Header Ads

  • Breaking News

    Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại tổ. Ảnh: HG

    “Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức”

    “Mọi người cứ phản ứng nhưng tôi thấy Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức bởi tập đoàn này đã có 43 năm làm, cung cấp sản phẩm đến 55 nước. Các tập đoàn nước ngoài không đơn thuần sản xuất, người ta có những trung tâm nghiên cứu”, Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh.

    Nguyễn Đức Chung

    Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại tổ. Ảnh: HG

    Theo tin đăng trên báo điện tử của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội đã phát biểu tại tổ thảo luận của HĐNDTP ngày 3.12.2019 rằng “Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức bởi tập đoàn này đã có 43 năm làm, cung cấp sản phẩm đến 55 nước. Các tập đoàn nước ngoài không đơn thuần sản xuất, người ta có những trung tâm nghiên cứu”.

    Những thông tin sau đây về "tập đoàn" đã cung cấp chế phẩm Redoxy-3C cho Hà Nội là hoàn toàn công khai và bất kì ai cũng dễ dàng truy cập trên mạng.

    Đó là Công ti Trách nhiệm Hữu hạn Watch Water (Watch Water GmbH, www.watchwater.de), sau đây viết tắt là WWG. Trụ sở tại Fahrlachstr. 14, 68165 Mannheim. Vốn điều lệ là 51.200 Euro (khoảng 1,3 tỉ VND). WWG chính thức hoạt động dưới tên này từ ngày 29.08.2014.

    Chủ sở hữu WWG là ông Deepak Chopra, sống ở Mannheim, gốc Ấn Độ. Trước đó ông là giám đốc điều hành công ti Clean Water Group GmbH cũng ở Mannheim, cũng kinh doanh mặt hàng tương tự. Năm 2012, công ti này tuyên bố phá sản và ngày 14.07.2014 bị xóa sổ. Ở công ti mới, WWG, ông là giám đốc điều hành một thời gian ngắn, nay là đại diện pháp lý của công ti.

    Giám đốc điều hành từ đầu năm 2015 đến nay là ông Rouven Chopra, tốt nghiệp cử nhân ngành kinh doanh quốc tế và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại London. Ông cũng gốc Ấn Độ và cùng họ với chủ sở hữu.

    Giám đốc sản phẩm từ 2016 là ông Milan Sanghani, cũng gốc Ấn Độ, tốt nghiệp cử nhân điện tử và viễn thông tại Gujarat năm 2012, tốt nghiệp thạc sĩ kĩ thuật tin học tại Mannheim năm 2015.

    Một giám đốc sản phẩm nữa từ 2016 là ông Danny Ly, gốc Việt, học khoa học máy tính tại California, 2015-2018 học quản trị kinh doanh quốc tế.

    Giám đốc công nghệ thông tin là ông Umer Habib, gốc Pakistan, 2007-2012 tốt nghiệp cử nhân công nghệ tin học tại Rawalpindi, 2012-2016 làm việc tại Islamabad, 2016-2019 học công nghệ thông tin kinh doanh Mannheim.

    Ngoài các vị trí lãnh đạo chủ yếu là các sinh viên mới tốt nghiệp hoặc ngành quản trị kinh doanh hoặc công nghệ tin học này, WWG còn 4 nhân viên khác, tổng cộng nhân sự là 9 người. Công ti có đại diện tại Mexiko, Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Với quy mô như vậy, WWG là một doanh nghiệp nhỏ, không thể gọi là một "tập đoàn", không có một lịch sử 43 năm, cũng không có một trung tâm nghiên cứu khoa học. Nó đơn thuần là một công ti có trụ sở ở Đức, bán buôn hóa chất, thiết bị và cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc xử lí nước bẩn, đúng như trong đăng kí kinh doanh. Ngoài Hà Nội, WWG cũng bán chế phẩm Redoxy-3C cho Ghana. Về bản thân Redoxy-3C, hầu như không có thông tin nào khác ngoài những thông tin ít ỏi do chính WWG cung cấp trên trang nhà của mình.

    https://www.facebook.com/procontra.asia/posts/10220557827512460


    “Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức”

    Cập nhật: 03/12/2019

    (Thanh tra)- “Mọi người cứ phản ứng nhưng tôi thấy Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức”, Chủ tịch TP Hà Nội nói và thông tin, tới đây sẽ công bố kết luận thanh tra về sử dụng chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ.

    Chiều ngày 3/12, đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.

    Từ năm 2013 đến nay giá nước “ổn định”

    Tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, công tác tuyên truyền của các sở, ngành, quận, huyện và của TP “đang có vấn đề”.

    “Có tâm lý chung là các đơn vị không cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, ngại tiếp xúc, nên cuối cùng thông tin bị sai lệch”, ông Chung nói.

    Theo ông, một số vụ việc điển hình là vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, vụ Nhà máy Nước mặt sông Đuống không đến mức “nóng” như thế nếu như truyền thông tốt.

    Người đứng đầu UBND TP cho biết, trong các cuộc giao ban ông đều quán triệt thủ trưởng các đơn vị, người phát ngôn của TP phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

    “Việc xấu, kể cả việc chưa làm được thì cũng phải chủ động cung cấp cho phóng viên báo chí kịp thời. Trước mắt là có thông tin kịp thời để phản ánh đúng. Thứ hai là phải chủ động tiếp cận để thông tin chứ không phải bị động”, ông Chung nêu rõ.

    Đề cập đến vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, theo tinh thần nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2020 phấn đấu 100% người dân ở đô thị và 50% người dân ở nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

    Vì vậy, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ này, bên cạnh đề xuất giao một cơ quan quản lý nước là Sở Xây dựng, TP cũng công khai xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị tư nhân vào đầu tư hệ thống cung cấp nước.

    Theo ông Chung, đến nay đã có 23 nhà đầu tư vào đầu tư 38 dự án; 75% người dân ở nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị.

    “Ngoài sự cố nước sông Đà không nói, duy nhất năm nay, các khu đô thị, chung cư không có tình trạng cắt nước nơi này để cấp nước nơi kia. Chúng ta có đủ nước để cấp cho người dân”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

    Còn về giá nước, ông Chung nhấn mạnh, từ năm 2013 đến nay là “ổn định, không có tăng giá gì cả”.

    Sẽ công bố kết luận thanh tra về chế phẩm Redoxy-3C

    Liên quan đến vấn đề xử lý dòng sông, ao hồ, theo ông Chung, TP đang kêu gọi và có rất nhiều đơn vị tham gia, trong đó có công ty môi trường của Nhật Bản.

    Ông Chung cho hay, công ty này được thử nghiệm làm sạch một góc hồ Tây và sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Trong quá trình đó, ông đề nghị, phải mời hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá nghiêm túc.

    “Chúng ta đang có các nhóm nhà khoa học khác ở trong nước và quốc tế thực hiện thí điểm ở môi trường thực và cả trong môi trường phòng thí nghiệm. Tôi sẽ sớm công bố chương trình này”, Chủ tịch Hà Nội nói và cho rằng, từ môi trường thực mới biết nước thải ở các hồ của Hà Nội có những chất gì mới, xác định được dùng chất gì để tạo ra phản ứng dây chuyền làm sạch.

    Theo báo cáo, trên địa bàn TP hiện có 88/122 hồ, người dân hoàn toàn thấy hết mùi. Ông Chung nhận định, đây là việc từ trước đến nay không làm được.

    “Mọi người cứ phản ứng nhưng tôi thấy Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức bởi tập đoàn này đã có 43 năm làm, cung cấp sản phẩm đến 55 nước. Các tập đoàn nước ngoài không đơn thuần sản xuất, người ta có những trung tâm nghiên cứu”, Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh.

    Ông Chung cho hay, sản phẩm Redoxy-3C là do Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thế Hùng đi triển lãm gặp và đưa về. TP cũng cử chuyên gia sang trung tâm nghiên cứu của tập đoàn này để nghe báo cáo.

    “Họ cũng sang tận đây lấy mẫu nước của chúng ta về phân tích và đưa ra giải pháp. Khi chúng ta làm thấy hiệu quả”, ông Chung nói và thông tin, tới đây sẽ công bố kết luận thanh tra về chế phẩm Redoxy-3C.

    Tuy nhiên, theo ông Chung, có lẽ là từ trước tới nay, chẳng có công nghệ nào xử lý làm sạch dòng sông, ao hồ mà chưa đến 6.000 đồng/m3 và duy trì chỉ hơn 2.000 đồng/m3.

    “Chúng ta đang mất 84.000 đồng để xử lý một m3 nước rỉ rác và khoảng mấy nghìn đồng để xử lý một m3 nước thải ở Nhà máy nước Yên Sở. Tới đây Nhà máy nước Yên Xá cũng phải hơn 30.000 đồng”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra so sánh.

    Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, TP sẽ cố gắng hợp tác với các nhà khoa học ở các nước để đưa ra các giải pháp tốt nhất để xử lý được mùi, xử lý được ô nhiễm nhưng phải bền vững chứ không phải là năm một.

    Hương Giang
    (thanhtra.com.vn)

    Không có nhận xét nào