Ba người dân Vườn rau Lộc Hưng bị câu
lưu hôm 8/12 nói với Đài Á Châu Tự Do rằng họ sẽ tiếp tục “chiến đấu
đến hơi thở cuối cùng”, một ngày sau vụ “đàn áp dã man" xảy ra trong lúc
bà con dựng hang đá Noel.
Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng vào ngày 8/12/2019 khi chính quyền địa phương xuống dẹp hang đá Noel của người dân |
Người
dân Vườn rau Lộc Hưng hôm 8/12 lên tiếng tố cáo chính quyền phường 6,
quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động công an, an ninh mặc
thường phục và dân quân đến vùng đất cưỡng chế để cản trở bà con dựng
hang đá Noel, đập phá tượng Đức Mẹ, và bắt giữ ba người phản đối. Người
dân cho rằng đây là hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo của người
dân.
Vườn
Rau Lộc Hưng là khu đất đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế vào
tháng 1 vừa qua với mục đích để xây dựng trường học, theo thông báo của
chính quyền quận Tân Bình. Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý
với quyết định cưỡng chế này và đã đưa đơn kiện lên chính quyền thành
phố và trung ương.
Theo
trang Facebook Vườn rau Lộc Hưng của người dân tại đây, vụ việc bắt đầu
vào 9 giờ sáng ngày 8/12 khi chính quyền địa phương cản trở người dân
dựng hang đá, và lấy đi giàn giáo để bên cạnh Đài Đức Mẹ, kéo giật sập
khung gỗ làm hang đá.
Vào
buổi chiều, người dân tiếp tục dựng hang đá nhưng cũng bị chính quyền
cản trở và bắt giữ 3 người dân phản đối có tên Cao Thị Thu, ông Phạm
Trung Hiếu và ông Phạm Duy Quang. Người dân Lộc Hưng cáo buộc chính
quyền đã đập nát tượng Thánh: Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
Đến khoảng 10 giờ tối cùng ngày, ba người nêu trên mới được thả.
Hôm 9/12, ông Phạm Duy Quang nói với RFA
“Hôm
qua thì một cái cảnh đàn áp tấn công bà con, dùng vũ lực hết sức dã
man. Vào khoảng 3 giờ rưỡi thì bà con vườn rau chúng tôi ra đọc kinh cầu
nguyện, làm hang đá để chuẩn bị mừng ngày Chúa Giáng sinh trên phần đất
của vườn rau. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, một lực lượng rất đông, gồm
các ban ngành nhà cầm quyền phường 6 đến cưỡng chế, đàn áp, phá hoại
hang đá.”
“Trong
lúc họ đàn áp thì bà con cương quyết không để cho họ đạt được mục đích.
Chúng tôi cương quyết như vậy thì giữa hai bên xảy ra xô xát. Họ đã
đánh đập chúng tôi, dồn bà con vào từng góc, bắt bà con lên xe đưa về
phường 4.”
Ông
Quang cho biết tại đồn công an, ông và bà Thu, ông Hiếu bị bắt làm bản
tường trình với cáo buộc “Tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng".
Bà Cao Thị Thu nói thêm:
“Chúng
tôi chỉ ra bảo vệ hang đá thôi. Tôi đứng ở phần sau của hang đá để dựng
thì bao nhiêu lực lượng kéo đến. Tôi năm nay đã 58 tuổi rồi, tai không
nghe rõ. Họ đấm vào mặt tôi, đạp tôi. Lúc đó tôi mới thấy cục gạch ở đâu
đó rớt vào chân. Đau quá, phản ứng tự nhiên, tôi mới lấy cục gạch chọi
và chạy ra. Thế là họ bắt tôi, cáo buộc tôi ném đá, vi phạm hành chánh.
Họ đòi phạt tôi 750.000 đồng. Tôi nói mình không đóng gì hết. Họ quát
rằng ‘quyết định của nhà nước, chị có nhận không?’. Tôi nói ‘dứt khoát 1
đồng cũng không đóng, còn nếu không thì mấy anh cứ nhốt tôi lại.’
