Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập

    Để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi luật lao động, cho phép thành lập các công đoàn độc lập ở cấp cơ sở.

    Một xưởng may ở Hải Dương, Việt Nam.
    Bộ luật Lao động sửa đổi đã được các đại biểu Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 20/11/2019 và đã được đại sứ quán Mỹ ca ngợi là một “đạo luật lịch sử”, vì đây là một bước quan trọng “đưa hệ thống pháp luật của Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế”.

    Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2021, cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn duy nhất hiện nay. Đây được coi là một thay đổi quan trọng nhất trong luật lao động mới. Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam, Chang Hee Lee, nhắc lại tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Đối với ông Chang Hee Lee, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là « một tiến bộ quan trọng » do những sửa đổi trong luật « sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng. »

    Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, bộ Lao Động Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng việc cho phép thành lập công đoàn độc lập chính là nhằm « bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế ».

    Trên thực tế, Hà Nội không thể làm khác hơn, vì đó là yêu cầu của các hiệp định tự do mậu dịch mà Việt Nam đã ký kết, như hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Trong các cuộc đàm phán về các hiệp định đó, các vấn đề về lao động vẫn là những hồ sơ gay go nhất đối với Việt Nam.

    Sau nhiều năm đàm phán, Liên Hiệp Châu Âu đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào tháng 6/2019, nhưng hiệp định này còn phải chờ sự phê chuẩn của các nghị sĩ châu Âu, vốn rất quan tâm đến vấn đề quyền lợi của người lao động và nhân quyền nói chung.

    Ngoài việc cho phép lập công đoàn độc lập ở cấp cơ sở, Bộ luật Lao động sửa đổi còn cải thiện quyền thương lượng tập thể của người lao động, tăng cường bảo vệ người lao động chống phân biệt đối xử trong công việc và bảo vệ người lao động vị thành niên.

    Theo tổ chức ILO, cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là bốn nguyên tắc được đặt ra trong tám Công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998. Việt Nam đã phê chuẩn 6 trên 8 công ước này, hai công ước còn lại là Công ước số 105 về lao động cưỡng bức và Công ước số 87 về tự do hiệp hội dự kiến sẽ được phê chuẩn lần lượt vào năm 2020 và 2023.

    Bộ luật Lao động sửa đổi đã được thông qua, nhưng còn phải chờ xem luật sẽ được áp dụng trên thực tế như thế nào. Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11/2019, đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của « việc củng cố những cải cách trong Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công. »

    Giám đốc ILO Việt Nam lưu ý là quyền tự do hiệp hội trong Bộ Luật Lao động sửa đổi hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây « để song hành với những nỗ lực của chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023 ». Tuy nhiên, theo ông, vấn đề cần chú trọng trước mắt là việc giải thích các điều khoản mới thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai những điều khoản mới đó.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào