Header Ads

  • Breaking News

    Từ 39 nạn nhân người Việt chết thảm trong xe tải tại Anh và trách nhiệm của nhà cầm quyền

    Ngày 1 tháng 11 năm 2019, cảnh sát Anh tại hạt Essex thông báo:
    Từ 39 nạn nhân người Việt chết thảm trong xe tải tại Anh và trách nhiệm của nhà cầm quyền

    (Lược dịch) “Vào lúc này, chúng tôi tin rằng những nạn nhân là gốc Việt Nam, chúng tôi đã liên lạc với chính quyền Việt Nam. Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp với nhiều gia đình tại Việt Nam và Anh Quốc, và chúng tôi tin rằng chúng tôi đã nhận dạng được gia đình của một số nạn nhân mà cuộc hành trình đã kết thúc bằng thảm cảnh tại bờ biển của nước chúng tôi”.

    “At this time, we believe the victims are Vietnamese nationals, and we are in contact with the Vietnamese Government. We are in direct contact with a number of families in Vietnam and the UK, and we believe we have identified families for some of the victims whose journey ended in tragedy on our shores.”

    Chúng tôi xin nhắc lại là vào ngày 23/10/2019, cảnh sát hạt Essex, miền đông nam nước Anh cho biết đã nhận được thông báo về 39 xác chết tìm thấy trong một thùng hàng xe vận tải tại Waterglade Park trên đường Eastern Ave, thành phố Grays, di chuyển từ Bulgary đến Anh Quốc. Cuộc hành trình đầy cam go đã trải qua 6000 dặm từ Việt Nam, đến Trung Quốc, Nga, cá nước Âu Châu và cuối cùng là Vương Quốc Anh.

    Sau đây là một đoạn mô tả của tờ New York Time ngày 2/11/2019 về cuộc hành trình đầy bi thảm như sau, chúng tôi xin trích đăng:

    LONDON - Những kẻ buôn lậu người Việt Nam gọi đó là tuyến CO2: một chuyến đi kém thoáng khí, thiếu dưỡng khí xuyên qua Kênh Anh Quốc trong các thùng chứa hàng (container) hoặc xe kéo chồng chất với các kiện hàng hóa, là chặng cuối của chuyến đi dài 6.000 dặm đầy nguy hiểm xuyên khắp châu Á và Tây Âu.

    So với các tuyến đường khác - tuyến này được gọi VIP, với cư gụ ngắn ngủi tại khách sạn và ngồi trong phòng lái tài xế xe tải - chuyến đi trong một chiếc container chật chội có thể là tàn bạo đối với những gì người Việt gọi là “người hộp” (Box people), tiếp nối những người đi trước được gọi là “thuyền nhân” (boat people) rời khỏi Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 (để đi tỵ nạn).

    Người di cư Việt Nam thường đợi hàng tháng trời trong các trạm bên đường ở miền bắc nước Pháp trước khi lẻn lên các xe tải. “Đầu rắn”, là người cầm đầu buôn lậu, đánh đập đàn ông và tấn công tình dục các phụ nữ,” các nhóm trợ giúp, luật sư và chính những người di cư kể lại như vậy. Người ta cuộn mình trong túi bằng nhôm và chịu đựng hàng giờ trong các thùng làm lạnh để giảm nguy cơ bị phát hiện.

    Hành trình đó đã gây ra tử vong cho 39 người vào tuần trước, được phát hiện đã chết trong một container xe tải đông lạnh ở hạt Essex, đông nam nước Anh. Cảnh sát Essex cho biết hôm thứ Sáu (1/11/19) rằng đó là người Việt Nam.

    Đó thường là sự nguy hiểm của chặng cuối của hành trình di cư đến Anh, là giờ phút kinh hoàng trong trailer này đôi khi chỉ là một thời gian nhỏ của một tháng nếu không phải là những năm bị đối xử khắc nghiệt - đầu tiên là dưới tay của các băng đảng buôn người có tổ chức, và sau đó là dưới quyền của các ông trùm tiệm nail và cơ sở trồng cần sa ở nước Anh.

