Ngay trên trang bìa, dù tựa chính
cho cơn sốt đầu tư vào ngành công nghệ giải trí tại Mỹ, được
gọi là “Bữa nhậu trị giá 650 tỷ đô la - The §650bn binge”, tuần
báo Anh The Economist (ngày 14-22/11/2019) cũng đã giới thiệu
trong một hàng tựa nhỏ một bài phân tích rất lý thú: “Hàng
không mẫu hạm, những cái đích to lớn và đầy uy lực để nhắm
bắn - Aircraft carriers, mighty big targets”.
Ba tầu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ở Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 12/11/2017. |
Ở
bên trong, tờ báo đã dành cho chủ đề này một bài dẫn nhập
mang tựa đề : “Tàu sân bay đang nằm dưới sự đe dọa của tên lửa
hiện đại”, và một bài phân tích dài về hiện tượng: “Hàng
không mẫu hạm là những con tàu to lớn, đắt tiền, dễ lâm vào
hiểm cảnh nhưng lại rất được ưa chuộng”.
Dĩ
nhiên là nói đến tàu sân bay là phải nói đến Mỹ, và tuần
báo Anh không ngần ngại cho rằng nếu các tàu sân bay Mỹ và các
chiến đấu cơ được chở theo không thích nghi được với tình huống
mới, thì các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ gặp rắc rối.
Tàu sân bay là “sai lầm về tư duy quân sự”?
Cái
nhìn của The Economist rất thẳng thắn. Tờ báo đã trích lời
của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter trong cuốn hồi
ký, theo đó: “Không một phương tiện nào thể hiện rõ sức mạnh của
quân đội Mỹ bằng một chiếc tàu sân bay”, để khẳng định ngay rằng
“Không một vũ khí nào khác minh họa rõ hơn những sai lầm trong tư
duy quân sự của Mỹ”.
Tuần
báo Anh giải thích: Hàng không mẫu hạm là những cỗ máy lớn nhất
và đắt nhất trong lịch sử chiến tranh. Một con tàu lớp Ford mới của Mỹ
có trị giá hơn 13 tỷ đô la, tức là lớn hơn cả ngân sách quốc phòng
hàng năm của Ba Lan hoặc Pakistan. Tuy nhiên, khi các loại tên lửa
chính xác trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn và nhiều hơn, những con tàu
này ngày càng giống như các mục tiêu nổi khổng lồ.
Cho
dù vậy, sức hấp dẫn của hàng không mẫu hạm vẫn rất mạnh
trên thế giới. Hiên nay, Mỹ là nước có hạm đội tàu sân bay lớn nhất
hành tinh, với 11 chiếc thuộc loại cực lớn, cùng với hơn nửa
chục chiếc nhỏ hơn. Trung Quốc đã đóng xong chiếc tàu sân bay đầu
tiên của họ và sẽ đưa vào hoạt động vài tháng tới. Tàu sân bay
hiện đại thứ hai của Anh Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển vào
tháng 09/2019. Ngay cả nước có Hiến Pháp chủ hòa là Nhật Bản cũng
đang cải tiến hai tàu khu trục để có thể mang theo máy bay phản lực,
lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Tàu
sân bay đã chứng minh đầy đủ giá trị tác chiến trong những năm gần
đây. Lực lượng vũ trang nhiều nước đã trầm trồ theo dõi việc máy
bay của Hải Quân Mỹ đảm nhận phần lớn các phi vụ ném bom trong
những tháng đầu chiến tranh ở Afghanistan (2001) và Irak (2003), và một
lần nữa vào năm 2014.
Tại
những chiến trường này, Mỹ không thể sử dụng căn cứ trên đất
liền do địa lý hiểm trở hoặc vì không được phép của các đồng
minh.
Tàu sân bay Mỹ không còn an toàn ở vùng biển gần Trung Quốc
Thế
nhưng, theo The Economist, tình hình hiện nay đã khác. Vùng biển
ngoài khơi Nga và Trung Quốc, hai đối thủ tiềm tàng của Mỹ,
đã trở nên kém an toàn hơn bao giờ hết đối với hạm đội Hoa
Kỳ.
Nga
và Trung Quốc đều đang phát triển các tên lửa tầm xa có khả năng điều
khiển từ xa và đủ chính xác để tấn công các tàu lớn trên biển. Hỏa
tiễn đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc chẳng hạn, với tầm
bắn 1.500 km, đã là một mối đe dọa đối với Mỹ. Bên cạnh đó, một
số nước đang chế tạo tên lửa hành trình chống hạm rẻ hơn, tầm hoạt
động ngắn hơn nhưng có thể được phóng đi từ máy bay.
Tên
lửa chống hạm đang phát triển về tầm bắn, độ chính xác và số lượng.
Theo một ước tính, một lực lượng hải quân Mỹ khi tiến vào bên trong
phạm vi 2.000 km quanh Trung Quốc có thể phải chịu đến 640 vật thể
tấn công trong cùng một loạt bắn.
Không thể đẩy hàng tỷ đô la và hàng ngàn người vào hiểm cảnh
Đối
với tuần báo Anh, cho dù việc hướng dẫn các tên lửa để đánh trúng
một mục tiêu di động ở ngoài xa là một điều khó khăn, nhưng không
một lực lượng hải quân nào dám để cho hàng tỷ đô la và hàng ngàn
thủy thủ lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Hàng
không mẫu hạm đã trở thành một công cụ quá quan trọng cần
phải bảo vệ và như vậy, có lẽ hạm đội Mỹ sẽ phải ở cách bờ ít
nhất 1.000 km, một khoảng cách mà máy bay chiến đấu của họ không thể
vượt qua nếu không được tiếp tế nhiên liệu.
Khả
năng kể trên có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng trên năng lực triển
khai sức mạnh của Hoa Kỳ trên khắp Thái Bình Dương và trên tất cả các
đồng minh của Mỹ.
Mặt
khác, tàu sân bay cũng sẽ phải được cả một đội khu trục hạm và
hộ tống hạm bảo vệ. Điều này đòi hỏi một ngân sách lớn, có
nguy cơ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của các lực lượng hải
quân nhỏ hơn, như của Anh và Pháp chẳng hạn.
Hàng không mẫu hạm vẫn còn hữu dụng
Cho
dù vậy, The Economist cho rằng hàng không mẫu hạm hiện nay chưa
lâm vào tình trạng lỗi thời. Hầu hết các cuộc chiến tranh sẽ không
phải là cuộc xung đột lớn. Tàu sân bay vẫn hữu dụng để chống lại
những kẻ thù không có hệ thống tên lửa hiện đại.
Ngay
cả trong các cuộc xung đột dữ dội, các chiến hạm vẫn cần đến sự
yểm trợ của không quân nhằm chống lại tàu và máy bay của địch
thủ. Chừng nào mà Hải Quân còn sử dụng tàu nổi, họ luôn luôn
muốn có phi cơ bay kèm bên trên để bảo vệ.
Vấn
đề được tuần báo Anh nêu bật tuy nhiên lại là loại máy bay nào.
Vào lúc tên lửa đẩy tàu sân bay ra xa bờ, tầm bay trung bình của phi
cơ chở theo đã bị thu hẹp, từ 2.240 km năm 1956, xuống còn khoảng
1.000 km ngày nay.
Biện
pháp khắc phục rõ ràng là sử dụng máy bay không người lái có thể bay
lâu hơn, mà lại không dùng đến phi công, cho phép các tàu sân bay
giữ khoảng cách an toàn. Nhưng Lầu Năm Góc đã vô tình loại bỏ chương
trình chế tạo một loại drone như vậy vào năm 2016, thay thế nó bằng
một loại chỉ dùng để tiếp liệu.
Các
tàu sân bay, cũng như các chiến đấu cơ chở theo, thuộc diện vũ khí
“tuyệt hảo” cực kỳ đắt tiền. Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn, sử
dụng các hệ thống nhỏ hơn, rẻ hơn và, nếu có thể, không cần đến
người lái, có thể được mua với số lượng lớn hơn, phân bố rộng rãi hơn
và sử dụng một cách táo bạo hơn. Loại phương tiện này có thể không
oai phong bằng các tàu chiến lớn, nhưng thích hợp hơn với một thế giới
trong đó việc triển khai sức mạnh quân sự ngày càng khó khăn hơn.
The Economist: Disney, Netflix và cuộc chiến streaming
Như
nói ở trên, trang bìa The Economist tuần này được dành cho cuộc
chạy đua tranh giành thị trường phim ảnh trực tuyến (streaming)
đang diễn ra giữa các đại gia Mỹ, vốn đã bỏ ra đến 650 tỷ đô
la đầu tư.
Dưới
tựa đề : “Netflix, Disney và cuộc chiến để giành quyền kiểm soát
nhãn cầu (của khán giả)”, tuần báo Anh đã tự hỏi là ai sẽ
thắng trong cuộc chiến tranh truyền thông, đặc biệt sau sự nhập
cuộc mới đây của chàng khổng lồ trong lãnh vực giải trí là
Disney, vừa khai trương dịch vụ cung cấp phim ảnh trực tuyến của
chính mình.
Đối
với The Economist, nước Mỹ đã từng chứng kiến nhiều sự bùng nổ
đầu tư ngoạn mục, như vào ngành đường sắt trong những năm 1860, ngành
công nghiệp xe hơi Detroit vào những năm 1940 hay ngành dầu khí trong
thế kỷ này. Thế nhưng, vào lúc này, cơn sốt đang dâng lên không
dính líu gì đến sắt và cát, mà lại liên quan đến kịch bản, âm
thanh, màn hình và các nghệ sĩ tên tuổi.
Trong
tuần này, Disney đã ra mắt một dịch vụ xem video trực tuyến với
những bộ phim lừng lẫy như Star Wars và các tác phẩm ăn khách
khác trong kho phim khổng lồ mà tập đoàn này sở hữu, với giá
chỉ là 6,99 đô la một tháng, ít hơn cả tiền mua một đĩa DVD.
Đã có hơn 700 triệu khách hàng
Vào
lúc mô hình kinh doanh do Netflix khai mở được hàng chục đối thủ
sao chép, đã có hơn 700 triệu người đăng ký trả tiền xem video trực
tuyến trên toàn thế giới. Khoảng 100 tỷ đô la được đầu tư vào
việc soạn thảo nội dung các bộ phim trong năm 2019, tương đương
với khoản rót vào ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Tổng cộng, ngành
công nghiệp giải trí đã chi ít nhất 650 tỷ đô la cho việc mua lại và
soạn thảo chương trình trong năm năm 2018.
Đối
với The Economist, công nghệ và ý tưởng mới đã làm rung chuyển ngành
âm nhạc, chơi game và bây giờ đến lượt ngành truyền hình.
Ngày
nay, nhiều người đã gắn liền các thay đổi kinh tế với tình trạng
cuộc sống ngày càng xấu đi: công ăn việc làm bị mất đi, con người bị
gạt ra bên lề xã hội hoặc sống trong sự kềm tỏa độc đoán của
thế giới ảo bắt nguồn từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo tuần báo Anh, sự bùng nổ của video trực tuyến
cũng là một lời nhắc nhở rằng một thị trường năng động có thể mang
lại lợi ích cho người tiêu dùng với giá thấp hơn và chất lượng tốt hơn.
Cho
đến nay, các chính quyền không có vai trò gì nhiều trong việc
thúc đẩy thị trường này phát triển, nhưng khi nó đạt đến đỉnh
điểm, nhà nước sẽ có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng
thị trường vẫn mở và sôi động.
Courrier International: Hãy cẩn thận với các thuật toán dự đoán tương lai
Cũng
chú ý đến công nghệ mới, nhưng dưới một khía cạnh đáng sợ
hơn, tuần báo Pháp Courrier International đã dành hồ sơ chính và
trang bìa cho các “Thuật toán (Algorithmes)” mà theo tờ báo,
được dùng để “dự đoán tương lai của chúng ta” - tựa lớn trang
bìa.
Đối
với Courrier International, các thuật toán dự đoán là một công nghệ
ngày càng được nhiều nước sử dụng để dự đoán các hành vi nguy hiểm.
Việc sử dụng công nghệ này đang đặt ra vô số câu hỏi.
Theo
tạp chí Pháp, mọi sự bắt đầu từ một phóng sự của tờ báo Anh The
Guardian về thị trấn Bristol. Ở đấy, gần một phần tư trong số 170.000
dân bị một chương trình dự đoán dành cho nhân viên xã hội theo dõi, một
chương trình được bổ sung bằng dữ liệu từ cảnh sát, bộ Nhân Dụng, cơ
quan Y Tế Quốc Gia NHS…
Theo
The Guardian: “Những người bị giám sát nhận được điểm số từ 1 đến
100, tương ứng với khả năng họ can dự nhiều hay ít vào những hành vi vô
phép tắc, gây hại cho trẻ em, hoặc biến mất không để lại tung tích”.
Courrier
International ghi nhận: Ở những nơi khác tại Vương Quốc Anh, và cả ở
Mỹ, một số phần mềm mà cảnh sát sử dụng có chức năng dự đoán nguy cơ
tái phạm của một cá nhân. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến bản án, hay
đóng vai trò quan trọng trong việc cho tại ngoại hay không.
Theo
tạp chí khoa học Nature, tại các bệnh viện Mỹ, các bệnh nhân da đen có
nguy cơ bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống với một thuật toán
thường được sử dụng để xác định các dịch vụ y tế cung cấp cho mỗi bệnh
nhân.
Nhật
báo Anh Financial Times đã nêu bật vấn đề: Những chương trình tin học
được dùng để thiết lập hồ sơ về mỗi người (qua đó phân biệt người tốt,
người xấu) hoàn toàn không khách quan, và rất thường phản ánh định kiến
của những người thiết kế ra các chương trình đó.
Các loại công cụ đó không khỏi gợi đến một số cách làm đang được các chế độ độc đoán áp dụng.
Từ
năm 2014, Trung Quốc đã thử nghiệm một hệ thống xếp hạng công dân để có
thể xử phạt hoặc khen thưởng hành vi của các cá nhân. Mang tên gọi là
“tín chỉ xã hội”, hệ thống đánh giá này sẽ được phổ cập vào năm 2020.
Những ai bị hệ thống “hạ uy tín” sẽ phải coi chừng: Đi du lịch, tìm
việc làm hoặc nhà ở đối với họ có thể sẽ rất khó khăn.
(RFI)
Không có nhận xét nào