Header Ads

  • Breaking News

    Carl Thayer: TQ sẽ tiếp tục gây sức ép lên VN trong hoạt động khai thác dầu khí năm 2020

    Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam nếu công ty Rosneft nối lại hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông trong năm 2020, theo nhận định của một chuyên gia quốc tế về tình hình khu vực, đưa ra nhân dịp cuối năm 2019.

    Hình chụp hôm 1/6/2014 từ tàu Cảnh sát biển Việt Nam cho thấy tàu hải cảnh của Trung Quốc dang đuổi tàu Việt Nam gần giàn khoan dầu HD 981 ở Biển Đông
    Trong bài phân tích hôm 16/12, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định:

    “Năm 2020 sẽ rất quan trọng. Nếu (công ty) Rosneft Vietnam nối lại hoạt động khai thác tại lô dầu khí của công ty thì (công ty) sẽ có nguy cơ bị các tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu”.

    Theo giáo sư Carl Thayer: “Trong năm 2020, chúng ta sẽ có khả năng thấy sự tiếp tục của những nỗ lực từ phía Trung Quốc để gây sức ép lên các quốc gia ven Biển Đông để ngưng hoặc chấm dứt các hoạt động của các tàu khai thác dầu của nước ngoài”.

    Từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước Malaysia và Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí ở hai nước.

    Từ giữa tháng 6, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh vào vùng thềm lục địa Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động hậu cần phục vụ giàn khoan dầu ở lô 06 - 01 thuộc công ty liên doanh giữa Nga và Việt Nam là Rosneft Vietnam. Theo báo cáo của Minh Bạch Hàng Hải (một trang chuyên theo dõi về an ninh biển), tàu hải cảnh của Trung Quốc đã có lúc đi rất sát, gây nguy hiểm cho tàu hậu cần phục vụ giàn khoan dầu của Việt Nam.

    Từ khoảng đầu tháng 7, Trung Quốc cũng điều hàng chục tàu bao gồm hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực phía bắc Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tàu khảo sát Hải Dương đã có lúc chỉ còn cách bờ biển Phát Thiết ở miền trung của Việt Nam khoảng 185 km, tức là trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, căn cứ theo luật quốc tế.

    Hôm 24/10, Trung Quốc tuyên bố rút tàu thăm dò Hải Dương 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi có thông tin giàn khoan Hakuryu 5 phục vụ lô 06 - 01 đã được rút đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

    Theo Giáo sư Carl Thayer, trong năm 2020: “Các tàu khảo sát của Trung Quốc sẽ không xin phép khi vào vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Điều này cho thấy là Trung Quốc đòi quyền đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất cứ khi nào Trung Quốc muốn”.

    Vào khi quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh căng thẳng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ vùng nước ở Bãi Tư Chính. Trung Quốc coi vùng nước này thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mà nước này đòi chủ quyền toàn bộ.

    “Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan'an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC), và các điều khoản liên quan trong UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc). Việt Nam nên ngay lập tức dừng các hoạt động vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh tại vùng nước liên quan”, ông Cảnh Sảng phát biểu trước các phóng viên ở Bắc Kinh hôm 18/9.

    Giáo sư Carl Thayer, trong bài viết của mình hôm 16/9 cũng nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục huy động sự có mặt thường xuyên của các tàu chiến, hải cảnh, dân binh và tàu cá ở khu vực Biển Đông.

    “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những tuần tra khẳng định chủ quyền tại những vùng nước mà đường đứt khúc 9 đoạn đi qua chồng lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển”, giáo sư Carl Thayer viết.

    Đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc đòi chủ quyền đến khoảng 90% diện tích khu vực Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo đang tranh chấp với các nước là Hoàng Sa và Trường Sa. Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague, trong một phán quyết vào năm 2016, đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.

    Không những thế, Giáo sư Carl Thayer cũng nhận định, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục “quân sự hóa các đảo nhân tạo theo từng bước một, tiến hành những cải tiến về chất lượng đối với các hệ thống vũ khí (trên các đảo)”.

    Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn. - Chuyên gia Greg Poling

    Từ khoảng cuối năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các đảo này, bất chấp phản đối của quốc tế.

    Theo đánh giá của chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI), việc xây lấp các đảo nhân tạo đã giúp Trung Quốc gây sức ép lên các nước khác và duy trì sự hiện diện của các tàu nước này tại các vùng biển xa.

    “Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn. Họ có thể liên tục gây sách nhiễu theo cách mà họ đã không thể làm được vào năm 2015.”

    Trong năm 2020, Trung Quốc được cho là cũng sẽ thúc đẩy việc hoàn tất các vòng tham vấn về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bắc Kinh trước đó đã đưa ra một khung thời gian để hoàn thành các vòng tham vấn này vào năm 2021.

    Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, việc Bắc Kinh hối thúc các nước ASEAN hoàn tất các vòng tham vấn COC là khiến “các nước ASEAN sẽ có ít thời gian để mặc cả với Trung Quốc về các vấn đề còn tranh cãi như phạm vi địa lý, liệu COC có tính ràng buộc về pháp lý hay không, các tranh chấp sẽ được giải quyết thế nào, và việc giải quyết các tranh chấp sẽ được thực hiện ra sao, và vai trò của các bên thứ ba”.

    Trong đề nghị về COC, Bắc Kinh cũng muốn loại bỏ việc tham gia khai thác dầu khí của các công ty ngoài khu vực tại Biển Đông.

    Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Đây được cho là cơ hội nhưng cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Năm 2010, khi là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Hà Nội đã thành công trong việc khiến Mỹ lên tiếng khẳng định quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông ngay tại diễn đàn ASEAN. Lần này, theo Giáo sư Carl Thayer, Hà Nội có cơ hội tham vấn với các thành viên ASEAN, định hình nghị trình và kết quả các cuộc gặp của ASEAN và đưa ra tuyên bố của quốc gia chủ tịch. Mặc dù vậy thách thức cho Việt Nam là nguyên tắc đồng thuận của ASEAN trong mọi vấn đề. Đây cũng cũng chính là nguyên tắc khiến ASEAN có lúc đã không thể đưa ra được các tuyên bố chung, nhất là khi nói đến các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.

    (RFA)

    Không có nhận xét nào