Việt Nam có thể cân nhắc hành động
pháp lý để giải quyết vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trong Biển
Đông, một quan chức cấp cao Việt Nam cho biết hôm thứ Tư. Lên tiếng tại
một hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói Việt Nam
sẽ ưu tiên chọn đàm phán, nhưng nếu đàm phán không mang lại kết quả, thì
Việt Nam bắt buộc phải cân nhắc “những sự lựa chọn khác”.
Tàu hải cảnh TQ (ở trên) trực diện với tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, cách bờ biển VN 210 km, ngày 14/5/2014 |
Một
số nhà quan sát từ lâu đã hối thúc Việt Nam hãy đưa vụ tranh chấp với
Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài quốc tế. Giáo sư Tạ Văn Tài, từng
giảng dạy môn luật tại Đại học Harvard, cho VOA-Việt ngữ biết ý kiến về
giải pháp kiện Trung Quốc liên quan tới những động thái tại bãi Tư
Chính.
Tọa đàm về Bãi Tư Chính ở Hà Nội ngày 6/10/2019
Tọa đàm về Bãi Tư Chính ở Hà Nội ngày 6/10/2019
Căng
thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông âm ỉ từ lâu đã đột ngột
leo thang từ tháng 7 năm 2019, sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát địa
chất Hải Dương 8 cùng đoàn tàu hộ tống vào hoạt động trong vùng biển
chung quanh bãi Tư Chính.
Những
động thái của Trung Quốc, ra vào bãi Tư Chính như chốn không người,
trong khi nơi này là khu vực mà luật quốc tế công nhận là thuộc khu dặc
quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đã gây phẫn nộ trong và ngoài
nước, dẫn đến những phát biểu hiếm hoi của Bộ Ngoại giao Việt Nam và các
quan chức cấp cao Việt Nam, công khai phản đối các hành động có tính
khiêu khích của Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền Biển Đông.
Tuyên
bố của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung rằng Việt Nam có thể phải
nghĩ tới “các lựa chọn khác” ngoài đàm phán, là phản ứng mới nhất thể
hiện sự bất bình của Hà nội trước toan tính của Trung Quốc muốn thâu tóm
gần hết Biển Đông, biến vùng biển này thành ‘ao nhà’ của họ, để tiếp
tục theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
đã hồi sinh và quyết tâm thực hiện.
Từ Hà nội, Thứ trưởng Lê Hoài Trung liệt kê các giải pháp chọn lựa của Việt Nam:
“Chúng
tôi hiểu rằng các biện pháp đó gồm tìm hiểu các tài liệu chứng minh,
nhờ hòa giải, hàn gắn, thương thuyết, trọng tài và cả kiện tụng.”
Giáo
sư luật Tạ Văn Tài của Đại học Harvard lưu ý rằng muốn có cơ may thắng
kiện, trước hết cần thấu đáo các khía cạnh pháp lý của vấn đề. Ông nói
trong các cuộc bàn luận ở trong nước cũng như trên internet, ít ai phân
biệt rõ rệt được kiện về vùng nước với kiện về đảo đá nó khác nhau như
thế nào, một mặt là kiện về đất đai, chủ quyền lãnh thổ, mặt khác là
kiện về vùng biển, và tùy trường hợp nào, luật được áp dụng và Tòa có
thẩm quyền xử cũng khác đi. Giáo sư Tạ Văn Tài giải thích rõ hơn khía
cạnh pháp lý của điểm khác biệt này.
“Nếu
mà nói kiện về Hoàng Sa với đảo Gác Ma thì nó thuộc về chủ quyền lãnh
thổ thì nó theo một quy chế khác hẳn, không phải là luật biển quốc tế
nữa mà là luật quốc tế cổ truyền từ 400 năm nay về chiếm hữu, quản lý
đất đai để mà xác lập chủ quyền của mình. Luật quốc tế cổ truyền thì do
tòa án International Court of Justice ở La Haye- tức Tòa án Công lý quốc
tế ở The Hague, có thẩm quyền, chứ không phải tòa án luật biển.”
Tòa
Luật Biển năm 2016 phán rằng các đảo đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung
Quốc nhận là của mình, không phải là đảo, và do đó không có EEZ và thềm
lục địa, mà đó là lập luận của Trung Quốc để đưa ra yêu sách chủ quyền
trùng lấp với EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.
Giáo
sư Tạ Văn Tài nói trước khi khởi kiện, Việt Nam phải khẳng định rõ ràng
mục đích vụ kiện, phải minh định rõ chủ quyền mà Việt Nam muốn bảo lưu
là “quyền về dầu khí nằm trong thềm lục địa nới rộng 350 hải lý ở khu
vực phía Nam Biển Đông”- mà Việt Nam đã lập hồ sơ và đăng ký hợp lệ” từ
nhiều năm trước.
Việt Nam và Malaysia đã gửi hồ sơ đăng ký riêng và chung hồi đầu tháng Năm 2009, trước thời hạn mà LHQ đặt ra.
Theo
Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), mỗi nước ven biển được hưởng một
vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của
nước đó. UNCLOS quy định thêm rằng nếu thềm lục địa của nước ven biển
kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài
nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục
địa mở rộng.
Giáo
sư Tạ Văn Tài khẳng định rằng trong tư cách là một nước cận duyên, Việt
Nam có quyền chuyên độc (exclusive rights), chống mọi sự xâm phạm của
các nước khác. Ông khuyên Việt Nam nên áp dụng luật nội dung về quyền
chủ quyền cho đúng.
Theo
ông thì lần này, nếu kiện đúng lúc theo luật tố tụng quốc tế thì bên
cạnh chủ quyền về thềm lục địa, Việt Nam nên kiện luôn cả các quyền ở
vùng dặc quyền kinh tế (EEZ), gồm quyền giữ môi sinh biển như bảo tồn
san hô, quyền của dân chài được mưu sinh bằng nghề đánh cá, tàu bè không
bị tấn công, đâm chìm, và không phải tuân lệnh cấm đánh cá mà Trung
Quốc đơn phương ban hành hàng năm. Giáo sư Tài nói đây là một vụ tố tụng
hết sức phức tạp, không có gì bảo đảm sẽ đi đến thắng lợi dễ dàng, tuy
vậy điều phải làm ngay bây giờ, theo ông, là cấp tốc chuẩn bị để khi
thời cơ đến, thì đã có hồ sơ sẵn sàng.
Ông hối thúc:
“Cứ
nộp đơn kiện đi, như là treo một cái bản án hay là bản tiền án trước
cửa tòa án, nói rằng ‘Tôi có bằng này những điều tôi khiếu nại với tòa
đây này, nhưng Tòa Công lý quốc tế không xử vì quy chế của tòa không xử,
nhưng tôi có sự phàn nàn lớn lao đây này, thì đấy là một biện pháp về
chính trị, ngoại giao về tuyên truyền quốc tế có thể làm được.”
Giáo
sư Tạ Văn Tài nói điều thuận lợi là đã có bản án năm 2016 của Tòa án
trọng tài quốc tế trao phần thắng cho Philippines làm tiền lệ, thì không
có lý do gì Việt Nam không có cơ may ít ra là ngang hàng vớ Philippines
để có thể thắng kiện.
(VOA)
Không có nhận xét nào