Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 9 tháng 12 năm 2019

    Chính phủ Nhật Bản loại bỏ máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất

    Cảnh sát biển Nhật Bản có kế hoạch ngừng sử dụng và mua sắm máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất vào năm tài khóa 2020, do lo ngại về an ninh thông tin, theo Nikkei. Đây sẽ là trường hợp thứ hai trong đó các sản phẩm của Trung Quốc bị cấm sau khi chính phủ Nhật Bản xem xét các chương trình mua sắm. Thiết bị từ Huawei Trung Quốc cũng bị cấm sử dụng cho các cơ quan chính phủ Nhật.

    Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản hiện sử dụng vài chục chiếc máy bay không người lái Trung Quốc để tiến hành các hoạt động cứu hộ và giám sát. Giới chức Nhật Bản sẽ chọn những kiểu mẫu không phải do Trung Quốc sản xuất để thay thế.

    Phần Lan có nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới


    Bộ trưởng giao thông Phần Lan Sanna Marin, 34 tuổi, đã được chọn để lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội, trở thành thủ tướng trẻ nhất đất nước. Marin là thành viên của đảng chiếm nhiều ghế nhất trong liên minh 5 bên trong chính phủ, cô cũng sẽ trở thành nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới sau khi cô nhậm chức trong những ngày tới.

    Đảng Dân chủ xã hội ngày 8/12 nhất trí chọn Marin làm người thay thế cựu thủ tướng Antti Rinne sau khi ông từ chức. Ông Rinne từ chức hôm 3/12 sau những chỉ trích của đảng Centre, một trong 5 đảng liên minh do bị mất niềm tin về cách ông xử lý cuộc biểu tình của nhân viên ngành bưu chính Phần Lan.

    4 đảng khác trong chính phủ liên minh Phần Lan cũng do phụ nữ lãnh đạo: Liên minh Cánh tả (Left Alliance) do Li Anderson, 32 tuổi, Liên đoàn xanh (Green League) do Maria Ohisalo, 34 tuổi; Centre Party do Katri Kulmuni, 32 tuổi, và người đứng đầu đảng Nhân dân Thụy Điển Phần Lan Anna-Maja Henriksson, 55 tuổi.

    Núi lửa bất ngờ phun trào ở New Zealand


    Có ít nhất 5 người chết, 20 người bị thương và một số người mất tích sau khi một ngọn núi lửa bất ngờ phun trào ngoài khơi đảo North Island của New Zealand trong hôm thứ Hai, theo Reuters.

    Cảnh sát cho biết, số người bị thương ở Đảo Trắng, nơi núi lửa phun trào vào khoảng 2h11′ chiều (giờ địa phương), có thể tăng lên.

    23 người, gồm cả khách du lịch, từ tàu du lịch Ovation of the Seas đã được giải cứu, một số người vẫn ở trên đảo.

    Úc tăng cường lính cứu hỏa khi dự báo nguy cơ đợt cháy rừng mới khắp bờ biển phía Đông

    Úc đã tăng cường hàng ngàn lính cứu hỏa vào thứ Hai (9/12) nhằm khống chế hỏa hoạn khi dự báo nhiệt độ dự báo sẽ tăng cao, tăng nguy cơ xảy ra một đợt cháy rừng mới trên khắp bờ biển phía đông Úc.

    Theo Reuters, hơn 100 đám cháy vẫn chưa được dập tắt trong khu vực và các nhà chức trách cảnh báo điều kiện thời tiết sẽ trở nên khắc nghiệt hơn vào thứ Ba (10/12) với nhiệt độ dự đoán tăng đạt đỉnh 40 độ C. Nhằm giảm thiểu các mối đe dọa, các nhân viên cứu hỏa đã thận trọng đốt một cánh đồng cỏ xung quanh những ngôi nhà để giảm bớt nguồn bắt lửa, theo Shane Fitzsimmons, Ủy viên Cơ quan Cứu hỏa Nông thôn NSW.

    Cháy rừng đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, phá hủy hơn 680 ngôi nhà và đốt cháy hơn 1 triệu ha trên khắp miền Đông nước Úc kể từ đầu tháng Mười một.

    Các chuyên gia y tế cảnh báo virus gây chết người Nipah

    Nipah, một loại virus chết người do loài dơi mang mầm bệnh đã gây ra dịch bệnh ở Nam và Đông Nam Á và có “khả năng gây dịch bệnh nghiêm trọng”, các chuyên gia về sức khỏe và bệnh truyền nhiễm toàn cầu cho biết trong hôm thứ Hai (9/12).

    Virus này được xác định vào năm 1999 tại Malaysia và Singapore, đã gây ra bùng phát dịch bệnh với tỉ lệ tử vong từ 40% – 90% và lan rộng hàng ngàn km đến Bangladesh và Ấn Độ – nhưng chưa có thuốc hoặc vắc xin chống lại bệnh, các chuyên gia cho biết.

    “Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi phát hiện ra loại virus này, nhưng thế giới vẫn chưa có biện pháp hoàn thiện nào để giải quyết mối đe dọa sức khỏe toàn cầu do virus Nipah gây ra”, theo ông Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh cải tiến sẵn sàng chuẩn bị đối phó đại dịch CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovation).

    Chính quyền Mỹ được nhận định sẽ thông qua luật xử phạt Trung Quốc về nhân quyền

    The BL, trang tin có trụ sở tại New York, hôm 7/12 đã có bài phân tích nhận định rằng Tổng thống Donald Trump khả năng sẽ ký ban hành một dự luật đang được Nghị viện xem xét về việc trừng phạt chính quyền Trung Quốc về nhân quyền.

    Bài viết của The BL đề cập đến việc hôm 3/12, Hạ viện đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ, trong đó lên án việc chính quyền Trung Quốc giam giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người khác trong các trại tập trung ở khu tự trị Tân Cương.

    Khi được áp dụng, Đạo luật này sẽ yêu cầu Nhà Trắng liệt kê đích danh các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền và trình Nghị viện Mỹ trong vòng 120 ngày. Đạo luật không chỉ cho phép chính quyền Tổng thống Trump xử phạt các quan chức Trung Quốc, kể cả Bí thư khu tự trị Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), mà còn cho phép Washington cấm hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

    Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Macro Rubio, người bảo trợ của Đạo luật Chính sách Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ ở Thượng viện, bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn rằng văn bản này sẽ được áp dụng vào thực tiễn sau khi Hạ viện thông qua Đạo luật với tỷ lệ áp đảo 407 phiếu ủng hộ và 1 phiếu phản đối. Ông Rubio nói: “Cảm nhận của tôi là nếu nó được thông qua với tỷ lệ áp đảo như ở Hạ viện, thì khó có chuyện nó lại không được ký hoặc cho phép trở thành luật”.

    Nước Đức vẫn im lặng trước các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc


    Kể từ khi có các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và sự xuất hiện gần đây một ‘tài liệu nội bộ’ xác nhận Bắc Kinh đàn áp nghiêm trọng ở Tân Cương, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, theo báo DW ngày 5/12.

    Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký Luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông. Tiếp theo, ngày 3/12, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ”, kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc có hành vi vi phạm nhân quyền.

    Tuy nhiên, trong 6 tháng bất ổn ở Hồng Kông và các thông tin liên tục về các cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Thủ tướng Merkel, do lợi ích thương mại với Trung Quốc, đã không lên tiếng một cách rõ ràng ủng hộ phong trào dân chủ, hoặc lên án các trại giam giữ.

    “Đã đến lúc bà Angela Merkel cần đưa vấn đề Tân Cương vào chương trình nghị sự của Hội đồng châu Âu sắp tới, để châu Âu khẳng định quan điểm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt”, Gyde Jensen, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền tại Hạ viện Đức nói với DW News Asia.

    Trong một bài phát biểu trước Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức vào ngày 27/11, bà Merkel nói rằng Đức và Châu Âu thấy mình đứng giữa một đối kháng toàn cầu: “Một mặt, Mỹ, một thiên đường của tự do kinh tế, và mặt khác, một hệ thống ở Trung Quốc, được tổ chức xã hội theo một cách hoàn toàn khác, với sở hữu nhà nước rõ ràng, và đôi khi đàn áp, đậm nét”.

    Hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục ở Trung Quốc

    Sau chuyến thăm Trung Quốc của bà Merkel vào tháng 9, giám đốc của tập đoàn công nghiệp khổng lồ Siemens của Đức, Joe Kaeser, đã nói Đức nên ủng hộ và tôn trọng Trung Quốc.

    Siemens, cùng với BASF và VW đều đang có nhà máy sản xuất ở Tân Cương.

    Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Berlin thận trọng hơn và đang cố gắng duy trì mối quan hệ ít biến động hơn với Bắc Kinh, vì Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Đức với thương mại song phương đạt 199,3 tỷ euro (221,2 tỷ USD) trong năm 2018.

    “Tất nhiên, chính phủ Đức phải dung hòa các lợi ích khác nhau trong chính sách với Trung Quốc, bao gồm cả lợi ích kinh tế”, học giả nhân quyền Kinzelbach nói.


    Vậy Đức có thể làm gì?

    “Với sự leo thang ở Hồng Kông, sẽ là chính xác và tương đối dễ dàng để xem xét các quy định xuất khẩu hiện có”, ông Kinzelbach nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt có sẵn để giải quyết các vi phạm nhân quyền, có thể bao gồm cấm vận vũ khí, hạn chế nhập cảnh cho cá nhân và đóng băng tài khoản.

    Tuy nhiên, bất kỳ sắc lệnh trừng phạt nào nhắm vào các vi phạm nhân quyền liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ phải được thực hiện trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu, và điều này rất phức tạp, do chính sách đối với Trung Quốc của mỗi nước EU là khác nhau.

    “Đức có thể là một động lực của EU trong việc thực hiện các bước theo hướng này, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra,” ông Kinzelbach nói.

    Trong bối cảnh ông Donald Trump gia tăng sức ép đối với các công ty Mỹ phải đóng cửa các hoạt động của họ tại Trung Quốc và sản xuất nhiều hơn các sản phẩm trong nước, thì bà Merkel lại mong muốn khởi động một giai đoạn mới trong quan hệ giữa EU với Trung Quốc, với mục tiêu đạt được lập trường chung giữa châu Âu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào