Header Ads

  • Breaking News

    Cổ Nhuế - ‘Hoà bình lạnh’ giữa Úc và Trung Cộng


    Có lần trên trang báo này, Cổ Nhuế ví bang giao giữa Úc với Trung Cộng lạnh như tảng băng. Tảng băng này lạnh như hai khuôn mặt của ngoại trưởng Julie Bishop của Úc và Vương Nghị (Wang Yi) của Trung cộng nhìn nhau suốt bữa ăn trưa mà không ai nói một lời.
    Hoà bình lạnh’ giữa Úc và Trung Cộng

    Mới đây, tình băng giá giữa Úc và Trung cộng lại thêm vết nứt. Ấy là chuyện thời sự hôm nay Cổ Nhuế xin thưa cùng bạn đọc Việt Luận.

    Chuyến đi Trung Cộng bất thành

    Tình băng giá Úc-Hoa đã có nhiều vết nứt. Tuần qua, lại thêm vết nứt toen toét khi Trung cộng từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho dân biểu Andrew Hastie và nghị sỹ James Paterson của Úc. Hai ông này chuẩn bị khăn gói đi Trung cộng trong chuyến đi ‘thăm dân cho biết sự tình’ bển. Chuyến đi này do tổ chức China Matters bảo trợ. Nếu thuận buồm xuôi gió, hai ông nghị Úc sẽ lên đường vào tháng tới để gặp gỡ những người dân bình thường ở Trung cộng. China Matters hứa sắp xếp cho họ sẽ chuyện trò thoải mái với bất cứ ai và nói bất cứ vấn đề nào cũng được — kể cả chuyện người Uighurs ở Tân Cương và các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hongkong. Vậy là chuyến đi thiệt hấp dẫn và được coi là có một không hai ở cái xứ thiên đường có gắn máy quay phim khắp hang cùng ngõ hẻm.

    Nhưng cuối cùng, Trung cộng cấm cẳng cả hai ông. Tội của họ là ‘dám’ lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền Bắc Kinh. Thiệt ra không phải Bắc Kinh mà ngay cả Hà Nội cũng làm thế. Ta thường nghe người Việt về thăm nhà kháo láo: Về bển thích làm gì thì cứ làm miễn là đừng phê bình này nọ mấy ổng Cộng sản là… ok.

    Thật ra, khi hai ông nghị Úc chỉ trích Trung cộng, không những giới chức cầm quyền ở Bắc Kinh mà ngay cả toà đại sứ Trung cộng tại Canberra cũng chỉa mũi dùi tấn công. Loa tuyên truyền của Bắc Kinh ở Canberra cho rằng hai ông khinh thường uy quyền của Thiên triều và gây hại cho sự tín cậy đang có giữa hai nước Úc và Trung hoa. Viên chức ngoại giao Trung cộng ở Úc chụp cái mũ ‘thực dân’ lên đầu người chỉ trích Bắc Kinh mà rằng: ‘những ngày của chủ nghĩa thực dân đã qua lâu rồi. Trung cộng sẽ không bao giờ dung tha mấy cái ý nghĩ thực dân ấy đâu’. Sau đó, toà đại sứ Trung cộng tại Canberra kêu gọi ‘hai ông mau mau khấu đầu hối lỗi!’. Bằng không sẽ bị cấm cẳng vào…. thiên đường Cộng sản.

    Rõ ràng hai ông nghị Úc này chưa thuộc bài khúm núm trước mặt răng hô mã tấu. Cả hai cho biết sẽ chẳng ‘khấu đầu hối lỗi’. Nghị sỹ James Paterson và dân biểu Andrew Hastie chỉ lấy làm tiếc chỉ vì ‘thẳng thắn trước các vấn đề của đảng Cộng sản Trung hoa’ nên bị từ chối chiếu khán nhập cảnh. Dù bực mình vì không được ‘phi lạc sang Tàu’ hai ông cho biết vẫn tiếp tục lên tiếng bảo vệ các giá trị, chủ quyền và lợi ích của nước Úc.

    Chính Tập Cận Bình ra lệnh đàn áp ở Tân Cương

    Trùng hợp lúc Bắc Kinh cấm cẳng hai ông nghị Úc thì tờ New York Times cho đăng 400 tài liệu cho thấy Trung cộng đã thực sự đàn áp người theo Hồi giáo sống ở Tân Cương (Xinjiang). Tân Cương là một tỉnh nằm về phía Tây Trung cộng. Theo tờ New York Times, một nhón cán bộ cao cấp bên trong Trung cộng đã xì các tài liệu này để các lãnh tụ Cộng sản – trong số này có cả Tập Cận Bình — không thể chạy tội giam giữ hàng loạt người dân vô tội.

    Theo xấp tài liệu dầy cộm, Bắc Kinh đang giam hàng loạt người theo Hồi giáo — bất kể là người Uighurs, Kazakhs, hay sắc dân khác — sống Tân Cương. Trong số này có 96 diễn văn hay chỉ thị do chính Tập Cận Bình đọc. Các bài diễn văn này cho thấy Bắc Kinh đã ra lệnh theo dõi và bắt giam người theo Hồi giáo ở trong tỉnh phía Tây Trung cộng. 400 tài liệu này một lần nữa xác nhận ở Tân Cương đang có trùng trùng cái gọi là ‘trại tập trung cải tạo’. Những trại ‘cải tạo’ này thực chất là nhà tù và không khác gì hệ thống trại cải tạo giam giữ quân nhân và công chức Việt Nam Cộng Hoà từ khi Hà Nội chiếm được miền Nam Việt Nam. Quyền lực tối cao ở Bắc Kinh đã lập ra mạng lưới trại cải tạo ở Tân Cương vì sợ người theo Hồi giáo ở đây bắt liên lạc với người ‘anh em’ đồng đạo bên trong nước láng giềng Afghanistan mà ly khai khòi quyền lực của đảng Cộng sản. Vì vậy chính Tập Cận Bình đã ra lệnh đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương và gọi đây là ‘cuộc chiến nhân dân chống lại khủng bố, people’s war on terrorism’. Tập Cận Bình không ngại dùng đến những chữ rất dao búa khi ra lệnh cho đàn em ‘tiêu diệt lương tri của bọn đó, tước nhân phẩm khỏi chúng và giết bỏ không nương tay’.

    Hiển nhiên, Trung cộng, chối bai bãi mà rằng: ai xì tài liệu này cho báo chí Mỹ chính là tên phản động chuyên nghề phá hoại chương trình chống khủng bố đang trên đường thành công của Trung cộng. Trung cộng biệm minh mình không làm gì hơn là mang lại hoà bình cho Tân Cương. Sau khi tờ New York Times cho đăng tài liệu xì ra từ trung ương đảng Cộng sản Trung cộng thì bộ ngoại giao Úc ra thông cáo cho biết bà ngoại trưởng Marise Payne đã từng rất quan tâm đến những tường thuật cho rằng đang có nhiều trại cải tạo tập trung người Uighurs ở Tân Cương. Tài liệu đăng trên báo New York Times một lần nữa làm cho Úc thêm lo ngại. Thông cáo viết tiếp: bộ ngoại giao Úc đã từng liên tiếp kêu gọi Trung cộng ngưng giam giữ người Uighurs các sắc dân khác. Cuối cùng, bộ ngoại giao Úc cho biết: trong quá khứ đã nêu vấn đề này và trong tương lai sẹ tiếp tục làm như vậy khi có dịp gặp Trung cộng trong các hội nghị quốc tế.

    Thế là tình băng giá Úc-Hoa lại thêm một vết nứt.

    Hoà bình lạnh giữa Úc và Trung Cộng

    Úc và Trung cộng đã từng ở hai bên chiến tuyến chỉa súng nhau. Khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa vào năm 1949, Úc và phương Tây không công nhận. Mãi đến năm 1972, chính phủ Gough Whitlam mới chính thức bỏ Đài loan mà gởi đại sứ Úc sang Bắc Kinh. Từ xưa đến nay, bất kể nơi nào Trung cộng lăm le xuất cảng chủ nghĩa Cộng sản thì ở nơi đó Úc gởi quân nghênh chiến. Khi Mao gởi chí nguyện quân làm nghĩa vụ quốc tế giúp Bắc hàn xâm lấn Nam hàn, chính phủ Robert Menzies của Úc đã góp quân với đồng minh giúp miền Nam bán đảo Triều tiên. 339 quân nhân Úc đã tử thương trong cuộc chiến kéo dài ba năm (1950-1953). Khi Cộng sản nổi dậy ở Mã lai vào những năm 1950, Úc đã gởi quân đánh dẹp. Trong cuộc chiến kéo dài 13 năm (1950-1963) đã có 39 quân nhân Úc tử trận. Khi Cộng sản Bắc Việt vâng lời quan thày Liên xô và Trung cộng xâm lấn miền Nam Việt Nam, một lần nữa Úc góp quân với lực lượng đồng minh. Trong 10 năm tham chiến (1962-1972) đã có 521 quân nhân Úc tử trận tại Việt Nam. Hiện nay, Trung cộng lăm le chiếm gần hết Biển Đông, nhiều lần Úc lên tiếng đòi quyền tự do hàng hải băng qua vùng biển Trung cộng ngang nhiên tự nhận là của mình.

    Trải qua lịch sử, hai nước Úc và Trung cộng nhiều lần đụng độ nhau trên chiến trường cho đến khi tổng thống Mỹ Richard Nixon vẽ lại trật tự thế giới bằng cách ‘đá đít’ đồng minh Đài loan khỏi tổ chức Liên hiệp quốc và nhận ‘kẻ thù’ Bắc Kinh vào. Từ đó, Trung cộng trở thành người mua khoán sản và nông sản khổng lồ của nước Úc. Trước đây, người ta nói kinh tế Úc cưỡi trên lưng con trừu thì vài chục năm gần đây kinh tế nước Úc đã chuyển sang ‘cưỡi trên lưng Trung cộng’. Trung cộng càng phát triển thì Úc càng làm ăn ra. Ngày nay, cứ ba Mỹ Kim hàng hoá Úc xuất cảng thì có một Mỹ Kim chở qua Trung cộng. Trị giá hàng hoá hàng năm Úc bán cho Trung cộng lên đến $80 ngàn tỷ Mỹ Kim.

    Tuy nhiên, hai nước Úc và Trung cộng vẫn chỉ là ‘người bán kẻ mua’ mà chưa bao giờ ‘đồng sàng đồng mộng’. Hai bên sống với nhau trong trong tình thế được cựu thủ tướng Úc Tony Abbott gọi ‘hoà bình lạnh, cold peace’. Ông này chơi chữ thiệt hay khi đổi ‘chiến tranh lạnh, cold war’ thành ‘hoà bình lạnh’ để chỉ tình băng giá giữa Úc và Trung cộng.

    Thật vậy, tàu buôn chở hàng hoá qua lại giữa hai nước như mắc cữi nhưng hai bên ngấm ngầm tìm sơ hở của nhau để chỉ trích, can thiệp, và lũng đoạn. Nhiều lần Úc tố cáo Trung cộng lũng đoạn vào nội tình Úc khi theo dõi sinh viên và di dân Trung hoa sinh sống tại đây. Úc cho rằng Trung cộng tung gián điệp và ngay cả công an sang Úc để ‘săn cáo’ (tức là bắt quan tham bỏ trốn tại Úc). Úc khá vất vã khi ngăn chận Trung cộng dùng đồng tiền để hủ hoá người giữ chức vụ công quyền ở đây. Có những lúc Úc e ngại Trung cộng bẻ khoá hệ thống computer của quốc hội, trường đại học và nhiều công ty Úc … Và còn nhiều chuyện khác Trung cộng bị tố lũng đoạn tại Úc đã được mô tả chi li trong sách ‘The Silent Invasion: China’s influence in Australia’ của giáo sư Clide Hamilton.

    Ngược lại, xưa nay trong lòng người Úc dường như không sao bỏ được ý nghĩ một nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (Trung cộng) xem chừng đã thành hình không được hợp pháp cho lắm. Kế tiếp, cái xứ Trung hoa lục địa đỏ lòm này xem chừng đang đàn áp lẫn nhau vì ở đó làm gì có tự do, dân chủ, và pháp trị. Hai ý nghĩ nảy luôn luôn ám ảnh người Úc nên Úc luôn luôn chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ bên trong nước Trung cộng và dè dặt mỗi khi Trung cộng tìm cách gây ảnh hưởng trong vùng. Trung cộng muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực khi Mỹ rút khỏi châu Á và Thái Bình Dương. Nhưng Úc không muốn dành thêm cho Trung cộng một khoảnh ảnh hưởng nào cả — nói chi hòn đảo Senkaku ở biển Trung hoa hay gần hết Biển Đông giáp giới Việt Nam. Trước tình trạng này, cựu thủ tướng Úc Paul Keating mới đây cho rằng nước Úc phải ngưng cuống cuồng trước sự trỗi dậy của Trung cộng. Theo ông, Úc phải nhìn nhận Trung cộng tiếp tục giữ vị trí quyền lực nổi bật ở châu Á. Ông Paul Keating còn phê bình báo chí Úc a dua theo nhóm người chuyên lo an ninh cho nước Úc mà lúc nào cũng gieo rắc nỗi sợ Trung cộng. Ông này làm như Trung cộng này nay không còn Cộng sản nữa khi phê bình báo chí Úc cứ lấy những gì xấu xa của ‘Cộng sản’ rồi thay vào đó chữ ‘Trung cộng’. Mà thiệt, Trung cộng vẫn đỏ như xưa; vậy mà ở Việt Nam người ta không dám gọi nó là ‘Trung cộng’ nữa (thế vào đó là chữ ‘Trung quốc’ mất đi cái màu đỏ sắt máu).

    Vì hai nước Úc và Trung cộng quá khác biệt về chủng tộc, văn hoá, chế độ và tham vọng nên mới đây cựu thủ tướng Tony Abbott đưa ra lối thoát giúp cho kinh tế Úc thôi tuỳ thuộc và ‘người mua hàng khổng lồ’ Trung cộng nữa. Theo đó, Úc không nên để tất cả trứng vàng của mình trong một giỏ vỉ rủi có gì xảy ra cho chiếc giỏ thì … khốn. Tiếc rằng: cho đến nay Úc để quá nhiều trứng vàng của mình vào tay Bắc Kinh. Cựu thủ tướng Tony Abbott cho rằng ngay đến Hoa kỳ dưới triều Donald Trump cũng đang chấn chỉnh lại nhịp buôn bán với chỉ một nước. Một cách rất thẳng thừng, ông Tony Abbott nêu danh Ấn độ như quốc gia Úc cần làm ăn nhiều hơn. Theo đó, trong 50 năm sắp tới Ấn độ sẽ giàu mạnh lên và cũng không kém dân chủ. Về kinh tế, cái gì Trung cộng có thì Ấn độ cũng có — mà còn thêm nhiều cái Trung cộng không có về lịch sử, văn hoá và thể chế chính trị.

    Nếu Úc liên lạc và buôn bán mạnh hơn với Ấn độ thì hai nước chắc là không phải lâm vào tình trạng ‘hoà bình lạnh’ như hiện nay với Trung Cộng. Bởi lẽ Ấn độ có nhiều điểm chung với Úc: hai nước chung nhau nhiều chương sách lịch sử trong thời gian cùng sống dưới quyền cai trị của đế quốc Anh; hai nước có chung gia sản văn chương và cùng hâm mộ một môn thể thao (criket). Quan trọng hơn hết, hai nước cùng theo chế độ dân chủ đại nghị và sống dưới nền pháp trị. Với nhiều điểm chung như trên, Úc và Ấn độ dễ dàng giao hảo.

    Một khi Úc bắt tay nhiều hơn với Ấn độ thì kinh tế Úc không còn cưỡi trên một nước có quá nhiều khác biệt. Úc sẽ trở thành cầu nối giửa Ấn độ dương và Thái Bình Dương.

    Cổ Nhuế

    Không có nhận xét nào