Không phải chỉ có Liên Minh Bắc Đại
Tây Dương – NATO – bị « chết não », như tuyên bố của tổng thống Pháp
Emmanuel Macron, mà Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO – cũng ở trong
tình trạng tương tự, hoặc « chết lâm sàng », theo như nhận định của báo
Thụy Sĩ Le Temps.
Donald Trump muốn cải tổ hay "xóa sổ" Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ? |
Ai
phải chịu trách nhiệm chính về thảm trạng này ? Hầu như tất cả giới
chuyên gia đều chỉ đích danh: Hoa Kỳ hay nói cho chính xác hơn là chính
quyền của tổng thống Donald Trump. Và một trong những cách thức mà Hoa
Kỳ tiến hành, đó là không chấp nhận việc bổ nhiệm thay thế các thẩm phán
trong cơ quan giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên.
Kể
từ ngày 11/12/2019, cơ quan xem xét giải quyết các tranh chấp của định
chế phụ trách thương mại toàn cầu không thể hoạt động được nữa vì chỉ
còn một thẩm phán và thiếu hai người do Hoa Kỳ ngăn chặn việc bổ nhiệm
thay thế. Theo báo Anh Financial Timess, tình trạng tê liệt này là « mối
đe dọa lớn nhất đè nặng lên WTO kể từ khi tổ chức này được thành lập
năm 1995 ».
Dự
án thành lập một Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (International Trade
Organization – ITO) nhằm đề ra các quy tắc, luật lệ để điều chỉnh, kiểm
soát và thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước, đã được thông qua
tại Hội nghị Bretton (New Hamshire, Mỹ), năm 1944. Tuy ITO chết yểu vì
không được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn hiến chương, nhưng các quy tắc làm
cơ sở cho hoạt động của tổ chức này – Hiệp định chung về thuế quan và
thương mại GATT – vẫn tồn tại và trở thành khung pháp lý chủ chốt cho hệ
thống thương mại đa phương của thế giới trong gần nửa thế kỷ sau đó.
Các nước tham gia GATT đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, ký kết các thỏa
thuận thương mại mới. Tại vòng đàm phán thứ tám, ở Uruguay, năm 1994,
các nước đã hoàn tất được hiệp định thành lập Tổ Chức Thương Mại Thế
Giới (WTO). Văn bản này được ký kết vào tháng 04/1994 tại Marrakech,
Maroc và WTO đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1995. Hiện tổ chức này có
164 thành viên.
Trong
một phần tư thế kỷ qua, thương mại thế giới đã phát triển mạnh mẽ,
nhưng WTO lại chuyển đổi, thích ứng chậm chạp. Sau khi gia nhập tổ chức
này vào năm 2001, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng được các điều kiện
thuận lợi của tự do trao đổi mậu dịch đa phương để phát triển thương mại
và trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
Nhu cầu cải cách WTO lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết vì « Trung Quốc
ngày nay khác với Trung Quốc lúc gia nhập WTO », như nhận định của cựu
tổng giám đốc Pascal Lamy trên đài truyền hình Pháp BFM Business, ngày
14/08/2019.
Cuối
tháng 08/2018, tổng thống Donald Trump đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi WTO
bởi vì định chế này dường như là vật cản, không cho phép nguyên thủ Mỹ
tiến hành một cuộc chiến thương mại trên nhiều lĩnh vực nhắm vào nhiều
đối tác không chỉ với Trung Quốc mà với cả một số đối tác khác, như Liên
Hiệp Châu Âu, Mêhicôn Canada, Nhật Bản…
Một
năm sau, vào đúng dịp WTO kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, tổng thống Mỹ
nhắc lại lời đe dọa. Vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở nên căng
thẳng, dường như định chế này phải trả giá vì đã kết nạp Trung Quốc,
quốc gia đã làm thay đổi « luật chơi ». Đối với nguyên thủ Mỹ, WTO hoạt
động không hiệu quả, Trung Quốc đối xử không bình đẳng đối với các doanh
nghiệp nước ngoài, cưỡng ép chuyển giao công nghệ…
Về
những cáo buộc này của tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc, trên đài
truyền hình Canada ICI RDI, ông Richard Ouellet, giáo sư luật kinh tế
quốc tế, khoa Luật, đại học Laval Canada nhận định :
«
Donald Trump phần nào có lý trong một số trường hợp, như chính sách
cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Khi một doanh nghiệp nước ngoài đến làm
ăn tại Trung Quốc, luật lệ nước này buộc các doanh nghiệp nói trên phải
tiến hành chuyển giao công nghệ cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Donald
Trump cũng có lý khi nói đến việc Trung Quốc không tôn trọng quyền sở
hữu trí tuệ, quyền tác giả, bản quyền phát minh sáng chế của các doanh
nghiệp đầu tư vào Trung Quốc hoặc trường hợp Nhà nước Trung Quốc trợ cấp
ồ ạt cho một số doanh nghiệp của họ trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Các
chỉ trích này của Donald Trump được nhiều nước tán đồng, chia sẻ, như
Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và trong một chừng mực nào đấy là Canada,
hoặc một số nước khác như Hàn Quốc, Mêhicô. Như vậy, trong các lĩnh vực
này, Donald Trump không đơn độc.