“Tôi
vẫn ký vào bản tường trình, tôi không sợ. Tôi ném đá là vì tôi bị đau
quá khi họ đánh tôi. Quyết định phạt tiền thì tôi không nhận, dứt khoát
không đóng gì hết.”
Bà Thu cũng cho hay tại đồn công an, bà bị điều tra lai lịch, nhân thân và bà “không có gì giấu giếm".
Cùng ngày, trả lời RFA, ông Phạm Trung Hiếu nói:
“Trước
khi thả ra khỏi đồn công an thì họ cũng hù dọa là sau này tụi mày đừng
có đi theo ông Chánh [Cao Hà Chánh], ông này ông kia rủ rê. Giống như hù
dọa để chúng tôi không còn tiếp tục theo kiểu mà họ cho là ‘gây rối
trật tự'. Họ hù dọa để chúng tôi không còn đến các cơ quan hay phần
đất.”
“Theo
cảm nhận thì họ hù dọa vậy thôi, vì chúng tôi cũng đi đứng này kia cả
20 năm nay rồi, ít nhiều hiểu được rằng họ hù dọa để phủ đầu, làm đủ trò
đủ kiểu để lần sau mình sợ mình khiếp hoặc như thế nào đó.”
Ông
Hiếu nói thêm rằng việc giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng “còn dài lắm",
“còn ý đồ trấn áp người dân", “không cho người dân ngóc đầu dậy luôn chứ
không giải quyết gì".
“Chúng
tôi chỉ biết hy vọng thôi, mong muốn rằng lãnh đạo chính quyền mau
chóng giải quyết cái câu chuyện đất cát của chúng tôi. Nhưng đó là hy
vọng thôi, chứ còn bây giờ họ sẽ còn làm các kiểu để mà muốn ăn tươi
nuốt sống, giống như là họ câu giờ, kéo thời gian ra để làm gì đó bất
lợi cho chúng tôi,” ông Hiếu suy đoán.
Trong khi đó, ông Phạm Duy Quang bổ sung:
“Trong
vòng một tháng tới đây, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi thưa kiện tố
cáo, đến các nơi có thẩm quyền cao nhất. Vẫn phải đi thêm nhiều lần nữa
cho đến khi nào mà thành phố Hồ Chí Minh [Thành ủy] ra giải quyết cho bà
con. Chúng tôi đã ba, bốn lần ra tới trung ương và ngoài đó cũng ra văn
bản yêu cầu thành phố tổ chức đối thoại, nhưng họ vẫn không ra. Chúng
tôi sẽ đi tới cùng, khi nào họ ra thì thôi. Phía thành phố Hồ Chí Minh
không ra đối thoại với bà con vườn rau thì họ đã tự quyết định hết rồi.
Chúng tôi không biết phải làm sao nữa. Chúng tôi chỉ đi đến hơi thở cuối
cùng thôi.”
Hôm 9/12, RFA đã liên hệ nhiều lần với Ủy ban nhân dân và công an phường 6, quận Tân Bình nhưng không nhận được phản hồi.
Vào
các ngày 4 và 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình đã huy động lực lượng
đến san ủi, cưỡng chế khoảng 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp
sự phản đối của người dân. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của
họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại trong khi chính quyền cho biết
việc cưỡng chế chỉ thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày
1/1/2018.
Người
dân Vườn Rau Lộc Hưng khẳng định họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất
vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ năm 1954 đến nay. Tuy nhiên, chính
quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho bà con với
mục đích “cướp” hơn 5 ha đất.
Vụ
cưỡng chế đất đã gặp phải nhiều phản ứng ở trong nước và quốc tế. Dân
biểu Châu Âu hồi đầu năm nay cũng đề cập đến vụ cưỡng chế đất ở Vườn Rau
Lộc Hưng khi nói đến tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
(RFA)
Không có nhận xét nào