    Nhưng họ vẫn đến, ước tính khoảng 18.000 người Việt Nam trả tiền cho những kẻ buôn lậu cho cuộc hành trình đến châu Âu hàng năm với mức giá từ 8.000 đến 40.000 bảng Anh, khoảng 10.000 đến 50.000 USD.

    Đó là bài báo của New York Time

    Sau đó, nhà chức tránh Anh đã thực hiện nhanh chóng xác nhận nguồn gốc các nạn nhân và điều tra việc đưa người nhập lậu bất hợp pháp gây ra thảm họa này tạo rung động lớn dư luận tại Âu Châu và Việt Nam.

    Như vậy, sau 10 ngày, cảnh sát đã tìm ra nguồn gốc các nạn nhân là từ Việt Nam, hầu hết từ hai tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi từng bị ô nhiễm môi trường tàn phá trầm trọng do công ty Formosa gây ra, khiến cho nền kinh tế địa phương bị khủng hoảng nghiêm trọng. Người dân đã không được đền bù xứng đáng.

    Chúng tôi thành thật chia buồn cùng các gia đình nạn nhân, bà con và hàng xóm.

    Trước cái chết đầy đau đớn này, tất cả mọi người, kể cả những ai không phải người Việt Nam đều cảm thấy thương tâm, nhưng mọi người cũng đặt ra câu hỏi liên quan đến nguyên nhân của những cái chết đầy đau đớn của người trẻ Việt Nam đang ở tuổi đầy sinh lực, và vấn đề quy trách nhiệm thuộc về ai?

    Việc di dân là hiện tượng xảy ra trong thế giới khi có những biến động tại các vùng, các quốc gia và lãnh thổ trong một nước. Nhân đây chúng tôi xin đề cập sơ qua đến những cuộc di dân đáng chú ý trên thế giới gần đây (theo Britannica encyclopedia) và tại Việt Nam.

    Cuộc di dân của người Âu Châu đến lục địa Mỹ Châu đợt 1 từ 1840 và đợt 2 từ 1880 tổng cộng khoảng 37 triệu người.

    Cuộc di dân từ Âu Châu sang Nga (Siberia) có khoảng 7.5 triệu người từ năm 1841 đến 1914

    Sau thế chiến thứ hai:

    Có 13 triệu người đến Tây Âu

    Có 10 triệu người đến Bắc Mỹ

    Tại Việt Nam, có những đợt di dân lớn như sau:

    Năm 1954: khoảng 2 triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam khi đất nước bị chia đôi. Miền Bắc theo cộng sản, miền Nam theo cộng hòa.

    Năm 1975 và sau đó: khoảng gần 2 triệu người đã ra đi để tránh nạn cộng sản, gần 800 ngàn người đã thiệt mạng trên biển cả và đường bộ (theo Ủy Hội Quốc Tế Tỵ Nạn LHQ).

    Hầu hết các cuộc được gọi là di cư, hay tị nạn, đều có một hay nhiều lý do khác nhau được kể sơ lược như sau:

    Tìm cuộc sống khá hơn về kinh tế, chính trị.

    Tránh thảm họa về chiến tranh, khí hâu, môi trường, nạn đói..

    Tránh các chế độ độc tài, áp chế, mất tự do...

    Tránh những vùng thiếu cơ hội tiến thân, nơi mà mọi cơ hội đều tập trung vào nhóm nhà cầm quyền hay các nhóm lợi ích, dân thường không còn hy vọng đi lên..

    Các cuộc di dân đều có thể là tự nguyện, cưỡng bức, hợp pháp hay bất hợp pháp (được gọi là di dân lậu), do tự tìm đường đi, hoặc do những tổ chức đưa đi chính thức hay bất hợp pháp, với mục đích lợi nhuận từ lao động khổ sai, khai thác tình dục, buôn bán trẻ em v.v…

    Trở lại cuộc hành trình đầy thảm họa gây ra cái chết của 39 người Việt Nam trẻ tuổi, đã có nhiều ý kiến, thảo luận được trình bày trên các trang mạng xã hội, các hãng thông tấn quốc tế. Chúng tôi xin được tóm lược lại cộng thêm nhận định của chúng tôi, những người đã từng ra đi sau năm 1975 với đầy nước mắt và đắng cay, may mắn được sống sót và định cư tại một nước tự do trên thế giới.

