhiều cơ hội trên con đường hoan lộ.
Nhưng Phạm Chí Dũng không theo con đường mà nhiều người đang đi.
Nguyễn Công Trứ có câu:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Cho
đến bây giờ, con người, nhất là giới gọi là có chữ vẫn ảnh hưởng sâu
sắc về quan niệm lập thân của đạo Nho. Lập thân ở đây là lập danh, tức
là phải đỗ đạt, phải làm quan để vinh quy bái tổ. Quan niệm này đã làm
bao nhiêu người khốn khổ vì nó, nhục nhã vì nó và tha hóa cũng vì nó.
Quan
niệm của Phạm Chí Dũng khác. Trước hết anh xác định trách nhiệm công
dân. Anh không tìm đến danh, vì nếu thế, anh đã yên trí với vị trí của
mình trong bộ máy chính trị để từ đó mà lên cao hơn nữa. Vị trí của anh
khi ấy là điều thèm muốn của nhiều người. Anh luôn trăn trở phải làm gì
cho núi sông chứ không phải là để có danh gì. Háo danh và danh hão đều
xa lạ với anh.
Quan
niệm phải làm gì cho non sông đất nước khiến Phạm Chí Dũng rẽ hẳn sang
hướng khác, chấp nhận thiếu thốn, bị sách nhiễu và tù đày trong khi con
đường hoạn lộ của anh đang rộng mở. Mấy ai dám từ bỏ tất cả để trở thành
con người có hiếu với đất nước như anh?
Tôi
tin rằng anh thành tâm, nhiệt huyết ngay từ thuở thanh niên, khi anh ký
lá đơn xin vào ĐCSVN. Hẳn là anh vào đảng để mong được cống hiến cho
nhân dân, cho đất nước chứ không để vinh thân phì gia. Nhưng rồi thời
gian làm anh nhận ra, đó không phải là con đường anh có thể đi và đành
đoạn tuyệt với nó, dù là đau đớn.
Tài năng và tâm huyết.
Từ
năm 20 tuổi, Phạm Chí Dũng đã theo đuổi nghiệp văn chương. Anh từng
xuất bản 2 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Nhưng rồi, anh dành tất cả
tâm huyết cho viết báo và quên hẳn chuyện văn chương. Có lẽ anh cho rằng
về việc đưa thông tin, phân tích thông tin và phổ biến thông tin,
truyền tải tư tưởng, báo chí có thế mạnh hơn.
Ngày
29/04/2014, tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố danh sách “100
anh hùng thông tin” năm 2014, trong đó Việt Nam 3 người được vinh danh
gồm Nhà báo Trương Duy Nhất, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh và Nhà báo
Phạm Chí Dũng.
Hai
tháng sau đó, ngày 4/7/2014 tại Sài Gòn, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
được thành lập. Phạm Chí Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội với sự đồng
thuận tuyệt đối, như là việc đương nhiên phải thế.
Hôm
sau, có một Hội nghị các tổ chức xã hội dân sự họp ở Chùa Liên Trì.
Trong cuộc họp, tôi thông báo về tình hình thành lập Hội Nhà báo Độc
lập. Khi tôi nói đến việc tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội, mọi người
lên tiếng chúc mừng. Nhưng ý tôi không phải thế. Tôi đưa tay về phía
Phạm Chí Dũng và nói: “Ý tôi là tôi rất vui và vinh dự được giúp việc
cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng”. Nghe bạn bè kể lại, anh khen tôi khiêm tốn,
có lẽ cũng vì cả câu này. Nhưng đó là câu nói rất thật.
Sức
viết của Phạm Chí Dũng thật ghê gớm. Hầu như không ngày nào, website
Việt Nam Thời báo và các báo khác như VOA, Người Việt… không xuất hiện
vài bài viết của anh. Anh là một cây bút phản biện xuất sắc với những
bài bình luận sắc sảo. Giọng văn của anh mẫu mực, không xô bồ, không
dùng ngôn ngữ miệt thị nhưng vô cùng thẳng thắn, thẳng thắn đến mức làm
đối tượng khó chịu. Anh không né tránh lĩnh vực nào, từ chính trị đến
kinh tế, văn hóa, từ “giới chóp bu” (chữ anh hay dùng), những chuyện đấu
đá trong nội bộ đến các vấn đề bức xúc ngoài xã hội, từ trong nước ra
ngoài nước… Tôi không hiểu anh lấy đâu ra kiến thức rộng như thế.
Tôi
hay quan tâm đến sức khỏe của Phạm Chí Dũng. Nhìn anh với dáng vẻ như
thể chỉ có da bọc xương, tôi hỏi thì anh bảo tạng người em nó thế, không
thể khác được. Thế nhưng trong con người gầy gò, vẻ ốm yếu ấy là một
năng lượng khủng khiếp. Tôi chưa từng biết đến cây bút nào viết khỏe như
anh. Tôi đã chứng kiến có lần anh “viết bài” như sau: Anh đi chầm chậm
vài bước, rồi quay lại vài bước, tay lúc chắp đằng sau, lúc day lên trán
và đọc như đọc chính tả. Tôi nhìn anh rất ngạc nhiên, không hiểu anh
đang làm gì. Đến câu: “xong chưa?” thì tôi mới biết anh đang “viết bài”.
Ở một góc bàn, một cô gái nào đó ôm laptop đang gõ theo lời anh. Đến
khi anh dừng đọc thì bài viết đã xong và anh gửi đi luôn. Khác hẳn với
tôi, một bài viết có khi phải đánh vật cả buổi.
Say
sưa với công việc, Phạm Chí Dũng bỏ qua tất cả những việc vặt vãnh.
Ngoài việc bày tỏ chính kiến của mình trong các bài viết, hầu như anh
không để ý đến những gì người ta nói về anh, kể lời khen và những lời dị
nghị. Ngoài thái độ vui vẻ khi giao tiếp, anh không thể hiện những cảm
xúc như buồn bã, cau có, nóng giận. Lúc nào, cũng thấy anh đăm chiêu suy
nghĩ như nung nấu một điều gì. Khi thành lập Hội Nhà báo Độc lập, có
một số người nghi ngờ anh, công khai nói rằng anh vẫn là an ninh cộng
sản được “cài cắm” dưới vỏ bọc khác. Có lẽ người ta chỉ đơn giản để ý
đến một thời anh làm việc ở các cơ quan đảng mà suy ra. Sau, những nghi
ngờ này cũng giảm dần, không thấy nhắc lại nữa.
Phạm
Chí Dũng biết cả nhưng anh không thanh minh, ra lời. Nếu buộc phải
tranh cãi, anh cũng nói hết sức ngắn gọn, như thể anh sợ tốn thời gian
vào những việc vô bổ hoặc không quan trọng. Anh cũng chẳng bao giờ nhắc
tới những chuyện ấy với tôi. Anh vẫn cứ căng mình ra, lầm lũi làm việc
như thể anh rất xót xa khi thời gian cứ chầm chậm trôi mà không bao giờ
quay trở lại.
Tôi
cũng một thời say mê văn thơ như Phạm Chí Dũng. Năm 2010, tôi đã chế
bản 2 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Nhưng rồi bị báo chí tự do cuốn hút,
tôi đành bỏ đấy. Có lần niềm say mê cũ thức dậy, tôi làm bài thơ tình
rồi gửi anh đọc cho vui. Anh đáp: “Đến bây giờ mà anh còn viết những thứ
này à?
Nguyễn Tường Thuỵ
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào