Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền
thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đang phải hầu tòa với cáo buộc
nhận hối lộ 3,2 triệu đô la Mỹ (USD) trong Mobifone mua 95% cổ phần
AVG.
Để
đảm đương vai trò lãnh đạo ngành thông tin- truyền thông, cả hai ông
Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều phải trải qua một quá trình phấn
đấu trong đảng, chứng minh ‘bản lĩnh và đạo đức cách mạng’ Cộng sản.
Thế
nhưng sao họ lại bị ‘ngã ngựa’? Và ngay trong ngày đầu của phiên xử,
một số bị cáo cho rằng việc họ làm là theo lệnh của cấp trên.
‘Biện bạch’ của ông cựu bộ trưởng
Trong
phiên tòa ngày 16/12, ông Trương Minh Tuấn thừa nhận với cương vị là
Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT), ông đã ký 5 trong tổng số
53 văn bản của Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; đồng thời khai
báo rằng ông được ông Nguyễn Bắc Son, thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ TT-TT
có bút phê yêu cầu ký, trong đó có Quyết định 236.
Quyết
định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ
truyền hình của Mobifone được xác định là vi phạm quy định điều 31 Luật
số 67/2014/QH13. Bị cáo Trương Minh Tuấn nói trước tòa rằng bản thân
nhận thức ký Quyết định 236 là sai vì chưa có sự phê duyệt chủ trương
đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến hậu quả là “vi phạm quy định về
quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vào
tối ngày 16/12, Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải lên tiếng với RFA rằng ông
cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ là ngụy biện qua lời khai tại tòa:
“Về
mặt công vụ, ông Trương Minh Tuấn không thể thấy sai mà ký bừa được. Về
mặt nguyên tắc luật pháp như thế. Lẽ ra cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
thấy sai thì không ký và phản đối ông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Bản thân
một người công chức thấy sai là không làm. Nhưng nếu ông Tuấn bảo trước
tòa rằng Bộ trưởng Son nói ký nên ký thì chẳng qua là cách nói ngụy
biện thôi.”
Giáo
sư Nguyễn Đình Cống cho RFA biết qua theo dõi phiên tòa diễn ra trong
ngày 16/12, ông khẳng định rằng cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đồng
tình, ủng hộ cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong thương vụ Mobifone mua
AVG nên mới ký. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh:
“Nếu như ông Tuấn là một người trung thực, là một người tử tế thì phải chống lại chuyện ấy chứ. Thành ra họ là một giuộc cả.”
Bị
cáo Trương Minh Tuấn bào chữa cho tội thứ hai bị cáo buộc đã nhận hối
lộ số tiền 200 ngàn USD (tương đương 4,45 tỷ đồng) từ bị cáo Phạm Nhật
Vũ, cựu Chủ tịch AVG rằng ông nghĩ số tiền đó là “quà mừng” khi ông nhận
chức Bộ trưởng Bộ TT-TT vào dịp Tết năm 2016.
Sức mạnh đồng tiền!
Blogger
Đỗ Ngà, người có nhiều bài viết về tình hình chính trị-xã hội Việt Nam
và cũng theo dõi sát sao vụ án liên quan thương vụ Mobifone mua AVG, nêu
lên nhận định của ông với RFA rằng qua vụ án liên quan hai ông cựu Bộ
trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ lên đến
3,2 triệu USD cho thấy:
“Sức
mạnh đồng tiền chiếm toàn bộ lý tưởng của người Cộng sản Việt Nam hiện
nay. Nói cho cùng thì cũng toàn là những cách làm việc, những cách mà họ
kiếm tiền từ ngân sách nhà nước mà thôi. Hiện nay phải nói rằng lý
tưởng của người Cộng sản không có gì ngoài đồng tiền. Đồng tiền giúp cho
họ giàu có, đồng tiền giúp cho họ đưa con đi học nước ngoài và đồng
tiền giúp cho họ nhiều việc khác…”
Nhà
báo Chu Vĩnh Hải cũng đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng mô hình
“kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam gây
nên hậu quả là “tư bản thân hữu, nhóm lợi ích mà một trong những biểu
hiện là dùng tiền của nhân dân, đất nước để mua đắt tài sản bèo bọt của
tư nhân. Vụ Mobifone mua AVG mà hai cựu bộ trưởng ra tòa ngày hôm nay là
minh chứng rõ ràng nhất”.
Nhà
quan sát tình hình Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Cống lý giải rằng các
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), bao gồm cả hai ông cựu Bộ
trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là hệ quả của Đảng Cộng sản
Việt Nam càng ngày càng thoái hóa do bởi chủ trương toàn trị của Đảng và
gây ra tình trạng mang lại quyền lợi cho người đảng viên. Giáo sư
Nguyễn Đình Cống nói:
“Ngay
từ lâu đảng viên Đảng CSVN đã phạm phải tham nhũng quyền lực rồi sau
này khi vật chất tăng lên thì người ta tham nhũng cả quyền lực, cả tiền
tài. Và vì đảng viên tham nhũng có điều kiện như thế thành thử ra những
bọn cơ hội chủ nghĩa, những bọn đểu cáng ở bên ngoài tìm cách để chui
vào Đảng CSVN. Khi chui được vào Đảng thì bọn họ tìm cách leo cao và
chiếm được nhiều quyền. Bọn người đấy chẳng phải tài giỏi gì cả. Bọn họ
chỉ là bọn cơ hội có nhiều mưu ma chước quỷ và đến khi leo lên được chức
bộ trưởng, thứ trưởng như ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn thì
tha hồ tham nhũng thôi.”
Tham nhũng mà lại rao giảng đạo đức: Vì sao?
Mặc
dù bị cáo Trương Minh Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền 200 ngàn USD
không đáng kể so với số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Nguyễn Bắc Son bị
cáo buộc nhận hối lộ qua thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy
nhiên ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt nhắc tên
vì ông là tác giả của quyển sách chuyên khảo có tựa đề “Phòng, chống
‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện
nay”.
Chúng
tôi trích dẫn một ý kiến điển hình của thính giả Nguyễn Quốc Chính chia
sẻ trên trang Facebook RFA Việt ngữ rằng “Cuốn sách và ông Trương Minh
Tuấn làm lộ ra bằng chứng về sự gian xảo chính trị của CSVN. Vấn đề ở
đây là ‘cái máy hệ thống Cộng sản’ đã sản xuất ra 100% sản phẩm đạo đức
giả với hành vi tham nhũng từ cấp xã, phường đến đỉnh chóp của hệ thống
Cộng sản cầm quyền.”
Trước
sự chỉ trích của công luận về “tư tưởng và việc làm” của ông cựu Bộ
trưởng Trương Minh Tuấn, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng:
“Đấy
là một cái bệnh cố hữu của Cộng sản, là dối trá. Đạo đức, tính cách
chẳng ra gì nhưng lại muốn ra vẻ ta đây là đạo đức, là cách mạng, là
giỏi giang rồi giảng dạy cho mọi người. Thành ra quyển sách của ông
Trương Minh Tuấn đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân, đặc biệt
trong giới có hiểu biết nhận thấy rằng ông Tuấn là người đại diện rõ
ràng nhất cho sự tha hóa, cho sự đểu cáng, cho sự dối trá của các quan
chức Cộng sản.”
Nhà báo Chu Vĩnh Hải lại cho rằng việc rao giảng đạo đức như thế còn mang về thêm lợi ích cho chính những người rao giảng:
“Càng
có chức có quyền thì họ càng rao giảng về mặt đạo đức, tức là họ ra
giảng để càng nâng cao vị thế của mình và để họ mị dân thế thôi. Họ càng
coi như dạy dỗ nhân dân thì biết rằng việc rao giảng đó càng đưa lại
cho họ quyền lợi và các mục đích khác. Ai cũng rao giảng hết, chứ không
phải mỗi ông Trương Minh Tuấn. Đó là đặc điểm của chế độ độc tài toàn
trị.”
Đài
RFA ghi nhận trong năm 2019, hàng trăm đảng viên Đảng CSVN bị kỷ luật
do liên quan đến tham nhũng, trong đó có đến 70 cán bộ, đảng viên thuộc
diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự tính đến cuối tháng
7. Mới đây nhất, Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, thành phố kinh
tế-tài chính lớn nhất Việt Nam công bố tội phạm về tham nhũng và lợi
dụng chức vụ ở thành phố này tăng 240% về số vụ và tăng 250% về số bị
can.
Với
những số liệu vừa nêu, các nhà quan sát tình hình Việt Nam như Giáo sư
Nguyễn Đình Cống, Nhà báo Chu Vĩnh Hải hay Blogger Đỗ Ngà đều cho là “bề
nổi của tảng băng” vì mục đích cuối cùng của người Cộng sản Việt Nam
chỉ nhắm vào “tư lợi và tiền”.
(RFA)
Không có nhận xét nào