Nhưng
ngược lại, ông ta thực sự đơn độc trong một số vấn đề khác. Ví dụ, chỉ
có một mình Donald Trump lên tiếng tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Ngay cả Ngân Hàng Thế Giới giờ đây cũng thừa nhận là đồng tiền Trung
Quốc có thể tham gia giỏ ngoại tệ, có thể được sử dụng và nên sử dụng
trong giao dịch quốc tế. Có thể giá trị đồng nhân dân tệ hơi thấp, nhưng
Donald Trump thực sự khá đơn độc khi tố cáo Trung Quốc thao túng chính
sách tiền tệ ».
Theo
cựu giám đốc WTO Pascal Lamy, « Trump có lý trên một điểm : đó là các
quy định về thương mại quốc tế cần phải thay đổi », ví dụ để bảo đảm
cạnh trạnh lành mạnh, công bằng, cần có quy định rõ về trợ cấp của Nhà
nước cho các doanh nghiệp. Trong hồ sơ này, vẫn theo ông Lamy, thực ra,
không chỉ có Trung Quốc trợ cấp ồ ạt cho doanh nghiệp mà Hoa Kỳ cũng làm
tương tự trong ngành nông nghiệp. Và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
càng làm gia tăng sự bất lực của định chế này.
Tháng
10/2018, vấn đề cải tổ WTO đã được nêu ra trong cuộc họp của các thành
viên chính tại Ottawa, Canada, thế nhưng, Mỹ và Trung Quốc lại vắng mặt.
Trên thực tế, để gây sức ép, Hoa Kỳ liên tục ngăn cản, không chấp nhận
bổ nhiệm các thẩm phán thay thế cho Hội đồng giải quyết tranh chấp,
trong đó Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp và Ban phúc thẩm.
Chuyên gia Richard Ouellet giải thích :
«
Cần có đồng thuận của tất cả các thành viên để thay thế một thẩm phán
của cơ quan phúc thẩm của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Và từ khoảng năm
2003 cho tới nay, việc thay thế một số thẩm phán gặp nhiều khó khăn. Các
khó khăn này đặc biệt gia tăng từ năm 2015, 2016 và tình hình trở nên
tồi tệ kể từ khi Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, năm 2017. Cứ
mỗi lần cần thay thế một thẩm phán là Hoa Kỳ lại chống, bởi vì chính
quyền Mỹ không ưa thích cách thức vận hành của cơ quan phúc thẩm và đòi
phải tiến hành cải cách. Theo Hoa Kỳ, cơ quan này tỏ ra quá dễ dãi với
một số chính sách thương mại của Trung Quốc ».
Một
trong năm chức năng chủ chốt của WTO là giải quyết các tranh chấp
thương mại giữa các thành viên, thông qua Hội đồng giải quyết tranh
chấp. Thực ra, Hội đồng này là Đại hội đồng của WTO, bao gồm đại diện
của tất các thành viên. Hội đồng có quyền thành lập Ban Hội thẩm, thông
qua các báo cáo của ban này và của Ban Phúc thẩm, nhưng không trực tiếp
can dự vào việc xem xét giải quyết tranh chấp.
Khi
một thành viên đệ đơn kiện, Hội đồng giải quyết tranh chấp cho thành
lập Ban Hội thẩm, bao gồm từ 3 đến 5 thành viên để xem xét và làm báo
cáo trình Hội đồng để thông qua. Nếu một trong các bên liên quan không
đồng ý, báo cáo được chuyển lên Ban Phúc thẩm. Ban này – theo quy định –
có bẩy thành viên, nhiệm kỳ 4 năm và do Hội đồng bổ nhiệm, nhưng phải
được tất cả các nước thành viên chấp thuận.
Từ
2015 đến nay, việc bổ nhiệm thẩm phán thay thế gặp rất nhiều khó khăn.
Bốn ghế thẩm phán bị bỏ trống, ban Phúc thẩm chỉ còn ba người – đủ để
xem xét hồ sơ. Thế nhưng, hai trong ba thẩm phán, một người Ấn Độ, một
người Mỹ, hết nhiệm kỳ vào 10/12/2019 và chính quyền Donald Trump không
chấp nhận việc bổ nhiệm thay thế hai người này. Như vậy, từ sau
10/12/2019, Ban Phúc thẩm chỉ còn một người và trớ trêu thay, đó là một
thẩm phán Trung Quốc với nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 30/11/2020.
Chính
quyền của Donald Trump đưa ra rất nhiều lý do để không chấp nhận bổ
nhiệm các thẩm phán thay thế : Ban Phúc thẩm không công bằng, liên tục
đưa ra các quyết định gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ, lương của các thẩm
phán quá cao, tới mức 300 ngàn đô la mỗi năm, cố tình kéo dài thời gian
giải quyết tranh chấp để có thêm thu nhập bổ sung, được hưởng nhiều ưu
đãi vật chất như nhà cửa, thư ký…
Thái
độ của Mỹ đối với WTO cho thấy rõ hai nghịch lý : Mặc dù chỉ trích mạnh
mẽ WTO, đặc biệt là Hội đồng giải quyết tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ lại là
nước có nhiều đơn kiện nhất. Theo thống kê của WTO, từ năm 1995 đến
nay, có tổng cộng 592 vụ kiện tụng trong đó Mỹ kiện 132 vụ, Liên Hiệp
Châu Âu 104, thứ ba là Canada, 40 vụ… Cựu tổng giám đốc WTO Pascal Lamy
cho biết, « trong hơn 80% vụ, bên nguyên đơn thắng kiện », tức là Hoa Kỳ
thắng nhiều hơn thua tại WTO.
Nghịch
lý thứ hai là Hoa Kỳ không chấp nhận Hội đồng giải quyết tranh chấp có
vai trò như một định chế siêu quốc gia nhưng lại muốn áp đặt các quy
định của riêng mình cho phần còn lại của thế giới, thông qua luật «
ngoài lãnh thổ ».
Thế
giới có cảm giác là Hoa Kỳ chỉ tôn trọng luật pháp và đề cao tinh thần «
thượng tôn luật pháp » nếu những quy định này có lợi cho họ.
Nhiều
chuyên gia lên tiếng cảnh báo nguy cơ nếu WTO bị « xóa sổ » thì thế
giới sẽ quay trở lại thời kỳ « lý lẽ thuộc về kẻ mạnh » trong quan hệ
thương mại quốc tế. Tuy nhiên, giáo sư Richard Ouellet không bi quan đến
như vậy :
«
Tổ Chức Thương Mại Thế Giới sẽ vẫn tồn tại thôi. Các thỏa thuận hiện
hành của tổ chức này không bị hạn chế thời hạn, như vậy vẫn tiếp tục có
hiệu lực. Các cuộc thương lượng để đổi mới các thỏa thuận này được bắt
đầu với vòng đàm phán Doha, năm 2001, cùng thời điểm Trung Quốc gia nhập
Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Do vòng đàm phán Doha bế tắc, các thỏa
thuận cũ vẫn có giá trị. Liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp,
mọi việc trở nên phức tạp, Bởi vì các đơn phúc thẩm không được giải
quyết, các nước không thể đệ đơn lên cơ quan phúc thẩm nữa, kể từ tháng
12/2019 và như vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp bị ngưng trệ. Mặt
khác, người ta cũng nhận thấy là tổ chức này không được đổi mới, một số
ban bệ trong định chế này cần phải được xem xét lại và cải tổ. »
Để
cứu WTO khỏi « chết lâm sàng », Liên Hiệp Châu Âu đưa ra giải pháp tạm
thời : thành lập một Ban Phúc thẩm bis hoạt động vẫn theo quy định hiện
hành và bao gồm các thẩm phán cũ của Ban này. Canada và Na Uy tán đồng.
Một số thành viên khác như Úc, Achentina, Brazil, Chilê, Nhật Bản, Thổ
Nhĩ Kỳ ủng hộ. Còn Trung Quốc và Nga thì không chống.
Trước
mắt, có thể chấp nhận được giải pháp tình thế, « vá víu » này, nhưng
theo báo Anh Financial Times, « cần phải có một cải cách và phải có sự
tham gia của Mỹ ». Câu hỏi tiếp theo đương nhiên sẽ là liệu Donald Trump
mong muốn cải tổ hay trong cuộc chiến chống đa phương, ông ta muốn làm
cho WTO trật đường ray.
(RFI)
Không có nhận xét nào