Header Ads

  • Breaking News

    NATO 70 tuổi, không rõ kẻ thù là ai?


    Nato không biết chống Nga, Trung Quốc hay ai khác?
    Họp ở Anh nhân dịp 70 tuổi, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (Nato) vẫn đang bất đồng nội bộ trước việc định nghĩa kẻ thù.

    Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng thống Mỹ Harry Truman ký văn bản thành lập Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương năm 1949

    Nato hiện không rõ cần xem địch thủ là Nga, Trung Quốc hay thách thức nào khác ở Trung Đông sau khi tổ chức xưng danh là Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại.

    BBC News Tiếng Việt điểm ra 5 thách thức cho Nato.

    1. Nato lo ngại về Nga nhưng không đồng ý về cách ứng phó

    Thành lập năm 1949 để chống lại khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và có đối thủ chính là Khối hiệp ước Warsaw từ 1955, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã hoàn thành nhiệm vụ giữ vùng Tây Âu trong hòa bình suốt Chiến tranh Lạnh.

    Nhưng sau khi Liên Xô tan rã (1991), Nato đã bành trướng sang phía Đông, thu nhận một loạt quốc gia từng nằm trong quỹ đạo của Kremlin.

    Điều này gây phản ứng mạnh từ Nga, nhất là sau khi một số nước thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của Moscow như Ukraine và Georgia (Gruzia) cũng muốn sát lại gần Nato.

    Tuy thế, Nato và Kremlin đã hòa hoãn lại phần nào nhờ hợp tác trong cuộc chiến tại Afghanistan và chống Al Qaeda.

    Nga bật đèn xanh cho Hoa Kỳ và Nato dùng căn cứ Karshi-Khanabad ở Uzbekistan (2001-2005) làm nơi chuyển quân để đánh Al Qaeda tại Afghanistan.

    Năm 2002, Nga và Nato đã có hội nghị thượng đỉnh, mở rộng hợp tác.

    Nhưng gần đây, quan hệ Nga - Nato xấu đi với các vụ tấn công mạng mà một số thành viên Nato vùng Baltic, Đông Âu, và cả Anh cho là do Nga chỉ đạo.

    Các cuộc tập trận của Nga và Belarus khiến ba quốc gia thuộc Nato ở vùng biển Baltic, Lithuania, Latvia và Estonia lo ngại.

    Ba Lan chia sẻ quan tâm này và luôn nêu ra "mối đe dọa Nga" mà Warsaw coi như là vấn đề đã thành truyền thống.

    Warsaw tự lo cho bản thân và đã đặt mua dàn chiến đấu cơ F-35, và mời Mỹ tăng số quân luân chuyển sang nước này.

    Điều này khiến quan ngại về Nga của các nước vùng Đông Bắc khối Nato không đồng điệu với các thành viên Nam Âu của Nato.

    2. Pháp và các nước Nam Âu có lo ngại khác: an ninh biển và bất ổn vùng lân cận

    Làn sóng người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi đặt ra thách thức mới cho biên giới phía Nam của EU và Nato.

    Với Ý, Pháp, Hy Lạp (thành viên Nato), và cả Malta, Cyprus (không thuộc Nato nhưng có quan hệ lâu dài với Anh), thì việc bảo vệ vùng biển Địa Trung Hải là tối quan trọng.

    Điều này khiến các vấn đề quân sự như cuộc chiến tại Libya, và chiến tranh ở Syra là quan tâm hàng đầu của họ.

    Vì các cuộc chiến này, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra làn sóng cả triệu người tỵ nạn vượt biển vào vùng Nam Âu.

    Đức, nước đông dân nhất EU nhưng là thành viên "hiền lành" của Nato, chia sẻ cái nhìn của Pháp về mối nguy cơ mà Berlin cho là từ bất ổn quanh Địa Trung Hải chứ không phải từ Nga.

    3. Thổ Nhĩ Kỳ nay tự chơi ở một dàn nhạc khác

    Là thành viên Nato nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có các nghị trình riêng, trong quan hệ riêng với Nga và Syria (chính quyền Assad).

    Ankara vừa đồng ý triển khai dàn chống hỏa tiễn S-400 mua của Nga, hoàn toàn trái với các chuẩn kỹ thuật của hệ thống phòng thủ Nato.

    Vì thế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, sẽ đến London tuần này dự hội nghị thượng đỉnh Nato để tiếp tục tranh cãi, bất đồng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron".

    Trước khi sang London, ông Erdogan đã không quên lên tiếng nói câu của ông Macron gần đây, rằng "Nato đã chết lâm sàng" (brain dead) là vớ vẩn.

    Quân Nga và Nato:

    Nga: 1 triệu + 2,57 triệu dự bị Hoa Kỳ: 1,3 triệu+800 nghìn dự bị; 200 nghìn ở châu Âu trong Nato

    Quân Nato: 1,9 triệu, gồm 176 nghìn quân Đức, 355 nghìn Thổ Nhĩ Kỳ

    Thậm chí ông Erdogan còn cho rằng chính ông Macron "mới là kẻ đã chết lâm sàng", và "đang hỗ trợ khủng bố", một phát biểu rất nặng lời về lãnh đạo quốc gia dù sao cũng vẫn trong một khối quân sự chung.

    Một báo Israel, nước không thuộc Nato nhưng là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, gọi chính ông Erdogan mới là "mối đe dọa cho Nato".

