Header Ads

  • Breaking News

    Có tới 300 tù nhân chính trị tại Việt Nam


    Ngày 09/12/2019 báo EU Observer, một tờ báo chuyên về châu Âu, đã đăng tải một bài báo với tựa đề “Zahradil ‘xung đột lợi ích’ đối với Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam“, tố cáo ông Jan Zahradil, một nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, người dẫn đầu các cuộc đàm phán về hiệp định Thương mại tự do EU với Việt Nam (hiệp định EVFTA).

    Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Photo Courtesy

    Bài báo cho biết, bất chấp các quy tắc của Nghị viện châu Âu, ông Jan Zahradil đã không thông báo với Nghị viện châu Âu về vai trò của mình trong các tổ chức gắn liền với một chế độ đàn áp, nhà nước cộng sản tại Hà Nội. Đó là vai trò Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Liên hiệp Hội người Việt ở châu Âu và Chủ tịch của Nhóm nghị sĩ châu Âu hữu nghị với Việt Nam, mà chúng tôi đã đăng tải phần đầu tại đây: Đảng Xanh yêu cầu hoãn việc phê chuẩn hiệp định EVFTA và bãi nhiệm UV Báo cáo Zahradil.

    Sau đây là bản dịch phần cuối bài báo trên, nói về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đối với hiệp định EVFTA, đặc biệt là trường hợp nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng mới bị bắt giam.

    ***

    Việt Nam là một quốc gia – có luật hình sự xem việc chỉ trích nhà nước là một tội danh. Những tội danh như vậy đã dẫn đến nhiều tù nhân chính trị và gần đây nhất là vụ bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng, là người đã lên tiếng phản đối Hiệp định EVFTA vì vấn đề nhân quyền.

    Các nhà phê bình như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), một tổ chức phi chính phủ, đã chỉ trích cách tiếp cận không có lợi của Hiệp định EVFTA để chống việc lạm dụng luật pháp ở Việt Nam.

    Ngay cả các điều khoản về giám sát việc thực thi hiệp định EVFTA cũng không được soạn thảo một cách nghiêm túc. Trong số đó có những điều khoản được thiết kế để thành lập ra các Nhóm Cố vấn trong nước (DAG), gồm các tổ chức xã hội dân sự độc lập.

    Các nhóm giám sát này được cho là cần thiết để bảo đảm rằng, Đảng Cộng sản sẽ tuân thủ hiệp định. Nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, điều đó không có ý nghĩa gì vì các tổ chức xã hội dân sự độc lập không được phép hoạt động công khai ở Việt Nam.

    “Theo ước tính, có khoảng từ 150 đến 300 tù nhân chính trị và những người dân bình thường, mà họ vào tù – đúng theo theo nghĩa đen – chỉ vì một bài viết trên Facebook. Làm thế nào chúng ta mong đợi họ đến và nhận vai trò giám sát này và thực hiện nó một cách tự do và độc lập“, ông Claudio Francavilla của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặt câu hỏi.

    Một bức thư ký tên chung được gửi bởi các tổ chức phi chính phủ hồi đầu tháng 11, yêu cầu các nghị sĩ hoãn lại việc phê chuẩn hiệp định EVFTA cho đến khi Việt Nam đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn nhân quyền.

    Bức thư lưu ý rằng, hiệp định EVFTA không định ra mốc thời gian và biện pháp trừng phạt ràng buộc nào trong trường hợp Việt Nam không phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế mà đáng lẽ họ nên thực hiện từ nhiều năm qua.

    Và trong số những người ký tên vào bức thư đó có ông Phạm Chí Dũng, đồng sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông Dũng là người hiện đang ngồi sau song sắt vì đã lên tiếng chống lại hiệp định này.

    Yêu cầu bình luận về vụ bắt giữ Phạm Chí Dũng, đại sứ Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang nói với báo EU Observer rằng, ông ta đã gửi một bản tin cho các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu giải thích về lao động và nhân quyền ở Việt Nam.

    “Tất nhiên trong bản tin đầu tiên, chúng tôi đã đề cập đến quyền con người và quyền lao động chỉ có một trang, và trong các bản tin tiếp theo sẽ có nhiều thông tin chi tiết hơn“, ông nói.

    Bản tin gồm bốn trang, mà trang EU Observer được đọc, khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu và tiến bộ đáng kể về nhân quyền, nhưng không đề cập gì đến Phạm Chí Dũng hay tù nhân chính trị nào.

    Zahradil nói rằng, việc phóng thích tù chính trị và nhà báo của Việt Nam sẽ được coi là “cử chỉ thiện chí” trước khi hiệp định EVFTA được phê chuẩn.

    Theo kế hoạch, dự kiến vào tháng Hai năm tới (2020) Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu quyết định về hiệp định EVFTA, hiệp định này nhằm xóa bỏ thuế quan.

    EU trong nhiều năm là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai cho các sản phẩm Việt Nam và là đối tác thương mại song phương quan trọng thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

    Nguồn: https://euobserver.com/institutional/146829
     
    Hiếu Bá Linh, biên dịch

    (baotiengdan.com)

    Không có nhận xét nào