    Lý do của những người có mặt trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm và thảm họa này có thể được liệt kê sau đây:

    Tìm cuộc sống khá hơn nơi xứ người, đặc biệt là ở những nước đã phát triển như Anh quốc, nơi có những bạn bè, thân nhân từng qua đó và thành công.

    Tìm cơ hội thăng tiến cho chính bản thân mình, sau đó giúp gia đình mình. Có thể họ đã không thể nắm bắt cơ hội nơi mà tài năng không được xem trọng ở nơi quê nhà bằng lý lịch chính trị (gia đình cách mạng, đảng viên, con cái, người thân với đảng…)

    Những người trẻ không thích sống trong môi trường không được tự do, bản thân họ hoặc gia đình thường bị chèn ép, hăm họa, không có con đường nào khác để tiến.

    Tham nhũng trong xã hội cũng là yếu tố khiến những người trẻ không cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi phải đối mặt. Các nguồn lợi quốc gia hầu hết tập trung vào tay các giới có có chức, có quyền, có thế, người dân được xem như thứ dân đứng ngoài lề xã hội, ở vào cảnh trên đe dưới búa.

    Các cơ quan “xuất khẩu lao động” đã không làm tròn trách nhiệm, đã có những khuất tất, người đi “xuất khẩu lao động” cũng bị tham nhũng bòn rút và các công ty thuê mướn công nhân cũng bóc lột, hành hạ, người công nhân không được bảo vệ, tiền kiếm được không là bao nhiêu, khiến người trẻ không muốn tìm cơ hội bằng con đường này.

    Nhà cầm quyền đã không tích cực trong công tác chống xuất cảnh lậu, chống di dân lậu do những đường dây buôn người tại địa phương, quốc gia và quốc tế.

    Những người trẻ sắp ra đi không hiểu rõ những nguy hiểm đang chờ đợi, hoặc biết mơ hồ nhưng liều mạng thử thời vận. Nhắc lại các vụ vượt biên sau năm 1975 khiến nửa triệu người chết trên biển cả, có rất nhiều tàu chở người tị nạn bị chìm và mất tích nhưng không ai trông thấy như thảm cảnh ngày 23/10/2019 vừa qua. Người ta biết chết, những vẫn ra đi.

    Có những đường dây quốc tế đưa người di dân bất hợp pháp:

    Tại Việt Nam (địa phương và trung ương).

    Tại Trung Cộng, Nga…

    Tại các nước Âu Châu, Mỹ châu


    Đa số các tổ chức đường dây buôn lậu đều tham lam, thất nhân tâm, thường hứa hẹn những khung cảnh đầy màu hồng, bất chấp sự an nguy và sự bóc lột của những nơi đến, khiến cho người di dân lậu lâm vào đường cùng, bị bọn buôn người khống chế mà không dám than phiền vì sợ bị trục xuất về Việt Nam hay bị bỏ tù. Người di dân lậu không biết trước những khó khăn trở ngại này.

    Những người trẻ, bạn bè và gia đình dựa vào những trường hợp di dân lậu thành công được quảng bá rộng rãi, nhưng cũng có một số trường hợp thất bại nhưng không được phổ biến đầy đủ.

    Vì thế, những người trẻ Việt Nam đã tìm cách ra đi bất cứ giá nào, bằng cách di dân bất hợp pháp, mặc cho số phận đến đâu thì đến, chỉ hy vọng một cuộc đổi đời sau khi đến nơi.

    Trước những lý do trên, chúng tôi đề nghị những giải pháp quốc tế và Việt Nam như sau:

    Quốc tế nên có hành động khẩn cấp về vấn để di dân, hợp pháp hay bất hợp pháp, với chính sách và luật lệ chung để kiểm soát và chống lại các đường dây đưa lậu, buôn lậu người với bất cứ lý do nào.

