Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 22 tháng 12 năm 2019

    Phế truất Tổng thống Trump: Phe Dân chủ câu giờ

    Trước viễn cảnh Tổng thống Trump sẽ sớm được Thượng viện tha bổng, phe Dân chủ tại Hạ viện đang viện đến sách lược câu giờ: không giao hồ sơ luận tội lên Thượng viện theo thủ tục hiến pháp khiến cho phiên xử quan trọng không biết bao giờ có thể diễn ra.

    Theo báo Bloomberg, tuy rằng Hiến pháp Mỹ không quy định thời gian muộn nhất Hạ viện phải gửi hồ sơ luận tội lên Thượng viện, nhưng việc trì hoãn vô thời hạn sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu Hạ viện từ chối giao hồ sơ lên Thượng viện, việc này sẽ được xem như Hạ viện chưa thực sự luận tội Tổng thống, do đó ông Trump có quyền tuyên bố một cách hợp pháp rằng ông không phải là tổng thống Mỹ thứ 3 trong lịch sử bị luận tội.

    Hồng Kông mít tinh ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

    Hàng trăm người đã tham gia một cuộc mít-tinh hôm Chủ nhật (22/12) để ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, bày tỏ lo ngại Hồng Kông sẽ sớm phải đối mặt với áp lực tương tự nếu Bắc Kinh siết chặt thành phố này, theo RTHK.

    Một vài người vẫy lá cờ đen kêu gọi một Hồng Kông độc lập tại Quảng trường Edinburgh, khi những người tham gia hô vang các khẩu hiệu như “Chung vai sát cánh với người Hồi giáo, đứng lên vì tự do”. Một số người hô vang “Hồng Kông độc lập là lối thoát duy nhất!”

    Bắc Kinh ban đầu phủ nhận sự tồn tại của các trại giam ở Tân Cương, nơi có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là bị giam giữ trái phép, nhưng hiện tại lại nói rằng đây là các “trung tâm đào tạo nghề” cần thiết để chống khủng bố.


    Triều Tiên mở rộng cơ sở liên quan tới tên lửa đạn đạo

    Triều Tiên vừa mở rộng các tòa nhà liên quan đến việc sản xuất bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở Pyongsong, theo ảnh chụp vệ tinh ngày 19/12, CNN cho hay.

    Động thái này diễn ra khi Triều Tiên đang tiến đến gần các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa. Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ gửi Mỹ một “món quà Giáng sinh”.

    CNN trích lời quan chức chính quyền Washington cho biết, Triều Tiên có khả năng đang chuẩn bị thử nghiệm các động cơ, cũng như nhiều bộ phận khác trong chương trình tên lửa của nước này. Tuy vậy, các chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ cũng cho biết, Mỹ đã sẵn sàng cho “bất kỳ” điều gì phía Bình Nhưỡng có thể làm.

    Mỹ điều thêm máy bay do thám đến bán đảo Triều Tiên


    Mỹ đã điều máy bay do thám RC-135W Rivet Joint sang bán đảo Triều Tiên giữa lo ngại Triều Tiên có thể thử tên lửa tầm xa.

    Hãng Yonhap hôm Chủ nhật (22/12) đưa tin, Không quân Mỹ đã điều máy bay do thám đến bán đảo Triều Tiên trong lúc lo ngại gia tăng về khả năng Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa.

    Đây là một trong nhiều chuyến bay do thám của máy bay Mỹ trong vài tuần qua, trước thời hạn đàm phán cuối năm do Triều Tiên đặt ra cho phía Mỹ đang đến gần, yêu cầu phía Washington phải có đề xuất mới.

    “Cô bé nhặt rác thải nhựa” đoạt giải bức ảnh năm 2019 của UNICEF

    Một phóng viên ảnh người Đức đã được trao giải “Bức ảnh năm 2019 của UNICEF vào ngày 19/12, với bức ảnh cô bé nhặt rác thải nhựa ở vùng biển bị ô nhiễm nặng tại cảng Manila, Philippines.

    Hãng tin DW cho hay, Hartmut Schwarzbach đã nhanh chóng chụp lại khoảnh khắc cô bé Wenie đang gom nhặt các mảnh rác nhựa để đổi lấy một khoản tiền từ người tái chế.

    Quỹ Trẻ em Liên Hợp Quốc cho rằng, bức ảnh trên rất có ý nghĩa, bởi nó nói lên cuộc chiến đấu dũng cảm vì sự sống của trẻ em trước 3 bi kịch thời đại: nghèo đói, ô nhiễm và lao động trẻ em.

    “Bức ảnh cho thấy sức mạnh của những đứa trẻ, dù trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn không bỏ cuộc. Trẻ em là điều trân quý nhất, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống và tương lai của chúng. Quyền trẻ em không thể chỉ là những lời nói suông”, bà Büdenbender – người bảo trợ của UNICEF tại Đức – nói.

    Nhật Bản sẽ triển khai 2 tàu trang bị hệ thống đánh chặn Aegis khi Triều Tiên manh nha thử nghiệm ICBM

    Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sẽ triển khai 2 tàu trang bị Aegis tiến hành giám sát ở biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, dự phòng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào khoảng năm mới.

    Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quyết định vào thứ Sáu (20/12), theo bản tin ngày 21/12 của Nikkei Asian Review.

    Hệ thống Aegis do Mỹ phát triển sử dụng radar để theo dõi và đánh chặn tên lửa.

    Triều Tiên đã bắn 13 tên lửa đạn đạo kể từ tháng 5. Quốc gia bị trừng phạt cũng cho biết họ đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm “rất quan trọng” trong tháng này, điều mà nhiều chuyên gia nghi ngờ họ tập trung phát triển một động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Inter-continental ballistic missile – ICBM).

    Bình Nhưỡng đơn phương đặt ra thời hạn cuối năm cho các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, đang cho thấy họ có thể tiếp tục thử nghiệm ICBM.

    Nhật Bản đã hạ thủy một hoặc hai tàu trang bị Aegis để theo dõi biển Nhật Bản suốt ngày đêm bắt đầu vào mùa hè 2016 như một phản ứng đối với các vụ phóng tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên.

    Tokyo đã nới lỏng các giám sát trong mùa hè 2018 sau khi Triều Tiên tạm dừng các cuộc thử nghiệm sau hội nghị thượng đỉnh song phương với Mỹ.

    Thủ tướng Modi nói luật công dân mới của Ấn Độ không phân biệt đối xử với người Hồi giáo

    Sau những ngày biểu tình bạo lực đôi khi chết người trên khắp Ấn Độ chống một luật công dân mới mà các nhà chỉ trích nói rằng phân biệt đối xử với người Hồi giáo, Thủ tướng Narendra Modi đã dẫn dắt một cuộc mít tinh vào ngày Chủ nhật (22/12) của đảng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo ở thủ đô New Delhi, theo bản tin ngày 22/12 của Reuters.

    Cuộc bầu cử tiểu bang New Delhi vào đầu năm tới sẽ là cuộc kiểm tra đại cử tri đoàn lớn đầu tiên cho đảng Bharatiya Janata của ông Modi sau các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau khi quốc hội Ấn Độ thông qua Đạo luật công dân sửa đổi vào ngày 11/12.

    Cũng theo Reuters, vài ngàn người đã tham gia cuộc mít tinh của ông Modi, tại đây ông cáo buộc phe đối lập xuyên tạc sự thật để gây ra các cuộc biểu tình.

    “Luật không ảnh hưởng đến 1,3 tỷ người Ấn Độ, và tôi đảm bảo với công dân Hồi giáo của Ấn Độ rằng luật này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì đối với họ”, ông Modi nói và thêm rằng chính phủ của ông đưa ra những cải cách mà không có bất kỳ sự thiên vị tôn giáo nào.

    Đảng chủ nghĩa dân tộc của ông Modi có kế hoạch tổ chức hơn 200 hội nghị tin tức để chống lại các cuộc biểu tình khi sự tức giận gia tăng đối với những gì mà các nhà chỉ trích nói là một cuộc tấn công vào hiến pháp thế tục của đất nước.

    Có ít nhất 21 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát khi hàng ngàn người xuống đường ở các thị trấn và thành phố trên khắp đất nước để phản đối, đánh dấu thách thức lớn nhất đối với lãnh đạo Modi, kể từ khi ông lần đầu lên nắm quyền vào năm 2014.

    Các cuộc biểu tình mới đã được lên kế hoạch vào ngày Chủ nhật tại New Delhi và bang phía bắc Uttar Pradesh, nơi xảy ra nhiều vụ tử vong nhất. Ở hầu hết các địa điểm, các cuộc biểu tình có sự tham gia của tất cả người dân thuộc mọi tín ngưỡng, nhưng Uttar Pradesh là một nơi châm ngòi cho những căng thẳng phổ biến giữa người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo, và chính quyền đã ngắt các dịch vụ nhắn tin di động và Internet để ngăn chặn sự lưu thông của các tài liệu có tính chất kích động. 



    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào