Header Ads

  • Breaking News

    Stalin đã bị một thích khách Nam Tư sát hại theo lệnh của Tito?

    Suốt 2 ngày trời Stalin bị tai biến, không một bác sĩ nào được gọi đến.


    Có một nhân vật mà lịch sử đã tốn không ít giấy mực khi viết về ông, ca ngợi có, lên án cũng có, đúng như lời tiên đoán của ông trước khi mất rằng: “Sau khi tôi mất đi, chắc chắn có nhiều kẻ đổ rác trên nấm mồ của tôi”. Nhân vật đó chính là nhà lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin. Ông mất năm 1953, nhưng trong suốt 60 năm qua, người ta vẫn không ngừng nghiên cứu về ông, về cả cái chết đầy bí ẩn của ông.

    Đã có không ít những nghi vấn xoay quanh cái chết của nhà lãnh tụ Xô Viết này và trong suốt nhiều năm nay người ta vẫn cố công đi tìm sự thật. Mới đây, Cục lưu trữ Nga đã bất ngờ công bố những tài liệu quý về Stalin khiến không ít những cái đầu tò mò cảm thấy thỏa mãn vì có thể phần nào giải đáp được những hoài nghi, thắc mắc của họ về nhân vật này.

    Người đàn ông trong khu biệt thự đồng quê

    Khi đó ở tuổi 73, Stalin vẫn là một người hăng say với công việc. Ông vẫn làm việc 15 đến 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Dường như ông vẫn muốn nắm mọi thứ, muốn biết tất cả, đọc và ghi chú một lượng báo cáo khổng lồ, dự vô số cuộc họp, thảo ra các thông cáo, chỉnh sửa các bài báo, viết lại các sách về lịch sử và tiếp tục soạn thảo các lý luận chính trị. Đôi khi ông cũng dành chút thì giờ cho những vấn đề nhỏ nhặt như viết thư trả lời cho một nhà giáo bất mãn với cấp trên, hay một công nhân đang cần một lời khuyên từ ông.

    Stalin vẫn ăn mặc rất giản dị, với những bộ quần áo đơn sơ, chiếc nón kết cũ và đôi giày bốt đã sờn. Đôi khi ông mặc nguyên quần áo, ngủ quên suốt đêm trên chiếc ghế sofa. Về sức khỏe, ông yếu hẳn đi từ sau khi chiến tranh chấm dứt. Những người thân cho biết, đôi khi ông ngất xỉu vì lao lực. Ông bị thấp khớp trầm trọng và nghiêm trọng hơn là một chứng bệnh ở não đã gây ra những giây phút lú lẫn và hoang tưởng.

    Ngay cả trong hành lang điện Kremli, Stalin chỉ di chuyển khi có cả một đội ngũ cận vệ đi phía trước và phía sau hộ vệ. Khi đi ra ngoài, ông sử dụng ba chiếc xe hơi, trong đó có hai chiếc nhằm đánh lạc hướng. Chỉ có những đầu bếp trung thành mới được nấu ăn cho ông, và các chai rượu đặt trên bàn phải còn nguyên nắp.

    Văn phòng của ông trong dinh thự chính phủ được coi như nhà ở thực thụ, một nhà nghỉ rộng mênh mông và tiện nghi ở Kountsevo là những ngôi đền thánh được giám sát chặt chẽ, được bảo vệ bởi những cận vệ đã qua chọn lựa gắt gao, và chỉ nhận lệnh trực tiếp từ Stalin.

    Nếu vào cuối ngày, Stalin muốn giải trí một chút ở nhà hát Bolchoi hay trong phòng chiếu phim của điện Kremli, thì luôn có những người tâm đầu ý hợp trong chính phủ đi kèm. Những buổi tối như thế nhất thiết phải kết thúc tại Kountsevo, cách điện Kremli nửa tiếng đồng hồ đi ô tô. Khi đó Stalin nghỉ ngơi ở một trong những căn phòng của mình, đôi khi trên chiếc ghế dài ở một trong những phòng khách.

    Vào cuối buổi chiều ngày 28/2/1953, sau một ngày đọc báo cáo, nói chuyện với các cận vệ, đi dạo trong khu vườn tuyết phủ rồi thư giãn bằng cách tắm hơi, Stalin đến điện Kremli và gặp bốn đồng chí quen thuộc, trong đó có thêm Thống chế Vorochilov – một trong những lãnh đạo quân đội hiếm hoi còn được ông ưu ái. Sau cuộc họp khoảng hai mươi phút thì các lãnh đạo cao cấp kia xem phim, còn ông rời văn phòng làm việc và trở về nghỉ ngơi tại khu biệt thự đồng quê của mình ở Kountsevo.

    Vào khoảng 23h, những người đồng chí ghé khu biệt thự của Stalin, có vẻ như là họ muốn thăm ông. Như thường lệ, đó là một buổi tối nghiêm túc và vui nhộn. Họ nói chuyện với nhau về kinh tế, và nhiều hơn một tí về chiến tranh Triều Tiên... Vào khoảng 4 giờ sáng, Stalin tiễn chân các khách mời đến tận những chiếc Limousine của họ. Ông ta nhìn họ khuất dần, trở về căn phòng ấm cúng, cho các cận vệ đi nghỉ, rồi thả người trên chiếc ghế sofa trong phòng ăn. Người ta đóng cửa lại. Ánh sáng trong ngôi nhà nghỉ lần lượt được tắt đi.

    Stalin thường đi ngủ rất muộn và không ai dám đánh thức ông dậy. Từ vệ sĩ, những người giúp việc cho tới quản gia, không ai có quyền bước vào phòng nếu không được gọi. Ông thường ngủ đến 10 hay tận 11 giờ trưa hôm sau. Có thể nói giấc ngủ của ông là bất khả xâm phạm. Do vậy vào sáng ngày 1/3, khi mặt trời đã lên cao, ánh nắng đã chiếu rọi cả vào phòng thì ông vẫn chưa dậy.

    Người quản gia không dám đánh thức ông. Các cận vệ chờ đợi được gọi vào. Thời gian trôi qua, nhưng không ai lo lắng cả. Lãnh tụ có thể đã thức dậy làm việc trong đêm, hoặc đang tập trung vào mớ hồ sơ. Ông có đầy đủ đồ ăn thức uống trong phòng. Có thể là ông không muốn ai làm phiền.

    12 giờ trưa, rồi 13 -14h vẫn chưa thấy lãnh tụ ra ngoài như thường lệ. Tâm trạng lo ngại mơ hồ có thể cảm thấy nơi những cận vệ và phía người quản gia. Bất chợt vào khoảng 18h30 mới có ánh sáng đèn trong phòng ông, đội cận vệ nhẹ lòng được một chút. Đến 22h, một chiếc xe hơi của điện Kremli mang đến các thư từ và hồ sơ. Trưởng đội cận vệ trực hôm ấy, Lozgatchev, vẫn còn do dự nhưng rốt cuộc quyết định bước vào gian phòng ăn nhỏ.

    Khi cánh cửa được dè dặt mở ra, anh hiểu vì sao đã không được triệu đến trong ngày: Stalin nằm dài trên thảm trải sàn, mặc chiếc áo lót mình, còn chiếc quần pyjama thì ướt đẫm nước tiểu. Lozgatchev vội chạy đến và nhận ra Stalin vẫn còn sống, nhưng không nói được nữa, chỉ rên nhỏ. Chiếc đồng hồ và tờ báo Pravda rơi dưới đất. Đồng hồ ngưng ở vạch 6h30.

    Đại tá Starotsine và quản gia Boutouzova được gọi đến. Người ta đưa ông lên chiếc ghế sofa, rồi chuyển sang một chiếc ghế dài khác trong phòng ăn lớn, thoáng khí hơn. Tuy nhiên, không một cận vệ nào cảm thấy sự cần thiết phải gọi một bác sĩ ngay lập tức bởi họ lo sợ việc này có thể gây hậu quả xấu trong thời điểm bị cho là có vụ âm mưu phản loạn “áo choàng trắng”.

    Và Khrustalev đã gọi điện khẩn cho bộ chính trị, nhưng đầu dây bên kia chậm trả lời và không nhanh chóng gọi cấp cứu. Chính sự chậm trễ gọi bác sĩ trong thời điểm cần thiết và duy nhất để cứu tính mạng Stalin đã gây nghi ngờ rằng ông bị đội trưởng đội bảo vệ tiêm thuốc ngủ theo lệnh của giám đốc KGB Beria.

    Đến ba giờ sáng, tức hơn 20 tiếng đồng hồ sau khi Stalin bị tai biến, Beria và Malenkov mới đến nơi. Beria quát mắng các cận vệ đang nài nỉ gọi bác sĩ. Ông ta và các quan chức chính phủ muốn tận mắt xem có phải đúng là ông bị trúng gió như lời bà phục vụ đã nói không. Beria cho rằng ông chỉ đang ngủ, những tiếng thở dốc của ông có thể bị lầm tưởng là tiếng ngáy.

    Ông ta còn chặn họng viên cảnh vệ và bà phục vụ: "Các người còn hoảng loạn nỗi gì? Đi ngay khỏi đây, cấm không được phá rối giấc ngủ của lãnh tụ”. Ông ta còn đe dọa sẽ tính sổ với họ rồi cùng với các quan chức chính phủ đi ra xe. Nhưng chỉ sau đó vài giờ, họ lại trở lại vì bà phục vụ và các nhân viên cảnh vệ đã bực tức không thể kiên nhẫn được nữa.

    Có thể Beria đã hiểu rằng Stalin sẽ không qua khỏi nếu không được chạy chữa. Nhưng nếu không cố gắng cứu chữa cho Stalin thì vẫn hơn. Quyền lực đang bỏ trống, và tốt nhất nên nắm lấy. Cuối cùng các quan chức chính phủ yêu cầu phải đưa người bệnh sang một phòng bên cạnh, cởi bỏ quần áo cho ông và đặt ông lên giường.

    Lúc đó các bác sĩ vẫn chưa tới và nhìn từ góc độ y học, có thể nói việc đưa người bệnh rời khỏi chỗ ngã là không có lợi, khi người bệnh bị trúng gió thì không nên di chuyển. Và một điều cần phải nói là những bác sĩ ở ngay gần đó cũng không được gọi tới khám cho Stalin.

    Trong khi ông nằm chờ được cứu chữa thì Beria và ba ủy viên “Bộ Chính trị cơ động” tranh luận gay gắt để phân chia quyền hành, củng cố vị trí mình và giữ cho các đối thủ tiềm năng phải đứng ngoài cuộc. Các cận vệ và người hầu cận ở Kountsevo nhận lệnh không được tiết lộ những gì đã xảy ra. Thế nên thêm một ngày nữa trôi qua, mà không có bác sĩ nào được mời đến.

    Cuối cùng, các nhân viên của MGB và Maria Boutouzova, càng lúc càng lo lắng, cố gắng liên lạc lần nữa với Malenkov. Ông này xiêu lòng, bèn gọi cho Beria và Khrouchtchev, hai người này đùn đẩy sang Bộ trưởng Y tế Tratiakov. Rốt cuộc ông bộ trưởng cho gửi đến một toán y bác sĩ do giáo sư Loukomski dẫn đầu. Họ đến nơi vào lúc 7 giờ sáng ngày 03/03, tức 48 giờ sau khi Stalin gặp nạn.

    Một cái chết khó hiểu

    Đến lúc này Stalin mới được các bác sĩ thăm khám. Họ run rẩy vì sợ hãi, bắt tay vào công việc. Họ cởi quần áo bệnh nhân, gỡ bộ răng giả ra và chẩn đoán. Nhịp tim và huyết áp thấp, nửa người bên phải bị liệt, nửa người trái bị những cơn co giật. Kết quả tỏ ra bi quan: Stalin bị xuất huyết não trái, nặng đến nỗi có thể chắc chắn rằng ông ta không bao giờ còn làm việc được nữa.

    Các bác sĩ kê toa thuốc để rửa và đặt những con đỉa sau tai trái. Rồi đáng sợ thay, đội ngũ hùng hậu ra đi, để lại một bác sĩ thần kinh, một bác sĩ đa khoa, một nữ y tá. Người bệnh được chỉ định là phải…nghỉ ngơi và ăn kiêng.

    Vào cuối ngày, các thành viên Bộ Chính trị trở về điện Kremli. Việc điều hành tạm thời được giao cho Malenkov. Vị trí người đứng đầu an ninh nội chính của Beria càng vững chắc hơn. Cùng với Malenkov và Khrouchtchev, ông ta còn được giao trách nhiệm sắp xếp các giấy tờ của Stalin. Ba người này lập tức bắt tay vào công việc, mở các rương giấy tờ bí mật nhất và hủy đi tất cả những gì tố cáo họ có tham gia các vụ thanh trừng trong quá khứ và hiện tại.

    Đến sáng 4/3 các đài phát thanh đã có thể công bố căn bệnh của Stalin. Sáng sớm 5/3, radio loan báo mạng sống của Stalin đang lâm nguy. Tại Kountsevo, Stalin dường như vẫn luôn ngủ trên chiếc ghế sofa, đôi khi có mở mắt, phát ra được đôi ba tiếng động nhưng không thể nào trả lời những câu nói được người ta thầm thì bên tai.

    Sau này, con gái ông cho biết: “Có lúc ông bỗng mở mắt ra, nhìn bao quát những ai đang đứng xung quanh. Đó là một cái nhìn khủng khiếp, hoảng loạn và giận dữ, chứa đầy nỗi kinh hoàng trước tử thần và khuôn mặt của các thầy thuốc không quen biết bao quanh. Ánh mắt ấy bao trùm lấy chúng tôi trong một chớp mắt. Rồi ông giơ bàn tay trái lên – có thể là ông chỉ cho chúng tôi điều gì đó trên cao, hoặc là ông đe dọa tất cả mọi người. Hành động này khó thể hiểu được”.

    Vào buổi sáng 5/3, Stalin yếu dần: buồn nôn, khó thở, ói ra máu, trụy tim mạch liên tục, biến chứng ở tim và ngộp thở. Đến buổi chiều hôm đó, ông trút hơi thở cuối cùng. Thi hài ông được đưa đi để phẫu thuật. Mọi người ở biệt thự đều tuân lệnh của Beria là rời khởi đây. Bà phục vụ, viên cảnh vệ, những người từng đòi gọi bác sĩ ngay lập tức để khám cho Stalin đã bị buộc thôi việc. Và tất cả mọi người ở đây đều được lệnh là phải giữ mồm giữ miệng.

    Ngôi biệt thự bị đóng cửa, cửa lớn bị niêm phong giống như chưa từng có sự tồn tại của tòa biệt thự. Ngày 9/3, xác của Stalin được trọng thể đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng tại lăng mộ ở Quảng trường đỏ.

    Như vậy trong cái chết của Stalin rõ ràng là có bàn tay của Beria và những quan chức chính phủ. Một điều dễ nhận thấy là hành động của các quan chức chính phủ khi thấy Stalin lâm nạn khiến người ta khó hiểu. Vì sao sau khi nhận được điện báo của người cảnh vệ, Beria và những cộng sự của ông ta đã đến khu biệt thự mà họ không gọi ngay cho bác sĩ?

    Khi họ nghe Beria nói rằng Stalin đang ngủ, đừng làm cho ông ta mất ngủ, thế là tất cả họ lại trở về nhà và điều này làm cho người ta cảm thấy kỳ quặc. Sự việc càng làm tăng thêm nghi vấn là, sau khi viên cảnh vệ phát hiện Stalin đang mặc quần áo ngủ nằm dưới nền nhà, vì sao anh ta lại không gọi y tá đến giúp sức? Cần biết rằng, thời gian quý báu đó đã bị bỏ lỡ.

    Vấn đề cuối cùng này đã được trả lời ngay sau khi Stalin mất không lâu. Lãnh tụ Stalin đã xây dựng cho mình một đội con tin có một chế độ quản lý riêng, theo quy tắc làm việc tỉ mỉ đã được Beria phê chuẩn, nếu không được ông ta phê chuẩn thì bác sĩ không được đến chỗ Stalin. Biện pháp phòng ngừa này được áp dụng sau khi Viện sĩ Venogratop bị bắt.

    Nói thực ra, “vụ án y tế” từng sôi động một thời bắt đầu từ Venogratop. Bác sĩ riêng của Stalin phát hiện thấy tình hình sức khỏe của ông đã xấu đi rất nhiều, viện sĩ đề nghị cần giảm bớt nhiều công việc quá căng thẳng, Stalin tỏ ra tức giận với việc chẩn đoán này. Từ đó, ông không cho phép viện sĩ vào căn phòng của mình nữa, và ít lâu sau, bác sĩ bị tống vào tù.

    Khi Stalin qua đời, người ta phát hiện có một lá thư ngay trong phòng của ông, nó được viết bởi cố Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito, người đã cầm quyền cai trị nhà nước Nam Tư trong suốt 27 năm. Stalin đã cố gắng bằng mọi giá phải tiêu diệt Josip Broz Tito trong nhiều dịp khác nhau. Ông cảm thấy bất ổn với Tito vì Tito có cơ hội thoát khỏi các quốc gia Serbia, Croatia và Slovenia và đưa Nam Tư trở thành một nhà nước độc lập, thoát khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô.

    Stalin luôn sống trong trạng thái cảnh giác với Tito và từng ám sát Tito đến 22 lần vào những năm sau Thế chiến II. Trong lá thư bí mật mà Tito gửi cho Stalin có lời tuyên bố rằng trong khi Stalin phái đi nhiều “thích khách” thì Tito chỉ cần một là đủ.

    Chính điều này đã khiến sử gia danh tiếng người Slovenia Joze Pirjrvec nghi ngờ rằng Tito có thể ra lệnh cho một thích khách Nam Tư tiến hành ám sát Stalin. Tuy nhiên, xoay quanh cái chết của vị lãnh tụ Liên Xô một thời này vẫn còn trùng trùng nghi vấn mà có lẽ chỉ có nhân vật chính mới thực sự biết nó là gì.

    (Fb Phạm Viết Đào)

    Không có nhận xét nào