    Các quốc gia phát triển đang cần rất nhiều nhân công cần có chính sách và luật pháp rõ ràng để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, chống nhập cư bất hợp pháp, chống đường dây đưa người lậu, bảo vệ người lao động không bị các công ty mướn người bóc lột hoặc tấn công thân thể và tình dục với phụ nữ.

    Tại Việt Nam, nơi vừa có trường hợp thương tâm xảy ra làm thế giới phải đau lòng, nhà cầm quyền cần có những chính sách và biện pháp cụ thể, thiết thực, không đổ lỗi cho bất cứ ai:

    Tạo cơ hội thăng tiến cho tất cả mọi công dân một cách công bằng, công khai, không lệ thuộc vào lý lịch chính trị (như phải là đảng viên hay họ hàng, hoặc những người trong các tổ chức phụ thuộc).

    Tạo môi trường sinh hoạt quốc gia thông thoáng, tự do, dân chủ, nhân bản để người dân, nhất là giới trẻ không cảm thấy bị đẩy ra ngoài lề xã hội, luôn luôn cảm thấy bị đè nén, áp bức, bị cướp đi quyền tự do, quyền mưu sinh bình đẳng của mình và gia đình mình.

    Phải diệt trừ tham nhũng và bất công xã hội bằng một thể chế có sự phân quyền, có cơ chế độc lập để kiểm soát chính quyền, tránh độc đảng… Việc chống tham nhũng hiện nay rất được hoan nghinh nhưng không thể thành công nếu còn độc đảng và không có các quyền tự do.

    Phát triển giáo dục, kinh tế trong đường hướng tự do, nhân bản, công bằng, tạo phúc lợi cho toàn dân hơn là chỉ tạo cho một bộ phận nhỏ nào đó, như đảng cai trị chẳng hạn.

    Triệt để chống nạn buôn người, nạn đưa người di dân bất hợp pháp, hoặc “xuất khẩu lao động” hợp pháp nhưng bất công, tham nhũng, bao che… Đề nghị nên bỏ từ ngữ “xuất khẩu lao động” xem người đi làm việc xa nhà như một món hàng đổi chác, tha hồ khai thác lên lưng của họ. Họ không có tiếng nói nào để than phiền, đòi được bảo vệ.

    Thật tâm hợp tác cùng quốc tế chống đường giây đưa người xuất cư bất hợp pháp.

    KẾT LUẬN

    Thật là đau lòng trước cái chết vô cùng tức tưởi, đau đớn, thê thảm của 39 người trong chiếc xe vận tải hàng tại Anh, mà nhất là tất cả đều là người Việt Nam, xuất phát từ đất mẹ dấu yêu bất cứ từ đâu. Có thể còn nhiều cảnh tượng tự khác mà không được phát hiện, được bọn tổ chức dấu nhẹm…

    Nhân dịp này, một lần nữa chúng tôi chân thành chia buồn và gia đình, bạn bè, thân thuộc, làm xóm…, xin cầu nguyện cho các hương linh nạn nhân sớm được siêu thoát nơi Cực lạc và chốn Thiên đàng, nơi không còn cảnh khổ ải.

    Nhà cầm quyền Việt Nam nên ý thức trách nhiệm của chính mình trước thảm cảnh, nhận thức rõ đâu là nguyên nhân và phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai, hoặc trách móc người khác như tờ báo “nhân dân” đã viết, cần phải thay đổi tư duy, hành động, chấp nhận một thể thế dân chủ, tự do, nhân bản để tránh những thảm họa tương tự hay những thảm cảnh to lớn khác cho dân tộc Việt Nam.

    Người dân Việt Nam trong nước cần được hưởng cuộc sống an lành, tự do, công bằng, thịnh vượng, được mưu cầu hạnh phúc như nhau cho mình, cho gia đình mình, cho xã hội và đất nước Việt Nam. Người dân cần được quyền lên tiếng mà không bị trả thù trước những bất công, áp bức…

    Chỉ có con đường duy nhất để giải quyết mọi vấn nạn tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai là một thể chế dân chủ, tự do, đa đảng, công bằng và nhân bản.


    Đỗ Văn Hội

    Tháng 11, 2019

    Không có nhận xét nào