    4-Nato nhìn thấy sức mạnh Trung Quốc nhưng mới chỉ băn khoăn

    Hồi tháng 7/2019, ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký Nato (2009-2014) đột nhiên lên tiếng rất mạnh về "mối đe dọa Trung Quốc".

    Ông Rasmussen đề xuất EU coi Trung Quốc là kẻ thù chính và cần ủng hộ Hong Kong, và công nhận Đài Loan.

    Đây là một xu hướng mới rất mới, mạnh mẽ tại châu Âu, vì ông Rasmussen không phải một chính trị gia trung bình, mà còn là thủ tướng Đan Mạch hai nhiệm kỳ (2001-2009).

    Tuy thế, ông không còn giữ chức gì trong Nato và bộ máy EU.

    Hiện nay, các giới chức Nato đang nghiên cứu cả về vai trò của khối này trước "đe dọa an ninh mạng" và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

    Nhưng về đề xuất, như của Fabrice Pothier, nhà nghiên cứu an ninh, quốc phòng, rằng Nato cần can dự cả vào an ninh Biển Đông, thì chưa có phản ứng chính thức nào.

    Dù Trung Quốc chưa phải đe dọa sánh ngang với Nga, khả năng của nước đó, từ an ninh mạng, hỏa tiễn hành trình, hải quân, vũ khí hạt nhân, đều đang tăng cả về số lượng và chất lượng Fabrice Pothier

    Cần nhắc Nato không có đủ tàu chiến để làm việc đó, và lo ngại về an ninh khu vực gần hơn, cấp bách hơn như Vịnh Aden, cũng chỉ tạo ra được các chuyến tuần tra của hải quân Hà Lan và Anh.

    Ngoài Anh, Pháp và Hoa Kỳ, các quốc gia khác trong Nato không có đủ khả năng để vươn sang tận Ấn Độ Dương hay vùng biển Đông Nam Á.

    Chưa kể tổng thống Pháp, Emmanuel Macron còn nói thẳng rằng Nato không nên coi Trung Quốc là kẻ thù.

    5-Điều 4 và 5 trong Hiến chương Nato về phòng thủ chung

    Cuối cùng, các vấn đề của Nato vẫn mang tính chính trị.

    Với sự khác biệt lớn giữa Hoa Kỳ và Pháp về mục tiêu của Nato, và các hoạt động riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ về khả năng khó khởi động cơ chế "phòng thủ chung" (collective defence) là có thật.

    Cơ chế này, nói ngắn gọn là "kẻ thù đánh một thành viên Nato bị cho là tấn công cả khối" được ghi trong Điều 5 Hiến chương Nato.

    Nhưng với một tổng thống Hoa Kỳ hiện là Donald Trump không mặn mà gì với Nato và tổng thống Pháp hiện nay phê phán Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria, việc mà Nato có thể làm tại London tuần này là cố gắng tìm ra đồng thuận nội bộ, trước khi có thể xác định Nato phòng thủ trước kẻ thù nào.

    Thách thức với ông Boris Johnson, thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Nato - khai mạc 04/12/2019 ở Watford, gần London - là làm sao tạo ra được ít nhiều đồng thuận cho khối này.

    Đây là điều không dễ khi mà Anh sẽ vẫn ở lại Nato nhưng đang ra khỏi EU, quá trình dù muốn hay không cũng khiến London ngày càng xa Paris và Brussels trong định hướng chiến lược cho tương lai, gồm cả mục tiêu quốc phòng.

    BBC News

    Thượng đỉnh NATO khai mạc trong không khí nghi kỵ

    Sinh nhật lần thứ 70 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc vào ngày 04/12/2019 tại Watford, ngoại ô bắc Luân Đôn. Nhưng từ hôm nay 03/12, hầu hết lãnh đạo 29 thành viên đã đến thủ đô Anh Quốc.

    Để giải tỏa phần nào các bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương và hai bờ Địa Trung Hải, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức có hai cuộc gặp riêng với nguyên thủ Hoa Kỳ. Sau đó lãnh đạo Pháp, Đức và Anh sẽ gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích dự báo sẽ có nhiều căng thẳng.

    Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích:

    Cuộc họp thượng đỉnh của NATO bị giáng cấp thành hội kiến giữa các nhà lãnh đạo là sự thật chứ không phải là câu chuyện ngôn từ : một phần vì thời gian eo hẹp và nhất là vì các nước đồng minh nghi kỵ lẫn nhau.

    Châu Âu lo ngại bị tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi như trường hợp Syria. Vì thế, Liên Âu thông báo đóng góp thêm vào chi phí hoạt động của Liên minh để giúp cho Hoa Kỳ giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng thẳng thừng đòi đồng minh gia tăng ngân sách quốc phòng.

    Tây phương cũng nghi kỵ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nghi kỵ chiến dịch Syria của Ankara và kế hoạch mua tên lửa Nga.

    NATO cũng bị dao động vì nước Pháp và những lời tuyên bố của tổng thống Macron cách nay một tháng, cho là Liên minh đã ''chết não''.

    Tại Luân Đôn, tổng thống Pháp sẽ có thể thẩm định : liệu đạp của ông vào tổ kiến lửa có gây tác động mạnh như mong muốn, cũng như có thể đo lường được mối quan hệ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra sao, sau khi ông Erdogen đáp trả, người bị "chết não" chính là tổng thống Macron.

    Tú Anh

    RFI

    Không có nhận xét nào