Giới chức Trung Quốc đã ra lệnh cấm
nhập khẩu gia cầm Mỹ từ cuối năm 2014 do dịch cúm gia cầm bùng phát ở
Mỹ. Sau năm năm, bây giờ Trung Quốc đã dỡ lệnh cấm này để bù đắp thiếu
hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn Châu Phi.
Theo
hãng tin DW (Đức), Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường trở lại với
gia cầm Mỹ từ thứ Năm (14/11). Động thái này được cho là để bù đắp khoản
thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn. Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng
gần gấp đôi trong năm qua.
“Sau
khi bị đóng cửa thị trường này nhiều năm, các nhà sản xuất và xuất khẩu
gia cầm Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc mở lại thị trường với sản phẩm
gia cầm Mỹ,” Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Purdue nói trên Twitter.
Ông Sonny Purdue cho biết thêm: “Điều quan trọng là họ có thể bán sản phẩm của họ tới nhiều nơi khác trên thế giới.”
Trung
Quốc có thể nhập khẩu tất cả các loại gia cầm từ gà ta, gà tây và vịt,
cũng như các bộ phận khác nhau của gia cầm, những thứ thường không được
tiêu dùng tại Mỹ như chân gà.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng hoan nghênh việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm “không chính đáng” này.
“Trung
Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với người chăn nuôi gia cầm
Mỹ, và chúng tôi ước tính [nông dân Mỹ] bây giờ hàng năm sẽ có thể xuất
khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm sang Trung Quốc trị giá hơn 1 tỷ
USD,” ông Lighthizer nói.
Ở
chiều ngược lại, Cơ quan Kiểm duyệt và An toàn Thực phẩm Mỹ tuần trước
đã dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu gia cầm giết mổ tại Trung Quốc. Đó là một
bước khác trong việc bình thường hóa mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung khi
hai nước đang nỗ lực giải quyết cuộc thương chiến kéo dài.
Được
biết, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả gia cầm Mỹ
sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát tại Mỹ vào tháng 12/2014.
Lệnh cấm này vẫn duy trì từ đó cho tới trước ngày 14/11, bất chấp Mỹ đã dập tắt hoàn toàn dịch cúm gia cầm từ năm 2017.
Trước
khi ban hành lệnh cấm, Trung Quốc hàng năm nhập khẩu gia cầm của Mỹ trị
giá hơn 500 triệu USD, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Xuân Thành
(Trí thức VN)
Không có nhận xét nào